Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Làm cách nào bác sĩ biết con bạn bị ung thư?
Các triệu chứng phụ thuộc vào loại bệnh ung thư, vị trí của ung thư, độ lớn của nó và mức độ ảnh hưởng của ung thư tới các bộ phận khác trên cơ thể. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất cứ thay đổi nào mà bạn thấy ở con bạn. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của con bạn và thăm khám.
Nếu các triệu chứng gợi ý con bạn đang mắc ung thư, cần làm thêm các xét nghiệm để khẳng định. Cần trao đổi với bác sĩ về các xét nghiệm này và cách thực hiện. Con bạn có thể cần được sử dụng thuốc ngủ khi thực hiện một số xét nghiệm.
Con bạn có thể cần một số xét nghiệm dưới đây:
Xét nghiệm máu và nước tiểu: có thể được sử dụng để phát hiện một số loại ung thư. Chúng cũng được sử dụng để đánh giá các chức năng của cơ thể.
Siêu âm: trong xét nghiệm này, một đầu dò siêu âm sẽ được di chuyển trên bề mặt da của bé. Nó phát ra sóng âm thanh và thu nhận những tiếng vang khi chúng dội lại từ các mô. Các tiếng vọng tạo ra hình ảnh trên màn hình máy tính.
X-Quang: Chụp X-Quang phần cơ thể nghi ngờ ung thư đôi khi là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện. Chụp X-Quang phổi cũng có thể được thực hiện để xem liệu ung thư đã di căn tới phổi hay chưa..
Chụp CTScanner: Xét nghiệm này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. Xét nghiệm này có thể được thực hiện để tìm ung thư hoặc để xem liệu ung thư đã di căn chưa.
Chụp MRI (cộng hưởng từ): MRI có thể hiển thị khối u và các bộ phận khác của cơ thể.
Chụp PET: Chụp PET sử dụng một loại camera đặc biệt để đánh giá chuyển hoá đường trong cơ thể. Nếu có ung thư, loại đường này sẽ hiển thị như các “điểm nóng”, chính là nơi phát hiện ra ung thư. Xét nghiệm này có thể giúp cho biết ung thư đã di căn hay chưa.
Nội soi: Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ phát sáng có gắn camera đưa vào trong cơ thể của bé để quan sát bên trong. Ống này có thể được đưa vào qua một lỗ tự nhiên như miệng hoặc qua một vết rạch nhỏ trên da. Thủ thuật cho phép bác sĩ xem xét khối u và các bộ phận cơ thể lân cận. Thủ thuật sinh thiết có thể thực hiện thông qua các dụng cụ đưa vào ống.
Sinh thiết: Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ lấy một mảnh nhỏ ở vị trí nghi ngờ để tìm tế bào ung thư. Thông thường, sinh thiết là cách duy nhất để khẳng định bé có bị ung thư hay không. Có rất nhiều cách để thực hiện sinh thiết. Phương thức được lựa chọn phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u.
Chọc hút và sinh thiết tủy xương: trong xét nghiệm này, một cây kim rỗng được đưa vào vùng trung tâm của xương (hầu hết trường hợp là phía sau của hông) để lấy ra một lượng nhỏ chất lỏng bên trong, được gọi là tủy xương (là nơi tạo ra các tế bào máu). Tủy xương được xét nghiệm để tìm xem có tế bào ung thư trong đó hay không.
Phân độ ung thư
Trong một số loại ung thư, các tế bào ung thư trong bệnh phẩm sinh thiết có thể được phân độ ác tính. Điều này cho phép bác sĩ có thể dự đoán tốc độ phát triển và di căn của khối u. Độ ác tính dựa vào đặc điểm của các tế bào ung thư: giống tế bào bình thường nhiều hay ít. Các tế bào càng khác tế bào lành được xếp độ ác tính cao hơn và có xu hướng phát triển nhanh hơn.
Đối với hầu hết các loại ung thư (ngoài bệnh bạch cầu), bác sĩ sẽ muốn tìm hiểu xem mức độ phát triển của bệnh. Công việc này gọi là đánh giá giai đoạn. Bác sĩ cần tìm ra giai đoạn ung thư của con bạn để quyết định loại điều trị nào là tốt nhất.
Bệnh ung thư của con bạn có thể ở giai đoạn 1, 2, 3 hoặc 4. Con số này càng thấp, ung thư càng ít di căn. Một con số cao hơn, như giai đoạn 4, có nghĩa là bệnh nghiêm trọng hơn, ung thư đã di căn từ nơi khởi phát tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Con bạn cần những phương pháp điều trị nào?
Các phương pháp chính để điều trị bệnh ung thư:
Nhiều khi, cần sử dụng nhiều hơn một phương pháp. Kế hoạch điều trị tốt nhất cho con bạn sẽ phụ thuộc vào những điều sau:
Phẫu thuật
Đối với các bệnh ung thư không phải bệnh bạch cầu, phẫu thuật thường được sử dụng để loại bỏ khối u và phần mô lành ở quanh rìa khối u. Loại phẫu thuật được thực hiện phụ thuộc vào vị trí của khối u.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó có thể được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật hoặc hóa trị để điều trị một số bệnh ung thư. Đôi khi một mình xạ trị là có thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để giúp điều trị các triệu chứng như đau và sưng nếu ung thư đã lan rộng. Xạ trị có thể được nhắm vào khối u từ một máy bên ngoài cơ thể. Đây được gọi là xạ ngoài. Xạ trị cũng có thể được thực hiện bằng cách đưa một nguồn bức xạ nhỏ vào hoặc gần khối u. Đây được gọi là liệu pháp xạ áp sát. Đôi khi, cả hai loại bức xạ đều được sử dụng.
Các tác dụng phụ phụ thuộc vào loại bức xạ được sử dụng, khu vực được điều trị và tuổi của con bạn. Các tác dụng phụ thường gặp của bức xạ là:
Hầu hết các tác dụng phụ sẽ thuyên giảm sau khi điều trị kết thúc. Nhưng một số tác dụng phụ có thể kéo dài hơn hoặc có thể không xuất hiện cho đến nhiều năm sau. Ví dụ, bức xạ đôi khi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hoặc có thể ảnh hưởng đến não.
Hóa chất
Là việc sử dụng thuốc hóa chất để điều trị ung thư. Thuốc có thể được tiêm dưới dạng thuốc tiêm hoặc thuốc viên. Các loại thuốc này đi vào máu và lan khắp cơ thể.
Hóa chất thường được cung cấp theo chu kỳ hoặc theo đợt. Mỗi đợt điều trị được theo sau bởi một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Trong hầu hết trường hợp, 2 hoặc nhiều loại thuốc hóa trị được sử dụng.
Tác dụng phụ của hóa chất
Hóa chất có thể làm cho con bạn cảm thấy rất mệt mỏi, đau bụng và rụng tóc. Một số loại thuốc hóa trị cũng có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Nhưng hầu hết các vấn đề này có xu hướng biến mất sau khi điều trị kết thúc.
Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị. Nếu con bạn có các phản ứng phụ, hãy trao đổi với bác sĩ ung thư để họ có thể giúp đỡ.
Một số loại thuốc hóa trị có thể có những tác dụng có thể không xuất hiện cho đến nhiều năm sau. Ví dụ, một số loại thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến tim hoặc chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khác sau này. Hãy trao đổi với bác sĩ ung thư để biết những gì cần chú ý.
Ghép tế bào gốc
Ghép tế bào gốc cho phép bác sĩ sử dụng hóa trị liều rất cao (đôi khi là xạ trị) để tiêu diệt các tế bào ung thư. Liều cao của các phương pháp điều trị này sẽ phát hủy tủy xương, nơi sinh ra các tế bào máu. Các tế bào gốc được đưa vào cơ thể sau khi điều trị hóa chất có thể hồi phục chức năng này của tủy xương. Loại điều trị này đôi khi được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu hoặc các bệnh ung thư khác ở trẻ em.
Liều cao của hóa trị được sử dụng trong cấy ghép tế bào gốc có thể có các tác dụng phụ lớn, bao gồm một số tác dụng phụ có thể không xuất hiện cho đến nhiều năm sau (xem tác dụng phụ của hóa trị liệu ở trên).
Thuốc nhắm đích
Thuốc nhắm đích được tạo ra nhằm tác động chủ yếu vào những thay đổi ung thư hóa trong tế bào. Những loại thuốc này ảnh hưởng chủ yếu đến tế bào ung thư chứ không tác dụng lên tế bào bình thường trong cơ thể. Ngay cả khi các điều trị khác không có tác dụng thì thuốc nhắm đích vẫn có thể hoạt động. Thuốc nhắm đích có thể được sử dụng đơn thuần hoặc phối hợp với hóa chất.
Các tác dụng phụ của thuốc nhắm đích
Các tác dụng phụ tùy thuộc loại thuốc nào được sử dụng. Các thuốc này thường làm người bệnh cảm thấy đau bụng và có thể gây ớn lạnh, sốt, phát ban, và đau đầu. Một số gây ra giảm các tế bào máu và các vấn đề về tim, gan. Các tác dụng phụ thường biến mất sau khi điều trị kết thúc.
Có nhiều cách để điều trị được hầu hết các tác dụng phụ do thuốc nhắm đích gây ra. Nếu con bạn có các phản ứng phụ, hãy trao đổi với bác sĩ để nhận được sự trợ giúp.
Thuốc miễn dịch
Thuốc miễn dich giúp chống lại bệnh ung thư bằng chính hệ thống miễn dịch của con bạn. Phương pháp điều trị miễn dịch có thể hữu ích trong việc điều trị một số loại ung thư. Các phương pháp điều trị này thường đưa thuốc qua kim tiêm vào tĩnh mạch.
Các tác dụng phụ của thuốc miễn dịch
Các tác dụng phụ tùy vào loại thuốc được sử dụng. Một số chỉ gây sốt hoặc làm con bạn cảm thấy không khỏe. Hiếm khi các thuốc này có thể gây các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.
Các thử nghiệm lâm sàng
Các thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu để đánh giá các thuốc mới hoặc các phương pháp điều trị khác trên người. Các thử nghiệm này so sánh điều trị tiêu chuẩn với các điều trị khác có thể tốt hơn. Nếu bác sĩ điều trị cho con bạn có thể tìm thấy một thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu loại ung thư mà bé mắc phải, việc tham gia vào thử nghiệm là phụ thuộc quyết định của bạn. Và nếu bạn đăng ký cho con mình tham gia thử nghiệm lâm sàng, bạn luôn có thể dừng lại bất cứ lúc nào.
Những cách điều trị khác mà bạn được nghe nói tới thì sao
Khi con bạn mắc ung thư, có thể bạn sẽ được nghe nói về các cách khác nhau để điều trị bệnh ung thư hoặc điều trị các triệu chứng cho bé. Các cách điều trị này có thể là vitamin, thảo dược, chế độ ăn kiêng và nhiều thứ khác. Một vài trong số này đã được biết là có ích, nhưng có nhiều cách chưa được kiểm chứng. Một số đã được chứng minh là không giúp ích gì, một số thậm chí còn được phát hiện là có hại. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất cứ cách gì bạn đang định sử dụng, cho dù đó là vitamin, chế độ ăn kiêng hay bất cứ thứ gì khác.
Hỏi bác sĩ:
Điều gì xảy ra sau điều trị?
Bạn hẳn sẽ rất vui khi quá trình điều trị kết thúc, nhưng thật khó để không lo lắng về việc ung thư tái phát. Con của bạn sẽ vẫn cần gặp bác sĩ ung thư nhiều năm sau khi kết thúc điều trị. Ban đầu là vài tháng một lần, sau đó khoảng cách tái khám sẽ dài hơn nếu không có dấu hiệu ung thư tái phát.
Hãy đảm bảo đưa con bạn đến tất cả các lần tái khám này. Các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thăm khám lâm sàng và có thể làm các xét nghiệm để đánh giá ung thư có tái phát hay không.
Một số phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra tác dụng phụ muộn. Một số có thể sẽ không biểu hiện trong nhiều năm. Hãy chắc chắn rằng con bạn sẽ tiếp tục gặp bác sĩ ngay cả khi chúng đã lớn để có thể theo dõi bất kỳ vấn đề gì có thể xảy ra.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ www.cancer.org
Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/cancer-in-children/if-your-child-has-cancer.html
Biên dịch: BSNT. Phạm Anh Đức – Đơn nguyên Xạ trị Theo yêu cầu
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH