Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 11:37
Đó là trường hợp của bà Đ.T.N.T, sinh năm 1934, trú tại Cầu Giấy – Hà Nội. Bà T. cho biết, cách đây khoảng 2 năm, bà bắt đầu thấy bụng đau âm ỉ. Tình trạng tăng dần, xuất hiện dịch âm đạo kèm máu bất thường nên tháng 4/2019, bà đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội khám và được chẩn đoán mắc ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 1. Bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị là phẫu thuật. Tuy nhiên, bà T. từ chối làm theo chỉ định vì tâm lý tuổi đã cao và cho rằng động dao kéo sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tính mạng. Bà T. chấp nhận “sống chung” với thuốc giảm đau cùng tình trạng thường xuyên ra dịch âm đạo kèm máu cho đến khi những cơn quặn thắt bụng xuất hiện ngày càng dồn dập, dữ dội. Không chịu nổi đau đớn, gần đây, bệnh nhân mới quay lại bệnh viện để điều trị và phải đánh giá lại toàn bộ tình trạng bệnh.
Theo kết quả chụp cộng hưởng từ, khối u ung thư có kích thước 11 cm, to hơn 30% so với cách đây 6 tháng. Nếu không được phẫu thuật sớm, bệnh nhân có nguy cơ băng huyết, tử cung bị u xâm lấn gây thủng, chảy máu ổ bụng dẫn đến tử vong.
Khối u ung thư phát triển khiến bệnh nhân đau quằn quại
ThS.BS Đặng Bá Hiệp – Phó trưởng Khoa Ngoại Vú – Phụ khoa – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, bệnh nhân bỏ lỡ điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh tiến triển xấu mới đến viện khiến việc phẫu thuật trở nên phức tạp hơn do u ngày càng phát triển trong khi thể trạng sức khỏe lại suy yếu dần, nguy cơ biến chứng vì thế cũng cao hơn. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy u vẫn khu trú trong tử cung, chưa xâm lấn ra ngoài nên còn khả năng phẫu thuật.
Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, chất lượng sống được cải thiện rõ rệt, hết đau bụng, không còn ra dịch, có thể đi lại, vận động hoàn toàn bình thường.
Bà T. cho biết, bà từng từ chối phẫu thuật vì mình vốn đã bị cao huyết áp, đái tháo đường, sợ mổ xẻ sẽ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. “Tôi thấy mình đúng là sai lầm khi có suy nghĩ “ung thư đằng nào cũng chết, già tám mươi mấy tuổi rồi, sống được bao lâu nữa đâu mà điều trị với phẫu thuật”. Giờ được sống khỏe mạnh thế này lại ước, giá mà nghe lời bác sĩ, phẫu thuật sớm thì đỡ phải đau đớn suốt nửa năm trời không!”, bà T. vui vẻ chia sẻ.
ThS.BS Đặng Bá Hiệp dặn dò bệnh nhân trước khi xuất viện
Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh nhân nữ nếu phát hiện triệu chứng bất thường như ra máu âm đạo sau mãn kinh nên nhanh chóng đi khám chuyên khoa, đặc biệt là tầm soát ung thư nội mạc tử cung. Đối với phụ nữ cao tuổi khi phát hiện bệnh càng phải điều trị sớm khi nền tảng sức khỏe còn tốt, tránh để lâu, ung thư diễn biến phức tạp kèm theo nhiều bệnh lão khoa, phẫu thuật gây mê hồi sức khó khăn, nguy cơ tai biến nhiều hơn.
Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, kỹ thuật phẫu thuật ung thư nội mạc tử cung đã được thực hiện và hoàn thiện qua nhiều năm, hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu bệnh ở giai đoạn sớm, giúp kéo dài thời gian sống thêm cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
ThS.BS.Đặng Bá Hiệp - Phó trưởng Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa