1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

NHẬN ĐỊNH VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ MỚI

22/06/2024 - 03:37

Bệnh nhân ung thư và gia đình rất quan tâm tới các phương pháp điều trị ung thư mớimuốn biết phương pháp ấy có hiệu quả với mình hay không. Dù bác sỹ chưa đề cập đến những phương pháp này thì họ vẫn muốn tìm hiểu và thậm chí thử sử dụng vì họ muốn có mọi cơ hội chữa khỏi bệnh. Nhưng trước khi đặt thời gian, tiền bạc và cả cơ thể mình vào một phương pháp điều trị mới, bạn cần tìm hiểu kỹ để có thể có nhận định chính xác và có quyết định đúng đắn. Hãy dành thời gian thích đáng để tìm hiểu đầy đủ thông tin về phương pháp điều trị mới từ những nguồn tin cậy. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp bệnh nhân và người thân tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả.

 

Thông tin về phương pháp điều trị ung thư mới đến từ đâu?

Để bắt đầu, cần xem xét nguồn gốc của thông tin là từ nguồn nào trong nhưng nguồn dưới đây:

  • Thông tin đến từ một bài báo hoặc tạp chí
  • Thông tin từ một chương trình trên đài phát thanh hoặc ti vi
  • Thông tin trên internet hoặc từ website của những người chào bán thuốc/phương pháp điều trị mới
  • Thông tin từ những nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí y khoa uy tín
  • Có người “mách” cho bạn rằng ai đó đã sử dụng một loại thuốc/phương pháp và nhờ đó đã chữa khỏi bệnh ung thư

Nếu thông tin từ một tạp chí hoặc tờ báo uy tín

Đừng chỉ đọc tiêu đề vì đôi khi chúng có thể bị phóng đại hoặc gây hiểu lầm. Cần đọc kỹ lưỡng toàn bộ bài báo để biết các phóng viên đã lấy thông tin từ nguồn nào:

  • Đây có phải một bài viết của một công ty dược để quảng bá về một bước đột phá mới?
  • Đây có phải là một báo cáo lâm sàng trong một hội nghị khoa học?
  • Đây có phải là một kết quả của thử nghiệm lâm sàng được xuất bản trên một tạp chí y khoa uy tín?
  • Bạn biết gì về  nơi tiến hành thử nghiệm lâm sàng đó?

Nếu thông tin đến từ chương trình trên đài hoặc TV

Để biết liệu những gì bạn xem hoặc nghe có đáng tin cậy hay không, bạn cần nắm được tin tức đó do ai báo cáo, là do một chuyên gia y tế hay người ngoài ngành y, như phóng viên hay biên tập viên thời sự. Một số báo đài sử dụng các phóng viên có chuyên môn y khoa để trình bày và giải thích các tin tức y khoa và sức khoẻ rõ ràng hơn cho công chúng. Những nhà báo không được đào tạo về y khoa thường không nắm được nền tảng y khoa và các nghiên cứu trước đó về chủ đề này (phương pháp điều trị mới), vì vậy có thể họ không có khả năng đưa ra được đánh giá rõ ràng và khách quan.

Nếu thông tin đến từ một kênh tin tức đáng tin cậy

Việc tiếp nhận thông tin trên chương trình loại này thường khó hơn từ các bài báo vì rất khó để nhớ hết các thông tin mà bạn nghe được từ một bản tin ngắn trên ti vi hay radio.

Không phải lúc nào bạn cũng có thể tua lại và tìm kiếm thông tin sau khi chương trình phát sóng kết thúc. Ngay cả khi bạn có thể nhớ tất cả những gì đã nghe thì các chi tiết quan trọng cũng vẫn có thể bị bỏ sót vì có quá ít thời gian để đề cập đến trong khuôn khổ của chương trình.

Một số nhà đài sẽ lưu lại bản tin hoặc đưa thêm chi tiết của bản tin trên website của họ. Nếu chương trình có phần thông tin nào đó bị sai, bạn có thể tìm thấy phần đính chính hoặc giải thích trực tuyến ngay sau khi chương trình phát sóng.

Nếu thông tin là truyền miệng

Description: ✓ gossiping free vector eps, cdr, ai, svg vector illustration graphic art

Nếu ai đó nói với bạn rằng một người bạn của bạn anh ta, hoặc một người nào đó đã tiến triển tốt sau khi dùng một phương pháp điều trị thì đó gọi là thông tin truyền miệng. Điều này có nghĩa là bạn chỉ được nghe nói lại gián tiếp rằng phương pháp điều trị đã hiệu quả với một người nào đó.

Bạn có thể kiểm chứng được nguồn gốc cũng như tính xác thựccủa câu chuyện hay không? Hãy nhớ rằng ngay cả khi một bệnh nhân đã tiến triển tốt thì cũng không thể khẳng định chính xác đâu là nguyên nhân gây ra biến chuyển tích cực ấy.

Ví dụ, một người vừa kết thúc điều trị ung thư có thể dùng một loại thảo dược vì anh ấy cảm thấy mệt mỏi nhiều, sau đó anh ấy cảm thấy tốt hơn và bệnh ung thư của anh ấy không tái phát. Anh ta có thể cho rằng nhờ  loại thảo dược mà mình cảm thấy khỏe hơn thậm chí, anh ấy tin và nói với mọi người rằng loại thảo dược đó chữa khỏi bệnh ung thư cho mình hoặc ngăn không cho bệnh tái phát – mặc dù thực ra đó là nhờ điều trị bằng phương pháp điều trị y khoa chính thống trước đó và tiến triển sẽ tốt lên ngay cả khi không dùng thảo dược.

Nhưng nếu sau đó ung thư tái phát, anh ấy có thể sẽ không cập nhật thông tin cho tất cả những người anh ấy đã chia sẻ trước đó. Vì vậy, thậm chí nhiều năm sau, những người này vẫn tin rằng anh ấy đã được chữa khỏi nhờ loại thảo dược này. Kết quả là họ có thể giới thiệu loại phương pháp điều trị vô tác dụng ấy cho những người khác.

Có nhiều cách tương tự làm cho những người chân thành và có ý định tốt nhưng lại đưa ra các kết luận sai từ kinh nghiệm của cá nhân . Đây là lý do tại sao các nhà khoa học phải thử nghiệm các phương pháp điều trị ung thư mới trong những điều kiện cẩn thận. Họ muốn kiểm tra hiệu quả của phương pháp điều trị trên nhiều người bệnh để chắc chắn về kết quả.

Nếu là thông tin từ quảng cáo của nhà bán hàng

Nhiều công ty bán hàng online quảng bá về khả năng chữa khỏi của các loại thảo mộc, thực phẩm chức năng, mặc dù chúng chưa bao giờ được chứng minh là có tác dụng trên người bệnh. Một số thậm chí nói sai sự thật, gian lận để làm cho trang web của mình trông có vẻ tin cậy, nhằm mục đích quảng cáo và bán được nhiều sản phẩm.

Ngoài ra còn có các quảng cáo và thông tin thương mại trình bày các phương pháp mới để điều trị ung thư trên ti vi. Những quảng cáo này thường được trình bày giống như các cuộc phỏng vấn tin tức và dễ gây hiểu nhầm vì chúng được người bán sản phẩm viết kịch bản.

Nếu thông tin đến từ một thông cáo báo chí

Đôi khi một công ty sẽ đưa ra thông cáo báo chí về một phương pháp điều trị nhiều triển vọng. Thông cáo này có thể được thực hiện sau một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc nghiên cứu trên động vật, hoặc một thử nghiệm lâm sàng nhỏ trên người. Nhưng ngay cả khi thông cáo được đưa ra sau một nghiên cứu trên nhiều người, thì công ty cũng chỉ nói về những điều mà công chúng muốn nghe. Điều này không giống những nghiên cứu có phương pháp thực hiện và đánh giá cẩn trọng và kỹ lưỡng của các nhà khoa học thực thụ.

Nếu thông tin đến từ một bài thuyết trình trong hội nghị

Các nhà nghiên cứu thường công bố các kết quả nghiên cứu ban đầu của họ tại các hội thảo/hội nghị chuyên môn. Điều này đôi khi làm cho một nghiên cứu nghe có vẻ rất ấn tượng và trở thành tiêu đề ăn khách trên báo chí.

Do đó khi bạn đọc về các báo cáo hội nghị, điều quan trọng nhất là phải biết ai là người thực hiện nghiên cứu và họ đã thực hiện đến giai đoạn nào. Đôi khi, kết quả ban đầu của một thử nghiệm lâm sàng rất tốt và nhà nghiên cứu chia sẻ kết quả ấy với khán giả. Nhưng kết quả cuối cùng của những nghiên cứu này còn chưa hoàn thành vào thời điểm thuyết trình. Và trong hầu hết trường hợp, việc đánh giá đồng cấp (peer review) cần thiết trước khi xuất bản còn chưa được thực hiện. Vào thời điểm hoàn thành nghiên cứu, có thể kết quả sẽ có sự khác biệt so với bản trình bày hội nghị ban đầu.

Những thông tin nào bạn cần biết để nhận định đúng về một phương pháp điều trị ung thư mới

Đây là những câu hỏi mà bạn nên tìm được câu trả lời để có đánh giá và quyết định đúng đắn:

  • Phương pháp điều trị mới có được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm (ở mức độ tế bào, ở động vật hay ở người) hay không ?
  • Ai là nhà nghiên cứu? và nghiên cứu có được thực hiện tại một trung tâm điều trị ung thư uy tín không?
  • Có các nghiên cứu khác củng cố kết quả nghiên cứu này hay không?
  • Nếu nghiên cứu được thực hiện trên người, có bao nhiêu người đã tham gia? Và họ đã được theo dõi trong bao lâu?
  • Có sự khác biệt về kết quả giữa nhóm áp dụng phương pháp điều trị mới với nhóm sử dụng phương pháp điều trị tiêu chuẩn hay không?
  • Sự khác biệt về kết quả có được đo lường bằng tỉ lệ sống sót, tỉ lệ tái phát, các triệu chứng hay một số dấu hiệu khác hay không?
  • Nghiên cứu được xuất bản trên một tạp chí uy tín, được trình bày tại một hội nghị hay được xuất bản như một thông cáo báo chí?
  • Phương pháp điều trị mới chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm lâm sàng hay đã được cơ quan hữu trách chính thức cho phép sử dụng?
  • Phương pháp điều trị mới có thể gây hại không? Những tác dụng phụ đã được biết đến đâu?
  • Liệu phương pháp điều trị mới có an toàn để sử dụng cùng với các phương pháp điều trị khác mà bạn đang sử dụng hay không?

Trước khi quyết định thử một phương pháp điều trị mới, cần hỏi ý kiến của bác sỹ đang điều trị ung thư cho bạn

 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/complementary-and-alternative-medicine/learning-about-new-cancer-treatments.html

Biên dịch: BSNT. Phạm Anh Đức, Đơn nguyên Xạ trị theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Hiệu đính: Ths. Bs. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT&NCKH

Bài viết liên quan