Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Một số loại thực phẩm, vitamin, khoáng chất và các thành phần dinh dưỡng khác được tìm thấy trong đó có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu các loại thực phẩm, chất dinh dưỡng và chế độ ăn được liệt kê dưới đây có liên quan như thế nào tới bệnh ung thư.
Thực phẩm từ thực vật. Những thực phẩm này chứa các chất tự nhiên được gọi là dưỡng chất thực vật. Ví dụ như:
· Carotenoid, hoặc carotene, được tìm thấy trong thực vật có màu đỏ, cam, vàng và một số loại rau màu xanh đậm
· Polyphenol, được tìm thấy trong các loại thảo mộc, gia vị, rau, trà, cà phê, sô cô la, các loại hạt, táo, hành tây, quả mọng và các loại thực vật khác
· Các hợp chất allium, được tìm thấy trong hẹ, tỏi, tỏi tây và hành tây
Nguồn ảnh: https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/the-right-plant-based-diet-for-you
Chất chống ôxy hóa. Ví dụ như beta carotene, selen, vitamin C và E. Chất chống ôxy hóa bảo vệ cơ thể khỏi các chất ôxy hóa, là những chất có thể gây ra tổn thương tế bào. Các chất ô xy hóa có thể hình thành một cách tự nhiên, từ sự hoạt động bình thường của các tế bào hoặc do ảnh hưởng từ môi trường, như sự ô nhiễm hoặc khói thuốc lá.
Những loại Vitamin và khoáng chất khác. Chúng bao gồm Canxi, I-ốt, vitamin A, D, K và vitamin B
Chất xơ. Chất xơ giúp hình thành khối phân để dễ bài tiết ra ngoài. Chất xơ còn di chuyển thức ăn nhanh hơn qua hệ tiêu hóa. Chất xơ giúp nuôi dưỡng một cộng đồng lợi khuẩn sống trong đường tiêu hóa. Cộng đồng này được gọi là hệ vi sinh vật. Một hệ vi sinh vật khỏe mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Thực phẩm chứa chất xơ bao gồm:
· Ngũ cốc nguyên cám và các loại hạt, như hạt đại mạch, yến mạch, lúa mì kamut, lúa mì spelt, lúa mì bulgur, ngô, vỏ hạt mã đề và lúa mạch đen
· Bánh mì và mì ống nguyên cám
· Các loại đậu, bao gồm đậu hạt, đậu lăng và đậu tách vỏ
· Các loại rau và trái cây
Chất đạm. Đây là nguồn đạm động vật chính trong hầu hết các chế độ ăn
· Thịt
· Cá
· Gia cầm
· Động vật có vỏ cứng
· Các sản phẩm từ sữa
· Trứng
Trong số này, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn gây lo ngại nhất về nguy cơ gây bệnh ung thư. Thịt đỏ bao gồm thịt lợn, thịt bò, thịt bê và thịt cừu. Các sản phẩm thịt chế biến gồm có thịt hun khói, giăm bông, thịt nguội, thịt khô, xúc xích, salami và các sản phẩm thịt ướp muối khác. Sử dụng thịt chế biến bất kỳ số lượng nào, hoặc thịt tươi số lượng nhiều hơn 510 gam mỗi tuần có mối liên hệ chặt chẽ với nguy cơ cao mắc bệnh ung thư.
Đồ uống có cồn. Sử dụng đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Mối liên hệ giữa thực phẩm và bệnh ung thư
Thật khó để tìm thấy một mối liên hệ cụ thể giữa thực phẩm hoặc chế độ dinh dưỡng và bệnh ung thư vì:
· Thực phẩm chứa nhiều chất có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc ung thư
· Hầu hết mọi người ăn và uống đa dạng các loại thực phẩm. Điều này tạo ra các tương tác khó để nghiên cứu.
· Tác dụng của thực phẩm hoặc chế độ dinh dưỡng có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng đồ ăn mà bạn nạp vào.
· Một số nghiên cứu cho thấy cách chế biến thực phẩm có thể khiến chúng trở nên có hại hoặc có ích.
Thực phẩm từ thực vật
Trái cây và rau củ có khả năng làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư sau đây:
· Ung thư đầu cổ
· Ung thư thực quản
· Ung thư dạ dày
· Ung thư phổi
· Ung thư tuyến tụy
· Ung thư tuyến tiền liệt
Những phát hiện này đến từ Dự án Cập nhật liên tục và Báo cáo thứ ba về Chế độ ăn uống, dinh dưỡng, hoạt động thể chất và ung thư: Quan điểm toàn cầu. Các báo cáo này được Viện nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICT) và Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giới (WCRF) tài trợ.
Dưỡng chất thực vật tìm thấy trong trái cây và rau củ có thể phối hợp với nhau để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư chứ không phải chỉ là một thành phần cụ thể trong đó. Một số dưỡng chất giúp điều chỉnh nội tiết tố, như estrogen. Những loại khác làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư hoặc ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm. Nhiều dưỡng chất có thể làm giảm những tổn hại gây ra bởi các chất ôxy hóa.
Những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đã được nghiên cứu về khả năng phòng ngừa ung thư bao gồm:
Các loại rau thuộc họ cải. Bao gồm: súp lơ xanh, súp lơ trắng, bắp cải, cải Brussels, cải chíp và cải kale. Thường xuyên ăn những loại thực phẩm này làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, các loại rau họ cải có thể phòng ngừa:
· Ung thư đầu cổ
· Ung thư thực quản
· Ung thư dạ dày
Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng các loại rau họ cải giúp điều chỉnh các enzymes chống lại bệnh ung thư. Nghiên cứu cũng cho biết các loại rau này có thể ngăn chăn sự phát triển của các tế bào ung thư theo những cách khác. Nhưng những kết quả này có thể khác nhau giữa các tế bào và động vật được sử dụng trong phòng thí nghiệm và con người.
Lycopene. Carotenoid này được tìm thấy trong các sản phẩm làm từ cà chua. Các nguồn lycopene quan trọng khác bao gồm bưởi hồng, dưa hấu và quả mơ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng Lycopene có thể phòng các bệnh ung thư sau đây:
· Phổi
· Dạ dày
· Bàng quang
· Đại tràng
· Miệng và họng (khoang miệng)
· Thực quản
Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được mối liên hệ giữa lycopene và khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư trong các thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát.
Đậu nành. Đậu nành chứa các dưỡng chất thực vật độc đáo. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng những dưỡng chất này có thể bảo vệ cơ thể khỏii một số loại ung thư.
Mối liên hệ giữa đậu nành và ung thư vú đặc biệt phức tạp. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy ăn tối đa 3 khẩu phần đậu nành nguyên chất như đậu nành Nhật, đậu phụ, sữa đậu nành và miso thì an toàn và có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, hướng dẫn không khuyến khích cụ thể việc thêm đậu nành vào chế độ ăn uống để giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Bác sĩ cũng khuyên nên tránh dùng isoflavone cô đặc dạng viên và bột.
Vitamin, khoáng chất và chất chống ôxy hóa
Cơ thể bạn cần vitamin và khoáng chất. Chúng giúp cơ thể:
· Thực hiện các chức năng thiết yếu
· Tăng trưởng và phát triển
· Tự sửa chữa
Một số vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác đóng vai trò là chất chống ôxy hóa. Nghiên cứu về vai trò chủa chúng trong phòng ngừa ung thư vẫn đang diễn ra vì các nghiên cứu cho thấy nhiều kết quả khác nhau.
Nguồn ảnh: https://www.livefertile.com/blog/2015/01/01/antioxidants-vitamins-minerals-ans-phytochemicals-for-fertility
Một nghiên cứu tổng hợp các thử nghiệm lâm sàng ở người cho thấy:
Beta carotene. Bổ sung Beta carotene liều cao dường như không ngăn ngừa được ung thư. Hai thử nghiệm lâm sàng lớn đã phát hiện ra những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi, bao gồm những người hút thuốc, những người từng hút thuốc và những người tiếp xúc với amiăng, có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nếu họ bổ sung beta carotene liều cao.
Canxi và vitamin D. Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ (WHI) là một nghiên cứu lớn về những người phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh và nhìn chung ăn uống đầy đủ. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu tác dụng của canxi và vitamin D bổ sung. Họ phát hiện ra rằng các chất bổ sung không ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Folate. Folate là một dang của vitamin B được tìm thấy trong:
· Các loại lá, rau xanh
· Trái cây và nước ép trái cây
· Các loại đỗ khô và đậu Hà Lan
Một dạng khác của Folate là axit folic được tạo ra trong phòng thí nghiệm và được tìm thấy trong các thực phẩm bổ sung. Bột mì trắng loại bổ sung khoáng chất đã có thêmg chất này. Điều này có nghĩa là thực phẩm làm từ bột mì như bánh mì, ngũ cốc có chứa axit folic.
Các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa folate và nguy cơ mắc ung thư. Những người có lượng folate thấp thì có nguy cơ cao mắc:
· Ung thư vú
· Ung thư đại tràng
· Ung thư tuyến tụy
Tuy nhiên các thử lâm sàng vẫn chưa cho thấy mối liên hệ giữa việc bổ sung thêm axit folic và phòng ngừa ung thư
Vitamin tổng hợp. Hiện tại, không có bằng chứng đủ mạnh cho thấy vitamin tổng hợp làm giảm nguy cơ ung thư. Nhưng 1 nghiên cứu cho thấy lợi ích tiềm năng của nó. Những người dùng vitamin tổng hợp hơn 10 năm đã giảm sự hình thành polyp đại tràng. Một số polyp có thể phát triển thành ung thư đại trực tràng nếu không được loại bỏ trong quá trình sàng lọc ung thư bằng phương pháp nội soi. Bằng cách giảm polyp, nghiên cứu cho thấy vitamin tổng hợp cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nhưng nghiên cứu này có thể khó giải thích. Thông thường, những người khỏe mạnh nhất được tầm soát ung thư định kỳ. Và những người đó cũng thường dùng vitamin tổng hợp.
Selenium. Một nghiên cứu đã đánh giá liệu selenium có ngăn ngừa được bệnh ung thư hay không. Các chất bổ sung không ngăn cản những người bị ung thư da mắc bệnh thứ hai. Nhưng nó đã làm giảm các trường hợp mắc mới của:
· Ung thư tiền liệt tuyến
· Ung thư phổi
· Ung thư đại trực tràng
Một số nghiên cứu cho thấy selenium có mối liên kết với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn. Vì vậy, hãy thận trọng khi xem xét các chất bổ sung có chứa selenium.
Vitamin C. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các chế độ ăn chứa hàm lượng Vitamin C cao có thế làm giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Nhưng các kết quả không đồng nhất.
Vitamin E. Một thử nghiệm lâm sàng lớn có tên Thử nghiệm Selenium và Vitamin E ngăn ngừa ung thư (SELECT) cho thấy những người tham gia dùng vitamin E có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
Bổ sung vitamin C và E liều cao đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ tái phát ung thư đầu và cổ. Tái phát là khi ung thư quay trở lại sau khi điều trị.
Chất xơ
Nghiên cứu AICR/WCRF ở trên đã tìm thấy mối liên hệ giữa thực phẩm giàu chất xơ và giảm nguy cơ mắc ung thư. Mối liên hệ này có ý nghĩa nhất đối với ung thư đại trực tràng.
Chất đạm
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa thịt đỏ và nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn. Nhưng tránh thịt chế biến thậm chí còn quan trọng hơn. Chúng bao gồm thịt xông khói, giăm bông, thịt nguội, thịt khô, xúc xích, salami và các sản phẩm thịt ướp muối khác. Nghiên cứu AICR/WCRF cho thấy những loại thịt này làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu cũng cho thấy mọi người có thể ăn tới 510 gam thịt đỏ chưa qua chế biến mỗi tuần mà không làm tăng nguy cơ ung thư.
Béo phì
Nạp nhiều calo hơn nhu cầu cơ thể cần có thể khiến bạn tăng cân. Nhiều người ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường và chất béo. Những thực phẩm bổ sung calo dưới đây có thể góp phần gây béo phì
· Đồ uống có đường, bao gồm soda và đồ uống có hương vị trái cây. Đồ uống có đường nóng hoặc lạnh
· Các sản phẩm từ sữa không tách béo như phô mai từ sữa nguyên kem
Béo phì có liên quan đến nguy cơ cao mắc nhiều bệnh ung thư. Hãy trao đổi với đội ngũ chăm sóc sức khỏe của bạn về việc cân nặng của bạn có ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh ung thư hay không.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) www.cancer.net
Đường dẫn: https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/prevention-and-healthy-living/food-and-cancer-risk
Biên dịch: ThS. Nguyễn Hà My, phòng QLCL-CTXH
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT&NCKH