1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

PHẪU THUẬT TẠO HÌNH VÚ BẰNG TÚI ĐỘN CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ VÚ

22/06/2024 - 03:37

Phẫu thuật đoạn nhũ (mastectomy) là phương pháp cắt toàn bộ tuyến vú để điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phần da và quầng núm vú có thể được bảo tồn. Sau phẫu thuật này, bệnh nhân có thể lựa chọn tạo hình lại tuyến vú bằng cách đặt túi độn ngực (breast implant).

Các loại túi độn được sử dụng trong phẫu thuật tạo hình vú

Túi độn nước muối

Túi độn nước muối chứa nước muối vô trùng. Đây là loại túi độn đã được áp dụng đầu tiên. Một loại túi độn nước muối mới hơn, được gọi là túi độn nước muối định hình, có chứa nước muối cùng cấu trúc định hình bên trong túi, giúp cho vú sau khi được tạo hình tự nhiên hơn khi nhìn và chạm vào.

Túi độn silicone

Túi độn gel silicone khi chạm vào có cảm giác giống như mô vú bình thường hơn so với túi độn nước muối. Các loại túi độn ngực tại Mỹ có chứa gel silicone kết dính, là loại gel đặc hơn so với túi silicone thông thường. Loại túi độn ổn định khuôn ngực, còn được gọi là túi độn kẹo dẻo hoặc túi độn kết dính cao, là loại có cấu trúc đặc nhất. Như tên gọi, loại túi độn này có thể giữ được hình dạng khuôn ngực, kể cả khi lớp vỏ túi bị rách. Loại túi này chắc hơn so với túi độn thường, có khả năng chống vỡ túi cao hơn, dù đôi khi tình trạng này vẫn có thể xảy ra.

Có nhiều loại túi độn nước muối và silicone với hình dạng và kích thước khác nhau. Bề mặt túi có thể trơn hoặc nhám tuỳ từng loại. Dù vậy, loại túi độn nào cũng cần phải được thay thế khi tới thời điểm nhất định nếu có rò hoặc rách túi.


 

Túi độn nước muối (trên) và túi độn silicone (dưới)
Nguồn ảnh:
raleighplasticsurgery.com

Quy trình đặt túi độn ngực diễn ra như thế nào?

Người bệnh có thể cân nhắc lựa chọn phẫu thuật tạo hình vú đồng thời với phẫu thuật điều trị ung thư vú (tạo hình tức thì), hoặc tạo hình có trì hoãn.

Tạo hình vú tức thì

Phẫu thuật tạo hình vú tức thì được tiến hành cùng lúc với phẫu thuật đoạn nhũ (cắt toàn bộ tuyến vú). Quy trình này được chia làm nhiều giai đoạn, và bệnh nhân thường cần phải trải qua ít nhất 2 phẫu thuật.
Giai đoạn đầu tiên diễn ra trong phẫu thuật đoạn nhũ. Phẫu thuật viên lúc này sẽ đặt một túi giãn da (một “quả bóng nước”) ở dưới da hoặc dưới cơ ngực bệnh nhân. Đôi khi phẫu thuật viên sẽ dùng một loại lưới để giữ cho túi giãn da ở đúng vị trí. Túi giãn da ban đầu phẳng vì chưa bơm, sau đó dần giãn ra khi được bơm trong mỗi lần tái khám, cho tới khi đạt kích thước mong muốn.
Trong
giai đoạn thứ 2, phẫu thuật viên sẽ loại bỏ túi giãn da và thay thế bằng túi độn ngực vĩnh viễn. Thời điểm thực hiện lần 2 có thể được lên kế hoạch trước hoặc trì hoãn một cách an toàn nếu cần để bệnh nhân bắt đầu liệu trình điều trị ung thư, ví dụ như điều trị hoá chất. Nếu cần, các bác sỹ có thể làm thêm phẫu thuật để tạo hình lại phức hợp quầng-núm vú hoặc điều chỉnh lại túi độn để đạt hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất cho bệnh nhân.

Túi giãn da (trái) và túi độn vĩnh viễn (phải)
Nguồn ảnh:
drhayduke.com

Một số bệnh nhân đủ tiêu chuẩn có thể đặt luôn túi độn. Bệnh nhân phù hợp với loại phẫu thuật này thường  là nữ giới trẻ tuổi, có thể tích vú tương đối nhỏ, và không mắc các bệnh lý nn kèm theo. Trong trường hợp này, các bác sỹ sẽ không sử dụng túi giãn da. Sau khi phẫu thuật viên cắt bỏ toàn bộ tuyến vú, một phẫu thuật viên chuyên ngành thẩm mỹ sẽ đặt túi độn ngực vào vị trí. Túi độn có thể được đặt dưới da hoặc dưới cơ ngực. Đôi khi các bác sỹ sẽ cần sử dụng một lưới phẫu thuật để giữ cho túi ở đúng vị trí.

Phẫu thuật tạo hình vú trì hoãn

Trong phẫu thuật tạo hình vú có trì hoãn, quy trình tạo hình được thực hiện sau phẫu thuật cắt tuyến vú một thời gian, thường là vài tháng. Lúc này, khi ngực bệnh nhân đang phẳng, các bác sỹ sẽ đặt túi giãn da dưới da hoặc dưới cơ ngực, có tác dụng tạo khoang để đặt túi độn sau đó. Túi giãn da ban đầu phẳng, sau sẽ từ từ được bơm căng dần tới khi đạt được kích thước phù hợp với độ giãn của da bệnh nhân. Khi vùng da bề mặt vú đã giãn vừa đủ, các bác sỹ sẽ thực hiện một ca phẫu thuật thứ hai để tháo túi giãn da và đặt túi độn vĩnh viễn.

Bệnh nhân có chỉ định xạ trị sau phẫu thuật đoạn nhũ thường không nên tạo hình vú bằng túi độn. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên trao đổi với bác sỹ về các phương pháp tạo hình vú khác, ví dụ như chuyển vạt.

Các bác sỹ sẽ bơm dung dịch nước muối vào túi giãn da qua một van nhỏ dưới da trong mỗi lần thăm khám định kỳ (với tần suất 1, 2, hoặc 3 tuần/lần). Điều này sẽ giúp túi tăng dần kích thước trong khoảng thời gian vài tháng.

Người bệnh nên lựa chn trì hoãn phẫu thuật tạo hình vú nếu:

Không muốn nghĩ tới việc tạo hình vú trong khi phải điều trị ung thư. Trong trường hợp này, nên chờ tới sau phẫu thuật ung thư vú để quyết định có nên tạo hình hay không.

Có các vấn đề sức khỏe khác. Người bệnh nên trì hoãn phẫu thuật tạo hình, đặc biệt nếu họ có hút thuốc hoặc có các vấn đề sức khỏe khác. Người bệnh cần phải bỏ thuốc ít nhất 2 tháng trước phẫu thuật tạo hình để tạo điều kiện cho việc phục hồi tốt hơn.

Người bệnh có chỉ định xạ trị. Các bác sỹ khuyến cáo không nên phẫu thuật tạo hình ngay nếu bệnh nhân có chỉ định xạ trị sau phẫu thuật. Xạ trị có thể gây ra tình trạng lâu liền vết thương hoặc liền sẹo xấu, giảm hiệu quả thẩm mỹ của phẫu thuật tạo hình. Trong trường hợp này, nên cân nhắc phẫu thuật tạo hình bằng chuyển vạt (sử dụng mô của cơ thể để tạo hình vú mới) sau khi xạ trị xong.

Đội ngũ phẫu thuật viên và gây mê hồi sức sẽ trao đổi với bệnh nhân về phương pháp tạo hình tốt nhất, dựa trên lịch sử bệnh tật, thể trạng, liệu trình điều trị ung thư, cũng như mong muốn của bệnh nhân.

Mô hỗ trợ cho túi độn

Các bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ có thể sẽ lựa chọn mô da người hiến tạng hoặc da lợn để hỗ trợ cho túi giãn da hoặc túi độn. Các loại mô này được gọi là màng khung da không tế bào (ADM), do đã được loại bỏ tế bào người hoặc lợn, từ đó làm giảm thiểu nguy cơ thải trừ mô ghép. Các màng này thường được cấu tạo chủ yếu từ collagen để mô liên kết của bản thân bệnh nhân có thể phát triển trùm lên màng khung da, từ đó tạo điều kiện cho mô tế bào của cơ thể phát triển và liền lại. ADM sẽ hỗ trợ và điều chỉnh túi giãn da hoặc túi độn vào đúng vị trí.

Những nguy cơ bệnh tật từ túi độn ngực

Trong quá khứ, đã có những lo ngại về các vấn đề sức khoẻ tiềm tàng liên quan đến rò túi ngực, ví dụ như bệnh mô liên kết, ung thư vú, hoặc các vấn đề về sinh sản. Cho tới thời điểm hiện tại, các nghiên cứu chỉ ra rằng túi độn ngực không làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý kể trên. Một số bệnh nhân sau đặt túi độn ngực có các biểu hiện đau khớp, suy giảm trí nhớ, hoặc mệt mỏi. Hiện chưa thể kết luận các triệu chứng này có liên quan tới túi độn ngực hay không. Các nghiên cứu đang được thực hiện đ làm rõ thêm về vấn đề này.

Các ung thư hiếm gặp

Túi độn ngực có liên quan đến một số loại ung thư hiếm gặp, phát triển từ mô sẹo quanh túi. Ví dụ, bệnh lymphoma tế bào lớn loại thoái sản có liên quan đến túi độn ngực (BIA-ALCL) là một loại lymphoma không Hodgkin hiếm gặp có thể khởi phát sau một vài năm đặt túi ngực. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn trên các bệnh nhân đặt túi có bề mặt nhám nhiều hơn túi có bề mặt trơn. Bệnh nhân mắc BIA-ALCL có thể có các triệu chứng tụ dịch, có hạch, đau hoặc sưng vùng đặt túi ngực, hoặc bất cân xứng 2 bên vú. Nếu  có các triệu chứng kể trên, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sỹ.

Phẫu thuật tháo túi ngực là phương pháp điều trị cho bệnh BIA-ALCL giai đoạn sớm. Bệnh nhân có thể cần phải xạ trị bổ trợ nếu còn sót tổn thương sau phẫu thuật. Trường hợp bệnh tiến triển, bệnh nhân sẽ cần phải điều trị hoá chất và/hoặc các phương pháp bổ trợ khác.

Ngoài ra, hiện đang có một số ít báo cáo về các trường hợp ung thư khởi phát tại mô sẹo đặt túi ngực, bao gồm một số loại lymphoma (ngoài BIA-ALCL) và ung thư biểu mô tế bào vảy. Các báo cáo này được công bố tương đối gần đây, do đó hiện tại vẫn chưa có nhiều thông tin về các loại ung thư kể trên.

Các vấn đề cần cân nhắc trước khi đặt túi độn ngực

Hầu hết phụ nữ sẽ hài lòng với việc đặt túi độn ngực. Tuy nhiên, bệnh nhân đang cân nhắc việc đặt túi ngực để tạo hình vú và/hoặc cân đối lại 2 bên vú cần lưu ý một số điểm sau:

Bệnh nhân đặt túi ngực càng lâu, khả năng cần phẫu thuật để tháo túi/ thay túi càng nhiều.

Bệnh nhân có thể mắc các vấn đề sức khoẻ liên quan tới túi độn. Túi độn có thể bị rò, gây viêm hoặc đau. Mô sẹo có thể hình thành quanh túi, tạo nên  lớp vỏ, khiến cho bên vú đặt túi bị cứng hoặc thay đổi hình dạng, không còn giữ được vẻ bề ngoài và cảm giác như lúc mới phẫu thuật. Phẫu thuật có thể giải quyết hầu hết các vấn đề trên, tuy không phải tất cả.

Bệnh nhân nên chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú định kỳ vài năm một lần để kiểm tra túi độn có bị rò hay không. Hãy trao đổi với phẫu thuật viên về các vấn đề liên quan tới chỉ định chụp công hưởng từ tuyến vú

 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org - Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Đường dẫn: Breast Reconstruction Using Implants | American Cancer Society

Biên dịch: BS. Phạm Quang Huy - Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng HTQT-NCKH

Bài viết liên quan