1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

3 CHỊ EM GÁI RUỘT CÙNG BỊ U BUỒNG TRỨNG

22/06/2024 - 11:37

Theo nghiên cứu trên toàn thế giới, ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp thứ hai sau ung thư cổ tử cung và cũng là ung thư đường sinh dục gây tử vong cao thứ hai sau ung thư cổ tử cung. Ở Việt Nam, ung thư buồng trứng là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao hàng đầu ở nữ giới. Ung thư buồng trứng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến yếu tố di truyền. Trường hợp dưới đây của 3 chị em gái ruột cùng bị u buồng trứng là một minh chứng cụ thể.

Chị Nguyễn Thanh S., sinh năm 1968, trú tại quận Hai Bà Trưng – Hà Nội là một giảng viên đại học. Chị tình cờ phát hiện mình có u ở buồng trứng vào năm 2015 trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát do cơ quan tổ chức. Chị S. cho biết, hàng năm, chị cũng thường đi khám sức khỏe định kỳ, nhưng chủ quan không siêu âm nên không phát hiện ra. Đặc biệt, cùng lúc, cả em gái chị S. là chị Nguyễn Thị H., sinh năm 1971, cũng được chẩn đoán mắc bệnh này. Sau đó, 2 chị em cùng đi phẫu thuật cắt u tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, kết quả sinh thiết là u ác tính, ung thư buồng trứng giai đoạn 1. Trong đó, tình trạng của chị S. nặng hơn, cần phải tiến hành hóa trị nên được chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Ảnh 1: Hồ sơ khám bệnh của 2 chị em ruột cùng bị K buồng trứng

Chị S. tâm sự: “Ban đầu, khi nghe đến ung thư, tôi cũng hoang mang, lo sợ lắm! Khi vào viện, được các bác sĩ tại khoa Nội – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội giải thích cặn kẽ, đồng thời gặp gỡ, trò chuyện với nhiều bệnh nhân khác thì tâm trạng ổn định dần. Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác vì phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm”. Cũng theo chia sẻ của chị S., trong 4 tháng nhập viện truyền hóa chất, cuộc sống của gia đình chị bị xáo trộn khá nhiều, mọi người phải thay phiên nhau vào viện chăm sóc, công việc của chị cũng bị gián đoạn một thời gian. Tuy nhiên, sau khi chị được các bác sĩ xác định tình trạng sức khỏe đã ổn và cho xuất viện, mọi thứ nhanh chóng trở lại trật tự.

Từ năm 2016 đến nay, hai chị em chị S. cứ 3 tháng lại đi kiểm tra sức khỏe 1 lần, các kết quả đều rất khả quan. Bên cạnh đó, nhờ luôn tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ như: có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học, tích cực luyện tập thể dục… nên hiện tại, 2 chị hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn đi làm hàng ngày và có cuộc sống bình thường như bao người. “Nếu tôi không kể, thì không ai nghĩ tôi là một bệnh nhân ung thư. Đặc biệt là giờ tôi còn biết trân trọng sức khỏe hơn, chú trọng chăm sóc bản thân hơn trước”, chị S. chia sẻ.

Chị S. cho biết thêm, chị còn có 1 người em gái khác là chị Nguyễn Thúy H., sinh năm 1969 đang định cư ở Mỹ. Khi được các bác sĩ tư vấn đây là bệnh có yếu tố di truyền, chị đã nhanh chóng nhắn em gái đi khám sức khỏe. Quả nhiên, chị Thúy H. cũng nhận được kết quả chẩn đoán có u ở buồng trứng, may mắn trường hợp này là u lành tính.

Qua câu chuyện của mình, chị S. hy vọng có thể nhắn nhủ tới mọi người về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ. Bởi ung thư nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi là rất cao. Hơn nữa, chi phí khám chữa bệnh nếu được bảo hiểm chi trả cũng không mấy tốn kém.

Ảnh 2: Chị S. và em gái thường cùng nhau đi khám định kỳ 3 tháng/lần

Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp khá điển hình của ung thư buồng trứng có nguyên nhân do yếu tố gia đình. Nếu trong nhà có mẹ hoặc chị em gái mắc bệnh, những người nữ giới còn lại cũng là đối tượng có nguy cơ cao, cần được tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm. Tiên lượng thời gian sống của người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư khi nó được phát hiện. Người được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm có cơ hội chữa khỏi cao hơn, đồng thời, giảm chi phí cũng như các tác dụng phụ mang lại trong quá trình điều trị so với những người được chẩn đoán muộn.

ThS.BS. Thân Văn Thịnh - Khoa Khám bệnh

Bài viết liên quan