Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Đối mặt với một trong hai bệnh, ung thư hoặc tiểu đường đã là hết sức khó khăn với người bệnh. Việc phải đối mặt với cả hai bệnh cùng một lúc có thể tạo ra gánh nặng và sự căng thẳng hơn rất nhiều cho họ. Tuy nhiên, vẫn có những cách hiệu quả để để giúp những bệnh nhân đang mắc cùng lúc hai bệnh này. Trong đại dịch COVID-19, điều quan trọng đối với người bệnh là tìm ra cách giảm nguy cơ mắc COVID-19 và/hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng nếu bị nhiễm Covid.
Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không thể sản xuất hoặc sử dụng insulin (một loại hooc-môn do tụy sản xuất) một cách bình thường. Insulin giữ vai trò chuyển hóa đường, tinh bột và các loại carbonhydrate khác thành năng lượng để cơ thể sử dụng. Phần lớn thực phẩm chúng ta ăn vào sẽ được chuyển hóa thành glucose (đường) –một nguồn nguyên liệu chính của cơ thể. Sau khi được hấp thu, glucose sẽ vào máu, và tại đây, với tác động của insulin, glucose sẽ đi vào bên trong các tế bào của cơ thể và trở thành nguyên liệu cho tế bào hoạt động.
Trong trường hợp tụy sản xuất quá ít hoặc không sản xuất không đủ insulin, hoặc các tế bào của cơ thể không thể đáp ứng với insulin một cách bình thường, sẽ dẫn đến glucose bị tích tụ trong máu khiến tế bào của cơ thể bị mất đi nguồn nguyên liệu chính để hoạt động. Bên cạnh đó, khi lượng đường trong máu quá cao trong một thời gian dài sẽ khiến các tế bào khác trong cơ thể cũng bị tổn thương.
Mối liên quan giữa ung thư và tiểu đường
Khoảng 8-18% người bệnh ung thư đồng thời cũng bị mắc tiểu đường. Trong khi nhiều người biết mình bị tiểu đường từ trước khi có chẩn đoán ung thư thì không ít người lại chỉ phát hiện ra bệnh tiểu đường sau khi có chẩn đoán ung thư hoặc trong quá trình điều trị ung thư.
Bệnh tiểu đường được chia thành hai loại chính:
Ngoài ra, một số phụ nữ có thể mắc tiểu đường trong khi mang thai, tình trạng này được gọi là tiểu đường thai kỳ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, người mắc bất kỳ loại tiểu đường nào trong ba loại kể trên đều có nguy cơ cao bị các triệu chứng nghiêm trọng nếu bị nhiễm COVID-19. Cơ quan này cũng khuyến cáo người bệnh tiểu đường cần chuẩn bị sẵn thuốc tiểu đường đủ dùng trong ít nhất 2 tuần, kiểm tra đường máu ít nhất 4 tiếng/lần và tuân thủ những hướng dẫn về quản lý trong những ngày bị nhiễm bệnh.
Bí quyết giúp kiểm soát bệnh tiểu đường khi điều trị ung thư
Hình 1: Tuân thủ việc dùng thuốc, theo dõi đường máu thường xuyên, tập thể dục đều đặn, chế độ ăn phù hợp và tính toán lượng carbonhydrates hợp lý là những mắt xích quan trọng giúp bạn kiểm soát tiểu đường tại nhà
Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường trong khi điều trị ung thư là điều vô cùng quan trọng. Trước tiên, bệnh ung thư và điều trị ung thư có thể gây thay đổi chuyển hóa của cơ thể, làm khởi phát hoặc nặng lên các triệu chứng của tiểu đường. Bên cạnh đó, nếu lượng đường cao trong máu do bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, vốn đang cần phải mạnh mẽ để chống lại bệnh ung thư. Ngoài ra, tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể gây trì hoãn việc điều trị ung thư hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình điều trị.
Dưới đây là 10 bí quyết giúp bạn kiểm soát tốt bệnh tiểu đường:
1. Tự trang bị kiến thức cho bản thân. Cố gắng học hỏi càng nhiều càng tốt các kiến thức về bệnh tiểu đường và sự ảnh hưởng của nó tới điều trị ung thư. Nâng cao kiến thức về bệnh sẽ giúp bạn tự chăm sóc bản thân tốt hơn, giúp ngăn ngừa hoặc giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường.
2. Lên kế hoạch. Hãy trao đổi với bác sỹ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng về mục tiêu kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn. Việc đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc quản lý bệnh tiểu đường của mình sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tốt hơn
3. Giữ cân bằng. Để duy trì đường máu ở mức ổn định và tránh mệt mỏi trong quá trình điều trị ung thư, điều quan trọng là bạn cần tuân thủ nghiêm túc lịch trình hoặc thói quen tốt hàng ngày. Cố gắng cân bằng hợp lý trong chế độ ăn, luyện tập thể dục, cân đối lượng đường đưa vào và tuân thủ việc dùng thuốc. Ngoài ra, bạn cần uống đủ nước và tránh bỏ bữa. Để phòng khi không chuẩn bị được một bữa ăn như thường ngày, bạn cần mang theo đồ ăn nhẹ phù hợp bên mình.
4. Kiểm soát đường máu. Một số phương pháp điều trị ung thư có thể gây tăng đường máu. Giữ đường máu trong phạm vi cho phép có thể giúp bạn tránh được nhiễm trùng, buồn nôn,mệt mỏi, và những biến chứng bất lợi khác
5. Theo dõi huyết áp. Bệnh tiểu đường và tăng huyết áp có thể gây tổn thương mạch máu. Huyết áp cũng có thể gây suy giảm hệ miễn dịch, làm hạn chế khả năng chống lại vi-rút gây bệnh. Để giữ huyết áp trong giới hạn bình thường, bạn cần luyện tập những thói quen có lợi cho sức khỏe như ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên.
6. Ăn uống thông minh. Để duy trì đường máu ổn định, bạn cần kiểm soát một cách cẩn thận những thứ mình ăn, ăn bao nhiêu và ăn vào lúc nào. Điều này có thể là một thách thức trong quá trình điều trị ung thư nếu bạn cảm thấy buồn nôn hoặc gặp khó khăn khi nuốt thức ăn. Duy trì cân bằng giữa ba thành phần: carbonhydrates (đường và tinh bột), chất béo và protein. Lựa chọn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và đậu, giảm sử dụng đường trắng, đường tinh luyện, đường đơn, bánh ngọt và kẹo. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng một chế độ ăn phù hợp với nhu cầu và sức khỏe của bạn
Hình 2: Tư vấn dinh dưỡng dành cho người bệnh và người chăm sóc được tổ chức thường quy tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội Nguồn: Khoa Dinh dưỡng- tiết chế, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội |
7. Duy trì hoạt động thể chất. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp tăng hiệu quả hấp thu và chuyển hóa đường của tế bào. Tập thể dục cũng giúp tăng khối cơ, từ đó giúp giảm tình trạng kháng insulin. Bên cạnh đó, tập thể dục cũng giúp cải thiện tâm trạng và giúp bạn thư giãn. Chuyên gia trị liệu phục hồi chức năng có thể giúp bạn lên một chương trình tập luyện phù hợp ngay tại nhà.
8. Tránh những thói quen có hại cho sức khỏe. Khi bạn mắc ung thư và tiểu đường, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hút thuốc sẽ cao hơn. Hút thuốc gây suy giảm hệ miễn dịch, khiến bạn dễ bị cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp. Bạn cũng nên tránh uống nhiều rượu, vì rượu có thể gây mất nước và làm suy yếu hệ miễn dịch
9. Kiểm soát căng thẳng. Bất kể bạn có khả năng ứng phó tốt như thế nào thì ung thư và tiểu đường cũng có thể khiến bạn căng thẳng ở mức độ nhất định. Căng thẳng có thể kích thích cơ thể sản xuất ra một loại hooc-môn làm ức chế hoạt động của insulin, từ đó làm đường máu tăng lên. Hãy thử những cách khác nhau để làm giảm căng thẳng như: liệu pháp thư giãn, liệu pháp phân tâm, yoga, …
10. Chia sẻ những cảm xúc của mình với người khác. Hãy chia sẻ những lo lắng của bạn với gia đình, bạn bè cũng như những người đang ở tình cảnh giống bạn. Bạn có thể xem xét tham gia những nhóm hỗ trợ cho người bệnh ung thư mắc tiểu đường. Mở lòng với mọi người có thể giúp bạn bớt cô đơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nguồn: Trung tâm điều trị ung thư Hoa kỳ www.cancercenter.com
Đường dẫn: https://www.cancercenter.com/community/blog/2020/05/tips-diabetes-cancer
Biên dịch: ThS.BS. Lê Công Định - Khoa Nội Tiêu hóa Theo yêu cầu
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT và NCKH