1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

PHÒNG TRÁNH MẤT THĂNG BẰNG VÀ NGÃ Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

Những người ốm yếu, không tự đứng vững hoặc bị lẫn là nhóm đối tượng dễ bị ngã. Họ có thể bị ngã khi cố gắng rời khỏi giường, đi vệ sinh, tắm, hoặc khi đi bộ.

 

Phòng tránh mất thăng bằng và ngã

Nguồn ảnh: www.stepstoseniorcare.com

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ngã của bệnh nhân:

  • Đã từng bị ngã
  • Thay đổi thị lực
  • Thay đổi tâm trạng, trí nhớ/ lú lẫn hoặc rối loạn khả năng phối hợp động tác
  • Suy nhược, yếu cơ, mệt mỏi hoặc đi không vững
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên
  • Rối loạn đại tiểu tiện
  • Thiếu máu
  • Môi trường sống nhiều nguy cơ (ví dụ đồ đạc để lộn xộn bừa bãi, đèn không đủ sáng, có vật nuôi trong nhà, sàn nhà không bằng phẳng, hoặc phải lên xuống cầu thang)
  • Thay đổi các thuốc đang sử dụng
  • Thay đổi tình trạng ăn uống/dinh dưỡng

Bác sỹ có thể chỉ định cho bệnh nhân luyện tập với chuyên gia và kỹ thuật viên vật lý trị liệu và nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà để tìm ra những cách khác nhau giúp làm giảm nguy cơ ngã. Các chuyên gia cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập hoặc cách sử dụng một số thiết bị hỗ trợ (xe lăn, xe tập đi, gậy) giúp thực hiện các sinh hoạt hàng ngày (đi lại, nấu ăn, mua sắm, làm đẹp). Tất cả các bài tập phối hợp động tác và tăng cường thể lực cùng với các thiết bị hỗ trợ đều có thể giúp cải thiện sự an toàn, thăng bằng, khả năng phối hợp và thể lực của người bệnh.

Quản lý các triệu chứng ung thư và các vấn đề sức khỏe khác cũng là một phần của việc quản lý các vấn đề về thăng bằng và té ngã của người bệnh. Mệt mỏi, lú lẫn, thiếu máu là một số triệu chứng phổ biến xảy ra với bệnh nhân ung thư và điều trị bệnh ung thư và có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về mất thăng bằng và ngã.

Các loại thuốc khác nhau cũng có thể gây ảnh hưởng và làm tăng nguy cơ té ngã. Điều quan trọng là bệnh nhân cần thường xuyên theo dõi và thông báo tình hình sử dụng thuốc của mình, tác dụng phụ khi dùng thuốc và bất kỳ triệu chứng mới nào cho bác sỹ ung thư để bác sỹ có thể điều chỉnh thuốc và điều trị các triệu chứng sớm nhất có thể.

Bệnh nhân có thể làm gì?

Nguồn ảnh: www.balancediagnostic.com

  • Luôn luôn nắm vững danh sách các loại thuốc đang sử dụng theo đơn của bác sỹ.. Chỉ sử dụng một hiệu thuốc để mua thuốc theo đơn được cấp, điều này có thể giúp theo dõi các thay đổi trong việc sử dụng thuốc.
  • Nếu nhận thấy mình đang gặp vấn đề về suy nhược, kém thăng bằng, thay đổi tâm trạng hoặc trí nhớ, hãy yêu cầu người giúp khi đứng dậy hoặc đi lại.
  • Nếu bị ngã, hãy báo cho bác sỹ ung thư và những người chăm sóc biết. Họ sẽ giúp bệnh nhân tránh bị ngã sau này và giúp kiểm tra các chấn thương do ngã (nếu có).
  • Nếu gặp khó khăn khi đi lại, hãy yêu cầu được thăm khám sức khỏe tại nhà. Đội ngũ y tế gia đình có thể làm cho môi trường sống của bệnh nhân an toàn hơn.
  • Nếu cần sử dụng xe tập đi hoặc xe lăn, giữ cạnh giường hoặc gần chỗ ngồi. Sử dụng các thiết bị này mỗi khi ra khỏi giường/chỗ ngồi, ngay cả khi đi quãng đường ngắn.

Người chăm sóc có thể làm gì?

  • Thông báo cho bác sỹ điều trị khi thấy bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào của suy giảm trí nhớ hoặc thay đổi tâm trạng hoặc lú lẫn.
  • Thông báo cho bác sỹ điều trị ung thư khi thấy bệnh nhân thay đổi các loại thuốc hoặc vitamin đang sử dụng. Thông báo cho bác ỹ nếu bệnh nhân không tuân thủ việc dùng thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung theo y lệnh/chỉ dẫn của bác sỹ.
  • Khi bệnh nhân cần ra khỏi giường, trước tiên hãy để bệnh nhân ngồi ở một bên giường trong khoảng một phút. Việc này giúp cho những bệnh nhân bị chóng mặt hay không đứng vững khi thay đổi tư thế tránh được mất thăng bằng khi đứng lên.
  • Nếu bệnh nhân đứng không vững, hãy đỡ họ đi lại.
  • Nếu bệnh nhân cảm thấy chuếnh choáng, hãy ở bên cạnh họ khi họ đi vào nhà tắm/vệ sinh.
  • Nhắc bệnh nhân gọi hỗ trợ trước khi họ cố gắng đứng dậy.
  • Trong khu vực bồn tắm hoặc vòi hoa sen nên sử dụng thảm tắm hoặc miếng dán chống trượt và các thanh vịn. Có thể đặt một chiếc ghế đẩu trong nhà tắm để bệnh nhân có thể ngồi khi tắm.
  • Không để dây điện trên sàn. Cần dọn sạch quần áo và các vật dụng khác có thể gây vấp hoặc trượt trên lối đi lại.
  • Dán các mép của thảm xuống sàn. Ngoài ra còn có một số loại băng dán đặc biệt dành cho mặt dưới của thảm để giữ cho chúng không bị xê dịch.
  • Để bô tiểu trong tầm với, đặt một ghế lỗ (phía dưới để bô) gần giường, hoặc đặt giường gần phòng tắm.
  • Bệnh nhân nên đi giày, tất không trơn hoặc giày lười khi đi hoặc đứng. Tránh sử dụng giày trơn hoặc dép lê.
  • Đề nghị  điều dưỡng chăm sóc tại nhà giúp kiểm tra trong nhà để biết cách phòng tránh té ngã. Tay vịn, trụ cạnh gường, thanh vịn, ghế tắm và các dụng cụ khác có thể giúp bệnh nhân không bị ngã.

Nếu bệnh nhân bị ngã

  • Gọi cấp cứu (115) ngay lập tức nếu: bệnh nhân ngừng thở, bất tỉnh, chảy máu, hoặc có dịch chảy ra từ miệng, tai hoặc mũi.
  • Để bệnh nhân ở nguyên tại nơi họ ngã cho đến khi có thể xác định bệnh nhân có thương tích nào nghiêm trọng không.
  • Nếu không thể di chuyển bệnh nhân, hãy đặt họ ở tư thế thoải mái nhất có thể cho đến khi có sự trợ giúp.
  • Nếu bệnh nhân có thể trả lời, hãy hỏi xem họ có đau ở đâu không.
  • Kiểm tra đầu, cánh tay, chân và mông của bệnh nhân xem có vết cắt và vết bầm tím hay không, đồng thời quan sát xem có phần nào của cơ thể nhìn không bình thường hay bị di lệch không (có thể do gãy xương).
  • Nếu bệnh nhân không đau và không chảy máu, hãy giúp họ trở lại giường hoặc ghế. (Nếu có thể, hãy tìm người giúp di chuyển bệnh nhân).
  • Chườm lạnh và ấn vào vùng chảy máu. (Cho đá vào túi nhựa và bọc túi trong khăn.)

Gọi cho bác sỹ điều trị ung thư nếu bệnh nhân:

  • Nhận thấy tình trạng yếu cơ, tê bì hoặc thay đổi trạng thái tinh thần (ví dụ: bệnh nhân không còn minh mẫn, không biết họ đang ở đâu, hay quên hoặc đãng trí).
  • Trở nên yếu ớt hoặc đứng không vững nên dễ bị ngã.
  • Lo ngại về chấn thương có thể xảy ra do ngã.

 

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ  www.cancer.org

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/falls.html

Biên dịch: Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Thủy – Khoa Nội Vú, Phụ khoa, Đầu cổ Theo yêu cầu

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT&NCKH

Bài viết liên quan