Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Phù bạch huyết là gì?
Phù bạch huyết là sự tích tụ dịch bạch huyết trong mô mỡ dưới da. Tình trạng này có thể gây sưng phù, khó chịu. Phù bạch huyết liên quan đến bệnh ung thư thường do cắt bỏ hạch bạch huyết trong quá trình phẫu thuật điều trị ung thư, xạ trị vào vùng hạch và/hoặc vào trực tiếp khối u cũng có thể làm cản trở một phần của hệ bạch huyết. Tình trạng tăng số lượng bạch cầu do bệnh bạch cầu hay nhiễm trùng cũng có thể hạn chế dòng chảy của bạch huyết và gây ra phù bạch huyết.
Những người có nhiều hạch được cắt bỏ và/hoặc xạ trị có nguy cơ cao mắc phù bạch huyết mãn tính. Phù bạch huyết có thể xuất hiện sau phẫu thuật hoặc xạ trị đối với hầu hết các loại bệnh ung thư, tuy nhiên sẽ phổ biến nhất trong các trường hợp:
Tuỳ thuộc vào vị trí phù bạch huyết, các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau. Điều quan trọng cần biết là các dấu hiệu và triệu chứng của phù bạch huyết để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu và triệu chứng của phù bạch huyết có thể bao gồm:
Phù bạch huyết thường xuất hiện ở cánh tay hoặc cẳng chân khi phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác làm ảnh hưởng tới những vùng đó, nhưng cũng có thể xuất hiện ở những phần khác của cơ thể.
Hệ thống mạch bạch huyết
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa phù bạch huyết do ung thư, tuy nhiên có những cách giúp giảm nguy cơ mắc, và giảm nguy cơ phù nặng hơn.
Khám sức khoẻ định kỳ
Nếu người bệnh đã được phẫu thuật hoặc áp dụng các phương pháp điều trị ung thư làm tăng nguy cơ phù bạch huyết, khi khám định kỳ (dù người bệnh chưa có triệu chứng phù) nên được sàng lọc phù bạch huyết.
Béo phì làm tăng nguy cơ phù bạch huyết và có thể khiến việc điều trị phù bạch huyết trở nên khó khăn hơn. Người bệnh nên hỏi bác sỹ điều trị để biết cân nặng lý tưởng của mình và làm theo lời khuyên của bác sỹ để lấy lại cũng như duy trì cân nặng lý tưởng.
Phần cơ thể bị ảnh hưởng cần được vận động và duy trì các hoạt động hàng ngày. Điều này giúp người bệnh mau hồi phục và lấy lại sức khoẻ. Vận động cơ cũng giúp dịch bạch huyết lưu thông bình thường. Điều này còn giúp duy trì cơ bắp linh hoạt và giảm hình thành sẹo.
Cơ thể người phản ứng với nhiễm trùng, bỏng, hoặc vết thương trên da bằng cách đưa dịch thừa và bạch cầu đến khu vực đó. Nếu hạch và mạch bạch huyết bị thiếu hoặc tổn thương, việc vận chuyển chất dịch thừa này sẽ khó khăn hơn và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phù bạch huyết.
Nếu việc điều trị ung thư làm ảnh hưởng tới hạch bạch huyết bên dưới cánh tay, một số bác sĩ khuyến cáo rằng việc lấy máu, truyền tĩnh mạch và tiêm nên được thực hiện trên cánh tay không bị ảnh hưởng. Nhiều bác sĩ cũng khuyến cáo nên tiêm phòng cúm và các vắc xin khác vào cánh tay không bị ảnh hưởng hoặc những vùng khác trên cơ thể.
Tuy nhiên không phải tất cả các chuyên gia đồng ý với việc hạn chế này. Và nếu điều trị hạch bạch huyết bên dưới cả hai cánh tay thì không thể có cánh tay nào không bị ảnh hưởng. Vì lý do này, tốt nhất người bệnh nên hỏi bác sĩ điều trị xem việc hạn chế này có phù hợp với tình trạng của mình không.
Theo dõi các dấu hiệu của viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là tình trạng viêm mô dưới da có thể dẫn tới phù bạch huyết. Viêm mô tế bào là một vấn đề y tế khẩn cấp, vì vậy người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ khi có các dấu hiệu của bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm mô tế bào bao gồm: đỏ, nóng, đau, nứt hoặc bong tróc vùng da bị viêm. Sốt và các triệu chứng giả cúm cũng có thể xuất hiện. Nếu tình trạng viêm mô tế bào tái diễn, có thể cần dùng kháng sinh để kiểm soát tình trạng viêm.
Phù bạch huyết cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm mô tế bào.
Băng ép là sử dụng những ống tay áo hoặc tất vừa vặn, tác động một lực ép đồng đều nhất định, giúp phòng ngừa phù bằng cách di chuyển dịch bạch huyết từ cánh tay hoặc cẳng chân trở lại cơ thể. Băng ép cần vừa khít, và điều quan trọng là phải tuân thủ lời khuyên của bác sĩ trong việc mặc, sử dụng và chăm sóc băng ép.
Những người đã bị phù bạch huyết thường sử dụng băng ép. Tuy nhiên người có nguy cơ phù bạch huyết có thể tìm hiểu về việc sử dụng loại băng này để giảm nguy cơ trong những trường hợp nhất định. Ví dụ, nguy cơ phù bạch huyết có thể tăng khi di chuyển bằng máy bay trong thời gian dài do thay đổi áp suất không khí. Người bệnh nên hỏi bác sĩ xem có nên mang băng ép suốt chuyến đi không.
Hình bên trái: Cánh tay bị phù bạch huyết sưng to hơn cánh tay không bị phù.
Hình bên phải: Băng ép được sử dụng để kiểm soát phù bạch huyết.
Ngay cả khi người bệnh không bị phù bạch huyết thì việc sử dụng băng ép không phù hợp cũng có thể làm tăng nguy cơ gây phù bạch huyết.
Phù bạch huyết có thể xuất hiện sớm ngay sau điều trị ung thư. Đây có thể được gọi là phù bạch huyết cấp tính hay tạm thời. Phù thường xuất hiện trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng (có thể lên tới một năm) sau điều trị, và thường nhẹ, tự hết hoặc chỉ cần điều trị nhẹ nhàng.
Mặc dù kiểu phù bạch huyết huyết này thường tự hết theo thời gian, người bệnh nên nói ngay với bác sĩ điều trị về tình trạng phù. Nếu không có các tác nhân khác, phù bạch huyết cấp tính có thể được điều trị bằng cách nâng cao cánh tay, cẳng chân hoặc tập thể dục nhẹ nhàng.
Kiểu phù bạch huyết này phát triển qua thời gian. Nó có thể xuất hiện sau điều trị một năm hoặc lâu hơn. Phù có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng. Dịch bạch huyết được tích tụ trong da và mô dưới da có thể gây khó chịu nhiều. Nó cũng có thể làm chất dinh dưỡng không đến được các tế bào, ảnh hưởng tới quá trình lành vết thương, dẫn đến nhiễm trùng.
Phù bạch huyết có thể là mãn tính, nhưng có nhiều cách để xử lý. Điều quan trọng là nhận biết được các triệu chứng và tìm trợ giúp y tế ngay lần đầu tiên phát hiện ra những dấu hiệu và triệu chứng này.
Khi người bệnh bị phù bạch huyết, điều trị có thể giúp giảm phù, ngăn ngừa bệnh trầm trọng lên, và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Những phương pháp điều trị phù bạch huyết thường gặp bao gồm:
· Dẫn lưu phù bạch huyết bằng tay (MLD): Đây là loại massage được thực hiện bởi một chuyên gia để di chuyển dịch dư thừa đến các bộ phận khác của cơ thể và làm giảm phù bạch huyết.
· Liệu pháp giảm phù toàn diện (CDT): Phương pháp này cũng được thực hiện bởi chuyên gia, bao gồm chăm sóc da, MLD, băng ép đặc biệt, các bài tập, và nâng cao phần cơ thể bị ảnh hưởng. CDT hàng ngày được sử dụng để làm giảm lượng dịch một cách tối đa và có thể kéo dài vài tuần.
· Bơm hơi áp lực ngắt quãng (IPC): Phương pháp này là một dạng khác của ép nén, sử dụng một thiết bị chứa đầy khí, sau đó xả ra và bơm vào (giống như băng đo huyết áp) để đưa dịch dư thừa ra khỏi vùng bị phù.
· Băng ép: Khi phù bạch huyết được kiểm soát tốt nhất có thể, ví dụ như sau MLD định kỳ hoặc CDT hàng ngày, băng ép sẽ được sử dụng sau đó để giúp duy trì việc kiểm soát phù.
· Phẫu thuật: Nếu phù bạch huyết không thể kiểm soát được bằng những phương pháp trên thì có thể cân nhắc các phương pháp phẫu thuật như: bắc cầu bạch huyết, chuyển hạch bạch huyết hay hút mỡ. Những loại phẫu thuật này có thể có những biến chứng riêng, vì vậy phẫu thuật nên được thực hiện ở những trung tâm có kinh nghiệm phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư.
Gọi cho bác sĩ điều trị nếu người bệnh nhận thấy bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào của phù bạch huyết được liệt kê dưới đây:
Nguồn: Dịch từ www.cancer.org - Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ
Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/lymphedema.html
Biên dịch: CNhĐD. Nguyễn Thị Hồng Vân, Khoa Nội Tiêu hoá Theo yêu cầu
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH