Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Làm thế nào để nhận biết hội chứng ung thư gia đình?
Ngày nay, ung thư không còn là bệnh hiếm gặp. Ở Mỹ, cứ 3 người có 1 người mắc bệnh ung thư trong thời gian sống của họ, vì vậy có những gia đình có nhiều người mắc ung thư.
Khi có nhiều ca ung thư xảy ra trong một gia đình, lý do thường là vì gia đình đó cùng tiếp xúc với một tác nhân gây bệnh, ví dụ như hút thuốc.
Đôi khi có thể nguyên nhân gây bệnh là do tương tác giữa một vài gene cụ thể và yếu tố phơi nhiễm. Ví dụ, một vài người có di truyền một gene làm họ khó đào thải độc tố của khói thuốc hơn người bình thường. Vậy thì những người này dễ mắc ung thư hơn nếu họ hút thuốc so với những người bình thường không mang gene này.
Hoặc ít gặp hơn, ung thư trong một gia đình có liên quan mật thiết đến một đột biến gene di truyền trong hội chứng ung thư gia đình.
Những trường hợp có khả năng cao có thể liên quan đến hội chứng ung thư gia đình:
- Rất nhiều người trong một gia đình cùng mắc một loại ung thư (đặc biệt là những ung thư hiếm gặp)
- Ung thư xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn bình thường (ung thư đại tràng ở bệnh nhân 20 tuổi)
- Một bệnh nhân mắc nhiều loại ung thư trở lên (một phụ nữ mắc cả ung thư buồng trứng và ung thư vú)
- Ung thư mắc ở cả 2 bên ở các bộ phận có đôi (mắt, thận hoặc cả 2 bên vú)
- Anh chị em ruột đều mắc một bệnh ung thư trẻ em (sarcome ở cả anh và chị em ruột)
- Ung thư có liên quan đến giới tính xảy ra ở giới còn lại (ung thư vú nam)
- Ung thư xảy ra ở nhiều thế hệ (ông, bố và con trai)
Để xác định được ung thư có di truyền trong gia đình không, đầu tiên cần xem xét các yếu tố sau:
- Ai là người mắc bệnh? Bạn có quan hệ thế nào đối với người bệnh? Người bệnh thuộc họ nội hay họ ngoại?
- Đó là loại ung thư gì ? Có hiếm gặp không?
- Người bệnh bao nhiêu tuổi khi được chẩn đoán ra bệnh?
- Người bệnh có mắc hai loại ung thư trở lên không ?
- Họ có yếu tố nguy cơ ung thư nào không? (ví dụ như hút thuốc với ung thư phổi?)
Ung thư ở với người cận huyết ví dụ như bố mẹ hay anh chị em ruột thường đáng lo hơn là họ hàng xa. Kể cả đó có là đột biến gene di truyền, thì khả năng bạn mang phải gene đó sẽ giảm đi với họ hàng xa hơn.
Cần phải xem xét riêng mỗi bên (nội, ngoại) của gia đình. Có hai thành viên của gia đình mắc ung thư ở cùng một bên sẽ đáng lo hơn. Ví dụ, nếu cả 2 anh trai của mẹ đều mắc bệnh sẽ đáng lo hơn là anh trai bố và anh trai mẹ cùng mắc bệnh.
Loại ung thư cũng là một yếu tố cần xem xét kĩ. Nếu như họ hàng cùng mắc một loại ung thư sẽ đáng lo hơn là mắc nhiều loại ung thư khác nhau. Mặc dù vậy, trong một số hội chứng ung thư gia đình, một vài loại ung thư có vẻ như đi cùng nhau. Ví dụ ung thư vú và ung thư buồng trứng di truyền trong các gia đình có hội chứng đột biến Vú Buồng trứng Di truyền (HBOC). Ung thư đại tràng và ung thư nội mạc tử cung thường gặp cùng nhau trong hội chứng Lynch.
Trong gia đình có nhiều hơn một người mắc cùng loại ung thư hiếm gặp sẽ đáng lo hơn trường hợp mắc loại ung thư thường gặp. Với một số ung thư hiếm gặp, tỷ lệ hội chứng ung thư di truyền theo gia đình cao hơn nhiều ngay cả khi trong gia đình chỉ có một người mắc.
Tuổi tác của người bệnh khi được chẩn đoán cũng rất quan trọng. Ví dụ, ung thư đại tràng thường rất ít gặp ở người trẻ hơn 30 tuổi. Có họ hàng gần dưới 30 tuổi mắc ung thư đại tràng có thể là triệu chứng của một hội chứng ung thư gia đình. Mặt khác, ung thư tiền liệt tuyến rất phổ biến ở người già, vì vậy nếu cả bố và anh trai bố bạn đều bị ung thư tiền liệt tuyến khi đã hơn 80 tuổi thì ít có khả năng là do đột biến di truyền.
Có nhiều khối u lành tính và những trạng thái bệnh lý khác cũng liên quan đến hội chứng ung thư gia đình. Ví dụ với những bệnh nhân có đa u nội tiết type II (Hội chứng MEN II) có tỷ lệ ung thư tuyến giáp cao hơn. Họ có thể mắc các bướu lành ở tuyến giáp trạng hoặc u thần kinh nội tiết lành tính tại tuyến thượng thận.
Khi nhiều họ hàng mắc cùng một bệnh ung thư giống nhau, cần lưu ý xem ung thư đó có liên quan đến yếu tố nguy cơ như hút thuốc không? Ví dụ hút thuốc lá là nguyên nhân thường gặp gây ung thư phổi, vì vậy gia đình có nhiều người nghiện thuốc lá nặng sẽ dễ mắc ung thư do hút thuốc hơn là do gene di truyền.
Một số ví dụ về hội chứng ung thư gia đình
Hội chứng Ung thư buồng trứng di truyền HBOC
Trong một số gia đình, có nhiều phụ nữ bị ung thư vú và/hoặc ung thư buồng trứng và thường là bệnh nhân có tuổi trẻ hơn lứa tuổi thường gặp mắc ung thư vú và buống trứng. Một số bệnh nhân nữ có thể mắc nhiều hơn một loại ung thư (ví dụ như ung thư cả hai vú, hoặc mắc cả ung thư vú và ung thư buồng trứng). Hội chứng này được gọi là hội chứng Ung thư buồng trứng di truyền viết tắt là HBOC.
HBOC thường được hình thành do đột biến gene BRCA1 hoặc BRCA2. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng và ung thư vú cao hơn rất nhiều ở các phụ nữ có đột biến gene BRCA1 và BRCA2 nhưng nguy cơ ở những người có đột biến gene BRCA1 là cao hơn. Bên cạnh ung thư vú và ung thư buồng trứng, hội chứng này còn có thể dẫn đến ung thư ống dẫn trứng, ung thư phúc mạc nguyên phát, ung thư vú nam, ung thư tụy, ung thư tiền liệt tuyến và một số ung thư khác.
Những phụ nữ có tiền sử gia đình về mắc ung thư vú và/hoặc ung thư buồng trứng có thể lựa chọn tư vấn di truyền để đánh giá nguy cơ mắc đột biến một trong hai gene BRCA hay không. Chuyên gia tư vấn di truyền có thể đánh giá được nguy cơ dựa trên tiền sử của họ và tiền sử ung thư trong gia đình. Nếu họ có nguy cơ cao, bệnh nhân có thể lựa chọn được xét nghiệm gene. Nếu như phát hiện có đột biến gene, khả năng họ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng cũng như một số ung thư khác sẽ cao hơn. Do đó họ có thể xem xét tham gia tầm soát ung thư sớm và thậm chí có thể làm can thiệp giảm nguy cơ mắc ung thư.
Vì ung thư vú rất hiếm gặp ở nam, nên nam giới mắc ung thư vú thường được khuyên làm tư vấn di truyền và xét nghiệm đột biến gene BRCA. Mặc dù đột biến này ít ảnh hưởng đến tương lai sức khỏe của nam giới hơn nữ giới, nhưng cũng có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến và ung thư tụy.
Hội chứng Lynch
Một trong những hội chứng di truyền phổ biến nhất làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng là hội chứng Lynch hay còn gọi là hội chứng di truyền ung thư đại trực tràng không polyp. Những người mắc hội chứng này thường có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn. Hầu hết các ung thư này sẽ biểu hiện trước khi bệnh nhân 50 tuổi.
Hội chứng Lynch còn liên quan đến tăng tỷ lệ mắc ung thư nội mạc tử cung (lớp lót lòng tử cung) cũng như buồng trứng, dạ dày, tiểu tràng, tụy, thận, não và niệu quản.
Hội chứng Lynch là do đột biến tại một số gene sửa chữa MMR, bao gồm MLH1, MSH2, MSH6, PMS1 và PMS2. Để đánh giá được một người có mắc hội chứng Lynch hay không các bác sĩ có các thang điểm tiêu chuẩn đánh giá cá nhân và tiền sử gia đình. Đột biến các gene gây hội chứng Lynch có thể được phát hiện bằng xét nghiệm di truyền.
Đối với những bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng hoặc ung thư nội mạc tử cung, mô u có thể được xét nghiệm để tìm thay đổi trên gene MMR, và các thay đổi khác gây lỗi ở gene này được gọi là bất ổn định vệ tinh (MSI). Nếu không có MMR hay MSI nào được tìm thấy có nghĩa là người đó không có hội chứng Lynch. Nhưng nếu có một trong hai đột biến này, thì bệnh nhân đó có thể mắc hội chứng Lynch và cần được tư vấn và xét nghiệm tầm soát.
Một người có mang đột biết gene liên quan đến hội chứng Lynch cần được tầm soát ung thư đại trực tràng bắt đầu từ lứa tuổi rất sớm (khoảng năm 20 tuổi) hoặc cần có các biện pháp ngăn ngừa ung thư từ sớm. Phụ nữ mắc hội chứng Lynch cần tầm soát ung thư nội mạc tử cung hoặc can thiệp sớm hơn để phòng tránh bệnh này.
Hội chứng Li-Fraumeni
Hội chứng Li-Fraumeni là một hội chứng di truyền hiếm gặp, có thể dẫn đến một số ung thư như các loại sarcome (ví dụ như sarcom xương, sarcom mô mềm), ung thư hạch, não (hệ thần kinh trung ương), ung thư tủy và ung thư vú. Những loại ung thư này phát triển ở những người khá trẻ tuổi.
Những người có hội chứng này thường mắc hai loại ung thư trở lên trong đời. Họ cũng có nguy cơ bị ung thư cao hơn khi xạ trị, vì vậy bác sĩ điều trị sẽ tránh xạ trị nếu không cần thiết.
Hội chứng này thường do đột biến gene TP53, là một gene chống ung thư hoặc đột biến trên gene ức chế ung thư CHECK2.
Nếu một người được phát hiện có đột biến ung thư di truyền, điều đó có nghĩa là họ hàng gần như bố mẹ, anh chị em ruột, con cái có 50% khả năng có thể cũng có đột biến này. Họ có thể có nhu cầu kiểm tra, tầm soát ung thư sớm hoặc có các biện pháp can thiệp để giảm nguy cơ mắc ung thư.
Xét nghiệm và tư vấn gene
Những người có tiền sử gia đình nghi ngờ liên quan đến di truyền ung thư có thể muốn biết kiểu hình gene của họ. Điều này sẽ giúp họ và gia đình lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe của họ trong tương lai. Vì đột biến di truyền ảnh hưởng đến toàn bộ tế bào trong cơ thể, tế bào gene đột biến có thể được tìm thấy trong máu hoặc nước bọt. Mặc dù vậy, không phải ai cũng cần phải xét nghiệm gene và quan trọng nhất là cần nói chuyện với nhà tư vấn di truyền để xem loại xét nghiệm nào là cần thiết.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ www.cancer.org
Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/genetics/family-cancer-syndromes.html
Biên dịch: BS. Lê Thành Chung – Khoa Ngoại Vú - Phụ Khoa
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH