Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Khi mắc ung thư, câu hỏi “ăn gì- không ăn gì” là vấn đề mỗi người bệnh phải đối diện hàng ngày.
Có vô số các quan niệm về người bệnh được chẩn đoán ung thư nên ăn gì, không nên ăn gì. Thông tin sai lệch và không chính xác có thể khiến mọi người bối rối và sợ hãi. Sau đây là một số băn khoăn thường gặp về dinh dưỡng khi mắc ung thư.
‘Có phải ăn đường giúp nuôi tế bào ung thư không?’
Trước tiên, cần phải hiểu về hoạt động của đường trong cơ thể. Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như cơm, ngô, khoai sắn, các loại trái cây… có chứa chất dinh dưỡng có tên là carbohydrate, hay còn gọi là tinh bột. Những loại tinh bột có cấu trúc “cồng kềnh” gọi là “carbohydrate phức”. Hiểu nôm na cũng như cành cây có nhiều nhánh, khi ta bẻ ra thành từng đoạn nhỏ thì “carbohydrate phức” trở thành rất nhiều “carbohydrate đơn”, hay còn gọi là “đường đơn”.
Ngay từ khi nhai cơm trong miệng, nước bọt đã có chứa men amylase. Men này giúp cắt nhỏ carbohydrate phức thành carbohydrate đơn. Vì thế khi nhai cơm lâu, chúng ta cảm nhận được vị ngọt. Đó là một phần của cơm đã được cắt nhỏ thành “đường đơn”, giúp lưỡi cảm nhận được vị ngọt. Do đó, sau bữa ăn, “đường phức” được tiêu hóa thành “đường đơn” và được hấp thu vào máu. Dòng máu sẽ đưa đường tới các cơ quan, tế bào của cơ thể.
Đường là nguồn cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng tất cả các tế bào của cơ thể chúng ta. Ngoài tế bào ung thư, hàng ngày, cơ thể chúng ta có rất nhiều tế bào chết đi và cùng lượng đó tế bào mới sinh ra, ví dụ các tế bào trên da, tế bào toàn bộ ống tiêu hóa… Do đó các tế bào bình thường trong cơ thể chúng ta rất cần được nuôi để duy trì cơ thể khỏe mạnh.
Các tế bào ung thư rất tham ăn nhưng cũng rất linh hoạt. Chúng có thể thay đổi cách chuyển hóa và sử dụng các chất tùy thuộc chế độ ăn uống của chúng ta. Bạn có thể nghĩ “Được rồi, tôi sẽ loại bỏ hoàn toàn đường (hoặc carbohydrate) khỏi chế độ ăn uống của mình”, nhưng các tế bào ung thư có thể thay đổi và sử dụng chất béo hoặc protein làm năng lượng. Vì vậy, ý tưởng loại bỏ đường để điều trị ung thư là một cách tiếp cận cực đoan chưa được chứng minh.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng có một số thử nghiệm lâm sàng điều tra các mô hình chế độ ăn carbohydrate ở phụ nữ bị ung thư vú hoặc đàn ông bị ung thư tiền liệt tuyến giúp chống lại ung thư cho thấy kết quả tuyệt vời. Nhưng quan trọng là những carbohydrate đó có nguồn gốc thực vật lành mạnh, chứ không phải là đường tinh chế, nước ngọt hoặc ngũ cốc có đường.
Nhiều nghiên cứu cũng đã được thực hiện về tác dụng của insulin đối với tế bào ung thư. Insulin là một chất giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ăn/uống quá nhiều đường tinh chế và đường đơn sẽ kích thích cơ thể tiết nhiều insulin và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào ung thư, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác. Nồng độ insulin cao có thể kích thích các tế bào ung thư, hoặc thậm chí là tiền ung thư phát triển mạnh mẽ hơn.
Khi tiêu thụ carbohydrate, có 3 chất sẽ giúp cản trở phản ứng của glucose (một loại đường đơn) và insulin để không làm nồng độ insulin tăng cao đột biến, đó là protein, chất béo, chất xơ. Vì vậy, thay vì chỉ ăn một loại trái cây cho bữa ăn nhẹ thì ăn cùng với một ít các loại hạt sẽ tốt hơn.
‘Nước ép có thể chữa ung thư?’
Một số người nói rằng những người mắc bệnh ung thư nên tránh các loại nước ép vì nó có thể có quá nhiều đường đơn. Điều này cũng liên quan đến quan niệm “sử dụng nhiều đường nuôi ung thư”. Mặt khác lại có những người quảng bá nước ép như một phương thuốc cho tất cả các loại ung thư. Sự thật nằm ở giữa. Mặc dù nước ép sẽ không gây ra ung thư hoặc chữa ung thư, nhưng chúng có thể là một cách tốt để thêm nhiều khẩu phần trái cây và rau quả vào chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng không nên sử dụng nước ép để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.
Nước ép làm giảm một lượng đáng kể chất xơ trong rau và trái cây. Vì vậy, nên sử dụng một lượng khẩu phần trái cây rau quả từ thực phẩm nguyên dạng và không phải là nước ép (400-500 gr/ngày). Sau đó, bạn có thể sử dụng thêm nước ép, đặc biệt là nước ép rau. Mỗi ngày bạn có thể uống 100- 200ml nước ép từ các loại rau, củ, quả và nên đa dạng các loại rau củ quả để có được nguồn dinh dưỡng tối ưu.
CN. Bùi Thị Kim Huế - KHOA DINH DƯỠNG