Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Nội soi đường tiêu hoá trên là gì?
Nội soi đường tiêu hoá trên là một thủ thuật bác sĩ sử dụng để xem xét lớp niêm mạc bên trong của đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày và tá tràng, là phần đầu tiên của ruột non). Xét nghiệm này đôi khi còn được gọi là nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng hoặc EGD. Thủ thuật này được thực hiện bằng một ống nội soi, là một ống nhỏ, đàn hồi, có đèn chiếu sáng và một máy quay phim nhỏ ở đầu ống soi. Ống được đưa vào qua miệng, xuống cổ họng và vào thực quản, dạ dày và tá tràng.
Tại sao bạn cần nội soi đường tiêu hoá trên ?
Bạn đang gặp vấn đề ở đường tiêu hoá trên
Thủ thuật này có thể được sử dụng để tìm nguyên nhân của các vấn đề ở thực quản, dạ dày hoặc tá tràng. Thủ thuật có thể được thực hiện do các triệu chứng bạn đang gặp phải (chẳng hạn như khó nuốt, ợ chua, cảm thấy nhanh no, hoặc ho ra máu hoặc nôn ra máu). Hoặc thủ thuật có thể được thực hiện để xem xét một khu vực bất thường được nhìn thấy trên xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (chẳng hạn như chụp X-quang hoặc CT).
Nội soi đường tiêu hoá trên có thể được thực hiện như một phần của siêu âm nội soi để xem xét thành của đường tiêu hóa, cũng như các hạch bạch huyết lân cận và các cấu trúc khác ngay bên ngoài đường tiêu hóa. Ví dụ, nếu có một khối u trong thành thực quản hoặc dạ dày, siêu âm có thể cho biết nó đã phát triển đến (hoặc xuyên qua) thành bao xa và liệu nó có thể đã đến các hạch bạch huyết gần đó hay chưa. Từ ruột non, siêu âm nội soi cũng có thể được sử dụng để xem tuyến tụy, túi mật hoặc đường mật.
Nội soi siêu âm qua dạ dày
Đối với thủ thuật này, một ống nội soi được gắn một đầu dò siêu âm nhỏ ở đầu ống. Ống được đưa vào đường tiêu hóa và có thể được đưa theo các hướng khác nhau để nhìn vào thành ống tiêu hóa các hạch bạch huyết lân cận và các cấu trúc khác. Đầu siêu âm phát ra sóng âm thanh và thu nhận tiếng vang khi chúng dội lại từ các cấu trúc này, và tiếng vang được chuyển thành hình ảnh trên màn hình máy tính. Nếu thấy các khu vực nghi ngờ như hạch bạch huyết to hơn bình thường, có thể đưa một cây kim rỗng qua ống nội soi vào những khu vực này để lấy mẫu sinh thiết.
Nội soi đường tiêu hoá trên có thể được sử dụng cùng với X-quang để xem xét (và đôi khi điều trị các vấn đề bên trong) tuyến tụy và đường mật. Loại thủ thuật này được gọi là nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).
Đối với thủ thuật này, bác sĩ đưa ống nội soi xuống phần đầu tiên của ruột non. Sau đó, một ống nhỏ gọi là catheter được đưa qua ống nội soi và vào ống mật chủ, và một lượng nhỏ thuốc cản quang được tiêm qua catheter. Thuốc cản quang giúp hiện hình các ống dẫn mật và tuyến tụy khi chụp X-quang và có thể cho biết nếu có tắc nghẽn. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu sinh thiết của mô hoặc chất lỏng trong quá trình ERCP.
Nội soi siêu âm qua thực quản
Bạn có tổn thương nghi ngờ ung thư
Nội soi đường tiêu hoá trên có thể được sử dụng để lấy mẫu sinh thiết thực quản, dạ dày hoặc tá tràng (để xem khu vực bất thường có phải là ung thư không). Điều này được thực hiện bằng cách đưa các dụng cụ dài, mỏng, chẳng hạn như kẹp nhỏ (pincers), đi xuống giữa ống nội soi để thu thập các mẫu. Các mẫu sau đó được xem xét trong phòng thí nghiệm.
Bạn có vấn đề về đường tiêu hoá cần được điều trị
Nội soi đường tiêu hoá trên có thể được sử dụng để điều trị tắc nghẽn của đường tiêu hóa hoặc một số vấn đề khác. Ví dụ, một tia laser nhỏ đặt ở đầu ống nội soi có thể được sử dụng để đốt bỏ một phần khối u đang cản đường đi của thức ăn. Hoặc một ống nội soi có thể được sử dụng để đặt một ống cứng được gọi là stent vào một phần của đường tiêu hóa để giúp giữ thông suốt.
Nội soi đường tiêu hoá trên như thế nào?
Đây là mô tả chung về những gì thường xảy ra trước, trong và sau khi nội soi đường tiêu hoá trên. Nhưng trải nghiệm của bạn có thể hơi khác một chút, tùy thuộc vào lý do bạn làm thủ thuật, nơi bạn thực hiện và sức khỏe tổng thể của bạn. Hãy nói chuyện với nhân viên y tế trước khi thực hiện thủ thuật này để hiểu những gì sẽ xảy ra và đặt câu hỏi nếu có bất kỳ điều gì bạn không chắc chắn.
ERCP- Nội soi mật tuỵ ngược dòng. Nguồn: https://www.olympusprofed.com/gi/ercp/
Trước khi nội soi
Hãy chắc chắn rằng các nhân viên y tế đã biết về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, bao gồm cả vitamin, thảo mộc và chất bổ sung, cũng như nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào.
Bạn có thể được yêu cầu ngừng dùng thuốc chống đông (bao gồm cả aspirin) hoặc một số loại thuốc khác trong vài ngày trước khi nội soi. Bạn có thể sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ít nhất vài giờ trước khi làm thủ thuật. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn. Hãy chắc chắn làm theo hướng dẫn và đặt câu hỏi nếu có điều gì bạn không hiểu.
Vì thuốc an thần được sử dụng để giúp bạn thoải mái hơn trong quá trình thực hiện thủ thuật, nên có thể bạn sẽ phải có người đưa về sau khi làm thủ thuật. Bạn có thể cần ai đó giúp bạn về nhà nếu bạn buồn ngủ hoặc chóng mặt, vì vậy nhiều trung tâm sẽ không cho người sau khi nội soi về nhà bằng taxi hoặc dịch vụ đi chung xe. Nếu phương tiện đi lại có khó khăn, hãy nói chuyện với nhân viên y tế về chính sách tại bệnh viện hoặc trung tâm phẫu thuật để sử dụng một trong những dịch vụ này. Có thể có các cách khác để về nhà, tùy thuộc vào tình hình cụ thể.
Trong khi nội soi
Nội soi đường tiêu hoá trên thường có thể được thực hiện như một thủ thuật ngoại trú (bạn không cần phải ở lại bệnh viện qua đêm). Đối với thủ thuật này, bạn sẽ nằm nghiêng hoặc ngửa lưng trên bàn làm thủ thuật. Trước tiên, miệng và cổ họng của bạn có thể được xịt một loại thuốc tê, hoặc bạn có thể nhận một loại thuốc dạng lỏng và được yêu cầu súc miệng. Bạn cũng có thể được tiêm thuốc an thần qua đường truyền tĩnh mạch để làm cho bạn cảm thấy thư giãn. Ít gặp hơn, bạn có thể ngủ (được gây mê toàn thân) để làm thủ thuật. Bạn có thể được ngậm một cái ngáng miệng để giữ miệng của bạn mở trong quá trình làm thủ thuật. Ống soi sau đó sẽ được đưa qua cổ họng của bạn, nhưng ống soi sẽ không ảnh hưởng đến hô hấp của bạn. Không khí thường được đưa vào dạ dày qua ống soi để dễ nhìn hơn. Quy trình này thường mất khoảng 15 đến 30 phút, nhưng có thể lâu hơn, tùy thuộc vào những gì được thực hiện.
Sau khi nội soi
Sau khi thực hiện thủ thuật, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo bạn không có bất kỳ biến chứng nào. Nếu bạn dùng thuốc an thần, bạn có thể không nhớ được quá trình thực hiện thủ thuật.
Vì không khí thường được đưa vào dạ dày như một phần của quy trình, bạn có thể cảm thấy bụng đầy hơi hoặc quặn bụng sau đó. Miệng và cổ họng của bạn có thể sẽ bị tê trong vài giờ. Bạn sẽ không được phép ăn uống cho đến khi hết tê. Sau khi hết tê, bạn có thể bị đau họng, ho hoặc khàn tiếng trong ngày hôm sau hoặc lâu hơn.
Nếu bạn làm thủ thuật ngoại trú, bạn có thể về nhà sau vài giờ, nhưng bạn có thể sẽ cần người đưa về nhà vì đã sử dụng các loại thuốc hoặc đãđược gây mê. Bác sĩ hoặc điều dưỡng nên cung cấp cho bạn những hướng dẫn cụ thể về những gì bạn có thể làm và không thể làm trong những giờ sau khi làm thủ thuật.
Nếu sinh thiết được thực hiện, kết quả thường sẽ có trong vòng vài ngày, mặc dù một số xét nghiệm trên mẫu sinh thiết có thể mất nhiều thời gian hơn. Bạn sẽ cần tái khám với bác sĩ sau khi làm thủ thuật để nhận được kết quả.
Các biến chứng có thể xảy ra của nội soi đường tiêu hoá trên
Nội soi đường tiêu hoá trên thường an toàn, nhưng có một số rủi ro nhỏ:
Chảy máu thường ít và tự khỏi, nhưng nếu không tự khỏi sẽ cần phải điều trị. Có thể cần phẫu thuật để khâu lỗ thủng.
Trước khi bạn về nhà, bác sĩ hoặc điều dưỡng nên hướng dẫn cụ thể cho bạn về thời điểm bạn cần gọi điện cho bác sĩ khi có các vấn đề. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu khi nào bạn nên gọi.
Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ
Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/understanding-your-diagnosis/tests/endoscopy/upper-endoscopy.html
Biên dịch: BS. Đỗ Minh Ngọc, Khoa Nội soi- Thăm dò chức năng
Hiệu đính: ThS. BS Nguyễn Thanh Hằng- Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học