Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Mệt mỏi và/hoặc suy nhược là cảm giác thường gặp ở người bệnh ung thư, nhưng mức độ biểu hiện ở mỗi người mỗi khác. Cảm giác yếu ớt là một phần của sự mệt mỏi. Điều quan trọng cần nhớ là đối với một số người tình trạng mệt mỏi có thể đỡ hơn sau khi kết thúc điều trị nhưng với một số người khác thì lại kéo dài nhiều tháng, năm sau đó. Vì vậy người bệnh và gia đình cần nhận biết các biểu hiện cũng như những cách khắc phục mệt mỏi và suy nhược cũng như tìm trợ giúp từ chuyên gia y tế khi cần để tránh tình trạng tiến triển nặng và kéo dài gây những ảnh hưởng nghiêm trọng.
Suy nhược là gì và cách xử trí
Suy nhược là tình trạng sức khỏe bị giảm sút. Nếu nguyên nhân suy nhược là do phẫu thuật một bộ phận trên cơ thể hoặc mất một bộ phận cơ thể thì có thể được điều trị bằng vật lý trị liệu hoặc trị liệu phục hồi vận động. Nếu như suy nhược là do nhiễm trùng hoặc những thay đổi trong máu, chẳng hạn như giảm huyết cầu, chất điện giải thấp hoặc thay đổi hormone, việc điều trị nguyên nhân cụ thể có thể làm giảm sự suy nhược.
Mệt mỏi
Mệt mỏi có thể do nhiều nguyên nhân. Người bệnh ung thư mô tả sự mệt mỏi theo nhiều cách. Họ có thể nói rằng họ cảm thấy mệt, yếu, kiệt sức, chậm chạp. Họ có thể nói rằng họ không có năng lượng và không thể tập trung. Họ cũng nói rằng tay chân nặng nề, không muốn làm bất cứ điều gì, không thể ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Họ có thể cảm thấy ủ rũ, buồn bã, cáu kỉnh hoặc thất vọng.
Không có xét nghiệm hay chụp X-Quang nào có thể chẩn đoán hoặc cho thấy mức độ mệt mỏi của người bệnh. Cách để đo mức độ mệt mỏi tốt nhất đó là người bệnh mô tả mức độ mệt mỏi của mình với bác sỹ điều trị ung thư. Bạn có thể mô tả mức độ mệt mỏi của mình là không mệt, mệt nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng (rất rất mệt). Hoặc bạn có thể sử dụng thang điểm từ 0-10, trong đó 0 có nghĩa là không mệt mỏi chút nào, 10 nghĩa là sự mệt mỏi ở mức nặng nhất bạn có thể tưởng tượng. Hỏi bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn cách để diễn tả sự mệt mỏi của bạn, để họ có thể hiểu được nó ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của bạn như thế nào.
Nếu bạn có mức độ mệt mỏi vừa phải (4-6 trên thang điểm từ 0-10) đến nghiêm trọng (7-10 trên thang điểm từ 0-10), bác sĩ có thể hỏi bạn thêm thông tin. Bạn có thể được hỏi những câu hỏi sau:
· Tình trạng mệt mỏi xuất hiện lần đầu là khi nào?
· Lần đầu tiên bạn thấy sự mệt mỏi này khác với mệt mỏi thông thường là từ lúc nào?
· Tình trạng mệt mỏi này đã kéo dài trong bao lâu?
· Có điều gì khiến tình trạng này đỡ hơn hay nặng hơn không?
· Có khoảng thời gian nào trong ngày bạn thấy mệt mỏi nhiều hơn không?
· Sự mệt mỏi đã ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bạn như thế nào?
Đó là mệt mỏi hay trầm cảm?
Một số các dấu hiệu của mệt mỏi hay suy nhược thường rất giống với trầm cảm, nên 2 tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với nhau. Tình trạng trầm cảm làm người bệnh không còn khả năng cảm nhận được niềm vui - những người bị trầm cảm luôn cảm thấy buồn hoặc thấy bản thân không có giá trị. Họ có thể từ bỏ hi vọng. Bạn có thể mệt mỏi nhưng không bị trầm cảm, nhưng một số người có thể cùng lúc vừa bị mệt mỏi, vừa bị trầm cảm. Đôi khi thật khó để gọi tên cảm xúc của bạn. Bác sĩ điều trị ung thư của bạn có thể muốn hỏi ý kiến của bác sỹ chuyên khoa tâm thần về tình trạng của bạn để xác định liệu bạn có bị trầm cảm không, nếu có thì việc điều trị trầm cảm có thể giúp cải thiện tình trạng của bạn.
Khắc phục sự mệt mỏi
Vì các triệu chứng mệt mỏi ở những người bệnh ung thư thường do nhiều vấn đề gây ra, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên công tác xã hội, nhân viên vật lý trị liệu, dược sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và một số người khác có thể tham gia vào việc điều trị chứng mệt mỏi hoặc suy nhược của bạn. Điều trị các vấn đề sức khỏe cụ thể liên quan đến ung thư như thiếu máu hoặc đau, có thể giúp bạn cảm thấy đỡ hơn, nhưng cũng cần có những can thiệp khác nữa. Vì lý do này bác sỹ điều trị ung thư có thể yêu cầu bạn thử các phương pháp khác nhau để khắc phục sự mệt mỏi của bạn hoặc sử dụng chăm sóc giảm nhẹ để điều trị các triệu chứng.
Không có cách nào để biết khi bạn mệt mỏi tình trạng có thể tệ đến mức nào, hoặc sẽ kéo dài bao lâu. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ khó tìm ra nguyên nhân chính xác của tình trạng mệt mỏi của bạn. Tuy nhiên, có những điều bạn có thể làm để giảm nhẹ hoặc khắc phục nó.
Các hoạt động và liệu pháp khác nhau
Tập thể dục, yoga, xoa bóp, tư vấn, và tư vấn chế độ ăn uống và dinh dưỡng đều được dùng để hỗ trợ điều trị mệt mỏi và suy nhược.
Nếu bạn mắc chứng khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn có thể đề nghị bạn phương pháp trị liệu giấc ngủ. Liệu pháp này có thể giúp bạn giảm thiểu tối đa rối loạn giấc ngủ và học cách cải thiện thói quen ngủ.
Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện trong lĩnh vực này nhưng có những loại thuốc kích thích (stimulant) mà bác sỹ điều trị có thể kê đơn cho bạn nếu tình trạng mệt mỏi của bạn không được cải thiện. Những thuốc loại này chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn. Điều quan trọng là bạn cần nói chuyện với bác sĩ về lợi ích của việc dùng các loại thuốc này cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra như buồn ngủ vào ban ngày, hội chứng cai nghiện, mất ngủ, vấn đề về trí nhớ hoặc phản ứng dị ứng.
Tập thể dục và yoga
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất trong và sau điều trị ung thư có thể làm giảm mệt mỏi. Bác sỹ điều trị có thể giới thiệu bạn với các chuyên gia (chuyên gia vật lý trị liệu, y học thể chất, chuyên gia phục hồi chức năng) để giúp bạn có một kế hoạch tập luyện an toàn được điều chỉnh theo tình trạng của bạn. Yoga giúp cải thiện giấc ngủ cho một số người mắc các loại ung thư khác nhau đang trải qua quá trình điều trị.
Trò chơi vận động tại buổi sinh hoạt CLB người bệnh – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu tập thể dục và luôn cẩn trọng về việc tập thể dục nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào dưới dây hoặc các bệnh khác bạn đã mắc phải, vì chúng có thể khiến bạn chấn thương, đau, chảy máu khi bắt đầu tập thể dục:
· Ung thư đã di căn đến xương
· Số lượng bạch cầu thấp
· Sốt hoặc nhiễm trùng
· Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
· Không ổn định, yếu mệt hoặc vấn đề khác khiến bạn không an toàn khi tập thể dục
Liệu pháp xoa bóp có thể giúp một số bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư giảm mức độ căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị của bạn trước khi bắt đầu liệu pháp xoa bóp.
Tư vấn
Liệu pháp hành vi hoặc giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm có thể giúp người bệnh ung thư giảm mệt mỏi. Chia sẻ cảm xúc của bạn với người khác có thể giảm bớt sự trầm trọng của tình trạng mệt mỏi. Bạn có thể học được cách đối phó với mệt mỏi từ những người khác khi bạn nói về tình trạng của mình.
Tư vấn sức khỏe tinh thần, hướng dẫn kiểm soát sự căng thẳng và các bài tập thư giãn là một số cách bạn có thể học để cải thiện tình trạng mệt mỏi và vượt qua cảm giác mệt mỏi của bạn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số bệnh nhân sau điều trị ung thư vú đã báo cáo lại rằng mức độ buồn bã và mệt mỏi của họ đã giảm đi sau khi được tư vấn và sử dụng liệu pháp hành vi.
Tư vấn dinh dưỡng
Thiếu hụt dinh dưỡng có thể làm tăng thêm tình trạng mệt mỏi và suy nhược. Bác sỹ điều trị có thể giới thiệu bạn với chuyên gia dinh dưỡng để kiểm tra lượng calo và lượng dưỡng chất bạn ăn hàng ngày. Bạn có thể được kê Vitamin hoặc bổ sung các chất điện giải (natri,kali,canxi, sắt hoặc magie) để giúp giảm các triệu chứng. Những người bệnh ung thư đang có triệu chứng do tác dụng phụ của điều trị (nôn, buồn nôn, các vấn đề về đường ruột, loét miệng) hoặc các vấn đề sức khỏe khác ảnh hưởng đến việc ăn uống cũng rất nên được tư vấn dinh dưỡng.
Những điều người bệnh nên làm
· Nghỉ ngơi, nhưng không quá nhiều. Lên kế hoạch hàng ngày để có thời gian nghỉ ngơi. Một giấc ngủ trưa ngắn hoặc khoảng thời gian thư giãn (30 phút hoặc ít hơn), thay vì ngủ một giấc dài vào ban ngày. Nghỉ ngơi quá nhiều có thể làm giảm năng lượng của bạn và làm bạn khó ngủ hơn vào ban đêm.
· Một số loại thuốc được sử dụng để giảm đau, trị buồn nôn hoặc trầm cảm có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Hãy nói chuyện với bác sỹ điều trị của bạn về việc này, để được điều chỉnh liều hoặc đổi loại thuốc khác.
· Trao đổi với bác sỹ điều trị về mọi vấn đề liên quan đến dinh dưỡng của bạn.
· Thường xuyên tập các bài tập thể dục mức độ vừa phải – đặc biệt là đi bộ – đây là một cách tốt để giảm mệt mỏi. Hỏi bác sĩ để có kế hoạch tập thể dục phù hợp với bạn.
· Khi cảm thấy mệt mỏi hay khó khăn hãy yêu cầu gia đình hoặc bạn bè của bạn giúp đỡ.
· Cố gắng ngủ 7-8 tiếng/đêm. Các chuyên gia giấc ngủ đã nói rằng việc đi ngủ và thức dậy hàng ngày đúng giờ giúp chúng ta duy trì thói quen ngủ lành mạnh.
· Mỗi ngày, hãy chọn những việc quan trọng càn được ưu tiên nhất đối với bạn và tập trung vào việc đó. Sau đó lên kế hoạch trước. Chia các hoạt động để làm xuyên suốt cả ngày và có thời gian thư giãn nghỉ ngơi. Làm mọi việc một cách chậm rãi để không phải sử dụng nhiều năng lượng trong một lúc.
· Tránh caffeine
· Tránh tập thể dục quá muộn vào buổi tối
Những điều người nhà và người chăm sóc người bệnh nên làm
· Sắp xếp lịch trình cho bạn bè và người thân của người bệnh giúp người bệnh chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm vườn hoặc làm các việc vặt giúp người bệnh.
· Không thúc ép người bệnh làm quá khả năng của họ.
· Giúp người bệnh tạo thói quen cho các hoạt động và sinh hoạt trong ngày.
Hãy gọi cho bác sỹ điều trị ung thư của bạn nếu:
· Bạn cảm thấy quá mệt mỏi khi ngủ dậy và cảm giác này kéo dài hơn 24h
· Bạn cảm thấy không minh mẫn, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc ngã
· Bạn rất khó tỉnh giấc
· Bạn thường bị hụt hơi
· Cảm giác mệt mỏi ngày càng tệ hơn
Đây có thể là những dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác cần được điều trị.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ www.cancer.org
Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/fatigue.html truy cập ngày 6/8/2020
Biên dịch: ĐD Bùi Thị Hằng Nga - ĐV Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng
Hiệu đính: ThS.BS Nguyễn Thanh Hằng – ĐV HTQT NCKH