1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

TIỂU TIỆN, ĐẠI TIỆN MẤT KIỂM SOÁT (Phần 1)

22/06/2024 - 03:37

Chứng mất kiểm soát hay không tự chủ khi tiểu tiện, đại tiện là hiện tượng một người không thể kiểm soát được việc tiểu tiện hay đại tiện làm cho nước tiểu hoặc phân thoát ra ngoài một cách ngoài ý muốn. Chứng mất kiểm soát tiểu tiện, đại tiện có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị tốt.

Sợ hãi, lo lắng, tự ti và dễ cáu gắt là những cảm giác thường thấy ở những người mắc chứng tiểu tiện, đại tiện mất kiểm soát này. Nếu bạn không may mắc chứng bệnh này, bạn thường phải né tránh những cử chỉ thân mật hoặc quan hệ tình dục bởi bạn lo ngại mình có thể bị rỉ nước tiểu, “xì hơi” hoặc thậm chí là phân ra một cách mất kiểm soát. Bên cạnh đó việc lo lắng, thậm chí là sợ hãi những “sự cố” ngoài ý muốn như vậy có thể hạn chế nhiều hoạt động thể chất, giải trí ngoài trời của bạn.

Chứng tiểu tiện, đại tiện mất kiểm soát có thể xảy ra với cả nam và nữ, trên người bệnh ung thư sau điều trị (phẫu thuật hoặc các điều trị khác) hoặc cũng có thể xảy ra trên người không mắc bệnh ung thư. Nếu bạn có bất kỳ khó chịu hoặc khó khăn nào liên quan tới việc kiểm soát hoạt động tiểu tiện, đại tiện, bạn cần thông báo với nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời.

 

Chứng tiểu tiện mất kiểm soát

Một người được coi là có chứng tiểu tiện mất kiểm soát khi bị rỉ nước tiểu ra ngoài ý muốn. Triệu chứng của tiểu tiện mất kiểm soát này bao gồm:

· Nước tiểu bị rỉ ra ngoài ý muốn, đôi khi chỉ gây ẩm ướt quần lót bên trong nhưng cũng có khi trầm trọng hơn là gây ướt cả quần mặc bên ngoài.

· Có cảm giác buồn tiểu và phải đi tiểu gấp, chưa kịp “nhịn” tới khi vào nhà vệ sinh thì nước tiểu đã chảy ra.

· Tiểu nhiều lần.

· Có cảm giác đau hoặc không thoải mái khi đi tiểu.

Người bệnh ung thư, đặc biệt là một số bệnh ung thư hoặc các biện pháp điều trị ung thư có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng tiểu tiện mất kiểm soát do các nguyên nhân sau:

· Khối u chèn ép lên tủy sống hoặc khu vực cạnh bàng quang

· Các cơ kiểm soát hoạt động tiểu tiện, đại tiện bị suy yếu

· Xạ trị vào vùng tiểu khung, ổ bụng, hoặc cơ quan sinh dục-tiết niệu.

· Tác dụng không mong muốn của một số thuốc hóa chất, thuốc điều trị đích.

· Táo bón

· Rối loạn thần kinh

· Nhiễm trùng đường tiểu

· Tắc nghẽn đường tiêu hóa (ruột non hoặc đại tràng)

· Yếu cơ, hạn chế vận động

· Lạm dụng chất kích thích: caffein, rượu, thuốc lá

· Ứ đọng nước tiểu trong bàng quang

Yếu tố nguy cơ của chứng tiểu tiện mất kiểm soát ở nam và nữ cũng khác nhau.

Chứng tiểu tiện mất kiểm soát ở phụ nữ

Ngoài những yếu tố nguy cơ kể trên với cả 2 giới, một số yếu tố nguy cơ khác của chứng tiểu mất kiểm soát có thể gặp ở nữ giới là:

· Thay đổi của niêm mạc đường tiết niệu, âm đạo do ảnh hưởng của điều trị ung thư như phẫu thuật, thuốc hooc-môn, thuốc hóa chất, thuốc điều trị đích.

· Sự thay đổi hooc-môn nữ do thời kỳ mãn kinh

· Sa tạng vùng chậu- hiện tượng các tạng vùng chậu như bàng quang, tử cung, trực tràng bị sa ra sau hoặc xuống dưới do các cơ thành chậu bị yếu

· Mang thai

· Đẻ thường, nhất là phụ nữ chửa đẻ nhiều lần

· Sau phẫu thuật cắt tử cung

Chứng tiểu tiện mất kiểm soát ở nam giới

Ngoài những yếu tố nguy cơ kể trên dành cho cả 2 giới, một số yếu tố nguy cơ gây chứng tiểu tiện mất kiểm soát ở nam giới gồm:

· Ung thư tiền liệt tuyến hoặc sau phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến

· Phì đại lành tính tiền liệt tuyến

Phân loại chứng tiểu tiện mất kiểm soát

Có nhiều cách phân loại chứng tiểu tiện mất kiểm soát. Theo triệu chứng lâm sàng, chứng tiểu tiện mất kiểm soát được chia làm các loại chính sau:

Tiểu mất kiểm soát khi gắng sức (stress incontinence)

Là hiện tượng chảy nước tiểu ngoài ý muốn khi người bệnh gắng sức mà không có sự co bóp của bàng quang. Bình thường nước tiểu trong bàng quang được đưa ra ngoài qua một ống gọi là niệu đạo, quá trình tiểu tiện cần sự phối hợp nhịp nhàng của cơ thắt bàng quang và cơ thắt niệu đạo (gồm cơ thắt trong và cơ thắt ngoài). Nguyên nhân dẫn đến chứng tiểu mất kiểm soát khi gắng sức có thể là tổn thương trực tiếp cơ thắt niệu đạo hoặc tổn thương thần kinh chi phối hoặc do tổn thương phần mềm xung quanh cơ thắt niệu đạo. Chứng tiểu mất kiểm soát khi gắng sức thường gặp nữ giới hơn là nam giới, hay gặp ở phụ nữ chửa đẻ nhiều lần, béo phì, sau điều trị phẫu thuật, xạ trị ung thư vùng chậu. Ở nam giới thường gặp ở người có ung thư tiền liệt tuyến hoặc sau phẫu thuật u tiền liệt tuyến. Hoạt động gắng sức thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày là ho, hắt hơi, cười lớn, rặn, khiêng vật nặng, …

Tiểu tràn đầy (overflow incontinence) - đái rỉ

Là hiện tượng xuất hiện són tiểu từng đợt do bàng quang bị ứ đọng nước tiểu mạn tính. Nguyên nhân chủ yếu là do tắc nghẽn lâu ngày đường ra nước tiểu của bàng quang (thường gặp ở nam giới bị phì đại tiền liệt tuyến, sẹo hẹp niệu đạo, nữ giới bị sa tử cung, táo bón lâu ngày) hoăc cơ bàng quang bị yếu, không đủ lực để tống hết nước tiểu ra ngoài sau mỗi lần tiểu tiện. Các triệu chứng thường gặp kèm theo của đái rỉ là người bệnh đi tiểu nhiều lần trong ngày, thời gian mỗi lần tiểu tiện thường khá lâu, dòng nước tiểu yếu, tiểu xong vẫn có cảm giác tiểu không hết. Các triệu chứng này có xu hướng tăng dần theo thời gian.

Tiểu gấp (urge incontinence) hay đái vãi

Thường được gọi với tên khác là bàng quang tăng hoạt (overactive bladder) là hiện tượng thoát nước tiểu ngoài ý muốn kết hợp với cảm giác buồn đi tiểu gấp, người bệnh thường không kịp vào tới nhà vệ sinh. Không giống với chứng tiểu mất kiểm soát do gắng sức (liên quan tới tổn thương cơ thắt niệu đạo), chứng tiểu gấp có liên quan tới sự mất ổn định của cơ thắt bàng quang, trong đó cơ thắt bàng quang co thắt quá nhiều, đột ngột khiến người bệnh phải đi tiểu gấp mà không có dấu hiệu buồn tiểu trước đó do lượng nước tiểu trong bàng quang chưa đủ nhiều. Nguyên nhân có thể do viêm bàng quang do xạ trị vùng tiểu khung, bất ổn định cơ thắt bàng quang bẩm sinh, …

Điều trị chứng tiểu tiện mất kiểm soát

Tùy theo nguyên nhân, chứng tiểu tiện mất kiểm soát có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, song cũng có thể kéo dài và dai dẳng, ảnh hưởng xấu tới hoạt động sinh hoạt thường ngày. Để đánh giá phân loại cũng như tìm nguyên nhân của chứng tiểu tiện mất kiểm soát của bạn, nhân viên y tế có thể hỏi bạn một số câu hỏi và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Trên cơ sở xác định loại tiểu tiện mất kiểm soát và nguyên nhân của nó, bác sỹ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể với từng trường hợp.

Một số biện pháp chính điều trị chứng tiểu tiện mất kiểm soát hiện nay:

· Phương pháp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu: chuyên gia về vật lý trị liệu có thể đưa ra các bài tập giúp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu (bài tập Kegel), từ đó giúp cải thiện triệu chứng của tiểu mất kiểm soát

· Luyện tập cho bàng quang và thói quen đi tiểu (bladder traing): nhằm tránh cho người bệnh đi tiểu ngay lập tức, thay vào đó sẽ lên lịch đi tiểu một cách chủ động theo giờ, mục đích là tập cho bàng quang giữ một lượng nước tiểu đủ nhiều rồi mới đi tiểu. Bài tập này thường áp dụng với chứng tiểu gấp.

· Điều trị bằng thuốc: bằng cách sử dụng các thuốc tác động lên cơ thắt bàng quang hoặc cơ thắt niệu đạo thông qua việc tác động lên thần kinh chi phối các cơ đó. Thuốc thường có tác dụng tốt với chứng tiểu gấp.

· Can thiệp phẫu thuật: được chỉ định với trường hợp tiểu tiện mất kiểm soát kéo dài, không đáp ứng với luyện tập hay điều trị bằng thuốc. Có nhiều biện pháp can thiệp phẫu thuật khác nhau tùy theo nguyên nhân.

- Nếu có tắc nghẽn cơ học thì cần loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn. Ví dụ: cắt bỏ phì đại tiền liệt tuyến không đáp ứng với điều trị nội khoa

- Tiêm một số vật liệu sinh học như collagen vào niệu đạo nhằm củng cố cho hoạt động của cơ thắt niệu đạo

- Khâu treo sau xương mu: khâu treo niệu đạo và cổ bàng quang vào sau xương mu nhằm tăng sức chống đỡ cho niệu đạo

- Đặt van nhân tạo: với nam giới nếu chứng tiểu tiện mất kiểm soát do cơ thắt mất chức năng và không được cải thiện với các biện pháp khác thì có thể sử dụng phương pháp đặt van nhân tạo. Đây là phương pháp hiệu quả, song chi phí cao.

· Những sản phẩm hỗ trợ khác:

Miếng lót mặc dưới quần có thể giúp bạn năng động và thoải mái hơn. Bỉm người lớn thì cồng kềnh hơn miếng lót nhưng thấm hút nước tiểu tốt hơn. Tấm trải giường hoặc vỏ nệm thấm nước cũng có thể được sử dụng để bảo vệ khăn trải giường và nệm. Khi bạn quyết định chọn một sản phẩm hỗ trợ chứng tiểu tiện mất kiểm soát, hãy ghi nhớ các câu hỏi dưới đây để xác định xem sản phẩm nào là thực sự phù hợp với bạn.

o Sản phẩm này có thể thấm được bao nhiêu nước tiểu?

o Nó sẽ bảo vệ tôi trong thời gian bao lâu?

o Nó có thể được nhìn thấy dưới quần áo của tôi không?

o Nó được dùng một lần hay có thể tái sử dụng?

o Cảm giác sẽ thế nào khi tôi di chuyển hoặc ngồi xuống?

o Những cửa hàng nào gần đây để tôi có thể mua sản phẩm? Mua có dễ dàng không

o Chi phí bao nhiêu? Bảo hiểm của tôi liệu có chi trả cho các sản phẩm này?

 

Nguồn: www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Đường link: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/stool-or-urine-changes/bladder-incontinence.html?fbclid=IwAR33NyGpaqq_Y8Zx_8Gc2o-gnw8g2Hu5sKfHn9cf3eNtqSdrRSlCsHTldpA

Truy cập ngày 10/7/2020

Người dịch: ThS.BS. Lê Công Định – Đơn nguyên Nội Theo yêu cầu II

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – ĐV HTQT-NCKH

Bài viết liên quan