1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

CÁC KHUYẾN NGHỊ DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ TRONG VÀ SAU KHI ĐIỀU TRỊ

22/06/2024 - 03:37

    Khi bạn được chẩn đoán mắc ung thư, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết có thể là một thách thức. Tuy nhiên, việc duy trì cân nặng hợp lý và tiếp nhận các thực phẩm giàu dinh dưỡng là rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư. Ngoài ra, việc uống đủ nước cũng rất quan trọng.

    Các tác dụng phụ của điều trị ung thư đôi khi làm thay đổi khẩu vị và cân nặng của bạn. Một số phương pháp điều trị có thể làm giảm cảm giác muốn ăn và gây ra tình trạng sụt cân, trong khi một số phương pháp khác có thể dẫn đến tăng cân. Mặc dù những thay đổi nhỏ về cân nặng không phải là vấn đề, nhưng giảm cân hoặc tăng cân quá nhiều có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư và sức khoẻ của bạn. Do đó, cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ tốt nhất trong quá trình điều trị ung thư.

 

https://conquer-magazine.com/images/misc/2022/nutritional-food-heart-thumb-551x334.jpg

Lời khuyên chung về dinh dưỡng trong quá trình điều trị ung thư

Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết: bao gồm protein, carbohydrate, chất béo và nước. Các thông tin dưới đây sẽ giúp bạn biết cách cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Thường xuyên vận động cơ thể, ví dụ như đi bộ hàng ngày. Nếu bạn ngồi hoặc nằm quá nhiều, bạn có thể mất năng lượng cơ và tăng mỡ trong cơ thể, thậm chí ngay cả khi bạn không tăng cân.

Trao đổi với đội ngũ chăm sóc sức khoẻ về cân nặng của bạn: Hãy đảm bảo thường xuyên trao đổi với bác sỹ và những người khác trong đội ngũ chăm sóc ung thư của bạn. Những thay đổi về cân nặng của bạn, bất kể là giảm cân quá nhiều hoặc tăng cân quá nhiều, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn trong quá trình điều trị. Những thay đổi này có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không nhận đủ dinh dưỡng hoặc không sử dụng đúng loại dinh dưỡng cần thiết. Đội ngũ chăm sóc sức khoẻ của bạn có thể giúp tìm ra nguyên nhân và đưa ra những giải pháp, bao gồm hỗ trợ từ các chuyên gia dinh dưỡng.

 

Nếu bạn gặp vấn đề về dinh dưỡng, tư vấn dinh dưỡng có thể giúp bạn. Đội ngũ chăm sóc sức khoẻ của bạn có thể giới thiệu chuyên gia dinh dưỡng có trình độ đã có kinh nghiệm làm việc với bệnh nhân ung thư.

Các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn lập  kế hoạch ăn uống đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của bạn. Họ có thể khuyến nghị:

· Vitamin hoặc khoáng chất

· Các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và các bữa ăn nhẹ

· Nếu cần thiết, các chuyên gia dinh dưỡng có thể hướng dẫn bạn sử dụng các cách hỗ trợ dinh dưỡng khác, chẳng hạn như dinh dưỡng qua ống sonde.

Hiện tại, chưa có đủ nghiên cứu để chứng minh rằng việc tuân thủ các chế độ ăn uống cụ thể trong suốt quá trình điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bnh nhân ung thư, các tác dụng phụ của việc điều trị hoặc kết quả của việc điều trị ung thư. Do đó, Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) không khuyến nghị bất kỳ chế độ dinh dưỡng cụ thể nào trong quá trình điều trị ung thư. Cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu về lĩnh vực quan trọng này.

Dinh dưỡng và các tác dụng phụ của việc điều trị ung thư

https://virginiacancerspecialists.com/wp-content/uploads/2018/01/vcs_nutrition.jpeg

 

Điều trị ung thư thường gây ra các tác dụng phụ về thể chất ảnh hưởng đến sự thèm ăn và cân nặng, chẳng hạn như tiêu chảy, nôn, buồn nôn, viêm miệng và thay đổi vị giác. Những điều này có thể gây khó khăn cho việc ăn và uống. Dưới đây là một số lời khuyên để giúp giảm các tác dụng phụ này:

  • Nếu không muốn uống nước, hãy cho thêm chất lỏng vào thức ăn và các đồ uống khác. Ví dụ, ăn súp hoặc dưa hấu và uống trà, sữa hoặc các sản phẩm thay thế sữa. Thức uống thể thao có thể là một lựa chọn khác. Nếu bạn đang theo dõi lượng đường trong máu, thức uống thể thao không đường có thể là một sự lựa chọn hợp lý. Hoặc bạn có thể uống nước có hương vị nước ép trái cây.
  • Nếu thức ăn nhạt nhẽo ít hương vị, hãy thử thêm một số loại thảo mộc và gia vị có hương vị. Ví dụ, bạn có thể thử một số loại như: chanh, tỏi, thì là, hương thảo. Tuy nhiên, nếu miệng của bạn bị đau, bạn có thể cần tránh thức ăn có quá nhiều vị chua (acid), chẳng hạn như chanh hoặc các loại cam quýt khác, hoặc tránh cay nóng, chẳng hạn như các loại ớt.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn mỗi ngày. Đặt mục tiêu là 6 bữa, để đảm bảo rằng các bữa ăn nhỏ cộng lại sẽ cung cấp đủ lượng calo cần thiết.
  • Nếu thịt không còn hấp dẫn, hãy lấy protein từ các loại thực phẩm khác. Ví dụ như cá, trứng, phô mai, đậu, các loại hạt, bơ hạt, đậu phụ, sinh tố giàu protein.
  • Nếu bạn cảm giác vị kim loại trong miệng, hãy ngậm kẹo bạc hà, hoặc kẹo chanh, nhai kẹo cao su, hoặc thử ăn các loại trái cây có hương vị chua như các loại quả họ cam chanh. Sử dụng dụng cụ nhựa và nấu ăn bằng các loại nồi chảo không có kim loại. Cũng có thể thử đánh răng hoặc súc miệng trước khi ăn.
  • Nếu bạn bị viêm miệng hoặc nhiễm trùng nướu, hãy sử dụng máy xay sinh tố hoặc máy xay thực phẩm để làm nhuyễn rau và thịt. Để có thêm độ mịn và giàu calo hơn, hãy thêm bơ, nước sốt loãng, nước thịt, hoặc kem. Hãy thử ép hoặc làm sinh tố hoa quả. Độ ẩm bổ sung có thể giúp làm dịu cơn đau miệng.

Điều quan trọng nữa là cho đội ngũ chăm sóc sức khoẻ của bạn biết cảm giác của bạn, vì các tác dụng phụ về cảm xúc cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Nếu bạn gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc ăn uống vì bất kỳ các tác dụng phụ nào, hãy báo cho đội ngũ chăm sóc sức khoẻ của bạn. Họ có thể giúp đỡ bằng nhiều cách, chẳng hạn như kê đơn thuốc làm giảm các tác dụng phụ cụ thể.

Tôi có nên dùng thực phẩm chức năng không?

Trước khi bạn sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào trong quá trình điều trị ung thư, bạn nên trao đổi với đội ngũ chăm sóc sức khoẻ của mình. Điều này bao gồm sử dụng vitamin tổng hợp, hoặc các chất bổ sung khác mà không cần bác sỹ kê đơn.

Dùng vitamin và các khoáng chất  ở liều thấp có thể có ích nếu bạn không đảm bảo bổ sung đủ các chất dinh dưỡng từ chế độ ăn của mình. Tuy nhiên, bất kỳ chất bổ sung dinh dưỡng cụ thể nào dựa trên kế hoạch chăm sóc bệnh ung thư mà sử dụng với liều cao cũng có thể gây hại, ngay cả khi được đề xuất bởi một  nhân viên y tế.

Để đảm bảo an toàn cho bản thân, hãy luôn nói chuyện với bác sỹ chuyên khoa ung thư và đội ngũ chăm sóc của bạn trước khi sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào. Hãy đảm bảo rằng họ biết về tất cả mọi thứ bạn đang sử dụng.

Dưới đây là một số câu bạn có thể hỏi bác sỹ điều trị của mình về chất bổ sung:

  • Những lợi ích của việc sử dụng chất bổ sung dinh dưỡng hoặc thảo dược này là gì?
  • Các tác dụng phụ có thể xảy ra là gì?
  • Có bất kỳ rủi ro nào khi sử dụng chúng không?
  • Chúng tương tác thế nào với việc điều trị ung thư của tôi?
  • Tôi nên dùng bao nhiêu và trong bao lâu?
  • Chi phí của chúng là bao nhiêu? Bảo hiểm của tôi có thanh toán cho chúng không?
  • Tôi có thể tìm hiểu về thực phẩm chức năng trong thời gian điều trị ung thư ở đâu?

Cách chế biến thức ăn an toàn trong quá trình điều trị ung thư

https://thenutritioninsider.com/wp-content/uploads/2021/05/Nutrition-and-Cancer-An-Introductory-Guide_980x660.jpg

Bảo đảm an toàn thực phẩm , đặc biệt là trong quá trình điều trị ung thư, là điều rất quan trọng. Một số phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh lây truyền qua thực phẩm có thể xảy ra khi các vi khuẩn, vi-rút, hoặc nấm có hại làm ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh cho người sử dụng.

Dưới đây là một số lời khuyên cơ bản về an toàn thực phẩm:

  • Hãy rửa tay trước khi xử lý và chuẩn bị thức ăn. Ngoài ra, hãy rửa tay sau khi chạm vào thực phẩm tươi sống (chẳng hạn như: thịt hoặc cá), trước khi bạn chạm vào các loại thực phẩm khác.
  • Rửa kỹ rau và trái cây trước khi ăn.
  • Xử lý và bảo quản thực phẩm an toàn. Ví dụ như:

        - Sử dụng thớt riêng cho thịt và rau củ

        - Không rã đông thực phẩm trên bệ bếp hoặc dưới vòi nước ấm đang chảy.

        - Làm lạnh thực phẩm ngay sau khi mọi người ăn.

  • Ăn thực phẩm nấu chín hoàn toàn. Ví dụ, không ăn trứng lòng đào, gỏi cá, hàu, các động vật có vỏ chưa được nấu chín
  • Tránh các thực phẩm chưa được tiệt trùng bao gồm các loại đồ uống như nước táo lên men chưa tiệt trùng, sữa tươi, nước ép trái cây, và các loại thực phẩm như pho mát làm từ sữa tươi chưa tiệt trùng.
  • Tránh mua bất kỳ loại thực phẩm nào đã hết hạn sử dụng. Nếu bạn cần trợ giúp về chi phí ăn uống trong quá trình điều trị ung thư, hãy nói chuyện với đội ngũ chăm sóc sức khoẻ của bạn. Họ có thể giúp tìm các nguồn lực hỗ trợ ngân sách của bạn.
  • Thực hiện theo hướng dẫn về bảo quản thực phẩm của bạn đúng cách, chẳng hạn như cho thực phẩm vào tủ lạnh sau khi mở bao bì.

Chế độ dinh dưỡng sau khi điều trị ung thư

Sau khi hoàn thành điều trị ung thư, hầu hết các chuyên gia đều khuyên bệnh nhân nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều trái cây, rau, và ngũ cốc nguyên hạt. Hãy thảo luận với đội ngũ chăm sóc bệnh ung thư của bạn, bao gồm cả chuyên gia dinh dưỡng, về các khuyển nghị cụ thể về dinh dưỡng và hoạt động thể chất trong giai đoạn sau điều trị của bạn.

 

Các bác sĩ vẫn chưa biết chính xác liệu các loại thực phẩm và đồ uống cụ thể có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót sau ung thư hay không. Tuy nhiên, một chế độ ăn lành mạnh cũng rất quan trọng đối với những người sống sót sau ung thư. Sau khi điều trị ung thư, có thể tăng nguy cơ cao các bệnh lý khác như bệnh tim mạch, tiểu đường typ 2, hoặc loãng xương. Nhu cầu của mỗi người sống sót sau ung thư là khá nhau. Nói chung, nhiều bác sỹ khuyến nghị các bước sau đây trong lối sống lành mạnh sau khi điều trị ung thư:

  • Chế độ dinh dưỡng với hầu hết các thực phẩm từ thực vật như trái cây, rau củ, ngũ cốc, đậu
  • Duy trì hoạt động thể chất
  • Bỏ thuốc lá
  • Chú ý đến những thay đổi về cân nặng
  • Hạn chế uống rượu

Thông tin trong bài viết này dựa trên các khuyến nghị của ASCO về Luyện tập, Dinh dưỡng và Kiểm soát cân nặng trong quá trình điều trị ung thư.

 

Hãy cân nhắc hỏi nhóm chăm sóc sức khoẻ của bạn những câu hỏi sau về chế độ dinh dưỡng cần thiết trong và sau khi điều trị ung thư:

  • Bác sỹ có bất kỳ khuyến nghị nào về chế độ dinh dưỡng tôi nên tuân thủ không?
  • Làm thế nào tôi có thể đảm bảo rằng tôi đủ dinh dưỡng trong quá trình điều trị và quá trình phục hồi sau điều trị?
  • Tôi nên thông báo với ai nếu tôi lo lắng về những thay đổi cân nặng của mình?
  • Tôi có thể tập những bài tập nào trong quá trình điều trị ung thư?
  • Có thực phẩm nào tôi nên tránh trong quá trình điều trị ung thư?
  • Tôi có thể nói chuyện với ai nếu tôi quan tâm đến việc bổ sung thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị ung thư?
  • Làm thế nào tôi có thể ngăn ngừa bệnh lý t thực phẩm?
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) ww.cancer.net
Đường dẫn: https://www.cancer.net/survivorship/healthy-living/nutrition-recommendations-during-and-after-treatment
Biên dịch: Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Thủy – Khoa Nội Vú, Phụ khoa, Đầu cổ Theo yêu cầu, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Hiệu đính: Ths.Bs. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH

 

 

Bài viết liên quan