Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Nhiều phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn đến khả năng sinh sản - tức khả năng thụ thai, của phụ nữ. Vô sinh là không có khả năng thụ thai hoặc không có khả năng giữ được thai trong suốt thai kỳ tự nhiên. Trước khi bắt đầu điều trị ung thư, hãy trao đổi với bác sĩ và hỏi họ về ảnh hưởng của việc điều trị đến khả năng sinh sản. Ngoài ra bạn cũng hãy hỏi về các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản.
Các vấn đề về sinh sản của phụ nữ do ung thư hoặc do quá trình điều trị ung thư xảy ra theo 2 cơ chế chính sau:
· Tổn thương các cơ quan thuộc hệ sinh sản như buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và cổ tử cung
· Tổn thương các cơ quan liên quan đến quá trình sản xuất hoóc-môn, như buồng trứng
Buồng trứng là nơi trữ trứng ở phụ nữ. Việc buồng trứng bị tổn thương làm giảm dự trữ buồng trứng. Dự trữ buồng trứng là tổng số noãn non còn lại trong cả hai buồng trứng. Phụ nữ khi sinh ra đã có một số lượng trứng nhất định. Một khi trứng đã mất, chúng không thể được thay thế. Việc mất đi các trứng khỏe mạnh gây ra vô sinh và mãn kinh sớm.
Các phương pháp điều trị ung thư sau đây đã được chứng minh có hoặc có thể có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản:
Hóa trị. Hóa trị, đặc biệt là các thuốc alkyl hóa, có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Các thuốc này bao gồm:
· Busulfan (Busulfex, Myleran)
· Carmustine (BiCNU)
· Chlorambucil (Leukeran)
· Cyclophosphamide (Neosar)
· Doxorubicin (Adriamycin)
· Lomustine (CeeNU)
· Mechlorethamine (Mustargen)
· Melphalan (Alkeran)
· Procarbazine (Matulane)
Một số thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
(Nguồn ảnh: https://www.istockphoto.com)
Các thuốc khác sử dụng trong điều trị ung thư cũng có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Hãy hỏi bác sĩ về loại thuốc cụ thể được khuyến cáo trong kế hoạch điều trị của bạn.
Xạ trị. Xạ trị tới các vùng cơ thể sau có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản:
· Vùng bụng
· Vùng hố chậu
· Phần dưới của cột sống
· Buồng trứng và các vùng quanh buồng trứng
· Tử cung
· Tuyến yên ở não bộ
· Toàn cơ thể, trong cấy ghép tủy xương
Phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ các cơ quan sinh sản sau đây có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản:
· Tử cung, trong phẫu thuật cắt tử cung
· Cổ tử cung, trong phẫu thuật cắt tử cung hoặc cắt cổ tử cung, bảo tồn thân tử cung
· Một hoặc cả hai buồng trứng, trong phẫu thuật cắt buồng trứng
Phẫu thuật cắt bỏ hạch lymphô vùng chậu cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Tìm kiếm sự giúp đỡ trong các vấn đề về sinh sản
Bạn có thể cân nhắc đến khám bác sĩ nội tiết sinh sản. Đây là bác sĩ có chuyên môn về các tình trạng bệnh ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Một số bác sĩ nội tiết sinh sản có chuyên môn về các vấn đề sinh sản liên quan đến ung thư.
Đánh giá kinh nguyệt và khả năng sinh sản sau điều trị ung thư
Phụ nữ có kinh nguyệt sau điều trị ung thư có thể thụ thai. Tuy nhiên việc có kinh nguyệt không phải là bằng chứng chắc chắn cho khả năng sinh sản. Ở một số phụ nữ, điều trị ung thư dẫn đến mất kinh nguyệt vĩnh viễn. Tình trạng này gọi là mãn kinh sớm. Mãn kinh sớm gây ra vô sinh vĩnh viễn.
Một số phụ nữ bị mất kinh nguyệt trong quá trình điều trị nhưng chu kỳ kinh nguyệt của họ quay trở lại sau đó. Phụ nữ có kinh nguyệt sau hóa trị vẫn có thể bị suy giảm khả năng sinh sản. Những người có kinh nguyệt trong và sau điều trị vẫn có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm khả năng sinh sản hoặc mãn kinh sớm.
Thời gian có kinh nguyệt trở lại thường lâu hơn đối với phụ nữ cao tuổi và những người điều trị liều cao với xạ trị hoặc hóa trị. Thường chu kỳ kinh ít khi quay trở lại trong các trường hợp này. Bác sĩ có thể cần đánh giá dự trữ buồng trứng của bạn thông qua xét nghiệm các hoóc-môn có độ nhạy cao như hoóc môn kháng ống Muller.
Trẻ em và phụ nữ trẻ tuổi có dự trữ buồng trứng cao hơn so với phụ nữ lớn tuổi. Ít có khả năng những đối tượng này phải đối mặt với tình trạng mãn kinh hay vô sinh ngay sau hóa trị. Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là phụ nữ trẻ tuổi sẽ không bị mất đi khả năng sinh sản. Xạ trị vùng chậu và bụng dưới kết hợp với hóa trị liều cao có thể khiến ngay cả phụ nữ trẻ mãn kinh ngay lập tức.
Có thai sau điều trị ung thư
Để có thể có thai tự nhiên mà không cần trợ giúp sinh sản, bạn cần:
· Có ít nhất một buồng trứng khỏe mạnh với đủ dự trữ trứng.
· Một ống dẫn trứng khỏe mạnh
· Một buồng tử cung khỏe mạnh nơi thai nhi phát triển
· Nồng độ lý tưởng một số loại hoóc-môn cụ thể
Bác sĩ có thể khuyến cáo bạn chờ đợi một khoảng thời gian nhất định trước khi cố gắng mang thai. Độ dài khoảng thời gian chờ đợi phụ thuộc vào:
· Loại và giai đoạn ung thư
· Phương pháp điều trị ung thư
· Tuổi của bạn
Chẳng hạn, phụ nữ sử dụng liệu pháp nội tiết có thể cần trì hoãn việc mang thai. Việc trì hoãn này có thể khiến giảm khả năng sinh sản bởi số lượng trứng của phụ nữ giảm theo thời gian. Nếu bạn cần phải trì hoãn, hãy cân nhắc các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản.
Các khuyến cáo về bảo tồn khả năng sinh sản
Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) khuyến cáo tất cả phụ nữ mắc ung thư nên thảo luận về nguy cơ vô sinh và các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản với bác sĩ càng sớm càng tốt trước khi bắt đầu điều trị. Nếu bạn quan tâm đến bảo tồn khả năng sinh sản, bạn nên đề nghị được giới thiệu gặp một chuyên gia sinh sản, ngay cả khi bạn không chắc mình muốn có em bé sau này.
Các lựa chọn phụ thuộc vào một số yếu tố:
· Tuổi
· Tình trạng quan hệ, chẳng hạn việc có chồng hoặc bạn trai có thể cung cấp tinh trùng.
· Sự trưởng thành về mặt thể chất và giới tính
· Thiên hướng và cảm nhận của cá nhân về các thủ thuật khác nhau
Các khuyến cáo của ASCO về bảo tồn khả năng sinh sản bao gồm:
Trữ đông phôi. Đây là cách bảo tồn khả năng sinh sản có tỷ lệ thành công cao nhất, còn được gọi là thụ tinh trong ống nghiệm. Người phụ nữ sẽ uống thuốc hỗ trợ sinh sản trong khoảng 2 tuần. Sau đó, một nhân viên y tế sẽ lấy trứng, đem thụ tinh với tinh trùng trong một phòng thí nghiệm tạo thành phôi. Các phôi này sẽ được làm đông lạnh để sử dụng sau này.
Trữ đông trứng. Quy trình này tương tự như trữ đông phôi. Tuy nhiên trứng sẽ được trữ đông trước khi được thụ tinh với tinh trùng. Đây là một lựa chọn cho những phụ nữ chưa có người cho tinh trùng . Tỷ lệ thụ thai thành công đối với trữ đông trứng thấp hơn trữ đông phôi.
Phẫu thuật bảo tồn chức năng sinh sản. Một số loại phẫu thuật cổ tử cung hoặc buồng trứng có thể bảo tồn chức năng sinh sản.
· Phẫu thuật trong ung thư cổ tử cung: Trong một số trường hợp, các bác sĩ ngoại khoa sẽ cắt cổ tử cung và giữ lại thân tử cung. Việc này giúp người phụ nữ có thể sinh con bằng mổ lấy thai sau này. Đây là một lựa chọn cho một số phụ nữ ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
· Phẫu thuật trong ung thư buồng trứng: Trong một số trường hợp, các bác sĩ ngoại khoa có thể chỉ cắt bỏ một bên buồng trứng. Đây là một lựa chọn cho một số phụ nữ ung thư giai đoạn sớm, khối u chỉ khu trú trong một buồng trứng. Phẫu thuật này sẽ giúp bảo tồn buồng trứng khỏe mạnh còn lại cho quá trình sinh sản và phòng ngừa mãn kinh sớm.
Xạ trị bảo vệ buồng trứng. Một số phụ nữ có thể chỉ cần tia xạ tới một bên buồng trứng. Điều này giúp bảo tồn khả năng sinh sản. Một lựa chọn khác là phẫu thuật chuyển vị buồng trứng. Bác sĩ ngoại khoa sẽ tái định vị một hoặc cả hai buồng trứng ra khỏi trường bức xạ để chúng không bị ảnh hưởng bởi các tia xạ. Sau điều trị, bác sĩ sẽ chuyển chúng lại về vị trí bình thường. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng thành công. Tia xạ có thể chiếu không chính xác và vẫn có thể ảnh hưởng tới buồng trứng hoặc mạch máu nuôi dưỡng buồng trứng.
Ức chế buồng trứng. Đây là một hướng tiếp cận đang được thăm dò nhằm bảo tồn chức năng sinh sản. Phương pháp này sử dụng các hoóc-môn ức chế chức năng buồng trứng. Điều này giúp bảo vệ trứng khỏi ảnh hưởng của điều trị ung thư. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được hiệu quả của phương pháp này. Do vậy phương pháp này thường không được khuyến cáo thay thế cho các phương pháp bảo tồn sinh sản tiêu chuẩn khác.
Trữ mô buồng trứng. Trong thử nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy và trữ đông mô buồng trứng và sẽ tái cấy ghép lại sau điều trị ung thư. Đây có thể là lựa chọn duy nhất cho những phụ nữ trẻ không thể trữ đông trứng hay phôi. Chẳng hạn như các bé gái chưa trưởng thành về mặt tuổi tác hay giới tính.
Rất nhiều trường hợp đã thụ thai thành công với kỹ thuật này, và các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục đánh giá lựa chọn này.
Đánh giá các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản
Các lựa chọn bảo tồn chức năng sinh sản này không phù hợp với tất cả mọi người. Hãy cân nhắc các yếu tố sau:
· Bảo hiểm y tế có thể không chi trả cho các quy trình bảo tồn chức năng sinh sản
· Hiệu quả của các quy trình này không giống nhau
· Phải gánh thêm áp lực về việc bảo tồn khả năng sinh sản trên nền áp lực bệnh tật có sẵn.
Bạn có thể cần được tư vấn cho những quyết định liên quan đến sinh sản. Những người đang cân nhắc bảo tồn khả năng sinh sản nên đưa ra các quyết định phù hợp với chính bản thân mình, dựa trên các yếu tố này cũng như các yếu tố khác.
Các câu nên hỏi bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị
Trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị (Nguồn ảnh: https://freepik.com)
· Các điều trị được khuyến cáo cho tôi có nguy cơ gây vô sinh ở mức độ nào?
· Nguy cơ gây vô sinh này là tạm thời hay vĩnh viễn?
· Có phương pháp điều trị nào khác vẫn hiệu quả mà không có nguy cơ gây vô sinh cao không?
· Có những lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản nào phù hợp với tôi ?
· Liệu những lựa chọn này có khiến tôi phải trì hoãn quá trình điều trị không? Nếu có, liệu việc trì hoãn đó có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị sau này không?
· Liệu các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản này có làm tăng nguy cơ ung thư tái phát không?
· Tôi có nên trao đổi thêm với một chuyên gia về sinh sản hoặc một bác sĩ nội tiết sinh sản không?
· Liệu có thử nghiệm lâm sàng nào phù hợp với tôi không?
· Tôi có thể tìm kiếm hỗ trợ trong các vấn đề về sinh sản ở đâu?
· Tôi có thể tìm kiếm giúp đỡ trong việc trao đổi với bạn đời của mình về vấn đề sinh sản ở đâu?
· Sau khi kết thúc điều trị, làm thế nào để biết rằng tôi vẫn còn khả năng sinh sản?
Nguồn: Trang thông tin dành cho bệnh nhân của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) - https://www.cancer.net
Đường dẫn: https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/dating-sex-and-reproduction/fertility-concerns-and-preservation-women truy cập ngày 20/5/2023
Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội