Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ bao gồm: ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư da và ung thư buồng trứng. Việc trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết sẽ giúp bạn phòng ngừa cũng như phát hiện sớm những loại ung thư này (công tác điều trị sẽ dễ dàng hơn khi tổn thương ung thư còn nhỏ, chưa lan rộng).
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ ở Mỹ. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi. Do một số yếu tố nhất định mà nhiều phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người khác. Tuy nhiên, mọi phụ nữ đều cần biết những yếu tố nguy cơ của ung thư vú, và những việc cần làm để giảm thiểu nguy cơ.
Những việc bạn có thể làm
Phát hiện sớm ung thư vú – khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn lan rộng – sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn, từ đó làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh. Khám sàng lọc thường xuyên là phương pháp hữu hiệu nhất để phát hiện sớm ung thư vú.
Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo đối với nhóm phụ nữ có nguy cơ trung bình:
2. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư khởi phát từ đại tràng hoặc trực tràng. Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng bao gồm: thừa cân hoặc béo phì, lối sống lười vận động, thực đơn giàu thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, hút thuốc, sử dụng lượng lớn đồ uống có cồn, tuổi cao, và tiền sử bản thân hoặc gia đình có ung thư hoặc polyp đại trực tràng.
Những việc bạn có thể làm
Sàng lọc ung thư đại trực tràng thường xuyên là một trong những vũ khí hiệu quả nhất chống lại căn bệnh này. Hầu hết ung thư đại trực tràng khởi phát là polyp – tổ chức phát triển ở trong lòng đại tràng và trực tràng. Việc sàng lọc giúp phát hiện ung thư đại trực tràng khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn lan rộng, và việc điều trị khi đó sẽ dễ dàng hơn. Một số phương pháp sàng lọc có thể phòng ung thư đại trực tràng bằng việc loại bỏ các polyp trước khi ung thư hóa.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo đối với những người có nguy cơ trung bình mắc ung thư đại trực tràng:
Mọi người dân nên được sàng lọc định kỳ bắt đầu từ 45 tuổi.
Những người có thể trạng chung tốt và có tuổi thọ dự kiến sống thêm được ít nhất 10 năm nữa nên được sàng lọc định kỳ ung thư đại trực tràng cho tới năm 75 tuổi.
Xét nghiệm phân
● Xét nghiệm hóa mô miễn dịch trong phân độ nhạy cao (FIT), thực hiện hàng năm, hoặc
● Xét nghiệm độ nhạy cao tìm máu ẩn trong phân (gFOBT) hàng năm, hoặc
● Xét nghiệm ADN đa mục tiêu (MT-sDNA) 3 năm một lần
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đại tràng và trực tràng
● Soi đại tràng 10 năm 1 lần, hoặc
● Chụp cắt lớp vi tính dựng hình khung đại trực tràng 5 năm 1 lần, hoặc
● Soi đại tràng sigma 5 năm 1 lần
Nếu bạn chọn sàng lọc bằng các xét nghiệm khác ngoài soi đại tràng, khi các xét nghiệm đó cho thấy kết quả bất thường thì cần soi đại tràng kiểm tra.
Những người có yếu tố nguy cơ cao đối với ung thư đại trực tràng (có tiền sử bản thân hoặc gia đình, hoặc có các yếu tố nguy cơ khác) cần được: sàng lọc trước năm 45 tuổi, sàng lọc thường xuyên hơn, hoặc được sàng lọc bằng các xét nghiệm đặc hiệu hơn. Hãy nói chuyện với bác sỹ về các yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng của bạn để xác định thời điểm bạn nên bắt đầu làm xét nghiệm.
3. Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư khởi phát ở lớp nội mạc (lớp lót mặt trong) của tử cung. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi. Những yếu tố gây ảnh hưởng tới nồng độ nội tiết tố nữ, ví dụ như uống estrogen mà không có progesterone, hay uống tamoxifen để điều trị ung thư vú, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.
Những yếu tố khác như có kinh sớm, mãn kinh muộn, tiền sử vô sinh hay không có con cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn ở phụ nữ có tiền sử bản thân hoặc gia đình có mắc ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC hay hội chứng Lynch) hoặc mắc hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì. Phụ nữ đã mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng trước đó cũng có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn người bình thường.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo: tại thời điểm mãn kinh, người phụ nữ cần được cung cấp thông tin về nguy cơ và triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung, và đi khám ngay khi có các triệu chứng như tiết dịch bất thường hoặc ra máu âm đạo (ra máu ngày càng trầm trọng hơn, ra máu giữa chu kỳ kinh hoặc sau mãn kinh).
Tất cả phụ nữ nên nói chuyện với bác sỹ về nguy cơ ung thư nội mạc tử cung của mình, và được khám phụ khoa định kỳ.
4. Ung thư phổi
Ung thư phổi. Ảnh: mayoclinic.org
Những việc bạn có thể làm
Không phải loại ung thư phổi nào cũng có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua việc bỏ thuốc lá. Nếu bạn không hút thuốc, hãy tránh xa khói thuốc từ những người khác.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo: thực hiện sàng lọc thường xuyên trên những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Nếu bạn hiện đang hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc, ở trong độ tuổi từ 55 đến 74 tuổi, thể trạng chung còn tốt, bạn có thể chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp hàng năm.
Nhiễm trùng mạn tính một số type HPV (virus gây u nhú ở người) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của ung thư cổ tử cung. Bạn có thể nhiễm HPV thông qua tiếp xúc da, ví dụ như có quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn, hoặc qua đường miệng với người mang virus. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: hút thuốc, suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng chlamydia, thừa cân, điều trị nội tiết, hay không khám sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.
Những việc bạn có thể làm
Tránh xa khói thuốc lá và bảo vệ bản khỏi lây nhiễm HPV bằng cách sử dụng bao cao su. Vaccine HPV cũng có thể giúp bảo vệ bạn khỏi một số chủng HPV có liên quan tới ung thư.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm vaccine HPV cho trẻ nam và nữ trong độ tuổi từ 9 đến 12 tuổi. Trẻ em và người trưởng thành trong độ tuổi từ 13 đến 26 tuổi mà chưa được tiêm vaccine, hoặc tiêm chưa đủ liều, nên được tiêm càng sớm càng tốt. Việc tiêm vaccine trong các độ tuổi được khuyến cáo giúp giảm nguy cơ mắc ung thư hơn tiêm vaccine ở những lứa tuổi lớn hơn. Nếu bạn ở trong độ tuổi từ 27 đến 45 tuổi, hãy trao đổi với các bác sỹ về việc tiêm vaccine có đem lại lợi ích cho bạn hay không.
Khám sàng lọc thường xuyên có thể giúp phát hiện những biến đổi tại cổ tử cung, qua đó điều trị trước khi những tổn thương này ung thư hóa. Các xét nghiệm sàng lọc đối với ung thư cổ tử cung là test HPV và test Pap. Test HPV giúp tầm soát những tổn thương tiền ung thư và ung thư do nhiễm HPV. Test Pap giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư tại cổ tử cung thông qua soi tế bào trên kính hiển vi. Việc khám sàng lọc định kỳ giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi tổn thương còn nhỏ và khu trú, từ đó điều trị dễ dàng hơn.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo đối với những người có nguy cơ trung bình ung thư cổ tử cung:
● Việc khám sàng lọc ung thư cổ tử cung nên bắt đầu từ năm 25 tuổi. Người dưới 25 tuổi không nên khám sàng lọc.
● Người trong độ tuổi từ 25 đến 65 tuổi nên làm test HPV sơ cấp 5 năm 1 lần. Test HPV sơ cấp là test HPV đơn độc để tầm soát. Nếu không thể làm test HPV sơ cấp, bạn có thể làm test đồng thời (cả test HPV và test Pap) 5 năm một lần hoặc làm test Pap 3 năm một lần.
Điều quan trọng là đi khám tầm soát định kỳ, dù cho bạn chọn loại xét nghiệm nào.
● Người trên 65 tuổi đã thực hiện sàng lọc định kỳ trong 10 năm với kết quả bình thường (âm tính) không cần tiếp tục tầm soát. Xét nghiệm gần nhất của bạn nên được thực hiện trong vòng 3 đến 5 năm. Phụ nữ có tiền sử tổn thương tiền ung thư cổ tử cung nghiêm trọng nên được tầm soát trong vòng 25 năm kể từ khi có chẩn đoán, kể cả khi đã quá 65 tuổi.
● Người đã phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ (cắt tử cung + cổ tử cung) không cần tầm soát, trừ khi phẫu thuật để điều trị ung thư cổ tử cung hoặc tổn thương tiền ung thư nghiêm trọng.
● Người đã tiêm vaccine phòng HPV vẫn nên thực hiện tầm soát theo khuyến cáo đối với từng lứa tuổi.
Hãy đi khám khi có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây trong vòng vài tuần trở lại đây:
● Chướng bụng kèm gầy sút cân
● Rối loạn tiêu hóa (chướng hơi, đầy hơi, chán ăn)
● Đau vùng bụng hoặc hố chậu
● Cảm giác mót tiểu thường xuyên
Hãy nói chuyện với bác sỹ về những nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của bạn, cũng như các xét nghiệm cần làm.
● Tránh xa thuốc lá.
● Giảm và giữ cân nặng ở ngưỡng khỏe mạnh.
● Vận động thể dục thường xuyên.
● Ăn uống theo thực đơn bổ dưỡng chứa nhiều hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế/ tránh thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn.
● Không nên uống rượu. Nếu uống, mỗi ngày uống không quá 1 ly.
● Bảo vệ làn da của bạn.
● Biết tiền sử bản thân và gia đình, cũng như các yếu tố nguy cơ của chính bạn.
● Khám định kỳ và tầm soát ung thư thường xuyên.
Nguồn: Dịch từ www.cancer.org - Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Đường dẫn: https://www.cancer.org/healthy/cancer-facts/cancer-facts-for-women.html?fbclid=IwAR014NgjzNWZ_HBrWyn-3OJOOll4BaXBk3tdxlzWnwV_sWzXRoAJqr9yU6A
Biên dịch: BS. Phạm Quang Huy, Khoa Ngoại Vú – Phụ khoa
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT&NCKH