1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ ĂN VÀ CHẾ ĐỘ SINH HOẠT GIÚP TĂNG THỜI GIAN SỐNG ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH UNG THƯ ĐẠI TRÀNG SAU ĐIỀU TRỊ

22/06/2024 - 03:37

Ung thư đại trực tràng là một trong năm loại ung thư thường gặp nhất. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018, ung thư đại trực tràng đứng thứ ba về tỉ lệ mắc (sau ung thư phổi, vú) và đứng thứ hai về tỉ lệ tử vong do ung thư (chỉ sau ung thư phổi)

Ung thư đại trực tràng là một trong năm loại ung thư thường gặp nhất. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018, ung thư đại trực tràng đứng thứ ba về tỉ lệ mắc (sau ung thư phổi, vú) và đứng thứ hai về tỉ lệ tử vong do ung thư (chỉ sau ung thư phổi) [1].

        Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan chặt chẽ giữa yếu tố môi trường (chế độ ăn, hoạt động thể lực, béo phì, thuốc lá,vv,..) với nguy cơ hình thành ung thư đại trực tràng, theo đó chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, béo phì, hút thuốc lá, nghiện rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại-trực tràng. Với những người được chẩn đoán ung thư đại-trực tràng thì sao? Việc thay đổi lối sống, chế độ ăn liệu có mang lại lợi ích?

       Năm 2001 Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society-ACS) đã đưa ra những khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt giúp giảm nguy cơ tái phát, tử vong với bệnh nhân ung thư đại tràng trong và sau điều trị (phẫu thuật, hóa trị) [2]. Qua các lần điều chỉnh, hướng dẫn gần đây nhất năm 2012 tập trung vào 3 điểm quan trọng: kiểm soát cân nặng, duy trì hoạt động thể lực đều đặn và chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây, ngũ cốc [3].

       Nghiên cứu CALGB 89803 tiến hành trên 992 bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn III được phẫu thuật, hóa trị bổ trợ [4]. Các bệnh nhân này chia thành 2 nhóm: nhóm áp dụng chế độ sinh hoạt theo hướng dẫn của ACS và nhóm còn lại thì không. Kết quả theo dõi sau 7 năm cho thấy: bệnh nhân thay đổi lối sống theo hướng dẫn của ACS có nguy cơ tử vong thấp hơn 42% so với bệnh nhân không thay đổi lối sống theo hướng dẫn của ACS. Tỉ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân không  theo hướng dẫn của ACS là 76%, trong khi đó tỉ lệ sống sau 5 năm ở nhóm thực hiện theo hướng dẫn của ACS là 85%, giảm được 9% nguy cơ tử vong tuyệt đối. Kết quả cụ thể với từng nhóm chế độ sinh hoạt theo hướng dẫn của ACS như sau:

  • Kiểm soát cân nặng, duy trì BMI (Body Mass Index): nhóm có BMI bình thường (25-29.9) có nguy cơ tử vong thấp hơn nhóm bệnh nhân béo phì (BMI ≥ 30) (HR, 0.59; 95% CI, 0.44-0.80).
  • Duy trì hoạt động thể lực: Bệnh nhân có mức hoạt động thể lực ở mức 8.75 MET-giờ/tuần (tương đương khoảng 150 phút đi bộ nhanh/tuần) trở lên có lợi ích về sống thêm so với bệnh nhân có mức hoạt động thể lực thấp hơn mức 8.75 MET-giờ/tuần (HR, 0.64; 95%CI, 0.45-0.92)
  • Thay đổi chế độ ăn: ăn ít nhất 5 khẩu phần ăn mỗi ngày bao gồm rau xanh, trái cây đồng thời dùng ngũ cốc nguyên hạt thay vì loại đã qua tinh chế được xác định là có lợi hơn so với nhóm bệnh nhân ăn ít hơn theo chế độ đó (HR, 0.65; 95% CI, 0.45-0.94)
  • Uống rượu: giảm uống rượu, nhất là rượu mạnh giúp giảm 51% nguy cơ tử vong

       Như vậy việc thay đổi chế độ ăn, duy trì hoạt động thể lực, kiểm soát cân nặng và hạn chế uống rượu không nhưng giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh mà còn giúp cải thiện thời gian sống thêm với người bệnh đã mắc ung thư đại tràng. Việc lựa chọn cho mình một chế độ ăn và hoạt động thể lực phù hợp thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, hoàn cảnh địa lý, bệnh phối hợp (bệnh tim mạch, tiểu đường,..), các yếu tố liên quan đến điều trị (có hậu môn nhân tạo, độc tính thần kinh ngoại vi sau hóa trị,vv…) và nên tham khảo của bác sỹ khi cần thiết.

BS. Lê Công Định

Khoa Nội II- BV Ung Bướu Hà Nội

Tài liệu tham khảo

  1. Ferlay J Jemal A et al. Global cancer statistics 2018: GLOBOCAN estimates of incidence and mortality worldwide for 36 cancers in 185 countries. CA Cancer J Clin. 2018 Nov;68(6):394-424
  2. Brown J, Byers T et al. American Cancer Society Workgroup on Nutrition and Physical Activity for Cancer Survivors.  Nutrition during and after cancer treatment: a guide for informed choices by cancer survivors.  CA Cancer J Clin. 2001;51(3):153-187.
  3. Rock CL, Doyle  C, Demark-Wahnefried  W,  et al.  Nutrition and physical activity guidelines for cancer survivors.  CA Cancer J Clin. 2012;62(4):243-274.
  4. Van Blarigan EL, Fuchs CS, Niedzwiecki D, et al. Association of survival with adherence to the American Cancer Society nutrition and physical activity guidelines for cancer survivors after colon cancer diagnosis: the CALGB 89803/Alliance Trial. JAMA Oncol. 2018 Apr 12.

Bài viết liên quan