1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

NHỮNG THÔNG TIN NGƯỜI BỆNH NÊN TÌM HIỂU KHI NHẬN ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

22/06/2024 - 03:37

Ung thư buồng trứng là gì?

Bệnh ung thư khởi phát tại buồng trứng được gọi là ung thư buồng trứng. Đây là tình trạng các tế bào trong buồng trứng tăng sinh vượt quá mức kiểm soát của cơ thể. Một số loại ung thư buồng trứng có thể khởi phát tại vòi tử cung (ống nối tử cung và buồng trứng). Phụ nữ có 2 buồng trứng, là nơi trứng được tạo ra, cũng là nơi hầu hết nội tiết tố nữ được sản xuất.

Tế bào ung thư có thể phát tán sang các bộ phận khác trên cơ thể. Những trường hợp này được gọi là di căn. Bệnh ung thư luôn được gọi tên theo vị trí cơ quan khởi phát. Do đó, khi tế bào ung thư buồng trứng phát tán đến gan (hoặc các cơ quan khác), đây vẫn được gọi là bệnh ung thư buồng trứng, không phải ung thư gan.

Hãy đề nghị bác sỹ dùng bức tranh này để chỉ rõ khối ung thư ở đâu

Có những loại ung thư buồng trứng gì?

Có rất nhiều loại ung thư buồng trứng. Bác sỹ sẽ giải thích rõ hơn về loại ung thư mà bạn đang mắc phải. Dưới đây là tên của một số loại ung thư buồng trứng thường gặp.

Ung thư biểu mô

Đây là loại ung thư khởi phát từ các tế bào bao phủ mặt ngoài buồng trứng.

Ung thư tế bào mầm

Đây là loại ung thư khởi phát từ các tế bào tạo trứng.

Ung thư trung mô

Đây là loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào kết giữ buồng trứng và tạo ra các nội tiết tố nữ

Các câu nên hỏi bác sỹ:

  • Tại sao bác sỹ lại chẩn đoán tôi bị ung thư?
  • Liệu có khả năng nào mà tôi không bị ung thư không?
  • Bác sỹ cho tôi biết loại ung thư buồng trứng mà có thể tôi đang mắc phải được không?
  • Diễn biến bệnh sắp tới của tôi như thế nào?

Làm cách nào bác sỹ biết tôi bị ung thư buồng trứng?

Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Một số triệu chứng có thể có là đầy hơi, ăn nhanh no, đau bụng, mót tiểu thường xuyên.

Các xét nghiệm cần làm

Bác sỹ của bạn sẽ hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng. Nếu các trệu chứng hướng tới ung thư buồng trứng, bạn sẽ cần phải làm thêm một số xét nghiệm. Dưới đây là một số xét nghiệm cần làm:

· Siêu âm: Một đầu dò nhỏ sẽ được đưa vào âm đạo hoặc đặt trên thành bụng. Đầu dò này sẽ phát ra các sóng âm và thu nhận lại các hồi âm phản lại từ các mô trong cơ thể, từ đó tạo nên một bức ảnh trên màn hình.

· Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Đây là xét nghiệm giúp chụp lại những hình ảnh rõ nét của buồng trứng và các bộ phận khác của cơ thể để xem liệu ung thư đã lan tới đâu.

· Chụp X-quang tim phổi: Đây là xét nghiệm để kiểm tra ung thư đã di căn phổi chưa.

· Nội soi chẩn đoán: Đây là loại phẫu thuật dùng một ống sáng nhỏ để bác sỹ có thể quan sát trực tiếp buồng trứng và các bộ phận khác trong cơ thể, qua đó giúp bác sỹ đánh giá sự xâm lấn của khối u và lên kế hoạch điều trị.

· Xét nghiệm máu: Bác sỹ cần xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ của một số loại protein có thể tăng cao trong trường hợp ung thư.

Sinh thiết buồng trứng

Khi sinh thiết, bác sỹ sẽ lấy một phần  mô nhỏ để tìm tế bào ung thư. Đây là xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh ung thư. Đối với ung thư buồng trứng, sinh thiết thường được thực hiện trên khối u đã được lấy ra khi phẫu thuật.

Các câu nên hỏi bác sỹ:

  • Tôi cần làm các xét nghiệm gì?
  • Khi nào tôi thực hiện xong?
  • Khi nào tôi có kết quả?
  • Bác sỹ có thể giải thích kết quả cho tôi được không?
  • Tôi cần làm gì tiếp theo

Bệnh ung thư của tôi nghiêm trọng tới mức nào?

Nếu bạn bị ung thư buồng trứng, bác sỹ sẽ cần phải đánh giá xem ung thư đã xâm lấn lan tràn tới đâu. Việc này được gọi là đánh giá giai đoạn. Bạn sẽ được nghe bác sỹ giải thích về bệnh ung thư giai đoạn 1, 2,… Việc đánh giá giai đoạn này là cần thiết để các bác sỹ lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn. Việc đánh giá giai đoạn dựa trên sự tăng sinh của khối u buồng trứng, cũng như việc ung thư đã xâm lấn sang các cơ quan lân cận hoặc di căn xa hay chưa. Bệnh ung thư có các giai đoạn 1, 2 ,3 và 4. Số càng nhỏ, ung thư càng ít xâm lấn. Hãy hỏi bác sỹ của bạn về giai đoạn bệnh và ý nghĩa của chúng đối với bạn.

Các câu nên hỏi bác sỹ:

  • Bác sỹ có biết bệnh ung thư của tôi ở giai đoạn nào không?
  • Nếu không, bác sỹ sẽ làm thế nào để đánh giá được giai đoạn, và bao giờ tôi nhận được kết quả?
  • Bác sỹ có thể giải thích về giai đoạn bệnh của tôi được không?
  • Với giai đoạn bệnh như này liệu tôi sống thêm được bao lâu?
  • Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Các phương pháp điều trị mà tôi cần

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư buồng trứng. Việc lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn sẽ phụ thuộc vào:

  • Loại ung thư của bạn
  • Giai đoạn ung thư
  • Toàn trạng
  • Cảm nhận của bạn về việc điều trị cũng như các tác dụng phụ của điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các trường hợp ung thư buồng trứng. Mục tiêu của phẫu thuật là đánh giá mức độ xâm lấn của ung thư, từ đó lấy đi tổ chức ung thư nhiều tối đa có thể. Mức độ và loại phẫu thuật được lựa chọn dựa vào mức độ lan tràn của ung thư, thể trạng chung (trừ bệnh lý ung thư ra), và mong muốn có con của của người bệnh. Do ung thư buồng trứng có thể xâm lấn ra những cơ quan tổ chức xung quanh, phẫu thuật viên còn cần phải lấy bỏ các phần cơ thể đã có tổ chức ung thư. Hãy hỏi bác sỹ của bạn về loại phẫu thuật, cũng như những mục tiêu được đặt ra.

Điều trị hóa chất

Hóa trị - viết tắt của điều trị hóa chất - là phương pháp sử dụng thuốc để điều trị ung thư. Hóa trị được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm thu nhỏ khối u. Hầu hết bác sỹ cho rằng sử dụng nhiều hơn 1 loại thuốc điều trị ung thư buồng trứng sẽ có hiệu quả hơn là điều trị đơn độc 1 loại.

Điều trị đích

Điều trị đích là phương pháp mới điều trị ung thư, sử dụng các loại thuốc tìm và tấn công các tế bào ung thư, trong khi chỉ gây ra những tổn thương nhỏ cho các tế bào bình thường. Không phải phác đồ điều trị đích nào cũng hoạt động theo cơ chế giống nhau, mà chúng sẽ thay đổi tùy theo cách các tế bào sinh trưởng, phân chia, hồi phục và hoạt động.

Điều trị nội tiết

Điều trị nội tiết sử dụng các hormone hoặc các thuốc ức chế hormone để điều trị ung thư. Đây là phương pháp được sử dụng thường xuyên hơn đối với ung thư trung mô. Có nhiều phác đồ điều trị nội tiết. Hãy hỏi bác sỹ của bạn về phác đồ bạn đang dùng cũng như những kỳ vọng nó đem lại.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc thu nhỏ khối u. Xạ trị rất ít khi được sử dụng như một phương pháp điều trị chính trong ung thư buồng trứng. Đôi khi xạ trị được áp dụng lên các vị trí di căn.

Các thử nghiệm lâm sàng

Các thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu khoa học nhằm thử nghiệm các loại thuốc mới hoặc các phương pháp điều trị mới trên bệnh nhân. Các thử nghiệm này so sánh  các phương pháp điều trị tiêu chuẩn với các phương pháp mới để tìm phương pháp hiệu quả hơn.

Nếu bác sỹ tìm được một thử nghiệm lâm sàng về loại ung thư buồng trứng mà bạn đang mắc phải, bạn có thể lựa chọn tham gia. Nếu bạn đồng ý tham gia, bạn hoàn toàn có thể chọn dừng bất kỳ lúc nào. Nếu bạn muốn biết thêm về các thử nghiệm lâm sàng phù hợp với mình, bạn có thể hỏi bác sỹ về các thử nghiệm lâm sàng mà phòng khám hay bệnh viện đang thực hiện (nếu có).

Vậy còn những phương pháp điều trị khác mà tôi đã từng được nghe nói đến?

Khi bạn mắc ung thư, bạn có thể đã từng được nghe về các phương pháp khác để điều trị ung thư hoặc điều trị triệu chứng của bạn. Đây có thể không phải là các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, có thể là dùng vitamin, thảo dược, các chế độ ăn đặc biệt, và các phương pháp khác. Bạn có thể sẽ thắc mắc về những phương pháp này.

Một vài phương pháp được biết tới là có lợi, tuy nhiên rất nhiều trong số đó chưa được kiểm chứng. Một số cho thấy không mang lại lợi ích nào, thậm chí còn được chứng minh là có hại. Hãy trao đổi trực tiếp với bác sỹ về tất cả các phương pháp điều trị bạn đang nghĩ tới – vitamin, chế độ ăn, hay các phương pháp khác.

Các câu nên hỏi bác sỹ:

  • Theo bác sỹ phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho tôi?
  • Mục tiêu của phương pháp điều trị này là gì? Liệu phương pháp này có chữa khỏi bệnh ung thư không?
  • Tôi có cần phải phẫu thuật không?
  • Ca phẫu thuật sẽ diễn ra như thế nào?
  • Liệu tôi có cần thêm các phương pháp điều trị khác không?
  • Các tác dụng phụ điều trị tôi có thể gặp là gì?
  • Tôi có thể làm gì để giảm thiểu các tác dụng phụ này?
  • Có thử nghiệm lâm sàng nào phù hợp cho tôi không?
  • Vậy còn các loại vitamin và chế độ ăn kiêng mà bạn bè vẫn bảo tôi thì sao? Làm thế nào tôi biết được chúng có an toàn không?
  • Tôi cần bắt đầu điều trị vào lúc nào?
  • Tôi cần làm gì để chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị?
  • Tôi có thể làm gì để nâng cao hiệu quả điều trị?
  • Bước tiếp theo sẽ ra sao?

Điều gì sẽ xảy ra sau khi điều trị?

Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi việc điều trị kết thúc. Tuy nhiên, khó mà yên tâm khi nghĩ tới khả năng ung thư tái phát. Đối với một vài bệnh nhân ung thư buồng trứng, việc điều trị có thể chưa chữa khỏi bệnh ung thư hoàn toàn. Bạn có thể cần tiếp tục điều trị. Sẽ có những lúc bạn cần phải làm các xét nghiệm để đánh giá hiệu quả điều trị, cũng như kiểm tra xem có tái phát ung thư hay không. Hãy hỏi thêm bác sỹ về các vấn đề này và nhớ đi khám định kỳ đúng hẹn. Trong các buổi khám bệnh này, các bác sỹ sẽ hỏi bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm máu và chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, ví dụ như chụp cắt lớp vi tính.

Ban đầu, bạn sẽ khám định kỳ 2-4 tháng một lần. Tiếp theo, thời gian bạn khỏi bệnh càng dài, tần suất khám định kỳ sẽ ngày càng thưa hơn. Sau 5 năm, bạn có thể chỉ cần đi khám 1 năm/lần.

Việc bị ung thư và phải đương đầu với các đợt điều trị có thể sẽ rất khó khăn, tuy nhiên đây có thể là lúc bạn nhìn nhận lại cuộc sống theo một cách khác. Bạn có thể nghĩ tới các phương pháp nâng cao sức khỏe. Bạn có thể nói chuyện với đội ngũ chăm sóc ung thư của bạn để biết nên làm gì để bản thân cảm thấy tốt hơn.

Bạn không thể thay đổi được sự thật mình bị ung thư. Thứ bạn có thể thay đổi là cách bạn sống phần đời tiếp theo – hãy lựa chọn những gì có lợi cho sức khỏe nhất và giữ tinh thần lạc quan vui sống!

 

Dịch từ www.cancer.org - Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ
Đường dẫn:
https://www.cancer.org/cancer/ovarian-cancer/if-you-have-ovarian-cancer.html
Biên dịch: BS. Phạm Quang Huy, Khoa Ngoại Vú – Phụ khoa

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

 

 

Bài viết liên quan