1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

HÓA TRỊ UNG THƯ CÓ LÀM BỆNH NHÂN CHẾT NHANH HƠN KHÔNG?

22/06/2024 - 03:37

     Một số thống kê đáng sợ ghi nhận từ bài viết này như “Khoảng 8,4% bệnh nhân bị ung thư phổi, và 2,4% bệnh nhân ung thư vú ở Anh chết trong vòng một tháng… Nhưng ở một số bệnh viện, con số này cao hơn rất nhiều. Ở Milton Keynes, tỷ lệ tử vong trong điều trị ung thư phổi là 50,9%… Hóa trị có thể khiến tế bào ung thư lan rộng hơn… ở Hoa Kỳ nhiều bệnh nhân bị buộc phải trải qua hóa trị bất chấp họ có muốn hay không…”.


     Gần đây, trên mục Sức khỏe của Trithucvn có đăng tải một bài viết với tựa đề “Nghiên cứu: Nhiều bệnh nhân chết bởi hóa trị chứ không phải ung thư” (Link bài báo https://trithucvn.net/suc-khoe/nghien-cuu-nhieu-benh-nhan-chet-boi-hoa-tri-chu-khong-phai-ung-thu.html). Bài viết này ngay lập tức được đặc biệt chú ý quan tâm đối với cả các bệnh nhân đang sắp phải hóa trị ung thư cũng như các nhà khoa học, bác sĩ quan tâm đến lĩnh vực ung thư.

     “Hóa trị gây tổn hại cho bệnh nhân và là nguyên nhân lớn gây ra cái chết chứ không phải ung thư”?

     Hóa trị ung thư thường được hiểu là phương pháp điều trị bằng các thuốc hóa học có tính gây độc tế bào để phân biệt với điều trị bằng tác nhân nội tiết hay điều trị sinh học. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp này đều là các phương pháp điều trị toàn thân, thông qua cơ chế làm biến đổi đáp ứng sinh học của cơ thể và đều có bản chất hóa học, thế nên Hóa trị có thể hiểu là tất cả các phương pháp này. Bài viết này chỉ để cập tới Hóa trị bằng thuốc độc tế bào.

     Các con số đáng sợ về tỷ lệ tử vong do hóa trị trong vòng 30 ngày này có lẽ được dịch từ bài “Chemotherapy warning as hundreds die from cancer-fighting drugs” đăng trên tờThe Telegraph. Vậy thực hư câu chuyện này là như thế nào? Nếu chúng ta chỉ đọc các tít giật gân mà không đọc kỹ toàn bộ bài viết, chúng ta sẽ hiểu lầm một cách tai hại.

     Hầu hết các con số được đưa ra trong bài viết cho thấy tỷ lệ tử vong do hóa trị ung thư trong vòng 30 ngày đều ở mức cao đáng sợ, thậm chí có nơi vượt quá con số 50%. Nhưng thực tế, hầu hết các con số này đều ghi nhận ở nhóm các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, ở giai đoạn này thì mục tiêu của hóa trị là giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng sống chứ không phải mục đích chữa khỏi.

Ung thư vú

 

Ung thư phổi

Giai đoạn

Tỷ lệ sống 5 năm (%)

Giai đoạn

Tỷ lệ sống 5 năm (%)

I

99

I

68-92

II

90

II

53-60

III

60

III

13-26

IV (cuối)

15

IV (cuối)

1-10

 

Nguồn: Cancer Research UK

     2 bảng này là tỷ lệ sống 5 năm của ung thư vú và ung thư phổi (loại không phải tế bào nhỏ) phân theo giai đoạn. Chúng ta thấy rõ ràng là nếu bệnh nhân được điều trị ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ sống rất cao, trong khi đó nếu ở giai đoạn cuối thì tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 10%. Như vậy, kết luận của bài viết cho rằng hóa trị gây chết nhiều liệu có đúng không khi mà thống kê trên nhóm bệnh nhân giai đoạn cuối, là nhóm bệnh nhân có tỷ lệ sống rất thấp, đa phần các bệnh nhân này tử vong là do bệnh ung thư tiến triển.

     Trưởng nhóm ung thư cho Tổ chức Y tế cộng đồng Vương quốc Anh, Tiến sĩ Jem Rashbass phát biểu với tờ The Telegraph: “Hóa trị là một phần quan trọng trong điều trị ung thư và là lý do lớn đằng sau tỷ lệ các bệnh nhân sống sót được cải thiện trong bốn thập kỷ qua. Tuy nhiên, đó là biện pháp y tế mạnh với tác dụng phụ đáng kể và khá khó để các bệnh nhân cân bằng trở lại sau quá trình điều trị vất vả.”

     Ông cũng cho rằng, việc một số bệnh viện hay trung tâm báo cáo các con số tử vong do hóa trị như vậy cần phải được xem xét lại các phác đồ điều trị, liều lượng và tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân. Hóa trị là độc đối với cơ thể, nó không thể phân biệt một cách chính xác các tế bào ung thư với tế bào khỏe mạnh, nó nhắm đến các tế bào với đặc tính tăng sinh mạnh là đặc điểm nổi bật nhất của các tế bào ung thư. Nhiều nhà nghiên cứu cũng thấy sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ sống còn ở những bệnh nhân già yếu với thể trạng kém thua xa các bệnh nhân trẻ hơn với thể trạng tốt. Nghĩa là, việc điều trị hóa trị thực sự có mang lại lợi ích hay không phụ thuộc rất nhiều vào bác sĩ hóa trị trong việc lựa chọn bệnh nhân nào nên được hóa trị, giai đoạn và đặc tính sinh học ung thư nào thì hóa trị là có lợi, phác đồ và liều lượng ra sao để phù hợp với từng thể trạng của từng bệnh nhân.

     “Hóa trị có thể khiến tế bào ung thư lan rộng hơn”?

     Đoạn này của bài báo có lẽ được dịch từ bài báo “Chemotherapy could cause cancer to SPREAD and grow back even more aggressive, new study claims” đăng trên tờ DailyMail của Anh. Chi tiết để giải đáp cho vấn đề này, các bạn có thể đọc chi tiết bài “Hóa trị trước khi phẫu thuật ung thư vú có làm tăng nguy cơ di căn xa không?” của Ruy Băng Tím dịch. Chúng ta không nên quá hoang mang liệu có nên hóa trị hay không, hóa trị có làm tăng nguy cơ di căn xa hay không vì theo Tiến sĩ Oktay thuộc Đại học Y khoa Albert Einstein và Hệ thống Y tế Montefiore ở New York cho biết: “Bằng chứng rõ ràng cho thấy hóa trị có thể chữa khỏi bệnh nhân ung thư vú khu trú và kéo dài tuổi thọ ở những bệnh nhân bị di căn, điều này đã có nhiều nghiên cứu chứng minh”.

     Ở đây, chúng tôi không dẫn chứng ra quá nhiều nghiên cứu so sánh giữa việc hóa trị với không hóa trị vì sẽ làm cho các độc giả phổ thông khó hiểu. Chúng tôi đưa ra 1 ví dụ điển hình bằng sơ đồ trên so sánh giữa tỷ lệ tử vong do ung thư vú ở nhóm có hóa trị và nhóm chứng (là nhóm không hóa trị).

     Hình bên trái: Đường ở trên là biểu đồ biểu thị tỷ lệ tử vong của nhóm không hóa trị, còn đường ở dưới là của nhóm có hóa trịvới phác đồ Anthracyclines. Ta thấy đường của nhóm không có hóa trị cao hơn, nghĩa là những bệnh nhân nào không được hóa trị thì tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn so với những bệnh nhân có hóa trị.

     Hình bên phải: Đường ở trên là biểu đồ biểu thị tỷ lệ tử vong của nhóm không hóa trị, còn đường ở dưới là của nhóm có hóa trị phác đồ CMF. Ta thấy đường của nhóm không có hóa trị cao hơn, nghĩa là những bệnh nhân nào không được hóa trị thì tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn so với những bệnh nhân có hóa trị.

     “Phương pháp thay thế” giúp chữa ung thư thành công hơn?

     Bài báo còn đề cập đến một lĩnh vực đó là “điều trị thay thế”, hay hiểu nôm na là cách điều trị dân gian. Bài viết khẳng định “Các phương pháp thành công đã được ghi nhận bao gồm ăn chay, ăn kiêng, thiền định, tu luyện khí công và hơn thế nữa…”. Tuy nhiên, trong bài viết tổng hợp “Bỏ điều trị ung thư bằng phương pháp thông thường để theo các phương pháp thay thế làm tăng nguy cơ chết của bệnh nhân” của TS Vũ, cố vấn Ruy Băng Tím có đoạn “Trong một nghiên cứu lớn, kết quả cho thấy các bệnh nhân mắc ung thư vú (không di căn), ung thư phổi và ung thư trực tràng sử dụng phương pháp điều trị thay thế có khả năng sống sót thấp hơn các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp thông thường. Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành (Journal of the National Cancer Institute) vào tháng 8 vừa rồi.” Các bạn có thể tham khảo chi tiết ở bài viết, nhưng rất dễ hình dung là việc lựa chọn các phương pháp dân gian chưa được chứng minh để điều trị ung thư giai đoạn sớm là một lựa chọn hoàn toàn sai lầm.

     Tóm lại, bài viết đăng trên báo Trithucvn không phải là sai vì chủ yếu là được tổng hợp dịch từ các bài báo của các tờ nổi tiếng có uy tín trên thế giới, tuy nhiên cần phải đọc kỹ nội dung và tìm hiểu sâu hơn trước khi áp dụng, đặc biệt là trên lĩnh vực sức khỏe. Ruy Băng Tím vẫn luôn khuyên các độc giả cần thận trọng trong đọc các bài viết và luôn khuyên bệnh nhân ung thư tin tưởng vào sự điều trị của bác sĩ, là những người được đào tạo và huấn luyện để chữa bệnh.

Nguồn: Ruy băng tím

Bài viết liên quan