Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Theo GLOBOCAN 2020, Ung thư gan (Ung thư biểu mô tế bào gan) là loại ung thư phổ biến đứng thứ 3 trên thế giới. Tại Việt Nam ung thư gan đứng thứ nhất cả 2 giới cả về số ca mắc mới với 26,418 ca và số ca tử vong với 25,272 ca. [1] Tuy nhiên đa số các trường hợp phát hiện bệnh khi ở giai đoạn muộn, với gần 70% bệnh nhân UTBMTBG nhận chẩn đoán ở giai đoạn quá chỉ định phẫu thuật.1 Các dấu hiện lâm sàng ung thư gan thường mơ hồ, không đặc hiệu, dễ nhầm với các bệnh khác. Vì vậy việc khám, sàng lọc và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng ở đối tượng có nguy cơ cao để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tăng hiệu quả điều trị. Bài viết này tập trung vào các đối tượng cần tầm soát ung thư gan và các phương pháp chẩn đoán ung thư gan.
Đối tượng tầm soát
- Nhóm nguy cơ cao: các truờng hợp nhiễm HBV mạn và HCV mạn chưa điều trị,
- đang điều trị và đã ngưng điều trị bằng thuốc kháng virus, và các trường hợp xơ
- gan không liên quan đến nhiễm virus viêm gan như xơ gan do rượu
- Nhóm nguy cơ rất cao: các trường hợp xơ gan có liên quan đến viêm gan do
- virus (HBV, HCV).
Tần suất tầm soát
- Tầm soát mỗi 6 tháng đối với nhóm nguy cơ cao và mỗi 3 tháng đối với nhóm nguy cơ rất cao.
- Tầm soát bằng siêu âm bụng và xét nghiệm phối hợp các chỉ dấu sinh học AFP, AFP-L3, PIVKA II.
- Nếu phát hiện có tổn thương nghi ngờ UTBMTBG và/hoặc giá trị các chỉ dấu sinh học tăng thì nên chụp CT scan bụng có cản quang hoặc MRI bụng có tương phản từ
Quá trình phát triển ung thư gan
Các phương pháp sàng lọc và chẩn đoán
1. Siêu âm ổ bụng
Siêu âm ổ bụng thường là cận lâm sàng thường được chỉ định đầu tiên để khảo sát gan. Siêu âm sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh trên máy tính. Phương pháp này giúp đánh giá và phát hiện khối u trong gan( khả năng phát hiện khá cao khoảng 80% với kích thước u>1cm) từ đó định hướng để chỉ định làm các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu khác.
2. Chụp cắt lớp vi tính ( CT)
CT sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. Chụp CT bụng cung cấp thông tin cụ thể về kích thước, hình dạng, vị trí của khối u gan, tình trạng hạch cũng như các mạch máu lân cận. CT có giá trị chẩn đoán sớm, 94% phát hiện được những khối u có đường kính >3 cm. Ngoài ra, chụp CT cũng được sử dụng để hướng dẫn sinh thiết chính xác vào khối u nghi ngờ và đánh giá tổn thương di căn đến các cơ quan khác.
3. Chụp cộng hưởng từ ( MRI)
Giống như chụp CT, MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về các mô mềm trong cơ thể. Nhưng MRI sử dụng sóng radio và từ trường thay vì tia X. Chụp MRI đánh giá tính chất khối u gan rất tốt, độ chẩn đoán chính xác cao (đạt tỷ lệ chẩn đoán chính xác 97,5% với các u>2 cm). Ngoài ra, phim chụp MRI còn đánh giá được huyết khối trong mạch máu và cũng giúp phát hiện được những tổn thương di căn ngoài gan.
4. Chụp động mạch
Chụp động mạch là kĩ thuật sử dụng tia X để khảo sát mạch máu. Chụp động mạch có thể được thực hiện bằng CT hoặc MRI.Thuốc cản quang được tiêm vào động mạch để phác thảo và dựng hình các mạch máu trong khi chụp. Chụp động mạch có thể được sử dụng để hiển thị các động mạch cung cấp máu cho khối u gan. Điều này có thể giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị như phẫu thuật hay các phương pháp không phẫu thuật như nút mạch.
5. Xạ hình xương
Chụp xạ hình xương dùng để khảo sát tổn thương ung thư gan di căn đến xương. Trên lâm sàng, xạ hình xương thường không được chỉ định thường quy trừ khi bệnh nhân có các triệu chứng đau xương hoặc trên bệnh nhân đủ điều kiện để ghép gan.
6. Sinh thiết
Sinh thiết là lấy một mẫu mô xét nghiệm giải phẫu bệnh để đánh giá đó có phải là ung thư hay không. Sinh thiết được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư gan tuy nhiên không phải lúc nào bác sĩ cũng chỉ định sinh thiết. Sinh thiết có thể không cần thiết khi ung thư gan đã được chẩn đoán xác định bằng chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu. Các phương pháp sinh thiết hiện được sử dụng ngày nay như:
- Sinh thiết kim: bệnh nhân được gây tê cục bộ sau đó dùng kim chọc xuyên qua da bụng vào gan. Loại sinh thiết này thường được thực hiện dưới sự trợ giúp của siêu âm hoặc CT.
- Sinh thiết qua nội soi: nội soi ổ bụng sinh thiết cho phép quan sát bề mặt của gan. Ngoài ra có thể lấy sinh thiết cả các cấu trúc nghi ngờ bất thường.
- Sinh thiết bằng phẫu thuật: phẫu thuật lấy một phần khối u hoặc cắt bỏ toàn bộ khối u làm giải phẫu bệnh.
Sinh thiết gan để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan
7. Các xét nghiệm dấu ấn sinh học
Xét nghiệm AFP (Alpha-fetoprotein blood)
AFP là một loại protein tăng cao ở người mắc bệnh lý về gan, đang mang thai hoặc các bệnh ung thư khác. Nếu nồng độ AFP rất cao ở người có khối u gan đó có thể là dấu hiệu dự báo ung thư gan. Tuy nhiên, khoảng 70% bệnh nhân ung thư gan có AFP cao và AFP có thể bình thường ở bệnh nhân ung thư gan giai đoạn sớm. Vì vậy AFP cao không giúp xác định xem khối u có thể là ung thư hay không. Trên lâm sàng AFP được sử dụng để theo dõi quá trình điều trị và phát hiện sớm tái phát.
PIVKA-II (Prothrombin induced by vitamin K absence-II)
Protein gây ra do thiếu vitamin K hoặc chất đối kháng-II là một prothombin bất thường, đã được xác định là một chất chỉ điểm đặc hiệu cao đối với ung thư gan và là yếu tố dự đoán tiên lượng của bệnh nhân HCC.Trong nhiều nghiên cứu, người ta thấy rằng kết hợp PIVKA-II và AFP có độ nhạy từ 47,5% đến 94,0% và độ đặc hiệu từ 53,3% đến 98,5% trong chẩn đoán sớm ung thư gan và được sử dụng làm dấu hiệu dự đoán xâm lấn vi mạch.
Lens culinaris agglutinin-reactive fraction of AFP (AFP-L3)
AFP-L3 phản ứng với L culinaris agglutinin A và nó là một biến thể fucosyl hóa của AFP. Để phân biệt tăng AFP do HCC hay bệnh gan lành tính, có thể sử dụng AFP-L3. Điều đó có nghĩa là so với mức AFP tổng, đồng dạng AFP-L3 dường như đặc hiệu hơn để chẩn đoán HCC. Một nghiên cứu hồi cứu phát hiện (41%) trong số 21 bệnh nhân ung thư gan có nồng độ AFP-L3 cao vào 12 tháng trước khi chẩn đoán hình ảnh và tỷ lệ AFP-L3 so với AFP toàn phần không phụ thuộc vào nồng độ AFP toàn phần trong huyết thanh. Nếu nồng độ AFP-L3 trong huyết thanh đặc hiệu cao đối với HCC, nó có thể được sử dụng để sàng lọc những người có nguy cơ mắc HCC cao và do đó tạo điều kiện chẩn đoán sớm và bắt đầu điều trị kịp thời.
8. Xét nghiệm máu khác
- Xét nghiệm virus viêm gan B, C: xét nghiệm Anti-HCV test nhanh và HbsAg test nhanh để chẩn đoán viêm gan B, C.Tìm nguyên nhân bệnh gây bệnh.
- Xét nghiệm đánh giá chức năng gan: AST, ALT, billirubin, Protein, Albumin máu. Do ung thư gan thường phát triển ở gan viêm và/ hoặc xơ. Nếu chức năng gan còn tốt thì bệnh nhân sẽ có tiên lượng tốt hơn nhiều so với bệnh nhân có suy giảm chức năng gan. Trong trường hợp chức năng gan không tốt, xơ gan mất bù bệnh nhân không còn chỉ định điều trị đặc hiệu.
- Xét nghiệm đông máu cơ bản: Các xét nghiệm APTT, PT, TT, fibrinogen. Gan là nơi sản xuất protein trong quá trình đông máu. Gan bị tổn thương có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm này để đánh giá nguy cơ chảy máu và gián tiếp đánh giá chức năng gan.
- Xét nghiệm đánh giá chức năng thận: Ure, creatinin.
- Xét nghiệm công thức máu: đánh giá hoạt động tạo máu của tủy xương.
- Sinh hóa máu và các xét nghiệm khác: ung thư gan có thể làm tăng Canxi máu, giảm Glucose máu, tăng cholesterol.
Người viết: ThS.BS. Đinh Thị Hải Duyên, Phó Trưởng Khoa Nội II - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Người duyệt: BS.CKII. Nguyễn Thị Dùng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa theo yêu cầu
Tài liệu tham khảo
1. GLOBOCAN 2020. Vietnam cancer factsheet. Link: https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf.
2. Lê Công Định và cộng sự. Kết quả sống thêm và các yếu tố liên quan của bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội (2018-2020).
3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan- Bộ y tế (2020). Https://kcb.vn/phac-do/quyet-dinh-so-3129-qd-byt-ngay-17-thang-07-nam-2020-ve-viec-.html.
4. Lê Công Định và cộng sự. Kết quả sống thêm và các yếu tố liên quan của bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội (2018-2020).
5. Ayuso C, Rimola J, Vilana R, et al. Diagnosis and staging of hepatocellular carcinoma (HCC): current guidelines. Eur J Radiol. 2018;101:72-81. doi:10.1016/j.ejrad.2018.01.025
6. Gaillard F. Hepatocellular carcinoma | Radiology Reference Article | Radiopaedia.org. Radiopaedia. doi:10.53347/rID-1442