Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Bộ phận nhân tạo là gì?
Bộ phận nhân tạo là một cơ quan/bộ phận được chế tạo để thay thế bộ phận của cơ thể bị thiếu hụt. Trong nhiều trường hợp, một bộ phận của cơ thể bị cắt bỏ do ung thư.Đôi khi các phương pháp điều trị ung thư có thể gây rụng lông/tóc. Dù trong tình huống nào thì sử dụng bộ phận giả cũng giúp cải thiện ngoại hình sau phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị ung thư khác, giúp người bệnh cảm thấy tự tin hơn về ngoại hình và hoạt động chức năng được thực hiện một cách tự nhiên nhất có thể.
Các loại bộ phận nhân tạo
Có nhiều loại bộ phận nhân tạo khác nhau. Một số đeo bên ngoài cơ thể và có thể được tháo - lắp khi cần (bộ phận nhân tạo bên ngoài), một số khác được đặt bên trong cơ thể thông qua phẫu thuật (bộ phận nhân tạo bên trong).
Tóc giả
Tóc giả dùng để thay thế tóc rụng khi điều trị bằng một số thuốc hóa chất cũng được coi là một loại bộ phận nhân tạo. Xạ trị vào vùng đầu và một số loại thuốc hóa chất gây tổn thương nang tóc, và làm tóc bị rụng.Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách để chuẩn bị sẵn sàng khi tóc bị rụng, cách tìm mua một bộ tóc giả, và cách chọn một bộ tóc giả phù hợp tại https://benhvienungbuouhanoi.vn/kien-thuc-ung-thu-1/doi-pho-voi-rung-toc-khi-dieu-tri-ung-thu.html
Vú nhân tạo và túi độn
Việc lựa chọn sử dụng vú nhân tạo hay túi độn phụ thuộc vào loại phẫu thuật ung thư vú, các phương pháp điều trị ung thư khác sau phẫu thuật, lợi ích và rủi ro đối với tình trạng của người bệnh, cũng như lối sống và sở thích cá nhân của từng người bệnh.
Vú nhân tạo
Vú nhân tạo là một loại bộ phận giả đặt bên ngoài thành ngực, được thiết kế phù hợp về kích thước, hướng tới sự thoải mái và được đeo ở vị trí mà vú hoặc một phần vú đã bị cắt bỏ sau phẫu thuật. Dưới đây là một số bí quyết khi lựa chọn và chuẩn bị khi sử dụng vú nhân tạo
Hình 1: Vú nhân tạo
Một số người bệnh ung thư vú sau phẫu thuật cắt toàn bộ hay một phần tuyến vú có nhu cầu đặt túi độn ngực thay vì sử dụng vú nhân tạo. Túi độn ngực được đặt vào bên trong thành ngực thông qua phẫu thuật tái tạo vú.Đặt túi độn ngực
Chi giả (chân, tay, bàn tay, bàn chân)
Bị hạn chế hoạt động thể chất là thách thức lớn nhất cần phải giải quyết đối với người bệnh sau khi phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ một chi (phẫu thuật cắt cụt). Lựa chọn loại chi giả phù hợp sau phẫu thuật phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí ung thư, giai đoạn, phương pháp điều trị bổ sung sau phẫu thuật, cũng như lối sống và sở thích cá nhân của từng người bệnh.
Dương vật nhân tạo (bên ngoài) và cấy dương vật (bên trong)
Một số người bệnh ung thư dương vật hoặc ung thư tiền liệt tuyến sau phẫu thuật, hoặc ở một số bệnh ung thư hoặc phương pháp điều trị ung thư khác có gây ảnh hưởng tới khả năng cương cứng có thể muốn tìm hiểu về sử dụng dương vật nhân tạo hoặc cấy ghép dương vật.
Thanh quản nhân tạo và thiết bị phát âm
Sau khi thanh quản (cơ quan phát âm) bị cắt bỏ trong phẫu thuật điều trị ung thư, người bệnh sẽ không thể phát âm được nữa. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cần đến thanh quản nhân tạo hoặc sử dụng một thiết bị phát âm điện tử để phục hồi giọng nói.
Van khí-thực quản
Van khí- thực quản (tracheoesophageal puncture-TEP) được coi là một loại thanh quản nhân tạo. Phương pháp này tạo một đường thông giữa khí quản và thực quản qua một lỗ nhỏ ở ngay đầu ra của lỗ mở khí quản
Hình 2: Van khí – thực quản
Nguồn: www.e4ent.com
Thanh quản điện tử
Nếu không có chỉ định đặt van khí-thực quản hoặc đang trong giai đoạn học cách điều khiển giọng nói của van khí-thực quản, người bệnh có thể sử dụng một thiết bị điện tử có thể phát ra giọng nói cơ học. Đó là một thiết bị (hoạt động bằng pin) được đặt ở khóe miệng hoặc trên da vùng cổ của người sử dụng. Thiết bị này sẽ phát ra âm thanh rung khi người dùng nhấn vào một nút nằm trên thiết bị.
Cấy ghép cơ quan nhân tạo ở vùng mặt và khoang miệng.
Ung thư vùng đầu - cổ bao gồm những loại ung thư gây ảnh hưởng tới khuôn mặt và những bộ phận trên mặt. Ung thư vùng này thường cần phải phẫu thuật loại bỏ khối u và đôi khi cũng cần cắt bỏ cả vùng lân cận khối u. Phẫu thuật có thể gây nên những thay đổi lớn về hình dáng và chức năng của vùng bị ảnh hưởng.
Trong một số trường hợp, sử dụng cơ quan nhân tạo hoặc cấy ghép có thể được sử dụng để giúp người bệnh cải thiện diện mạo và giúp họ cảm thấy tốt hơn, và một số loại còn giúp phục hồi chức năng. Ví dụ, một cơ quan nhân tạo hoặc cấy ghép có thể giúp hỗ trợ người bệnh trong một số hoạt động như nhai, nuốt, ngửi hoặc nói.
Quyết định sử dụng cơ quan nhân tạo hay thực hiện cấy ghép phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn, vị trí ung thư, mức độ rộng rãi mà yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ khối u cần thực hiện, cũng như ý kiến cá nhân và những vấn đề sức khỏe khác của người bệnh.
Các chuyên gia chỉnh hình sẽ cùng phối hợp với bác sĩ phẫu thuật để tinh chỉnh các cơ quan nhân tạo và cấy ghép vùng răng –hàm-mặt dựa trên kích thước và hình dạng của bộ phận được lấy ra.
Nhãn cầu (mắt) nhân tạo và cấy ghép nhãn cầu
Mất một bên mắt là hậu quả sau một phẫu thuật lấy bỏ nhãn cầu. Trong khi một số trường hợp chỉ cần phải lấy bỏ một phần của mắt thì những người mắc các bệnh ung thư ở nhãn cầu, bao gồm: u hắc tố nhãn cầu, u lympho ác tính nhãn cầu, và u nguyên bào võng mạc lại cần phải điều trị bằng phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ nhãn cầu
Mắt nhân tạo thường được làm từ silicon hoặc hydroxyapatite (một chất tương tự xương). Mắt nhân tạo sẽ được tùy chỉnh sao cho giống hệt về kích thước và màu sắc với mắt còn lại. Một khi được lắp vào đúng vị trí, sẽ rất khó để phân biệt nó bằng mắt thường. Bác sỹ phẫu thuật có thể sẽ gắn mắt nhân tạo với một cơ có chức năng điều khiển hoạt động của nhãn cầu, do đó nó có thể di chuyển giống như mắt thật. Một chuyên gia về mắt nhân tạo sẽ cùng phối hợp với bác sỹ để giúp mỗi người bệnh có mắt nhân tạo phù hợp nhất
Hình 3: Nhãn cầu nhân tạo được tùy chỉnh giống hệt nhãn cầu mắt còn lại
Nguồn: Oculus Prosthetics www.oculusprosthetics.com
Phục hồi chức năng hoặc trị liệu sau lắp cơ quan nhân tạo
Đôi khi phục hồi chức năng hoặc trị liệu sẽ cần được áp dụng đối với người bệnh ung thư đang học thích nghi với cơ quan nhân tạo mới được lắp đặt. Phục hồi chức năng hoặc trị liệu có thể giúp cải thiện hoặc khôi phục lại chức năng, giúp người bệnh thích nghi với những thay đổi mới tại nơi làm việc và ở nhà, đồng thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Một số ví dụ về phục hồi chức năng và trị liệu là: vật lý trị liệu, liệu pháp vận động, hoặc liệu pháp ngôn ngữ.
Phục hồi chức năng trong ung thư là một hình thức chăm sóc đặc biệt vì có thể cần đến ở bất kỳ thời điểm nào trong hành trình ung thư của người bệnh. Trong trường hợp người bệnh cần đến bộ phận nhân tạo, các chuyên gia phục hồi chức năng sẽ giúp điều trị những khiếm khuyết về thể chất và chức năng. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật ung thư cũng có thể giúp người bệnh cải thiện sức khỏe toàn trạng và giúp họ khi gặp khó khăn trong các sinh hoạt thường ngày.
Nguồn: Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ www.cancer.org
Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/prostheses.html
Biên dịch: ThS.BS. Lê Công Định- Khoa Nội Tiêu hóa theo yêu cầu
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học