Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, hai phương pháp quan trọng nhất để phòng ngừa ung thư cổ tử cung gồm: tiêm vaccine HPV nếu đủ tiêu chuẩn, và đi khám kiểm tra định kỳ thường xuyên.
Ung thư cổ tử cung thường phát triển từ các tổn thương tiền ung thư. Có nhiều phương pháp để phòng ngừa và ngăn chặn các tổn thương này phát triển. Phương pháp đầu tiên là tìm và điều trị các tổn thương tiền ung thư trước khi chúng tiến triển thành ung thư xâm lấn. Phương pháp thứ hai là phòng ngừa các tổn thương tiền ung thư.
Tìm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung
Các xét nghiệm sàng lọc là phương pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung đã được chứng minh hiệu quả. Các xét nghiệm này cho phép phát hiện các tổn thương tiền ung thư trước khi tiến triển thành ung thư xâm lấn. Pap test và HPV test là các xét nghiệm chuyên khoa dùng để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Các xét nghiệm này được thực hiện tương tự như nhau. Bác sỹ chuyên khoa sẽ dùng một dụng cụ chuyên biệt cào nhẹ hoặc chải cổ tử cung để lấy tế bào ở cổ tử cung. Nếu phát hiện tổn thương tiền ung thư, các bác sỹ sẽ chỉ định điều trị, ngăn không cho chúng tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
HPV test là xét nghiệm dùng để phát hiện tình trạng nhiễm các loại HPV có nguy cơ cao gây ra các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Có một số loại HPV test, có thể được làm riêng rẽ hoặc là một phần của test kết hợp. Các bác sỹ sẽ chỉ định loại xét nghiệm tùy thuộc vào loại test có sẵn tại cơ sở khám chữa bệnh.
Pap test là phương pháp dùng để thu thập tế bào từ cổ tử cung, để từ đó phát hiện ung thư và tiền ung thư cổ tử cung. Hầu hết ung thư cổ tử cung xâm lấn được phát hiện trên các bệnh nhân không làm Pap test định kỳ. Pap test thường được thực hiện trong khi khám phụ khoa, dù không phải lúc nào khám phụ khoa cũng cần làm Pap test.
Pap test. Nguồn: mayoclinic.org
Kết quả HPV test, cùng với các kết quả xét nghiệm đã làm trước đó, sẽ giúp đánh giá nguy cơ ung thư cổ tử cung của bạn. Nếu xét nghiệm dương tính, bạn cần phải đi khám lại, thực hiện thêm các xét nghiệm tầm soát ung thư. Đôi khi bạn cần phải điều trị để loại bỏ các tổn thương tiền ung thư.
Hãy trao đổi chi tiết với các bác sỹ về kết quả xét nghiệm để hiểu hết về nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, cũng như các bước điều trị tiếp theo.
Các phương pháp phòng ngừa tiền ung thư và ung thư cổ tử cung
Dựa trên tuổi, thể trạng chung và nguy cơ ung thư cổ tử cung của từng người, mỗi phụ nữ sẽ có các phương pháp cụ thể để phòng ngừa ung thư và tiền ung thư cổ tử cung.
Tiêm vaccine HPV
Vaccine có thể giúp bảo vệ trẻ em và phụ nữ trẻ chống lại một số loại HPV. Các loại vaccine này giúp phòng ngừa việc nhiễm một số loại HPV phổ biến có liên quan đến ung thư, cũng như các loại HPV gây sùi mào gà ở hậu môn và bộ phận sinh dục.
Vaccine chỉ giúp phòng ngừa việc nhiễm HPV chứ không có tác dụng điều trị tình trạng nhiễm HPV đã có từ trước. Do đó, vaccine HPV hiệu quả nhất khi được sử dụng tại thời điểm trước khi một người phơi nhiễm với HPV (ví dụ như khi quan hệ tình dục)
Các vaccine này giúp phòng ngừa ung thư và tiền ung thư cổ tử cung. Một số loại vaccine còn được chấp thuận để phòng các tổn thương sùi mào gà và một số loại ung thư khác.
Vaccine được sử dụng dưới dạng tiêm, chia thành nhiều đợt. Tác dụng phụ thường nhẹ, phổ biến nhất là đỏ da, sưng, nề nhất thời tại vị trí tiêm. Trong các trường hợp hiếm gặp, người được tiêm vaccine có thể bị ngất sau khi tiêm một thời gian ngắn.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo:
Tiêm vaccine HPV cho trẻ em từ 9 đến 12 tuổi
Người từ 13 đến 26 tuổi chưa được tiêm, hoặc tiêm chưa đủ liều, nên tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Tiêm vaccine ở người trưởng thành trẻ tuổisẽ không dự phòng được nhiều loại ung thư như đối với tiêm vaccine cho trẻ em và trẻ vị thành niên.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ không khuyến cáo tiêm vaccine HPV cho người trên 26 tuổi.
Cần lưu ý, không vaccine nào có thể phòng ngừa được tất cả các loại HPV, do đó, vẫn cần phải đi khám kiểm tra cổ tử cung định kỳ.
Giảm thiểu phơi nhiễm HPV
HPV lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc da với phần cơ thể bị nhiễm HPV – bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, miệng. Tuy nhiên, không quan hệ tình dục không có nghĩa là sẽ không bị lây nhiễm HPV. HPV có thể lây nhiễm qua tiếp xúc da khi không có quan hệ tình dục. Thâm chí cơ quan sinh dục có thể bị lây nhiễm HPV nếu tiếp xúc với da tay bị HPV.
Thêm vào đó, HPV có thể lan tràn từ cơ quan này tới cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, quá trình nhiễm HPV có thể xuất phát từ cổ tử cung, sau đó lan tới âm đạo và âm hộ.
Việc tránh phơi nhiễm với HPV là rất khó. Bạn có thể phòng ngừa nhiễm HPV bằng việc không cho người khác tiếp xúc với hậu môn hoặc bộ phận sinh dục, tuy nhiên, bạn vẫn có thể bị lây nhiễm HPV bằng các đường khác không rõ ràng.
Giới hạn số lượng bạn tình và tránh quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình là phương pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HPV. Tuy nhiên, do HPV rất phổ biến, quan hệ tình dục với 1 người cũng có thể khiến bạn có nguy cơ lây nhiễm HPV. Lưu ý rằng, một người có thể nhiễm HPV nhiều năm mà không có triệu chứng. Do đó, họ có thể mang virus và lây nhiễm virus cho người khác mà không biết.
Sử dụng bao cao su
Bao cao su giúp phòng ngừa lây nhiễm HPV, tuy nhiên không ngăn ngừa hoàn toàn. Một trong các lý do là bao cao su không che phủ toàn bộ các bộ phận có thể nhiễm HPV, như da bộ phận sinh dục hoặc vùng hậu môn. Tuy vậy, bao cao su vẫn có hiệu quả bảo vệ nhất định với HPV, cũng như với HIV và một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Không hút thuốc
Không hút thuốc là một phương pháp quan trọng khác giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư và tiền ung thư cổ tử cung.
Nguồn: Dịch từ https://www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Đường dẫn: Can Cervical Cancer Be Prevented | Ways to Prevent Cervical Cancer | American Cancer Society
Biên dịch: BS. Phạm Quang Huy - Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa
Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng HTQT-NCKH