1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

GIÚP NGƯỜI THÂN CAI THUỐC LÁ - MỘT VÀI GỢI Ý CHO BẠN BÈ VÀ GIA ĐÌNH

22/06/2024 - 03:37

1. Tôn trọng trách nhiệm của những người đang cố gắng từ bỏ thuốc lá. Đó là sự thay đổi lối sống và cũng là thử thách của họ, không phải của bạn.

2. Hỏi người đó liệu họ có muốn bạn thường xuyên hỏi thăm họ về việc cai thuốc của họ không. Hãy hỏi xem họ cảm thấy thế nào chứ không chỉ hỏi xem họ có kiên định với việc bỏ thuốc lá hay không.

3. Cho người đó biết rằng họ có thể tâm sự với bạn bất cứ khi nào họ cần được lắng nghe những lời động viên, khuyến khích.

4. Giúp người đang cai thuốc lá có những thứ họ cần, chẳng hạn như một vài viên kẹo cứng để ngậm, ống hút để cắn, rau quả tươi cắt nhỏ và để sẵn trong tủ lạnh.

5. Dành thời gian với người đang cai thuốc lá bằng cách giữ tâm trí của họ tránh xa thuốc lá như – có thể đi xem phim, đi dạo để vượt qua cơn thèm thuốc, hoặc cùng đi xe đạp.

6. Cố gắng nhìn nhận từ quan điểm của người đang cai thuốc lá – thói quen hút thuốc có thể giống như một người bạn cũ, luôn bên cạnh họ trong những khoảng thời gian khó khăn. Nên cũng thật khó để từ bỏ thuốc lá.

7. Biến ngôi nhà của bạn thành nơi không khói thuốc, nghĩa là không ai có thể hút thuốc ở bất cứ nơi nào trong nhà.

8. Vứt tất cả bật lửa và gạt tàn thuốc ra khỏi ngôi nhà của bạn. Loại bỏ bất cứ thứ gì khiến họ nhớ đến việc hút thuốc.

9. Giặt ngay những bộ quần áo có ám mùi thuốc lá. Làm sạch thảm và rèm cửa. Sử dụng máy làm sạch không khí để giúp loại bỏ mùi thuốc lá – và cũng đừng quên làm sạch bên trong ô tô.

10. Giúp người thân đang cai thuốc lá làm những việc  nhà như chăm sóc con cái, nấu ăn, làm việc vặt – hoặc bất cứ điều gì có thể giúp giảm nhẹ căng thẳng khi bỏ thuốc.

11. Ăn mừng sự tiến bộ trên hành trình cai thuốc. Từ bỏ thuốc lá là một VIỆC TRỌNG ĐẠI.

12. Cám ơn người cai thuốc lá vì đã không còn để những người khác tiếp xúc với khói thuốc độc hại.

13. Đừng nghi ngờ khả năng bỏ thuốc của họ. Niềm tin của bạn vào người đang cai thuốc lá sẽ nhắc nhở họ rằng họ có thể làm được.

14. Đừng phán xét, cằn nhằn, thuyết giảng, trêu chọc, hay la mắng họ. Điều này có thể khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn. Bạn hẳn sẽ không muốn người mình yêu thương quay trở lại hút thuốc chỉ để xoa dịu cảm giác bị tổn thương do bạn mang lại.

15. Đừng để bụng sự cáu gắt của người đang cai thuốc lá, đó là triệu chứng không thích tiếp xúc do thiếu nicotine. Hãy nói với họ rằng bạn hiểu những triệu chứng đó là có thật và nhắc nhở họ rằng chúng sẽ không kéo dài mãi. Các triệu chứng này sẽ thuyên giảm trong vài tuần.

16. Đừng đưa ra lời khuyên. Chỉ cần hỏi họ xem bạn có thể giúp gì cho kế hoạch cai thuốc lá mà họ đang thực hiện.

 

Khi người đang cai thuốc “thèm thuốc”

 

 

1. Đừng cho rằng họ sẽ bắt đầu hút thuốc lá trở lại giống như trước đây. Tình trạng “thèm thuốc” (rít một hơi hoặc hút một hay hai điếu thuốc) khá phổ biến khi một người đang cai nghiện.

2. Hãy nhắc người cai thuốc về việc họ đã không hút thuốc được bao lâu trước khi hút lại vài hơi thuốc.

3. Giúp người đang cai nghiện thuốc lá nhớ lại tất cả những lý do khiến họ muốn bỏ thuốc lá và giúp họ quên ý muốn rít vài hơi càng sớm càng tốt.

4. Tiếp tục ủng hộ và khuyến khích họ.

5. Chúc mừng người đang cai nghiện thuốc khi họ có những cố gắng bỏ thuốc và nhắc họ rằng có thể cần nhiều cố gắng  trước khi có thể cai thuốc thành công.

6. Đừng la mắng, trêu chọc, cằn nhằn, đổ lỗi hoặc khiến người đang cai thuốc cảm thấy có lỗi. Hãy chắc chắn rằng họ biết bạn quan tâm tới họ, cho dù họ có hút thuốc hay không.

 

Khi người cai thuốc lá hút trở lại

Nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người cố gắng bỏ thuốc nhiều lần trước khi thật sự thành công. (Khi một người cai thuốc hút thuốc trở lại giống như trước khi họ cai được gọi là tái nghiện.) Nếu tái nghiện xảy ra, hãy coi đó là cách luyện tập cho lần bỏ thuốc sau. Đừng từ bỏ những nỗ lực, cố gắng khuyến khích và hỗ trợ người thân của bạn. Nếu người bạn quan tâm cai thuốc không thành công hoặc bắt đầu hút thuốc trở lại:

1. Hãy khen ngợi họ vì đã cố gắng bỏ thuốc và vì trong một khoảng thời gian (tính bằng ngày, tuần, hoặc tháng) họ đã không hút thuóc.

2. Nhắc họ rằng họ đã không thất bại – họ đang học cách bỏ thuốc lá – và bạn sẽ ở bên cạnh họ trong lần cai thuốc tiếp theo và có thể là nhiều lần sau đó nếu cần.

3. Khuyến khích họ cai thuốc lần nữa. Đừng nói “Nếu bạn thử bỏ thuốc lần nữa …” mà hãy nói “Khi bạn cai thuốc lần nữa…”. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết những người cai thuốc không thành công đều sẵn sàng thử cai lại trong tương lai gần.

4. Khuyến khích họ học hỏi từ những nỗ lực. Những điều một người học được từ những nỗ lực bỏ thuốc không thành công có thể giúp họ cai thuốc thành công vào lần sau. Cần có thời gian và các kỹ năng để học cách trở thành một người không hút thuốc.

5. Hãy nói với họ “ Không thành công trong những lần đầu tiên cố gắng cai thuốc là điều bình thường. Lần này, bạn đã không hút thuốc trong (khoảng thời gian). Bây giờ bạn đã biết rằng bạn có thể làm được nhiều chừng nào. Bạn có thể làm tốt hơn vào lần sau.” Hầu hết mọi người đều hiểu điều này, và biết rằng họ phải cố gắng cai thuốc lá một lần nữa.

 

Nếu bạn hút thuốc và có tiếp xúc với ai đó đang cai thuốc lá

1. Hút thuốc bên ngoài và luôn tránh xa người đang cai thuốc.

2. Để thuốc lá, bật lửa, diêm của bạn ở nơi khuất tầm nhìn. Chúng có thể là tác nhân thôi thúc người thân của bạn hút thuốc trở lại.

3. Đừng bao giờ đề nghị người đang cai thuốc sử dụng bất cứ hình thức, chủng loại thuốc lá nào, dù chỉ là nói đùa!

4. Hãy cùng người thân của bạn cố gắng cai thuốc. Điều đó tốt hơn cho sức khỏe của bạn và có thể dễ dàng thực hiện khi có người cùng cai thuốc với bạn.

 

Gọi cho Phòng Tư vấn cai nghiện thuốc lá của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội theo số hotline: 024 32181861 (08h00 – 17h00, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu) để được tư vấn giúp bạn và người thân của bạn cai thuốc lá và không hút trở lại.

 

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ  ww.cancer.org

Đường dẫn: http://www.cancer.org/healthy/stay-away-from-tobaco/helping-a-smiker-quit.html

Biên dịch: Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Thủy – Khoa Nội vú, Phụ khoa, Đầu cổ theo yêu cầu, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT&NCKH

 

 

Bài viết liên quan