Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Người bệnh ung thư và gia đình họ khi được chỉ định xạ trị thường rất lo lắng về các tác dụng phụ của xạ trị. Thực tế, khi bác sỹ đưa ra đề nghị điều trị này họ đã có cân nhắc giữa lợi ích của việc điều trị và khả năng xảy ra các tác dụng phụ. Cùng với sự tiến bộ nhanh chóng trong chuyên ngành xạ trị ung thư, các kỹ thuật tiên tiến và thiết bị hiện đại liên tục được cập nhật và cải thiện không chỉ để tăng hiệu quả điều trị mà còn giảm thiểu những ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Điều quan trọng cần nhớ là phản ứng của cơ thể với xạ trị ở mỗi người mỗi khác. Các tác dụng phụ cũng phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí ung thư, liều xạ bao nhiêu và tình trạng sức khỏe chung của người bệnh nhân. Một số người ít, thậm chí không bị tác dụng phụ của tia xạ, trong khi những người khác lại bị nhiều tác dụng phụ hơn. Trong các tác dụng phụ sẽ có những loại thường gặp hơn, trong khi có những tác dụng phụ ít hoặc rất hiếm gặp. Bài viết dưới đây giúp người bệnh có thêm hiểu biết về các phương pháp phòng tránh và giảm thiểu ảnh hưởng của tác dụng phụ của xạ trị.
Ảnh: Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư phần mềm vùng lưng tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
I. Các tác dụng phụ kéo dài bao lâu?
Loại tác dụng phụ của xạ trị xuất hiện trên mỗi người bệnh tùy thuộc vào liều lượng và liệu trình điều trị. Phần lớn các tác dụng phụ sẽ hết chỉ trong vòng một vài tháng sau khi kết thúc xạ trị. Một số tác dụng phụ có thể vẫn tiếp diễn sau khi kết thúc điều trị vì cần có thời gian dài hơn để các tế bào khỏe mạnh phục hồi.
Tác dụng phụ có thể ảnh hưởng tới khả năng làm một số việc của người bệnh. Những gì họ có thể làm tùy thuộc vào cảm giác của họ. Một số người bệnh có thể đi làm hoặc tham gia hoạt động vui chơi giải trí trong quá trình xạ trị. Một số người khác lại cần nghỉ ngơi nhiều hơn và không làm được nhiều như vậy. Nếu người bệnh bị tác dụng phụ gây khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày hoặc sức khỏe, bác sĩ có thể tạm ngừng điều trị, thay đổi liệu trình hoặc thay đổi phương pháp điều trị. Người bệnh cần trao đổi với các bác sĩ điều trị xạ trị của họ về bất kỳ tác dụng phụ nào mà họ tự nhận thấy, để bác sỹ có thể giúp đỡ họ xử trí kịp thời.
Tác dụng phụ sớm và tác dụng phụ muộn của xạ trị
· Tác dụng phụ sớm xảy ra trong hoặc ngay sau khi điều trị. Những tác dụng phụ này thường ngắn hạn, nhẹ và có thể điều trị. Chúng thường hết trong vòng vài tuần sau khi kết thúc điều trị. Các tác dụng phụ sớm phổ biến nhất là mệt mỏi và các thay đổi trên da. Các tác dụng phụ sớm khác thường liên quan đến vị trí xạ trị, chẳng hạn như rụng tóc và các vấn đề về miệng khi xạ trị ở vùng đầu cổ.
· Tác dụng phụ muộn có thể hình thành sau vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Chúng có thể xảy ra ở bất kỳ mô bình thường nào trong cơ thể đã bị chiếu xạ. Nguy cơ tác dụng phụ muộn phụ thuộc vào vị trí cũng như liều bức xạ đã được sử dụng. Lập kế hoạch điều trị cẩn thận có thể giúp tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ xạ trị để biết về nguy cơ của tác dụng phụ muộn.
II. Các thuốc để giảm tác dụng phụ của xạ trị
Một trong các cách để giảm tác dụng phụ là sử dụng thuốc bảo vệ, nhưng chúng chỉ được sử dụng cho một số loại phóng xạ nhất định cho một số bộ phận nhất định của cơ thể. Những loại thuốc này được đưa ra trước khi điều trị bức xạ để bảo vệ các mô tế bào lành trong vị trí tia xạ. Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là amifostine. Thuốc này có thể được sử dụng ở những người bị ung thư đầu và cổ để giảm các vấn đề về miệng do xạ trị.
Không phải tất cả các bác sĩ đều khuyến cáo sử dụng các loại thuốc này trong xạ trị. Những loại thuốc này cũng có tác dụng phụ riêng, vì vậy hãy chắc chắn bạn hiểu kỹ trước khi sử dụng.
III. Tác dụng phụ toàn thân của xạ trị thường gặp
1.Mệt mỏi
Cảm giác mệt mỏi có thể là về mặt thể chất, tinh thần hay cảm xúc. Triệu chứng này rất phổ biến ở người bị ung thư và thường xảy ra khi xạ trị. Hầu hết người bệnh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi sau một vài tuần xạ trị. Đó là vì xạ trị đã phá hủy một số tế bào khỏe mạnh cùng với các tế bào ung thư. Mức độ mệt mỏi thường nặng lên khi điều trị tiếp tục. Căng thẳng vì bệnh tật và việc di chuyển hàng ngày để điều trị có thể làm cho tình trạng mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn. Do đó xử trí mệt mỏi là một phần quan trọng của chăm sóc người bệnh.
Tình trạng mệt mỏi trong quá trình xạ trị khác với mệt mỏi của cuộc sống hàng ngày, và nó có thể không cải thiện kể cả khi nghỉ ngơi. Nó có thể tồn tại trong một thời gian dài và có thể cản trở sinh hoạt bình thường của người bệnh. Nhưng tình trạng mệt mỏi thường sẽ hết theo thời gian sau khi điều trị kết thúc.
Chỉ có bản thân người bệnh biết họ có mệt mỏi hay không và ở mức độ nào. Không có xét nghiệm hay chụp chiếu nào có thể chẩn đoán hoặc mô tả mức độ mệt mỏi của người bệnh. Biện pháp tốt nhất để đánh giá sự mệt mỏi là người bệnh mô tả lại cho bác sĩ. Bạn có thể mô tả mức độ mệt mỏi của bạn là không, nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng. Hoặc bạn có thể sử dụng thang điểm từ 0 đến 10, trong đó 0 có nghĩa là không mệt mỏi và 10 là mệt mỏi ở mức nặng nhất bạn có thể tưởng tượng.
Dù bạn chọn cách nào, điều quan trọng là phải mô tả sự mệt mỏi của bạn với bác sĩ. Người bệnh cần nói chuyện với bác sỹ nếu:
· Cảm giác mệt mỏi không đỡ hơn, tiếp tục quay trở lại hoặc trở nên tồi tệ hơn.
· Mệt mỏi hơn bình thường trong hoặc sau một hoạt động.
· Bạn cảm thấy mệt mỏi, và nó không liên quan đến những gì bạn đã làm.
· Bạn trở nên nhầm lẫn hoặc không thể tập trung suy nghĩ.
· Bạn ngủ li bì trong hơn 24 giờ.
· Sự mệt mỏi làm rối loạn cuộc sống xã hội hoặc thói quen hàng ngày của bạn.
Nếu bạn cần nghỉ làm, hãy nói chuyện với cấp trên của bạn.
2. Các vấn đề về da
Da ở khu vực cơ thể được điều trị bức xạ có thể trông đỏ, mẫn cảm, sưng, nổi mụn nước, cháy nắng hoặc rám. Sau một vài tuần, da của người bệnh có thể trở nên khô, nứt nẻ, ngứa hoặc bị bong tróc. Điều này đôi khi được gọi là viêm da do xạ. Quan trọng là phải báo ngay cho bác sỹ điều trị ung thư của bạn biết về bất kỳ thay đổi nào về da. Họ có thể đề xuất các cách để giảm bớt sự khó chịu, kích ứng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Những vấn đề này thường hết dần sau khi kết thúc điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vùng da được điều trị sẽ vẫn xạm hơn và có thể nhạy cảm hơn so với trước đây.
Dưới đây là một số cách để hạn chế các vấn đề về da:
3. Rụng tóc
Lông và tóc có thể bị rụng ở vùng bị tia xạ. Ví dụ, bức xạ lên đầu của bạn có thể khiến bạn mất một phần hoặc toàn bộ tóc trên đầu (thậm chí là lông mày và lông mi), nhưng nếu bạn không xạ ở vùng đầu, bạn sẽ không bị rụng tóc.
Hầu hết mọi người thấy tóc mọc lại sau khi kết thúc điều trị. Nhưng thật khó khăn khi thấy mình bị rụng tóc. Khi mọc trở lại, tóc của bạn có thể mỏng hơn hoặc có kết cấu khác so với trước đây. Hãy trao đổi với bác sĩ ung thư của bạn nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc mối quan tâm về rụng tóc.
Nếu bạn bị rụng tóc, da đầu của bạn có thể bị mềm và bạn có thể muốn che đầu của bạn. Đội mũ hoặc quàng khăn để bảo vệ đầu khi ra nắng. Nếu bạn muốn đội tóc giả, hãy chắc chắn rằng lớp lót không kích ứng da đầu của bạn.
4. Giảm hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu
Xạ trị có thể gây ra những thay đổi về công thức máu. Những tế bào máu này giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng và ngăn ngừa chảy máu. Nếu xét nghiệm máu của bạn cho thấy số lượng tế bào máu thấp, việc xạ trị có thể được dừng lại trong một tuần hoặc lâu hơn để lượng tế bào máu của bạn trở lại bình thường. Người bệnh ung thư có điều trị bằng hóa chất thường hay gặp tác dụng phụ này hơn.
Tìm hiểu thêm về Các tác dụng phụ của xạ trị (phần 2) tại đây: https://benhvienungbuouhanoi.vn/kien-thuc-ung-thu-1/cac-tac-dung-phu-cua-xa-tri-phan-2-tac-dung-phu-cua-xa-tri-tren-tung-bo-phan-co-the.html
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ www.cancer.org
Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/radiation/effects-on-different-parts-of-body.html Truy cập ngày 7/8/2020
Biên dịch: BSNT. Phạm Anh Đức - Đơn nguyên Xạ trị Theo yêu cầu
Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - ĐV HTQT-NCKH