Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
I-ốt là một loại chất khoáng. Các chất khoáng là những chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường. Cơ thể sử dụng i-ốt để tạo ra một số loại hormon nhất định (ví dụ như hormon tuyến giáp) giúp điều hòa hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể.
Tất cả lượng i-ốt trong cơ thể được cung cấp từ chế độ ăn uống. I-ốt trong bữa ăn hàng ngày có từ muối i-ốt, thực phẩm có chứa hoặc được bổ sung i-ốt. Những thực phẩm chứa nhiều i-ốt tự nhiên không nhiều, như tảo biển, sản phẩm từ sữa, trứng và các loại cá biển.
Chế độ ăn hạn chế i-ốt là chế độ ăn có hàm lượng i-ốt dưới 50 mcg mỗi ngày. Tuân theo chế độ ăn hạn chế i-ốt trước khi thực hiện liệu pháp i-ốt phóng xạ giúp cho quá trình điều trị hiệu quả nhất. Khi thực hiện liệu pháp i-ốt phóng xạ, nếu trong cơ thể bạn có quá nhiều i-ốt thì tuyến giáp có thể sẽ sử dụng lượng i-ốt này thay vì sử dụng i-ốt phóng xạ khiến cho quá trình điều trị kém hiệu quả.
Trước khi thực hiện liệu pháp i-ốt phóng xạ, cần tuân theo chế độ ăn hạn chế i-ốt
Bác sĩ điều trị sẽ thông báo cho người bệnh biết thời điểm cần bắt đầu và kết thúc tuân thủ chế độ ăn ít i-ốt. Hầu hết bệnh nhân thực hiện chế độ ăn này khoảng 1-2 tuần trước liều i-ốt phóng xạ đầu tiên và dừng lại sau khi liệu pháp i-ốt phóng xạ kết thúc.
Chế độ ăn hạn chế i-ốt không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, do đó chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn. Không tự ý thực hiện chế độ ăn này trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Thực phẩm, đồ uống và những sản phẩm chứa i-ốt
Trước khi ăn hay uống bất kỳ sản phẩm nào, bạn hãy đọc danh sách thành phần dinh dưỡng có trên nhãn sản phẩm để kiểm tra xem sản phẩm có chứa i-ốt hay không. Những sản phẩm dưới đây có chứa i-ốt hoặc bổ sung i-ốt, do đó không ăn hay sử dụng:
Trong chế độ ăn hạn chế i-ốt cần tránh tiêu thụ đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành
Nếu bạn đang được nuôi dưỡng qua ống thông, hãy hỏi chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng hoặc bác sĩ điều trị để biết phải làm gì.
Hướng dẫn chế độ ăn hạn chế i-ốt
Các bảng dưới đây bao gồm những gợi ý về thực phẩm hạn chế i-ốt.
Mỗi mục thực phẩm liệt kê các khẩu phần giúp người bệnh có thể tuân thủ một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng.
Bánh mỳ, ngũ cốc và các loại hạt
Ăn 4 đến 6 khẩu phần bánh mỳ, ngũ cốc và các loại hạt mỗi ngày. Một lát bánh mỳ hay nửa bát mỳ/bún/phở hoặc nửa bát cơm được tính là một khẩu phần.
Thực phẩm có thể sử dụng |
Thực phẩm cần tránh |
· Ngũ cốc, mỳ ống và gạo không chứa thành phần nhiều i-ốt. · Bánh mỳ tự làm không có thành phần muối i-ốt. · Bánh gạo không muối. · Bánh mỳ mua ngoài cửa hàng không chứa phụ gia muối iodat làm bánh. |
· Các loại bánh (như bánh mỳ, bánh cuộn, bánh vòng mua ngoài cửa hàng chứa phụ gia muối iodat làm bánh. Hãy đọc kỹ mục thành phần trên nhãn sản phẩm. Nếu thành phần có chứa muối “kali iodat” hay “canxi iodat” thì không nên mua. |
Thịt, sản phẩm thay thế thịt và protein
Ăn 2 đến 3 khẩu phần thịt, sản phẩm thay thế thịt và protein mỗi ngày. Một khẩu phần ăn tương ứng với 85 g thịt gia súc hoặc thịt gia cầm.
Thực phẩm có thể sử dụng |
Thực phẩm cần tránh |
· Thịt tươi (bò, bê, cừu, lợn, gà…) · Cá nước ngọt. · Lòng trắng trứng tươi. · Các loại hạt và bơ hạt không bỏ thêm muối (ví dụ như bơ đậu phộng, bơ hạnh nhân và bơ hạt điều). |
· Lòng đỏ trứng, trứng nguyên quả và bất kỳ thức ăn nào làm từ trứng. · Tất cả các loại cá đóng hộp (ví dụ như cá hồi và cá ngừ). · Hải sản, bao gồm: o Các loại cá nước lợ hoặc nước mặn. o Các loại động vật có vỏ (ví dụ như nghêu, cua, sò, tôm và tôm hùm). o Bất kỳ món ăn nào làm cùng nước dùng từ cá. · Tất cả các loại sushi. · Tất các các loại thịt đã qua chế biến, thịt đóng hộp, thịt sấy khô, thịt muối (ví dụ như thịt xông khói, xúc xích, giăm bông). · Gan và tất cả các loại nội tạng động vật. · Đậu phụ và sản phẩm từ đậu nành · Các loại hạt và bơ hạt có muối · Các loại đậu hạt đóng hộp, tươi hoặc sấy khô |
Đồ uống
Uống ít nhất 8 đến 10 cốc nước (khoảng 2l nước) mỗi ngày, trừ khi bác sĩ có chỉ định đặc biệt.
Đồ uống có thể sử dụng |
Đồ uống cần tránh |
· Nước (nước đun chín, nước đóng chai. Bạn không cần phải uống nước cất) · Soda thông thường hoặc soda ăn kiêng không chứa Red Dye #3 · Nước trái cây tươi · Cà phê không chứa sữa · Trà hoặc trà đá pha từ lá trà hay túi trà · Sữa có nguồn gốc thực vật (ví dụ như sữa dừa, sữa yến mạch và sữa hạt như sữa hạt hạnh nhân và sữa hạt điều) |
· Đồ uống pha vị trái cây nhân tạo, thức uống dạng bột pha hay các thức uống thương mại khác có chứa chất Red Dye #3 (là phẩm màu thực phẩm màu đỏ hoặc cam) · Sữa đậu nành · Sữa hoặc kem (sản phẩm bơ sữa) |
Sữa và sản phẩm từ sữa
Tránh dùng sữa và sản phẩm từ sữa (phomai, sữa chua, kem sữa, bánh pudding, bánh flan, sữa đặc) và các thức ăn có các thành phần sữa và sản phẩm sữa. Tuy nhiên có thể sử dụng dưới 30 ml sữa mỗi ngày (ví dụ như sữa được dùng để thêm vào cà phê hoặc trà).
Trái cây
Ăn lượng trái cây tươi mỗi ngày theo nhu cầu của bản thân. Một miếng trái cây nhỏ hoặc ¾ cốc nước ép trái cây tương đương với 1 khẩu phần.
Rau củ
Ăn lượng rau củ hàng ngày theo nhu cầu của bạn. Một bát rau sống hay ½ bát rau nấu chín tương đương 1 khẩu phần.
Thực phẩm có thể sử dụng |
Thực phẩm cần tránh |
· Rau củ tươi · Khoai tây hoặc khai lang tươi · Rau củ tươi không chất phụ gia đông lạnh · Rau củ đóng hộp và nước ép rau củ · Súp đóng hộp không chứa đậu hạt |
· Đậu hạt đóng hộp, tươi hoặc sấy khô (ví dụ đậu nành, đầu xanh, đậu đen đậu đỏ) · Rau củ đông lạnh có bổ sung muối · Súp đóng hộp có đậu hạt · Các loại rong tảo biển |
Chất béo
Ăn 4 đến 6 khẩu phần chất béo mỗi ngày. Một thìa cà phê bơ hoặc dầu ăn tương đương với 1 khẩu phần.
Thực phẩm có thể sử dụng |
Thực phẩm cần tránh |
· Bơ lạt thực vật (không sử dụng quá hơn 5mg (1 thìa cà phê) mỗi loại một ngày) · Dầu ăn (ví dụ như dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu phộng và dầu quả bơ) · Các loại hạt và bơ hạt không thêm muối (ví dụ như bơ đậu phộng, bơ hạnh nhân và bơ hạt điều) |
· Các loại hạt và bơ hạt có muối · Các loại hạt tẩm muối · Sốt mayonnaise · Mỡ lợn · Dầu đậu nành |
Món tráng miệng và đồ ngọt
Giới hạn 2 khẩu phần mỗi ngày. Mỗi mục ở cột “Thực phẩm có thể sử dụng” tương đương với 1 khẩu phần.
Thực phẩm có thể sử dụng |
Thực phẩm cần tránh |
· 2 muỗng canh đường · 2 muỗng canh mật ong · Chất tạo ngọt thực phẩm · Socola không chứa sữa hay socola chay · Bột ca cao nguyên chất |
· Các sản phẩm bánh mua ngoài tiệm có chứa phụ gia muối iodat làm bánh (ví dụ như bánh nướng, bánh ngọt, các loại bánh ga tô, bánh quy). Hãy đọc kỹ mục thành phần trên nhãn sản phẩm. Nếu thành phần có chứa muối “kali iodat” hay “canxi iodat” thì không nên mua. · Socola (bao gồm cả món tráng miệng socola và kẹo socola) · Bánh pudding · Mật mía |
Nước sốt và gia vị
Ăn lượng nước sốt và gia vị hàng ngày theo nhu cầu của bạn.
Thực phẩm có thể sử dụng |
Thực phẩm cần tránh |
· Tương cà chua, mù tạt, sốt cà chua, tương ớt và sốt thịt không chứa sữa hoặc bơ · Dầu ăn (ví dụ như dầu ô liu) · Dấm · Nước sốt bằng dầu ăn và dấm trắng nguyên chất |
· Maggi, tương, nước mắm · Tất cả các loại sốt thịt, hạt nêm chứa sữa, bơ, rong biển · Muối i-ốt · Tất cả các loại rong biển · Bất kỳ thực phẩm nào chứa màu thực phẩm, muối iodat, muối iodua, phụ gia muối i-ốt làm bánh hoặc chất ổn định, ví dụ như algin, alginates, carrageenan, và agar-agar |
Các thực phẩm khác
Thực phẩm có thể sử dụng |
Thực phẩm cần tránh |
· Ớt, hạt tiêu · Các loại gia vị (ví dụ như quế, hồi) · Các loại rau thơm · Bột nở - baking powder · Muối nở - baking soda |
· Đồ ăn nhanh (fastfood) · Thực phẩm chức năng thảo dược · Vitamin tổng hợp, vitamin và thực phẩm bổ sung có chứa i-ốt · Phẩm màu thực phẩm đỏ hoặc cam có chứa Red Dye #3 · Các sản phẩm uống bổ sung dinh dưỡng bao gồm Boost, Ensure, Glucerna và tất cả các thực phẩm chức năng và sản phẩm bổ sung protein có chứa i-ốt, carrageenan, hoặc agar-agar (rau câu) |
Các câu hỏi thường gặp:
1. Làm thế nào để tôi biết một loại thực phẩm có chứa i-ốt hay không?
Hàm lượng i-ốt trong nhiều loại thực phẩm không được biết rõ. Hãy nhớ rằng, đây là chế độ ăn ít i-ốt, không phải là chế độ ăn không i-ốt. Tham khảo danh sách thực phẩm có thể sử dụng và danh sách thực phẩm cần tránh ở phần trên để hiểu rõ hơn.
2. Nếu trên nhãn thành phần sản phẩm có ghi natri (muối) thì có phải sản phẩm cũng có chứa i-ốt?
Không phải trường hợp nào cũng vậy. Natri và i-ốt không giống nhau. Hầu hết nhà máy sản xuất thực phẩm sử dụng muối không i-ốt trong sản phẩm của họ. Nhưng điều này khó để biết chắc chắn. Tốt nhất nên chọn sản phẩm không chứa muối đề phòng sản phẩm chứa muối có chứa i-ốt.
3. Tôi có xem hướng dẫn chế độ ăn ít i-ốt trên mạng khác với hướng dẫn ở đây. Vậy tôi nên nghe theo hướng dẫn nào?
Quý vị nên tham khảo danh sách thực phẩm có thể sử dụng và danh sách thực phẩm cần tránh ở phần trên. Lý do là hàm lượng i-ốt của nhiều loại thực phẩm không được biết đến và không phải tất cả nguồn tài liệu trên mạng đều đúng.
4. Tôi có thể sử dụng muối kosher không?
Được. Theo khuyến nghị, bạn chỉ nên sử dụng muối không i-ốt với lượng thấp bởi vì muối không i-ốt có thể vẫn chứa một hàm lượng nhỏ i-ốt. Nếu bạn cần sử dụng muối, hãy chọn muối kosher hoặc muối Morton® Plain Table Salt và chỉ sử dụng lượng nhỏ.
5. Bác sĩ bảo tôi có thể ngậm kẹo cứng khi thấy khô miệng nhưng theo chế độ ăn này, tôi không được ăn kẹo. Tôi nên tuân theo hướng dẫn nào?
Không nên ăn bất kỳ loại kẹo nào có socola bởi vì socola chứa sữa, nhưng bạn có thể ăn hầu hết các loại kẹo cứng nếu chúng không chứa chất Red Dye #3. Hãy đọc nhãn thành phần trên sản phẩm kẹo để biết kẹo có chứa Red Dye #3 hay không. Nếu bạn không chắc về điều này thì đừng ăn loại kẹo đó. Có thể sử dụng kẹo cứng GoNaturally™ Organic Honey Lemon khi bị khô miệng.
6. Tôi có nên ngừng dùng những thuốc tôi đang sử dụng không?
Đừng ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trừ khi bác sĩ yêu cầu bạn làm như vậy. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về việc dùng thuốc.
Hãy cho bác sĩ biết về loại vitamin hay thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng. Bạn sẽ phải ngưng sử dụng chúng nếu chúng chứa i-ốt.
Vitamin và thực phẩm chức năng không được kiểm soát (kiểm tra về độ an toàn, hàm lượng hoặc chất lượng) chặt chẽ như thuốc. Do đó khó để biết được chúng có chứa i-ốt hay không. Nếu bạn không chắc chắn vitamin hay thực phẩm chức năng có chứa i-ốt hay không thì đừng sử dụng.
7. Tôi có thể uống rượu không?
Hãy hỏi bác sĩ điều trị của bạn về việc sử dụng rượu.
Nguồn: Dịch từ www.mskcc.org Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering
Đường dẫn: https://www.mskcc.org/cancer-care/patient-education/low-iodine-diet
Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược