1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ UNG THƯ VÚ Ở TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

22/06/2024 - 03:37

Ung thư vú ở trẻ vị thành niên rất hiếm gặp. Từ năm 2012 đến 2016, tỉ lệ mắc ung thư vú ở trẻ gái tuổi từ 15 đến 19 ở Mỹ là 0.1/100000, tương đương với 1 trên 1 triệu trẻ mắc bệnh.

 

Những biến đổi ở vú là điều bình thường khi trẻ bước vào lứa tuổi dậy thì. Việc tăng giảm nội tiết tố (hormone) nữ, như estrogen và progesterone, có thể làm cho tuyến vú trở nên đau nhức.

Hormone có thể khiến tuyến vú của bạn cảm thấy dày hơn, thậm chí sờ thấy u cục hay sưng đau mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.


Hình 1: Cảm giác đau nhức khó chịu do tăng giảm nội tiết tố nữ

Những u cục hay sưng đau này liệu có phải ung thư không? Gần như rất ít khả năng. Chưa có dữ liệu nào về sự hình thành phát triển ung thư vú ở trẻ gái dưới 14 tuổi.

Nguy cơ ung thư sẽ tăng nhẹ khi các bé gái bước vào tuổi dậy thì nhưng ung thư vú ở nhóm tuổi này vẫn rất hiếm gặp.

Theo thống kê được công bố từ một nghiên cứu năm 2020 của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, từ năm 2012 đến 2016, tỉ lệ mắc ung thư vú ở trẻ gái tuổi từ 15 đến 19 ở Mỹ là 0.1/100000, tương đương với 1 trên 1 triệu trẻ mắc bệnh.

Triệu chứng ung thư vú ở trẻ vị thành niên

Hình 2: Triệu chứng ung thư vú ở trẻ vị thành niên

(https://emergencydrug.com/breast-cancer-in-teens-incidence-symptoms-causes/)
 

Tiết dịch núm vú và tụt núm vú là triệu chứng thường gặp của ung thư vú ở phụ nữ trưởng thành. Tuy nhiên, những triệu chứng này hiếm gặp ở trẻ vị thành niên.

Nguyên nhân của ung thư vú ở trẻ vị thành niên

Các bác sĩ chưa hoàn toàn chắc chắn nguyên nhân gây ung thư vú ở trẻ vị thành niên vì có rất ít các trường hợp mắc bệnh.

Tuy nhiên, nhìn chung, người ta tin rằng ung thư ở trẻ em phát triển do những biến đổi trong tế bào và DNA xảy ra sớm trong cuộc sống. Những biến đổi này có thể xảy ra ngay cả khi trẻ vẫn còn trong bụng mẹ.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng ung thư ở trẻ em không liên quan nhiều đến yếu tố môi trường và lối sống như hút thuốc lá hay ăn những thực phẩm không tốt.

Tuy nhiên, nếu trẻ bắt đầu những thói quen không lành mạnh từ quá sớm, chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú khi trưởng thành.

Ung thư vú và các biện pháp tránh thai

Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, một khi ngừng các biện pháp này, mức độ nguy cơ sẽ trở về bình thường.

Trung tâm Ung thư MD Anderson, Đại học Texas, cũng lưu ý rằng nguy cơ ung thư nói chung ở trẻ vị thành niên vẫn ở mức thấp, mặc dù sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư.

Nếu bạn sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết và lo lắng về nguy cơ ung thư, hãy thảo luận các lựa chọn của bạn với bác sĩ trước khi ngừng biện pháp tránh thai.

Theo một nghiên cứu năm 2014, việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống làm tăng nguy cơ ung thư vú khởi phát sớm ở những người dưới 25 tuổi có đột biến gen BRCA.

Các bác sĩ nên thận trọng trước khi khuyến cáo thuốc tránh thai cho nhóm bệnh nhân này.

 Điều này có nghĩa là tăng nguy cơ ung thư vú (so với dân số chung) chỉ là một trong nhiều yếu tố cần xem xét trước khi quyết định biện pháp tránh thai phù hợp.

Ung thư vú và sự phát triển bình thường

Các bé gái khi bước vào giai đoạn đầu của tuổi dậy thì có thể xuất hiện các u cục (được gọi là chồi vú) gần với núm vú. Tuyến vú có thể trở nên nhạy cảm và đau nhức. Những điều này xảy ra liên tục trong quá trình phát triển bình thường của tuyến vú và không đáng lo ngại.

Chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể làm cho vú hơi sưng và đau.

Các khối u vú có thể gặp ở trẻ vị thành niên

Loại ung thư vú hay gặp nhất ở trẻ vị thành niên là ung thư biểu tuyến chế tiết, thường phát triển chậm và không xâm nhập.

Mặc dù loại ung thư này ít có khả năng lan tràn đến các cơ quan khác của cơ thể, tuy nhiên một số trường hợp đã ghi nhận có di căn đến hạch bạch huyết lân cận.

Hầu hết các u vú ở tuổi vị thành niên là u xơ tuyến, không phải là ung thư. U xơ tuyến vú được hình thành do sự phát triển quá mức của mô liên kết trong tuyến vú.

Khối u này thường chắc và đàn hồi, và có thể di động bằng ngón tay. U xơ tuyến vú chiếm khoảng 91% tất cả các khối u đặc ở các trẻ gái dưới 19 tuổi. 

Một số khối u khác ít phổ biến hơn ở trẻ vị thành niên bao gồm u nang, được mô tả một túi chứa đầy chất dịch, không phải ung thư.

Va đập hoặc các chấn thương ở mô vú, có thể do ngã hay khi chơi thể thao, cũng có thể gây ra u cục.

Chẩn đoán ung thư vú ở trẻ vị thành niên

Nếu bạn cảm thấy bất cứ điều gì bất thường ở tuyến vú, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám. Các bác sĩ sẽ hỏi về:

  • Tiền sử bệnh lý của gia đình
  • Bạn phát hiện khối u khi nào
  • Bạn có bị tiết dịch núm vú không
  • Khối u có gây đau không

Nếu có tổn thương nghi ngờ khi quan sát và thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm siêu âm cho bệnh nhân. Xét nghiệm này sử dụng sóng âm để khảo sát tuyến vú, có thể giúp xác định có phải khối u dạng đặc hay không, một dấu hiệu gợi ý ung thư.

Nếu khối u chứa đầy dịch, có thể nhiều khả năng là u nang. Bác sĩ có thể chọc hút u bằng kim nhỏ để lấy mẫu mô và kiểm tra xem có phải ung thư không.

Có nên chụp X-quang tuyến vú ở trẻ vị thành niên không

Chụp X-quang tuyến vú không được khuyến cáo ở trẻ vị thành niên vì hai lý do:

  • Tuyến vú ở trẻ vị thành niên có xu hướng đặc, gây khó khăn khi phát hiện khối u trên phim chụp vú 2-D truyền thống.
  • Chụp X-quang tuyến vú gây phơi nhiễm với tia xạ, có thể gây tổn thương tế bào, đặc biệt ở cơ thể trẻ đang phát triển.

Điều trị ung thư vú ở trẻ vị thành niên

Ung thư biểu mô tuyến chế tiết của tuyến vú được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tổn thương ung thư và bảo tồn mô vú càng nhiều càng tốt.

Các bác sĩ sẽ cân nhắc hoá trị và xạ trị dựa vào từng trường hợp cụ thể. Những phương pháp điều trị này có thể mang lại nhiều rủi ro hơn so với lợi ích ở cơ thể trẻ đang phát triển.

Tùy thuộc vào phương pháp và thời gian, điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác.

Bạn vẫn có thể cho con bú sau khi phẫu thuật vú hoặc núm vú. Tuy nhiên, một số người có thể tiết ít sữa hơn người khác.
Những biến đổi ở tuyến vú cần chú ý

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ không còn khuyến cáo tự khám vú thường xuyên vì không có bằng chứng nào cho thấy việc này giúp giảm tử vong do ung thư vú.

Tuy nhiên, biết được vú của bạn bình thường trông như thế nào và khi sờ nắn cảm thấy như thế nào có thể giúp bạn sớm nhận ra các biến đổi bất thường. Hãy chú ý những điều sau đây:

  • U cục
  • Mật độ tuyến vú
  • Tiết dịch
  • Những bất thường ở vú
  • Co kéo da vú
  • Đau nhức

Hình 3: Thăm khám vú định kỳ hàng năm

(https://www.medicalnewstoday.com/articles/320533#symptoms)
 

Khi đã biết bình thường vú của bạn nhìn và sờ vào cảm giác như thế nào, sẽ dễ dàng hơn để phát hiện bất kỳ biến đổi nào trong tương lai.

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, hoặc có bất cứ điều gì khiến bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sỹ.

Kích thước vú hai bên không bằng nhau là rất phổ biến, điều này có thể là bình thường.

Tiên lượng

Các nhà nghiên cứu ước tính tỷ lệ sống thêm 5 năm tương đối ở các trẻ gái Mỹ từ 15 đến 19 tuổi được chẩn đoán từ năm 2009 đến 2015 là 85%. Điều này nghĩa là có 85% trẻ gái mắc ung thư vú sống thêm 5 năm so với những trẻ không bị ung thư vú.

Tỷ lệ sống thêm 5 năm tương đối ở phụ nữ từ 20 tuổi trở lên, được chẩn đoán ung thư vú từ năm 2011 đến 2017, là 90,3%.

Vì ung thư vú rất hiếm gặp ở trẻ vị thành niên nên các bác sĩ và bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp “theo dõi và chờ đợi”, và trì hoãn việc điều trị. Điều này có thể giải thích cho tỷ lệ sống thêm thấp hơn ở trẻ vị thành niên so với phụ nữ trưởng thành cùng mắc ung thư vú.

Ung thư vú cực kỳ hiếm gặp ở trẻ vị thành niên, nhưng bạn vẫn nên kiểm tra các bất thường ở vú. Thực hiện một số thói quen ngay từ bây giờ có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú sau này. Bao gồm:

  • Ăn chế độ ăn giàu chất xơ, nhiều hoa quả
  • Tập thể dục đều đặn
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Không hút thuốc và tránh hút thuốc lá thụ động

 

Nguồn: Healthline Media
Đường dẫn:  https://www.healthline.com/health/childrens-health/breast-cancer-in-teens

Biên dịch: ThS.BSNT. Nguyễn Quốc Hùng, Khoa Nội 2, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

 

Bài viết liên quan