1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

CHỨNG KHÔ MIỆNG Ở NGƯỜI BỆNH UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

Khô miệng là gì

Chứng khô miệng xảy ra khi khoang miệng không tiết đủ nước bọt hoặc nước bọt trở nên đặc hơn. Đây là tác dụng phụ của xạ trị vùng đầu cổ và một số thuốc hóa trị, một số thuốc khác hay do tình trạng mất nước. Các tuyến nước bọt bị kích thích hoặc tổn thương dẫn đến giảm tiết nước bọt hoặc khiến nước bọt trở nên đặc và dính. Khô miệng hay nước bọt bị đặc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khoang miệng. Nếu bạn hút thuốc hay uống rượu, tình trạng khô miệng có thể nặng hơn.

Biểu hiện của khô miệng

  • Miệng có cảm giác khô, bong tróc kèm theo nước bọt trắng ở trong và xung quanh miệng.
  • Nước bọt đặc giống như chất nhầy và dính vào môi khi bạn mở miệng.
  • Khó nuốt thức ăn hay dịch sánh đặc
  • Miệng luôn mở để thở (việc thở bằng miệng sẽ càng gây khô miệng và họng)
  • Cảm thấy lưỡi nóng rát
  • Các cặn thức ăn hoặc là các chất khác lắng đọng trên răng, lưỡi và lợi.
  • Bề mặt lưỡi có rãnh hoặc nứt.

 

Hình ảnh khô miệng với các rãnh và nứt ở lưỡi

(nguồn:https://wmsmile.com/know-dry-mouth/)

Người bệnh nên làm gì khi bị khô miệng?

 

-Vệ sinh miệng mỗi 2 giờ bằng các dung dịch súc miệng được nhân viên y tế khuyến cáo.

-Ăn từng miếng nhỏ và nhai kỹ

-Uống từng ngụm nước nhỏ trong bữa ăn giúp làm mềm thức ăn và nuốt dễ dàng hơn.

-Thêm một số chất lỏng (như nước, nước sốt, sữa và sữa chua) vào những thức ăn đặc, cứng. 

-Ngậm đá bào, các loại kẹo cứng ít đường, nhai kẹo cao su ít đường.

-Luôn mang theo nước lạnh bên người để uống từng ngụm nhỏ trong khi ăn và để giữ ẩm và vệ sinh miệng.

-Sử dụng dầu khoáng, bơ ca cao hay son dưỡng môi nhẹ để giữ ẩm cho môi.

-Ngậm kẹo không đường hay nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt. Hương vị cam quýt, quế và bạc hà thường có tác dụng.

-Sử dụng máy phun sương tạo ẩm (humidifier) để làm ẩm không khí trong phòng, đặc biệt vào buổi đêm. (hãy đảm bảo máy phun sương được giữ sạch để tránh làm khuếch tán vi khuẩn hay nấm mốc trong không khí).

-Không uống rượu bia.

-Không hút thuốc.

-Không ăn các thức ăn chua, cay, nóng.

-Không ăn các loại kẹo dai, thịt dai, bánh quy giòn, khoai tây chiên và rau quả sống.

-Tránh sử dụng các loại nước súc miệng có chứa cồn.

Người chăm sóc nên làm gì:

  • Cho người bệnh ăn các bữa ăn nhỏ, thức ăn mềm có kèm thêm nước sốt hoặc nước chấm.
  • Cho người bệnh ăn kem, món tráng miệng với thạch, đá bào và đồ uống lạnh.
  • Để nước ở gần người bệnh để tiện uống từng ngụm nhỏ thường xuyên.
  • Giúp người bệnh theo dõi lượng dịch uống vào và động viên người bệnh uống từ 2 đến 3 lít dịch mỗi ngày theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đá, kem, đá bào và thạch đều được tính là chất lỏng.

 

Hãy gọi ngay cho bác sỹ ung thư nếu người bệnh:

  • Khó thở (hoặc gọi cấp cứu 115 nếu cần thiết)
  • Không ăn hoặc uống được
  • Không thể uống hoặc nuốt viên thuốc
  • Xuất hiện môi khô, nứt nẻ hay loét miệng
  • Xuất hiện khô miệng kéo dài hơn 3 ngày

 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/mouth-problems/dry-mouth.html

Biên dịch: Ths. Bs. Trương Thị Kiều Oanh – Đơn nguyên Nội theo yêu cầu 3, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Hiệu đính: Ths. Bs. Nguyễn Thanh Hằng – ĐV HTQT-NCKH

 

Bài viết liên quan