1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

NỐT RUỒI VÀ CÁC NGUY CƠ MẮC UNG THƯ HẮC TỐ DA

22/06/2024 - 03:37

Nốt ruồi, vết loét, u cục hoặc những biến đổi bất thường trên da về hình thái hoặc cảm giác có thể là một dấu hiệu của ung thư hắc tố da hoặc một loại ung thư da khác, hoặc đó là dấu hiệu cảnh báo ung thư có thể xảy ra.

Nốt ruồi bình thường

Nốt ruồi bình thường là những đốm có màu nâu, màu nâu đen hoặc màu đen trên da. Nốt ruồi có thể phẳng hoặc lồi lên bề mặt da với hình tròn hoặc bầu dục. Thông thường, nốt ruồi có đường kính dưới 6mm. Một số nốt ruồi có thể xuất hiện từ khi mới sinh nhưng đa số chúng sẽ xuất hiện khi còn nhỏ hoặc trong độ tuổi thanh niên. Những nốt ruồi mới xuất hiện sau này nên được bác sỹ kiểm tra.

Sau khi hình thành, nốt ruồi thường giữ nguyên kích thước, hình dáng và màu sắc trong nhiều năm. Một số nốt ruồi sau này có thể biến mất.

Hầu hết mọi người đều có nốt ruồi và chúng thường lành tính. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải nhận ra sự biến đổi của nốt ruồi gợi ý tới ung thư hắc tố da, ví dụ như kích thước, hình dáng, màu sắc hoặc bề mặt của nốt ruồi.
 


Hình 1: Nốt ruồi không điển hình

 

nhiều nốt ruồi: Đa số nốt ruồi sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, tuy nhiên người có nhiều nốt ruồi sẽ tăng nguy cơ phát triển ung thư hắc tố da.

Nốt ruồi không điển hình (Nốt ruồi loạn sản): Những nốt ruồi này trông khá giống nốt ruồi bình thường nhưng cũng có một số đặc điểm của ung thư hắc tố da. Chúng thường lớn hơn các nốt ruồi khác và có hình dáng hoặc màu sắc bất thường. Chúng có thể xuất hiện trên vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng như những vùng da kín, ví dụ như ở vùng mông hoặc da đầu.

Nốt ruồi không điển hình (nốt ruồi loạn sản) thường có tính chất gia đình. Một tỉ lệ nhỏ nốt ruồi không điển hình có thể phát triển thành ung thư hắc tố da. Tuy nhiên, đa số chúng sẽ không bao giờ trở thành ung thư, cũng như ung thư hắc tố da có thể phát triển mà không có nốt ruồi không điển hình từ trước đó.
 

Hội chứng nốt ruồi loạn sản (hội chứng nốt ruồi không điển hình): Những người mắc hội chứng di truyền này có nhiều nốt ruồi loạn sản trên cơ thể. Nếu họ có ít nhất một người thân bị ung thư hắc tố da thì đó được gọi là hội chứng đa nốt ruồi không điển hình và ung thư hắc tố da có tính chất gia đình (FAMMM).

Những người mắc hội chứng này có nguy cơ rất cao mắc ung thư hắc tố da nên cần đi khám chuyên khoa da liễu thường xuyên và cẩn thận. Đôi khi, bác sĩ sẽ chụp ảnh toàn bộ cơ thể để nhận biết liệu nốt ruồi có biến đổi và phát triển hay không. Nhiều chuyên gia khuyến cáo những bệnh nhân này nên được hướng dẫn cách tự kiểm tra da hàng tháng.
 

Nốt ruồi hắc tố bẩm sinh: Các nốt ruồi xuất hiện từ khi mới sinh được gọi là nốt ruồi hắc tố bẩm sinh. Nguy cơ phát triển ung thư hắc tố da từ nốt ruồi hắc tố bẩm sinh ước tính từ 0 – 5%, tùy thuộc vào kích thước của nốt ruồi. Những người có nốt ruồi bẩm sinh với kích thước rất lớn (còn gọi là bớt hắc tố) sẽ có nguy cơ cao hơn, trong khi nguy cơ này ở những người có nốt ruồi nhỏ là thấp hơn. Ví dụ, những người có bớt hắc tố bẩm sinh nhỏ hơn lòng bàn tay sẽ có nguy cơ mắc ung thư hắc tố da rất thấp, trong khi những người bớt hắc tố che phủ phần lớn lưng và mông có nguy cơ cao hơn đáng kể.

Đôi khi, bớt hắc tố bẩm sinh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ để ngăn ngừa nguy cơ phát triển thành ung thư. Chỉ định phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm kích thước, vị trí và màu sắc của bớt. Nhiều chuyên gia khuyến cáo nếu không được phẫu thuật, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa da liễu định kỳ và hướng dẫn cách tự kiểm tra da hàng tháng.

Cần nhắc lại rằng nguy cơ nốt ruồi phát triển thành ung thư là rất thấp. Tuy nhiên, việc có nhiều nốt ruồi bất thường hoặc nốt ruồi có kích thước lớn sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư hắc tố da.
 

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư hắc tố da

Hình 2: Ung thư hắc tố da. Nguồn ảnh: www.mayoclinic.org
 

Dấu hiệu cảnh báo quan trọng nhất của ung thư hắc tố da là đốm mới xuất hiện trên da hoặc đốm đang thay đổi kích thước, hình dáng hoặc màu sắc.

Một dấu hiệu quan trọng khác là có một đốm có đặc điểm khác với tất cả các nốt ruồi khác trên da.

Hãy đi khám nếu bạn thấy một trong các dấu hiệu cảnh báo này.

Quy tắc ABCDE là một hướng dẫn khác về các dấu hiệu thường gặp của ung thư hắc tố da. Hãy cảnh giác và nói với bác sĩ khi nốt ruồi có các đặc điểm dưới đây:

· A (Asymmetry – Bất đối xứng): Hình dáng của nốt ruồi hoặc vết bớt không cân xứng.

· B (Border Bờ viền): Bờ viền của nốt ruồi không bình thường, lởm chởm, có khía hoặc ranh giới không rõ.

· C (Color Màu sắc): Màu sắc của nốt ruồi không đồng nhất, có nhiều sắc thái khác nhau như nâu hoặc đen, đôi khi có các mảng màu hồng, đỏ, trắng hoặc xanh.

· D (Diameter Đường kính): Nốt ruồi có đường kính trên 6mm, tuy nhiên ung thư hắc tố da đôi khi vẫn có thể nhỏ hơn 6mm.

· E (Evolving Tiến triển): Nốt ruồi thay đổi về kích thước, hình dáng hoặc màu sắc.
 

Một số trường hợp ung thư hắc tố da không tuân theo quy tắc này. Điều quan trọng là bạn cần trao đổi với bác sĩ về bất kỳ thay đổi hoặc sự xuất hiện của các đốm mới trên da hoặc những nốt ruồi có sự phát triển khác thường so với các nốt ruồi khác trên cơ thể.

Các dấu hiệu cảnh báo khác:

  • Vết loét không lành
  • Sự lan rộng của mảng sắc tố từ bờ viền của nốt ruồi sang vùng da xung quanh
  • Bờ viền của nốt ruồi mẩn đỏ hoặc sưng tấy lan ra xung quanh
  • Thay đổi cảm giác, ví dụ như ngứa ngáy, sưng, đau nhức
  • Thay đổi bề mặt của nốt ruồi như đóng vảy, chảy dịch, chảy máu hoặc xuất hiện khối u cục hoặc vùng sưng tấy

Hãy cho bác sĩ biết bất kì nếu bạn lo lắng về dấu hiệu bất thường trên da và yêu cầu bác sĩ thăm khám những vị trí mà bạn khó quan sát. Đôi khi rất khó phân biệt ung thư hắc tố da và nốt ruồi bình thường, vì vậy bạn cần cho bác sĩ xem bất kì nốt ruồi mà bạn nghi ngờ.

Ngoài ra, một tỉ lệ thấp ung thư hắc tố da bắt nguồn từ các vị trí không phải da, ví dụ như phía dưới móng tay hoặc móng chân, trong miệng, thậm chí là từ mống mắt. Vì vậy, điều quan trọng là cần cho bác sĩ biết nếu thấy xuất hiện nốt mới hoặc có biến đổi của nốt ruồi tại các vị trí này.
 

Các yếu tố nguy cơ khác của Ung thư hắc tố da

Tiếp xúc với tia cực tím (tia UV)

Tiếp xúc với tia cực tím (tia UV) là yếu tố nguy cơ chính trong đa số trường hợp ung thư hắc tố da. Ánh nắng mặt trời là nguồn chính phát ra tia UV. Giường nhuộm da và đèn cực tím cũng là nguồn phát ra tia UV.

Mặc dù tia UV chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong ánh mặt trời nhưng chúng lại là nguyên nhân chính gây ra các tác hại trên da. Tia UV có thể phá huỷ DNA (gen) trong các tế bào da. Ung thư da có thể hình thành khi những tổn thương này tác động đến DNA của gen kiểm soát sự phát triển của tế bào da.
 

Tiền sử gia đình có người mắc ung thư hắc tố da

Nguy cơ mắc ung thư hắc tố da sẽ cao hơn nếu có ít nhất một người có quan hệ huyết thống bậc 1 (bố mẹ đẻ, anh chị em ruột hoặc con ruột) mắc ung thư hắc tố da. Khoảng 10% bệnh nhân mắc ung thư hắc tố da có tiền sử gia đình mắc bệnh này.

Nguy cơ mắc bệnh gia tăng có thể do cùng chung lối sống thường xuyên tiếp xúc ánh sáng mặt trời, những người trong gia đình có da trắng hoặc mang một số đột biến gen nhất định, hoặc có thể là do sự kết hợp giữa các yếu tố này.

Đa số các chuyên gia không khuyến cáo người có tiền sử gia đình mắc ung thư hắc tố da làm xét nghiệm gen để phát hiện các đột biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh vì vẫn chưa rõ điều này đem lại lợi ích như thế nào. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến nghị những người này nên:

  • Khám chuyên khoa da liễu định kỳ
  • Tự kiểm tra da một cách cẩn thận mỗi tháng một lần
  • Bảo vệ da thật cẩn thận khi ra nắng và tránh tia UV nhân tạo (ví dụ như giường nhuộm da)


Tiền sử bản thân mắc ung thư hắc tố da hoặc các loại ung thư da khác

Những bệnh nhân đã mắc ung thư hắc tố da có nguy cơ tái phát bệnh cao hơn. Bệnh nhân mắc ung thư tế bào vảy hoặc ung thư tế bào đáy ở da cũng có nguy cơ mắc ung thư hắc tố da cao hơn.


Suy giảm miễn dịch

Hệ miễn dịch giúp chống lại ung thư da và ung thư ở các cơ quan khác. Những người bị suy giảm miễn dịch (do bệnh lý hoặc do các phương pháp điều trị bệnh) có nguy cơ phát triển nhiều loại ung thư da, trong đó có ung thư hắc tố da. Ví dụ, bệnh nhân ghép tạng thường xuyên dùng thuốc ức chế miễn dịch để dự phòng thải ghép sẽ gia tăng nguy cơ cao mắc ung thư hắc tố da. Bệnh nhân nhiễm HIV (virus gây bệnh AIDS) thường bị suy giảm miễn dịch và cũng có nguy cơ mắc ung thư hắc tố da cao hơn.


Khô da sắc tố

Khô da sắc tố là một bệnh lý di truyền hiếm gặp, bệnh ảnh hưởng tới khả năng sửa chữa tổn thương DNA của tế bào da. Những người mắc khô da sắc tố có nguy cơ cao phát triển ung thư hắc tố da và các loại ung thư da khác khi còn trẻ, đặc biệt là ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/types/melanoma-skin-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-and-symptoms.html

https://www.cancer.org/cancer/types/melanoma-skin-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html

Biên dịch: BS. Đào Thanh Lan, Khoa Giải phẫu bệnh – Tế bào

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học

 

 

Bài viết liên quan