1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

NHỮNG THÔNG TIN CẦN TÌM HIỂU KHI ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN MẮC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

22/06/2024 - 03:37

Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung khởi phát từ cổ tử cung, khi các tế bào trong cổ tử cung phát triển vượt quá mức kiểm soát và lấn át các tế bào bình thường. Tế bào ung thư có thể phát tán sang các bộ phận khác của cơ thể. Các tế bào ung thư trong cổ tử cung đôi khi có thể phát tán lên phổi và phát triển ở đó. Khi các tế bào ung thư phát tán như vậy được gọi là di căn. Bệnh ung thư luôn được đặt tên theo vị trí khởi phát. Vì vậy, khi ung thư cổ tử cung di căn đến phổi (hoặc bất kỳ cơ quan nào khác), nó vẫn được gọi là ung thư cổ tử cung.

Cổ tử cung là đoạn dưới của tử cung,  nối tử cung với âm đạo (ống sinh sản), đi ra phía ngoài của cơ thể

Có nhiều loại ung thư cổ tử cung khác nhau không?

Có một số loại ung thư cổ tử cung. Loại phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy. Loại này bắt đầu trong các tế bào bao phủ bề mặt của cổ tử cung.

Các câu nên hỏi bác sỹ:

  • Tại sao Bác sĩ lại cho rằng tôi bị ung thư?
  • Liệu có khả năng nào mà tôi không bị ung thư không?
  • Bác sĩ vui lòng cho biết loại ung thư mà tôi có thể đang mắc phải được không?
  • Diễn biến bệnh tiếp theo của tôi sẽ như thế nào?

Làm cách nào Bác sỹ chẩn đoán tôi mắc ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi lan ra bên ngoài cổ tử cung. Một số dấu hiệu của ung thư cổ tử cung:

  • Chảy máu âm đạo ngoài kỳ kinh nguyệt
  • Tiết dịch từ âm đạo
  • Đau khi quan hệ tình dục.

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh, khám lâm sàng và kiểm tra vùng tiểu khung. Nếu các triệu chứng hướng đến ung thư cổ tử cung, bạn sẽ cần phải thực hiện nhiều xét nghiệm hơn. Sau đây là một số xét nghiệm bạn có thể cần làm:

Soi cổ tử cung: Quan sát kỹ bên trong âm đạo và cổ tử cung bằng cách sử dụng một camera có gắn đèn ở đầu một ống mỏng gọi là ống soi cổ tử cung.

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung: (hoặc xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung) Một xét nghiệm lấy các tế bào từ cổ tử cung để kiểm tra ung thư và tiền ung thư.

Sinh thiết cổ tử cung: bác sĩ lấy một mẩu mô nhỏ để kiểm tra tế bào ung thư. Có nhiều cách để làm sinh thiết cổ tử cung. Trao đổi với bác sĩ loại sinh thiết bạn cần phải làm. Sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn bạn có bị ung thư hay không.

Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính): Đây là một loại tia X đặc biệt giúp chụp lại ảnh chi tiết để xem liệu ung thư đã lan rộng chưa. Chụp CT cũng có thể được sử dụng để giúp làm sinh thiết (xem bên dưới).

Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ): Xét nghiệm này đánh giá các phần mô mềm của cơ thể tốt hơn các xét nghiệm hình ảnh khác, như chụp CT. Bác sĩ sẽ quyết định xét nghiệm hình ảnh nào là tối ưu nhất.

Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang có thể được thực hiện để kiểm tra liệu ung thư đã di căn đến phổi hay chưa

Chụp cắt lớp PET: Trong xét nghiệm này, bạn được sử dụng một loại đường đặc biệt có thể được phát hiện bên trong cơ thể bạn bằng một máy ảnh đặc biệt. Nếu phát hiện ung thư, loại đường này sẽ hiển thị như "điểm nóng" nơi phát hiện ung thư. Xét nghiệm này còn có thể giúp cho biết liệu ung thư đã lan rộng hay chưa.

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu không dùng để phát hiện ung thư cổ tử cung, nhưng được thực hiện để bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bạn.

Các câu nên hỏi bác sỹ

  • Tôi sẽ cần phải làm những xét nghiệm nào?
  • Các xét nghiệm được thực hiện ở đâu?
  • Lúc nào tôi sẽ nhận được kết quả và nhận kết quả bằng cách nào?
  • Ai sẽ giải thích kết quả xét nghiệm cho tôi?
  • Tôi cần làm gì tiếp theo?

Bệnh ung thư của tôi nghiêm trọng đến mức nào?

Nếu bạn mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ đánh giá xem nó đã xâm lấn tới đâu. Đây được gọi là “đánh giá giai đoạn”. Bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn ung thư để đưa ra quyết định phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bạn. Giai đoạn bệnh phản ánh sự phát triển hoặc lây lan của ung thư qua cổ tử cung. Nó cũng cho biết liệu ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận hoặc những nơi xa hơn.

Ung thư của bạn có thể ở giai đoạn 1, 2, 3, hoặc 4. Con số này càng thấp, ung thư càng ít xâm lấn. Số càng lớn, như giai đoạn 4, nghĩa là bệnh ung thư đã nghiêm trọng hơn, đã lan ra bên ngoài cổ tử cung. Hãy đề nghị bác sĩ giải thích về giai đoạn ung thư của bạn.

Các câu nên hỏi bác sĩ

  • Bác sĩ có biết bệnh ung thư của tôi ở giai đoạn nào không?
  • Nếu không, làm thế nào để đánh giá được giai đoạn và đến khi nào tôi có kết quả?
  • Bác sĩ có thể giải thích cho tôi biết giai đoạn này có ý nghĩa gì không?
  • Ở giai đoạn bệnh này, bác sỹ cho rằng tôi sẽ sống được bao lâu?
  • Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Tôi sẽ cần điều trị như thế nào?

Có nhiều cách để điều trị ung thư cổ tử cung. Kế hoạch điều trị tối ưu nhất cho bạn sẽ phụ thuộc vào:

· Giai đoạn ung thư

· Loại ung thư.

· Tuổi của bạn

· Các vấn đề sức khỏe khác mà bạn gặp phải

· Cảm nhận của bạn về phương pháp điều trị và các tác dụng phụ đi kèm

Phẫu thuật trong ung thư cổ tử cung

Hầu hết phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung đều được điều trị bằng một số loại phẫu thuật.

Phẫu thuật lạnh

Phương pháp điều trị này tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách làm đông lạnh chúng. Phương pháp này có thể được sử dụng để điều trị tiền ung thư – để loại bỏ các tế bào bất thường có thể biến đổi thành ung thư nếu không được điều trị.

Phẫu thuật bằng tia laser

Phương pháp điều trị này sử dụng tia laser để đốt cháy các tế bào ung thư, cũng có thể được sử dụng để điều trị tiền ung thư.

Khoét chóp cổ tử cung

Khoét chóp còn được gọi là sinh thiết hình nón. Trong phương pháp này, một mảnh nhỏ hình nón của phần cổ tử cung bị ung thư hoặc tiền ung thư sẽ được cắt bỏ.

Cắt bỏ tử cung

Cắt tử cung để loại bỏ tử cung và cổ tử cung. Đây là cách phổ biến nhất để điều trị ung thư cổ tử cung. Có nhiều cách để thực hiện phẫu thuật này. Đôi khi buồng trứng cũng được đồng thời cắt bỏ. Các hạch bạch huyết ở lân cận cũng có thể được lấy bỏ để xem có tế bào ung thư hay không.

Hãy hỏi bác sĩ của bạn loại phẫu thuật mà bạn sẽ cần. Mỗi loại đều có rủi ro và lợi ích.

Tác dụng phụ của phẫu thuật

Bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng có thể có rủi ro và tác dụng phụ. Hãy trao đổi với bác sĩ những gì có thể xảy ra với bạn. Nếu bạn gặp vấn đề hoặc khó khăn gì, hãy cho bác sĩ của bạn biết.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Xạ trị  có thể được nhắm vào cổ tử cung từ một máy bên ngoài cơ thể. Đây được gọi là  xạ trị ngoài. Hoặc, một nguồn phóng xạ có thể được đưa vào âm đạo gần cổ tử cung. Đây được gọi là liệu pháp xạ trị áp sát

Tác dụng phụ của xạ trị

Nếu bác sĩ đề nghị điều trị bằng xạ trị, hãy hỏi bác sĩ những tác dụng phụ có thể xảy ra. Các tác dụng phụ phụ thuộc vào loại xạ trị được sử dụng. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị là:

· Thay đổi da nơi xạ trị

· Cảm giác rất mệt mỏi

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ thuyên giảm sau khi điều trị kết thúc. Một số có thể kéo dài lâu hơn. Hãy trao đổi với bác sỹ ung thư của bạn về những vấn đề này

Hóa trị

Hóa trị là từ viết tắt của phương pháp điều trị bằng hóa chất. Thuốc thường được tiêm vào tĩnh mạch. Các loại thuốc này đi vào máu và đi khắp cơ thể. Hóa trị được điều trị theo chu kỳ hoặc đợt. Sau mỗi đợt điều trị bệnh nhân sẽ có một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Hầu hết trong khoảng thời gian điều trị, 2 hoặc nhiều loại hóa chất được sử dụng. Việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng.

Khi hóa trị và xạ trị được thực hiện đồng thời, được gọi là hóa xạ đồng thời

Tác dụng phụ của hóa trị

Hóa trị có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau bụng và tóc rụng nhiều. Nhưng những vấn đề này sẽ biến mất sau khi điều trị kết thúc. Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị. Nếu bạn gặp phải tác dụng phụ, hãy trao đổi với bác sỹ ung thư của bạn để họ có thể giúp đỡ bạn.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích không giống như hóa trị vì những loại thuốc này chủ yếu ảnh hưởng đến tế bào ung thư, không ảnh hưởng đến tế bào bình thường. Chúng có các tác dụng phụ khác với hóa trị.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị tăng cường hệ thống miễn dịch của chính bạn hoặc sử dụng các phiên bản nhân tạo của các bộ phận của hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào ung thư cổ tử cung. Những loại thuốc này được dùng đường tiêm tĩnh mạch.

Tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Những loại thuốc này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau bụng hoặc phát ban. Hầu hết những vấn đề này sẽ biến mất sau khi điều trị kết thúc.

Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ do liệu pháp miễn dịch gây ra. Nếu bạn gặp phải tác dụng phụ, hãy trao đổi với bác sỹ ung thư của bạn để họ có thể giúp đỡ bạn.

 Các thử nghiệm lâm sàng

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các thử nghiệm lâm sàng phù hợp với bạn, hãy bắt đầu bằng cách hỏi bác sĩ xem phòng khám hoặc bệnh viện có đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng hay không. Thử nghiệm lâm sàng là một cách để tìm được phương pháp điều trị ung thư mới nhất. Nếu bác sĩ của bạn có thể tìm thấy một thử nghiệm lâm sàng về loại ung thư bạn mắc phải, bạn có thể cân nhắc có nên tham gia hay không. Và nếu bạn đăng ký thử nghiệm lâm sàng, bạn luôn có thể dừng lại bất cứ lúc nào bạn muốn.

 Các phương pháp điều trị khác mà tôi nghe nói đến?

Khi bạn mắc ung thư, bạn có thể nghe nói về các phương pháp khác để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng. Đây có thể không phải là các phương pháp điều trị y khoa tiêu chuẩn. Những phương pháp điều trị này có thể là vitamin, thảo dược, chế độ ăn kiêng đặc biệt và các phương pháp khác. Một vài phương pháp trong đó có thể hữu ích, tuy nhiên rất nhiều phương pháp chưa được kiểm nghiệm. Một số đã được chứng minh là không giúp ích gì, thậm chí còn có hại. Trao đổi với bác sĩ của bạn về bất kỳ phương pháp nào bạn định sử dụng, dù đó là vitamin, chế độ ăn kiêng hay bất kỳ thứ gì khác.

 Các câu nên hỏi bác sĩ

· Bác sĩ nghĩ phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho tôi?

· Mục tiêu của phương pháp điều trị này là gì? Bác sĩ có nghĩ rằng nó có thể chữa khỏi bệnh ung thư của tôi không?

· Tôi có cần phải phẫu thuật không?

· Cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra như thế nào?

· Liệu tôi có thể có con sau khi phẫu thuật không?

· Tôi có cần thêm các phương pháp điều trị khác không?

· Mục tiêu của các phương pháp điều trị này là gì?

· Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào từ những phương pháp điều trị này?

· Liệu việc điều trị có làm tôi mãn kinh sớm không?

· Liệu đời sống tình dục của tôi có thay đổi sau khi điều trị không?

· Tôi có thể làm gì với các tác dụng phụ mà tôi có thể gặp phải?

· Có thử nghiệm lâm sàng nào phù hợp với tôi không?

· Về các loại vitamin hoặc chế độ ăn kiêng đặc biệt mà bạn bè nói với tôi thì sao? Làm sao tôi biết được liệu chúng có an toàn hay không?

· Tôi cần bắt đầu điều trị vào lúc nào?

· Tôi nên làm gì để chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị?

· Tôi có thể làm gì để nâng cao hiệu quả điều trị không?

· Bước tiếp theo là gì?

Điều gì sẽ xảy ra sau khi điều trị?

Sau khi điều trị kết thúc, trong những năm tiếp theo, bạn sẽ cần tái khám. Hãy bảo đảm đi tái khám đầy đủ đúng hẹn. Các bác sĩ của sẽ hỏi bệnh, khám lâm sàng và có thể làm xét nghiệm máu và có thể làm các xét nghiệm khác để xem liệu ung thư có tái phát không. Bạn cũng sẽ cần phải tiếp tục làm xét nghiệm Pap bất kể bạn đã điều trị bằng phương pháp nào. Ban đầu, bạn sẽ khám định kỳ vài tháng một lần. Tiếp sau đó, thời gian bạn khỏi bệnh càng dài, tần suất khám định kỳ sẽ ngày càng thưa hơn

Bạn không thể thay đổi sự thật rằng mình bị ung thư. Điều bạn có thể thay đổi là cách bạn sống phần đời còn lại - đưa ra những lựa chọn lành mạnh và cảm thấy lạc quan nhất có thể.

 

Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/cervical-cancer/if-you-have-cervical-cancer.html

Biên dịch: BS. Ngô Minh Phúc, Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Hiệu đính: Ths.Bs. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

 

Bài viết liên quan