1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

CÁC VẤN ĐỀ VỀ TÌNH DỤC THƯỜNG GẶP Ở PHỤ NỮ MẮC UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

1. Các vấn đề tình dục thường gặp khi mắc và điều trị ung thư

1.1. Mãn kinh sớm

  • Các loại phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung phần phụ (bao gồm cả buồng trứng) có thể dẫn đến mãn kinh sớm. Và tình trạng mãn kinh này là vĩnh viễn.

  • Đối với phụ nữ vẫn còn buồng trứng, trong đó có những người vẫn còn kinh nguyệt, các phương pháp điều trị ung thư đặc hiệu như xạ trị, hóa trị, điều trị nội tiết có thể làm suy giảm chức năng buồng trứng và gây mãn kinh sớm. Đôi khi, tình trạng mãn kinh này chỉ là tạm thời, nhưng cũng có nhiều trường hợp sẽ là mãn kinh vĩnh viễn.

Nếu bạn sắp trải qua hoặc đã gặp phải tình trạng mãn kinh sớm sau phẫu thuật và điều trị ung thư, những cơn bốc hỏa thường xuyên và vài triệu chứng khác của mãn kinh có thể gây khó chịu cho bạn.

  • Bốc hỏa có thể xảy ra suốt cả ngày, nhưng đặc biệt khó chịu vào ban đêm. Bạn có thể gặp thêm các triệu chứng khác như ớn lạnh, nóng bừng mặt, lo lắng, và cảm thấy đánh trống ngực.
  • Một số chị em có thể giảm ham muốn tình dục, điều này bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng của mãn kinh, cũng như căng thẳng và ngủ kém.
  • Thay đổi nội tiết cũng có thể gây ra khô và đau âm đạo, làm mỏng niêm mạc vùng âm đạo.

 

Nội tiết tố nữ (estrogen và/hoặc progesterone) dạng viên hoặc gói có thể giúp giảm các triệu chứng của mãn kinh. Tuy nhiên, nhiều người không thể dùng thuốc nội tiết vì loại bệnh ung thư họ mắc phải. Những thuốc nội tiết này đôi khi không được khuyến cáo vì chúng có thể thúc đẩy một số loại ung thư nhất định phát triển trong các cơ quan sinh dục nữ, và cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác.

 


1.2.Teo và khô âm đạo

 

Dịch âm đạo và sự ẩm ướt rất quan trọng đối với hoạt động tình dục, và giúp cho việc thăm khám phụ khoa trở nên dễ chịu hơn. Ở phụ nữ lớn tuổi, âm đạo có thể tự nhiên mất dần đi sự ẩm ướt và tính đàn hồi. Phẫu thuật và điều trị ung thư có thể đẩy nhanh những thay đổi này. Teo và khô âm đạo có thể gây khó khăn và đau khi quan hệ tình dục. Thuốc nội tiết giúp giảm tình trạng khô âm đạo cũng như những cơn bốc hỏa. Nhưng những thuốc nội tiết này đôi khi không được khuyến cáo vì chúng có thể thúc đẩy một số loại ung thư nhất định phát triển trong các cơ quan sinh dục nữ.

Chất bôi trơn

Nếu âm đạo bị khô, bạn có thể cần bôi trơn thêm để việc quan hệ trở nên thoải mái. Nếu bạn dùng, tốt nhất nên chọn loại gel có thành phần là nước, không mùi, không màu, không chứa chất diệt tinh trùng, không thuốc thảo dược, hoặc thêm hương thơm, vì những chất này có thể gây kích ứng bộ phận sinh dục nhạy cảm của bạn. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn, và trao đổi với nhân viên y tế nếu bạn có bất cứ câu hỏi gì.

 

Kem dưỡng ẩm âm đạo

Kem dưỡng ẩm âm đạo được thiết kế giúp âm đạo luôn ẩm ướt và có độ axit cân bằng hơn trong vài ngày. Kem dưỡng ẩm âm đạo nên được bôi trước khi đi ngủ để được hấp thụ tốt nhất. Kem dưỡng ẩm khác với chất bôi trơn vì chúng tác dụng kéo dài hơn và không dùng thường xuyên cho việc quan hệ tình dục.

 

Thuốc nội tiết đặt âm đạo

Liệu pháp nội tiết âm đạo là một lựa chọn điều trị cho phụ nữ bị teo âm đạo (khi thành âm đạo trở nên mỏng hơn và kém đàn hồi hơn). Nhưng, nhiều phụ nữ không thể dùng thuốc nội tiết vì loại bệnh ung thư họ mắc phải. Thuốc nội tiết đặt âm đạo cần phải được kê đơn.

 

1.3.Đạt cực khoái sau điều trị ung thư

Thông thường, những phụ nữ đã có thể đạt được cực khoái trước khi điều trị ung thư, thì cũng có thể đạt được sau điều trị. Nhưng một vài người lại gặp vấn đề trong việc này. Đây là một vài gợi ý có thể giúp bạn.

  • Mơ tưởng tình dục có thể là một ký ức hoặc một trải nghiệm trong quá khứ hoặc một ý nghĩ về những điều bạn chưa bao giờ làm thử. Ý nghĩ về tình dục mạnh mẽ có thể làm bạn sao lãng những suy nghĩ tiêu cực và sợ hãi về việc đang diễn ra.
  • Sử dụng máy rung cầm tay để tăng sự kích thích.
  • Thay đổi tư thế cẳng chân trong khi quan hệ. Nhiều phụ nữ đạt cực khoái dễ dàng hơn khi dạng chân và căng cơ đùi. Nhiều người khác lại thích xiết chặt hai đùi .
  • Đề nghị bạn tình vuốt ve nhẹ nhàng vào ngực và vùng kín cùng một lúc hoặc tách biệt.

1.4.Đau trong khi quan hệ

Đau âm đạo

Đối với những phụ nữ gặp tình trạng teo hay khô âm đạo, họ có thể bị đau khi quan hệ. Sau xạ trị hoặc các phẫu thuật nhất định tại vùng chậu hoặc vùng âm hộ, âm đạo đôi khi trở nên ngắn và nông hơn. Nhưng sự thay đổi nội tiết là nguyên nhân hay gặp nhất của chứng đau âm đạo sau điều trị ung thư. Bạn có thể cảm thấy rát hoặc đau tức. Nguy cơ đau rát hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát liên tục cũng tăng lên khi bạn bị đau rát âm đạo trong khi quan hệ.

 

Nếu bạn bị đau vùng kín khi quan hệ, hãy:

  • Nói với nhóm điều trị ung thư hoặc bác sỹ phụ khoa của bạn về tình trạng đau. Không nên vì xấu hổ mà bỏ lỡ việc điều trị.
  • Hãy chắc chắn bạn tình của bạn biết rằng cơn đau có thể không quá tệ nếu trước khi quan hệ bạn cảm thấy rất hưng phấn. Có thể cần mất thời gian lâu hơn và âu yếm nhiều hơn để bạn đủ hưng phấn.
  • Dùng gel bôi trơn có thành phần nước bôi xung quanh và bên trong âm đạo trước khi quan hệ. Bạn cũng có thể dùng chất bôi trơn dạng viên đạn (viên gel mềm) có thể tan trong khi dạo đầu.
  • Hãy cho bạn tình của bạn biết bất kỳ kiểu đụng chạm nào làm bạn đau. Chỉ cho bạn tình cách vuốt ve bạn hoặc những tư thế không đau. Chạm nhẹ nhàng quanh âm vật và lối vào âm đạo thường sẽ không đau, đặc biệt nếu vùng đó được bôi trơn tốt.
  • Khi quan hệ đường âm đạo, hãy thử một tư thế mà bạn có thể kiểm soát được chuyển động. Nếu đau khi đưa vào sâu, bạn có thể điều chỉnh để đẩy không sâu quá. Bạn cũng có thể kiểm soát được tốc độ của cuộc yêu.
  • Học cách nhận biết các cơ sàn chậu và cách chủ động điều khiển cơ sàn chậu là rất quan trọng trong việc hiểu và kiểm soát chứng đau âm đạo khi quan hệ. Các bài tập dạy cách điều khiển cơ sàn chậu và cơ âm đạo được gọi là Kegels.

 

Đau vị trí khác

Những kiểu đau khác không phải tại vùng âm đạo có thể ảnh hưởng đến sự thoải mái của bạn khi quan hệ. Nếu bạn đau tại vị trí khác nhiều hơn tại vùng âm đạo, những bí quyết sau có thể giúp giảm tình trạng này khi quan hệ. 

  • Nếu bạn đang dùng thuốc giảm đau, hãy dùng trước khi sinh hoạt tình dục khoảng 1 tiếng để đạt hiệu quả đúng lúc.
  • Tìm một tư thế  gây ít áp lực nhất lên vùng bị đau của cơ thể bạn. Nếu cần, hãy nâng đỡ vùng bị đau và hạn chế vận động bằng gối. Nếu bạn bị đau khi làm một cử động nhất định nào đó, hãy chọn một tư thế không gây đau hoặc yêu cầu bạn tình tránh các cử động đó trong khi quan hệ.
  •  Chú ý đến cảm giác thỏa mãn và hưng phấn của bạn. Khi tập trung vào những điều này, cơn đau đôi khi sẽ giảm bớt hoặc lu mờ dần.

1.5 Những tác động đặc biệt của một số phương pháp điều trị ung thư

Phẫu thuật vú

Phẫu thuật trong ung thư vú có thể không tác động trực tiếp tới chức năng sinh dục và không ảnh hưởng trực tiếp tới việc quan hệ. Tuy nhiên, nó có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của bạn. Và những vùng bị ảnh hưởng sau phẫu thuật vú có thể giảm nhạy cảm khi được đụng chạm trong khi quan hệ.

 

Xử trí các vấn đề về thể chất và tâm lý sau phẫu thuật tuyến vú là rất quan trọng. Nhiều người sau phẫu thuật ung thư vú có thể được chỉ định hoặc lựa chọn tái tạo tuyến vú, bao gồm cả núm vú, tạo hình quầng vú và vùng xung quanh núm vú. Tìm kiếm các nhóm tư vấn và hỗ trợ cũng có thể hữu ích. Nhiều phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn và hình ảnh bản thân đẹp hơn nhờ vào những lựa chọn này, nhưng các quy trình thường khá phức tạp.

Phẫu thuật đặt niệu quản qua da, phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo, phẫu thuật mở thông hồi tràng

Phẫu thuật mở thông qua da là loại phẫu thuật được thực hiện để hỗ trợ một chức năng của cơ thể. Phần mở ra da được gọi là lỗ mở thông.

  • Phẫu thuật đặt niệu quản qua da giúp cho bệnh nhân đi tiểu qua một đường nối mới và đưa nước tiểu ra ngoài qua lỗ mở thông trên thành bụng.
  • Phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo và mở thông hồi tràng đều tạo các lỗ trên thành bụng để giúp bệnh nhân đi đại tiện.

Có nhiều cách để giảm sự ảnh hưởng của các lỗ mở thông đến đời sống tình dục của bạn. Một trong các cách là chắc chắn rằng thiết bị trên người (hệ thống túi) luôn vừa vặn. Kiểm tra khóa và làm sạch túi trước khi quan hệ. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ rò rỉ.


Điều trị ung thư đầu cổ

Một số ung thư vùng đầu cổ được điều trị bằng phương pháp cắt bỏ một phần cấu trúc xương của mặt. Điều này có thể làm thay đổi diện mạo của bạn. Phẫu thuật vùng hàm, vòm hay lưỡi cũng có thể làm thay đổi diện mạo và giọng nói của bạn. Tạo hình khuôn mặt có thể giúp lấy lại một diện mạo bình thường hơn và giọng nói trong hơn.

2. Lời khuyên: Giữ tự tin về bản thân

 

Phẫu thuật và điều trị ung thư có thể ảnh hưởng tới diện mạo của bạn. Sẹo vết mổ có thể không giấu được. Phụ nữ mắc ung thư vú có thể mất một bên vú. Rụng tóc có thể xảy ra sau một số phương pháp điều trị, bao gồm cả lông mày, lông mi, và lông mu. Bạn có thể tăng hoặc giảm cân, da, và móng bị ảnh hưởng và thay đổi. Tự tin bắt đầu bằng việc chú ý tới những đặc điểm tích cực của bạn. Trao đổi với nhóm chăm sóc ung thư của bạn về những việc có thể làm để hạn chế những tác động xấu mà ung thư mang đến cho diện mạo, năng lượng, và sức khỏe của bạn. Khi kết thúc điều trị ung thư, bạn có thể cảm thấy hấp dẫn hơn bằng cách che đi những thay đổi mà ung thư mang lại và thu hút sự chú ý đến những điểm mạnh của bạn. Hãy thử nghĩ xem bạn sẽ thấy gì khi soi gương? Bài tập trước gương này có thể giúp bạn quen với những thay đổi của cơ thể:

  • Tìm một khoảng thời gian riêng tư tối thiểu là 15 phút. Dùng toàn bộ thời gian đó để nghiên cứu bản thân, dùng một chiếc gương lớn nhất mà bạn có. Trả lời các câu hỏi: Phần nào trên cơ thể bạn nhìn nhiều nhất? Phần nào bạn tránh nhìn vào? Bạn có thấy mình suy nghĩ tiêu cực về hình thức bên ngoài không? Điểm mạnh của bạn là gì? Điều trị bệnh ung thư có làm thay đổi diện mạo của bạn không?
  • Đầu tiên, thử soi gương khi bạn mặc quần áo. Nếu bình thường bạn mặc quần áo hoặc phụ kiện để che những thay đổi sau điều trị, hãy mặc như vậy khi đứng trước gương. Thực hành 2 hoặc 3 lần, hoặc đến khi bạn có thể nhìn vào gương và thấy ít nhất 3 điều tích cực về diện mạo của mình.
  • Một khi bạn đã thoải mái khi nhìn bản thân mình như cách một người lạ nhìn bạn, hãy thử bài tập trước gương khi bạn muốn gặp bạn tình. Ví dụ nếu bạn có một lỗ mở thông, hãy mặc một chiếc áo choàng tắm hoặc áo teddy (áo choàng nhẹ dáng bom)  mà bạn thích. Nhìn lại mình trong gương vài phút, lặp lại từng bước trong bài tập đầu tiên. Điều gì khiến bạn hấp dẫn và lôi cuốn nhất? Tặng cho mình ít nhất 3 lời khen về diện mạo.
  • Cuối cùng, thử soi gương khi bạn không mặc quần áo, không che những thay đổi của bệnh ung thư gây ra. Nếu bạn gặp khó khăn khi nhìn vào sẹo, da đầu, hay một lỗ mở thông, hãy cố gắng dùng hết thời gian để làm quen với việc nhìn vào những vùng đó. Hầu hết các thay đổi gần như không xấu như lúc ban đầu bạn tưởng. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng khi nhìn vào mình, hãy hít thật sâu và cố gắng thả lỏng khi bạn thở ra. Đừng dừng bài tập lại cho tới khi bạn tìm được 3 điểm tích cực, hoặc ít nhất là nhớ tới 3 lời khen mà bạn đã tự thưởng cho mình trước đó.

 

Bài tập trước gương cũng có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn khi bạn tình nhìn bạn. Đề nghị bạn tình nói cho bạn biết những điều hấp dẫn về ngoại hình của bạn, hoặc về những chỗ trên cơ thể bạn anh ấy cảm thấy thích chạm vào. Giải thích với anh ấy rằng những phản ứng tích cực này sẽ giúp bạn tự tin hơn về bản thân. Nhớ đến những điều anh ấy nói khi bạn cảm thấy không tự tin.

 

Đối phó với những suy nghĩ tiêu cực

Cố gắng hiểu rõ hơn về những gì bạn tự cảm nhận được về độ lôi cuốn và hấp dẫn của mình. Có nhiều cách để giúp xoay chuyển những suy nghĩ tiêu cực, ví dụ như:

  • Viết ra 3 suy nghĩ tiêu cực bạn thường có nhất về bản thân trong khi quan hệ tình dục.
  • Ngay sau đó, viết ra một suy nghĩ tích cực để chống lại mỗi suy nghĩ tiêu cực đó. Ví dụ, bạn nói “Không ai thích một cô gái có một lỗ tiểu qua da”, bạn có thể tự vấn “Tôi có thể mang một tấm che lỗ mở thông làm bằng ren trong khi quan hệ. Nếu ai đó không thể chấp nhận tôi là người yêu vì tôi có một lỗ mở thông thì đó không phải là người phù hợp với tôi.” Sau đó, bạn hãy dùng những suy nghĩ tích cực đó để lấn át những suy nghĩ tiêu cực luôn thường trực trong bạn mỗi khi quan hệ tình dục.
  • Nếu bạn có một điểm mạnh nào đó về ngoại hình, đây chính là thời điểm tốt để tự nuông chiều bản thân một chút và phát huy điểm mạnh đó.
  • Nếu những suy nghĩ tiêu cực lấn át và bạn cảm thấy chán nản, bạn có thể cần nói chuyện với nhóm chăm sóc ung thư về việc gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Trầm cảm là tình trạng thường gặp trong và sau điều trị ung thư, và có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của bạn, bao gồm những suy nghĩ, những mối quan hệ, và toàn trạng sức khỏe. Nếu bạn mất đi sự thích thú đối với những gì mà bạn đã từng thích hoặc cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc, hãy nói ngay với nhóm chăm sóc ung thư của bạn.

 

Vượt qua nỗi lo âu về tình dục

Đôi khi vì một triệu chứng liên quan đến bệnh ung thư hoặc tác dụng phụ của điều trị, bạn có thể không tự nhiên như trước đây. Điều quan trọng nhất là mở ra chủ đề để thảo luận và bắt đầu lên kế hoạch cho những khoảng thời gian thư giãn cùng nhau.

 

Sinh hoạt tình dục với bạn tình

Cũng giống như bạn đã học cách tận hưởng khi bắt đầu quan hệ tình dục, bạn có thể học cách cảm nhận khoái cảm trong và sau điều trị ung thư. Tùy thuộc vào tình huống cụ thể, bạn có thể cảm thấy hơi ngại ngùng. Thật khó để cho bạn tình biết bạn muốn được gần gũi về thể xác, vì vậy hãy nói rõ ràng và trực tiếp nhất có thể.

 

Làm cho quan hệ tình dục thoải mái hơn

Nếu bạn vẫn còn đau hoặc cảm thấy yếu sau điều trị ung thư, bạn có thể muốn thử các tư thế mới. Nhiều cặp đôi tìm thấy một thư thế yêu thích, đặc biệt là tư thế yêu truyền thống, và hiếm khi thử một tư thế khác. Hãy nói chuyện với bạn tình và tìm hiểu những tư thế khác thoải mái nhất để tận hưởng. Không có tư thế nào phù hợp với tất cả mọi người. Bạn và bạn tình có thể cùng nhau tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mình.  Giữ sự hài hước sẽ làm tâm trạng của bạn tốt lên!

 

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ www.cancer.org

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/fertility-and-sexual-side-effects/sexuality-for-women-with-cancer/problems.html

Biên dịch: Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Vân – Khoa Nội Tiêu hóa Theo yêu cầu

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH

Bài viết liên quan