Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 11:37
Nhằm cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư được chỉ định phẫu thuật, chiều ngày 9/8/2019, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã tổ chức buổi Truyền thông - Giáo dục sức khỏe với chủ đề “Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư phẫu thuật”. Buổi Truyền thông có sự tham gia của toàn thể bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ngoại Đầu cổ và Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
Tại đây, ThS.BS.Trần Châu Quyên – Phụ trách Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế đã phổ biến những kiến thức bổ ích về phương pháp điều trị ung thư bằng phẫu thuật, nhấn mạnh tầm quan trọng của dinh dưỡng và hướng dẫn người bệnh thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, chuẩn bị và sau quá trình phẫu thuật.
Theo đó, ảnh hưởng nghiêm trọng của phẫu thuật đối với bệnh nhân là tình trạng sụt cân, suy mòn, một bệnh nhân có ngày càng lún sâu vào tình trạng này hay không tùy thuộc vào cả việc điều trị thành công bệnh nguyên phát lẫn giải quyết suy mòn. Các bệnh nhân có mặt trong buổi Truyền thông đã được cung cấp những giải pháp hữu ích cho vấn đề này:
Nguyên tắc dinh dưỡng trước phẫu thuật:
- Chế độ ăn giàu protein – năng lượng.
- Đảm bảo cung cấp đủ kẽm, vitamin C, vitamin K.
- Bổ sung omega 3, nên bắt đầu trước phẫu thuật 5-7 ngày và kéo dài sau phẫu thuật 5 – 7 ngày.
Nguyên tắc dinh dưỡng đối với người bệnh chuẩn bị phẫu thuật:
- Bệnh nhân chỉ cần nhịn ăn 6 giờ trước khi gây mê đối với thức ăn rắn.
- Chiều hôm trước khi phẫu thuật, người bệnh nên ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng nhưng dễ tiêu hóa, hấp thu.
Nguyên tắc dinh dưỡng đối với người bệnh sau phẫu thuật:
- Bắt đầu có thể bằng dịch trong hoặc dịch lỏng giàu dinh dưỡng hoặc sản phẩm nuôi dưỡng có công thức chuẩn tùy thuộc vào loại phẫu thuật và khả năng dung nạp.
- Nuôi ăn tăng dần bao gồm cả số lượng, độ thô của thực phẩm tùy theo mức độ dung nạp.
Dinh dưỡng đặc hiệu giúp nhanh lành vết thương:
- Vitamin A (cá, trứng, sữa, khoai tây, cà rốt, bắp cải, súp lơ xanh…): tác dụng kích thích tổng hợp collagen, kiểm soát quá trình viêm nhờ tăng sức đề kháng.
- Sắt (thịt bò, heo, gan, hoa quả, các loại rau xanh): thiếu máu, thiết sắt dẫn đến lâu lành vết thương.
- Kẽm (đậu nành, vừng, lạc, hàu, sò, tôm, cua, thịt bò): là yếu tố quan trọng tạo nên hương vị vị giác. Thiếu kẽm, các tế bào niêm mạc miệng rất khó cảm nhận sự kích thích của thức ăn, dẫn đến giảm sự nhạy cảm hương vị, mất cảm giác ngon miệng.
- Vitamin C (rau củ, trái cây): giúp tái tạo tế bào, thúc đẩy quá trình liền sẹo, vận chuyển oxy đến các bộ phận cơ thể.
Bên cạnh đó, tại buổi Truyền thông, bệnh nhân cũng được ThS.BS Quyên tư vấn, giải đáp những thắc mắc về dinh dưỡng giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
Hoạt động Truyền thông - Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội sẽ được tổ chức thường quy 2 lần/tháng với những chủ đề thiết thực, bổ ích, giúp nâng cao nhận thức cho bệnh nhân cũng như kết quả điều trị ung thư tại bệnh viện.
Vũ Hương
ĐV QLCL-CTXH