1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

TÌM HIỂU VỀ VẮC-XIN UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

Vắc-xin là các thuốc trợ giúp cơ thể chiến đấu chống lại bệnh tật. Vắc-xin có khả năng huấn luyện hệ miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt các mầm bệnh hoặc tế bào gây hại. Trong suốt cuộc đời, bạn có thể được chích nhiều loại vắc-xin phòng ngừa các bệnh thường gặp. Hiện nay cũng đã có vắc-xin ung thư, bao gồm vắc-xin phòng ngừa ung thư và vắc-xin điều trị ung thư.

Có vắc-xin phòng ngừa ung thư không?

Hiện nay có các vắc-xin phòng ngừa một số loại ung thư gây ra bởi vi-rút. Giống như vắc-xin thủy đậu hay vắc-xin cúm, các vắc-xin này bảo vệ cơ thể khỏi một số loại vi-rút có thể gây ung thư. Loại vắc-xin này chỉ có hiệu quả nếu được chích ngừa trước khi cơ thể nhiễm vi-rút.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép lưu hành 2 loại vắc-xin ngừa ung thư:

Vắc-xin HPV. Vắc-xin này bảo vệ cơ thể khỏi vi-rút gây u nhú ở người (human papillomavirus, HPV). Loại vi-rút này nếu tồn tại lâu trong cơ thể có thể gây ra một số loại ung thư. FDA đã cấp phép lưu hành vắc-xin HPV với chỉ định phòng ngừa các bệnh:

· Ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và âm hộ

· Ung thư hậu môn

· Mụn cóc sinh dục

Hình 1. Vắc- xin HPV có thể giúp phòng ngừa một số loại ung thư do vi-rút HPV gây ra
(Nguồn ảnh: Internet)

HPV cũng có thể gây ra các loại ung thư khác nhưng các ung thư này không được FDA chấp thuận dùng vắc xin để phòng ngừa, chẳng hạn như ung thư miệng.

Vắc-xin viêm gan B. Vắc-xin này bảo vệ cơ thể khỏi vi-rút viêm gan B (Hepatitis B virus, HBV). Vi-rút này có thể gây ung thư gan.

Có vắc-xin điều trị ung thư không?

Hiện có các loại vắc-xin dùng để điều trị cho những người đã mắc ung thư, được gọi vắc-xin điều trị. Các vắc-xin này thuộc một phương pháp điều trị ung thư được gọi là liệu pháp miễn dịch. Chúng hoạt động theo cách thúc đẩy tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư. Các bác sĩ chỉ định liệu pháp vắc-xin cho những người đã mắc ung thư. Các liệu pháp vắc-xin khác nhau hoạt động theo các cách khác nhau. Chúng có thể:

· Phòng ngừa ung thư tái phát

· Tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi kết thúc điều trị

· Ngăn chặn sự tăng trưởng hoặc lan rộng của khối u

Các vắc-xin điều trị ung thư hoạt động như thế nào?

Các kháng nguyên, được tìm thấy trên bề mặt các tế bào, là các chất khiến cơ thể cho rằng chúng có khả năng gây hại. Hệ miễn dịch tấn công các kháng nguyên, và trong hầu hết các trường hợp, loại bỏ chúng. Hoạt động này sẽ được lưu lại như một “ký ức” giúp hệ miễn dịch tiêu diệt các kháng nguyên này trong tương lai.

Các vắc-xin điều trị ung thư sẽ tăng cường năng lực tìm kiếm và tiêu diệt kháng nguyên của hệ miễn dịch. Thông thường, trên bề mặt các tế bào ung thư tồn tại các phân tử được gọi là kháng nguyên đặc hiệu ung thư mà các tế bào khỏe mạnh không có. Khi các phân tử này được đưa vào cơ thể thông qua vắc-xin, chúng sẽ hoạt động như các kháng nguyên. Chúng sẽ cho hệ miễn dịch biết cần tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư có các phân tử này trên bề mặt.

Một số vắc-xin ung thư được cá thể hóa. Điều này có nghĩa là chúng được làm ra chỉ dành cho một người duy nhất. Loại vắc-xin này được sản xuất từ mẫu khối u thu được sau phẫu thuật của chính bệnh nhân. Một số vắc-xin ung thư khác không phải loại cá thể hóa và tác động vào một số kháng nguyên ung thư không đặc hiệu cho một cá thể bệnh nhân. Các bác sĩ chỉ định các vắc-xin này cho những người bệnh có các kháng nguyên này trên bề mặt tế bào khối u của họ.

Hầu hết các vắc-xin ung thư hiện chỉ có thể được tiếp cận thông qua các thử nghiệm lâm sàng, là các nghiên cứu trên người tình nguyện. Năm 2010, FDA cấp phép lưu hành sipuleucel-T (Provenge) cho người mắc ung thư tuyến tiền liệt di căn. Sipuleucel-T được cá thể hóa cho từng bệnh nhân thông qua một chuỗi các bước:

· Tế bào bạch cầu được tách từ mẫu máu của bệnh nhân. Tế bào bạch cầu giúp cơ thể chiến đấu chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.

· Các tế bào bạch cầu này được biến đổi trong một phòng thí nghiệm để có thể nhắm đích tới các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

· Tiếp theo, bác sĩ chuyển các tế bào đã được biến đổi vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch. Quy trình này tương tự như truyền máu. Các tế bào được biến đổi này sẽ huấn luyện hệ miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

Hình 2. Hiện nay các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm nhiều loại vắc-xin điều trị ung thư
(Nguồn ảnh: Internet

Một loại vắc-xin khác sử dụng một loại vi khuẩn được làm yếu đi được gọi là Bacillus Calmette-Guérin (BCG). Vi khuẩn đã được làm yếu đi này sẽ kích hoạt hệ miễn dịch trong điều trị ung thư bàng quang giai đoạn sớm.

Các thách thức của điều trị ung thư bằng vắc-xin

Việc tạo ra những vắc-xin điều trị có hiệu quả là một thách thức vì:

Các tế bào ung thư ức chế hệ miễn dịch. Đây là cách tế bào ung thư có thể hình thành và sinh trưởng lúc ban đầu. Các nhà nghiên cứu sử dụng các chất bổ trợ trong vắc-xin nhằm cố gắng khắc phục vấn đề này. Chất bổ trợ là các chất được thêm vào vắc-xin nhằm cải thiện đáp ứng miễn dịch.

Tế bào ung thư bắt nguồn từ các tế bào khỏe mạnh của chính cơ thể. Do đó, tế bào ung thư có thể không được hệ miễn dịch nhận biết là “có hại”. Hệ miễn dịch có thể bỏ qua các tế bào này thay vì tìm kiếm và tiêu diệt chúng.

Các khối u có kích thước lớn hoặc ở giai đoạn tiến xa khó có thể bị loại bỏ chỉ với vắc-xin. Đây là lý do khiến các bác sĩ thường kết hợp vắc-xin với các liệu pháp điều trị khác.

Những người ốm hoặc người cao tuổi có thể có hệ miễn dịch yếu hơn người bình thường. Cơ thể của họ có thể không đủ khả năng tạo ra một đáp ứng miễn dịch mạnh sau khi tiêm vắc-xin. Điều này hạn chế mức độ hiệu quả của vắc-xin. Thêm vào đó, một số liệu pháp điều trị ung thư cũng có thể khiến hệ miễn dịch yếu đi, làm hạn chế đáp ứng của cơ thể với vắc-xin.

Vì các lý do trên, một số nhà nghiên cứu cho rằng vắc-xin điều trị ung thư có thể có hiệu quả tốt hơn đối với các khối u nhỏ hoặc ở giai đoạn sớm.

Vắc-xin và thử nghiệm lâm sàng

Các thử nghiệm lâm sàng đóng vai trò thiết yếu trong quá trình nghiên cứu về vắc-xin phòng ngừa cũng như vắc-xin điều trị ung thư. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các loại vắc-xin trên nhiều bệnh lý ung thư, bao gồm:

Ung thư bàng quang. Các nhà khoa học đang tiến hành đánh giá hiệu quả của một loại vắc-xin sản xuất từ một vi-rút bị biến đổi với kháng nguyên HER2. Các kháng nguyên hoặc phân tử này tồn tại trên bề mặt một số tế bào ung thư bàng quang. Vi-rút này có thể giúp huấn luyện hệ miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư này. Các nhà khoa học cũng muốn so sánh hiệu quả của p điều trị ung thư bàng quang tiêu chuẩn với điều trị bằng vắc-xin.

U não. Hiện có nhiều nghiên cứu thử nghiệm các vắc-xin điều trị nhắm tới các phân tử nhất định trên bề mặt tế bào khối u não. Một số nghiên cứu tập trung vào ung thư não mới chẩn đoán. Số khác tập trung vào ung thư tái phát. Rất nhiều nghiên cứu bao gồm cả đối tượng trẻ em và trẻ vị thành niên.

Ung thư vú. Nhiều nghiên cứu đang thử nghiệm vắc-xin điều trị ung thư vú, sử dụng đơn độc hoặc kết hợp các liệu pháp điều trị khác. Các nhà nghiên cứu khác cũng đang cố gắng đưa vắc-xin phòng ngừa ung thư vú vào các thử nghiệm lâm sàng.

Ung thư cổ tử cung. Như đã giải thích phía trên, FDA đã cấp phép lưu hành vắc-xin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Các nghiên cứu cũng đang được tiếp tục được tiến hành nhằm chế tạo ra vắc-xin điều trị ung thư cổ tử cung ở các giai đoạn khác nhau.

Ung thư đại trực tràng. Các nhà nghiên cứu đang tạo ra vắc-xin có thể khiến cơ thể tấn công các tế bào với các kháng nguyên được cho là gây ra ung thư đại trực tràng. Các kháng nguyên này bao gồm các kháng nguyên ung thư biểu mô phôi (CEA), MUC1, guanylyl cyclase C, và NY-ESO-1.

Ung thư thận. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm nhiều loại vắc-xin điều trị ung thư thận. Họ cũng đang thử nghiệm các vắc-xin phòng ngừa ung thư thận giai đoạn muộn tái phát.

Lơ xê mi (bệnh bạch cầu). Các nghiên cứu đang tìm kiếm các vắc-xin điều trị nhiều dạng khác nhau của bệnh bạch cầu như bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML) và bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (CLL). Một số vắc-xin được sản xuất nhằm tăng cường hiệu quả các liệu pháp điều trị khác, chẳng hạn như ghép tủy xương/tế bào gốc. Một số khác được tạo ra từ chính các tế bào ung thư và các tế bào khác của cơ thể có khả năng giúp hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư.

Ung thư phổi. Các vắc-xin điều trị ung thư phổi trong các thử nghiệm lâm sàng đều nhắm đích vào các kháng nguyên.

Ung thư hắc tố. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm nhiều loại vắc-xin ung thư hắc tố, điều trị đơn độc hoặc phối hợp với các liệu pháp điều trị khác. Các tế bào ung thư hắc tố và các kháng nguyên đã bị tiêu diệt có trong thành phần vắc-xin sẽ khiến hệ miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư hắc tố khác trong cơ thể.

Đa u tủy xương. Nhiều thử nghiệm lâm sàng hiện đang đánh giá hiệu quả các vắc-xin cho người bệnh đa u tủy xương gần lui bệnh. Điều này có nghĩa là bác sĩ không còn tìm thấy các tế bào ung thư trong cơ thể và người bệnh cũng không còn biểu hiện triệu chứng. Các nhà nghiên cứu cũng đang thử nghiệm vắc-xin trên đối tượng người bệnh u tủy âm ỉ, hoặc những người có chỉ định ghép tủy xương/tế bào gốc tự thân.

Ung thư tụy. Các nhà khoa học đang nghiên cứu nhiều loại vắc-xin điều trị có khả năng thúc đẩy tăng cường đáp ứng của hệ miễn dịch đối với các tế bào ung thư tụy. Vắc-xin này có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các liệu pháp điều trị khác.

Ung thư tuyến tiền liệt. Như đã lưu ý phía trên, sipuleucel-T là một loại vắc-xin được bác sĩ sử dụng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt đã lan tràn. Hiện nay các nghiên cứu đang đánh giá hiệu quả của loại vắc-xin này với người bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm hơn.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về việc tham gia một thử nghiệm lâm sàng với vắc-xin điều trị ung thư, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn.

Nguồn: Trang thông tin dành cho bệnh nhân của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) - https://www.cancer.net

Đường dẫn: https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/how-cancer-treated/immunotherapy-and-vaccines/what-are-cancer-vaccines truy cập ngày 11/10/2023

Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Bài viết liên quan