1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

UNG THƯ DẠ DÀY

22/06/2024 - 03:37

Ung thư dạ dày là gì

Ung thư dạ dày hình thành khi các tế bào trong dạ dày bắt đầu phát triển mất kiểm soát và lấn át các tế bào lành. Các tế bào ung thư có thể lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Các tế bào ác tính trong dạ dày đôi khi di chuyển đến gan và phát triển ở đó, điều này được gọi là di căn. Có nhiều loại ung thư dạ dày, một số rất hiếm gặp. Hầu hết ung thư dạ dày là ung thư biểu mô tuyến. Những tế bào ung thư này có nguồn gốc từ các tế bào tuyến lót bên trong dạ dày.

Ung thư dạ dày

Bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày như thế nào?

Những triệu chứng của ung thư dạ dày bao gồm:

  • Đau bụng
  • Ợ nóng
  • Không có cảm giác đói, sút cân không rõ lý do
  • Cảm giác đầy bụng sau khi ăn
  • Cảm giác khó chịu hoặc buồn nôn

Đây là một số các thăm khám và xét nghiệm bệnh nhân cần làm:
Các xét nghiệm xác định tình trạng chảy máu: Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra lượng hồng cầu trong máu có thấp hay không, có thể do ung thư dạ dày đang chảy máu. Bác sĩ cũng có thể thực hiện xét nghiệm để tìm máu trong phân bệnh nhân mà mắt thường không thể nhìn thấy, đây cũng là một dấu hiệu của chảy máu trong dạ dày.

Nội soi đường miệng (hay còn gọi là EGD): Đây là xét nghiệm thường được thực hiện khi bệnh nhân nghi ngờ mắc ung thư dạ dày. Khi làm xét nghiệm này, bác sĩ đưa một ống mỏng, có thể uốn cong được gắn đèn và camera nhỏ ở đầu qua miệng xuống cổ họng và dạ dày bệnh nhân. Nếu có bất kỳ vị trí nào nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ sinh thiết một mảnh nhỏ qua ống soi để kiểm tra xem có tế bào ung thư không.

Nội soi dạ dày tá tràng

Siêu âm nội soi (EUS): Xét nghiệm này có thể thực hiện đồng thời trong quá trình nội soi đường miệng. Một đầu dò nhỏ được gắn trên đầu một ống mỏng được đưa vào dạ dày, sử dụng sóng âm và tiếng dội để ghi lại hình ảnh các lớp của thành dạ dày. Nó cũng có thể được dùng để lấy ra các mảnh nhỏ ở vùng bất thường nghi ngờ ung thư để kiểm tra.

Chụp dạ dày cản quang: Xét nghiệm này là một chuỗi các phim X-quang được chụp sau khi bệnh nhân nuốt barium, một chất lỏng sánh, màu bột phấn, hiện rõ trên phim chụp, có thể phản ánh các bất thường của niêm mạc hầu họng, dạ dày và một phần ruột non.

Chụp CT hoặc CAT: Xét nghiệm này sử dụng tia X để ghi lại những hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể bệnh nhân, có thể cho bác sĩ biết kích thước và mức độ lan rộng của ung thư.

Chụp cộng hưởng từ: Xét nghiệm này sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để ghi lại hình ảnh chi tiết, có thể cho bác sĩ thông tin về kích thước và sự xâm lấn của khối u.

Chụp PET: Xét nghiệm này sử dụng một loại đường đặc biệt có thể quan sát được bên trong cơ thể bằng một máy chụp riêng biệt. Loại đường này sẽ hiển thị như một “điểm nóng” ở những vị trí có tế bào ung thư. Xét nghiệm này có thể mô tả tình trạng lan rộng của ung thư.

Nội soi ổ bụng: Nếu phát hiện ung thư dạ dày, thủ thuật này có thể được thực hiên để đánh giá khối u có khả năng phẫu thuật hay không. Bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, đàn hồi có gắn một camera nhỏ ở đầu qua một vết rạch nhỏ ở thành bụng, cho phép bác sĩ quan sát được sự phát triển và lan rộng của ung thư ở trong ổ bụng

Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra tình trạng máu của bệnh nhân. Bác sĩ có thể yêu cầu các chỉ số về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hoặc tình trạng khối u. Xét nghiệm cũng được sử dụng để xác định các triệu chứng và hướng dẫn điều trị.

Sinh thiết
Khi sinh thiết, bác sĩ lấy ra một mảnh nhỏ ở các vùng bất thường nghi ngờ ung thư để kiểm tra. Sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn bạn có bị ung thư hay không. Đối với ung thư dạ dày, sinh thiết thường được tiến hành qua nội soi dạ dày đường miệng.

Ung thư dạ dày có nghiêm trọng không?
Nếu bạn mắc ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ cần tìm hiểu bệnh đã lan rộng đến đâu, để quyết đinh phương pháp điều trị phù hợp nhất, điều này được gọi là chẩn đoán giai đoạn. Ung thư có thể được chẩn đoán ở giai đoạn 1, 2, 3 hoặc 4. Con số càng nhỏ, ung thư càng ít lan rộng. Bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ về giai đoạn ung thư và ý nghĩa của nó.

Các giai đoạn của ung thư dạ dày

Các phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày, những phương pháp chính bao gồm:

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Thuốc nhắm trúng đích
  • Điều trị miễn dịch

Bác sĩ thường phối hợp nhiều phương pháp điều trị.

Kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào:

  • Vị trí của khối u dạ dày
  • Ung thư đã xâm lấn ra ngoài dạ dày hay chưa
  • Hiệu quả của mỗi phương pháp điều trị
  • Tuổi và toàn trạng của bệnh nhân
  • Khả năng dung nạp với điều trị và các tác dụng phụ khi điều trị của bệnh nhân

Phẫu thuật ung thư dạ dày
Phẫu thuật thường là một phần trong điều trị ung thư dạ dày nếu có thể thực hiện được. Có nhiều cách thức phẫu thuật, phụ thuộc vào kích thước, vị trí khối u. Phẫu thuật có thể được tiến hành vì nhiều lý do khác nhau. Nếu khối u nhỏ, phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn. Nếu khối u không có khả năng cắt bỏ, bác sĩ sẽ phẫu thuật để ngăn chặn và giảm nhẹ triệu chứng.

Tất cả các cuộc phẫu thuật đều có nguy cơ và tai biến, ví dụ như nhiễm trùng hay chảy máu. Cắt toàn bộ hoặc một phần dạ dày có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống của bệnh nhân.  Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ để biết những điều có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật. Bệnh nhân cần cho bác sĩ biết những bệnh lý kèm theo mà họ đã có từ trước.

Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng các thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa chất có thể được truyền qua tĩnh mạch vào máu và đi khắp cơ thể hoặc dùng đường uống. Hóa trị được điều trị theo chu kỳ, giữa các chu kỳ bệnh nhân sẽ có một khoảng nghỉ. Bác sĩ thường sử dụng từ hai thuốc hóa chất trở lên. Liệu trình hóa trị thường kéo dài nhiều tháng. Hóa trị có thể điều trị trước hoặc sau phẫu thuật, cũng có thể phối hợp với xạ trị. Bệnh nhân nên trao đổi bác sĩ để biết những phương pháp điều trị tiếp theo.

Tác dụng không mong muốn của hóa trị
Hóa trị có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi hoặc đau bụng. Bệnh nhân có thể gặp triệu chứng tiêu chảy, hoặc viêm miệng, và rụng tóc, nhưng các triệu chứng này thường sẽ hết sau khi kết thúc điều trị.

Có nhiều cách để giải quyết phần lớn các tác dụng phụ của hóa trị. Bệnh nhân hãy trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị về các tác dụng không mong muốn mà họ gặp phải, để được xử trí kịp thời.

Xạ trị
Xạ trị có thể phối hợp cùng với hóa trị (trước, sau phẫu thuật), hoặc xạ trị đơn thuần.

Tác dụng phụ của xạ trị phụ thuộc vào vị trí chiếu xạ, thường gặp nhất là: 

  • Các thay đổi trên da khi xạ trị
  • Rất mệt mỏi
  • Nôn và buồn nôn
  • Tiêu chảy

Phần lớn các tác dụng phụ sẽ giảm dần sau khi kết thúc điều trị. Một số tác dụng phụ có thể tồn tại lâu hơn. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ điều trị để biết những điều có thể xảy ra sau xạ trị.

Thuốc nhắm trúng đích
Thuốc nhắm trúng đích là phương pháp điều trị mới có thể được sử dụng điều trị một số thể bệnh ung thư dạ dày. Nhóm thuốc này chủ yếu ảnh hưởng đến các tế bào ung thư và không ảnh hưởng đến các tế bào lành trong cơ thể, chúng có thể hiệu quả khi các phương pháp khác thất bại.

Điều trị miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Các thuốc miễn dịch sử dụng để điều trị ung thư dạ dày được truyền qua đường tĩnh mạch. Tác dụng phụ của những thuốc này thường nhẹ, nhưng đôi khi chúng có thể khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào bình thường trong cơ thể, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị để biết về những tác dụng phụ có thể xảy ra và khi nào cần liên hệ với bác sĩ.

Các thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng của một loại thuốc mới hoặc một phương pháp điều trị mới trên người bệnh. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng có thể không hiệu quả đối với tất cả bệnh nhận. Trong trường hợp bệnh nhân muốn tìm hiểu thêm về các thử nghiệm lâm sàng phù hợp với mình, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ về các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành tại bệnh viện hay phòng khám.

Các phương pháp điều trị “không chính thống”
Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bệnh nhân có thể nghe nói tới những phương pháp không chính thống để điều trị bệnh cũng như giảm triệu chứng. Các phương pháp đó có thể là  vitamin, thảo dược, chế độ ăn kiêng đặc biệt và nhiều phương pháp khác. Một số phương pháp có thể có tác dụng hỗ trợ, nhưng phần lớn chưa chứng minh được hiệu quả. Một số không đem lại lợi ích cho người bệnh, thậm chí gây hại cho người bệnh. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ điều trị về tất cả các phương pháp họ có ý định sử dụng, kể cả vitamin, ăn kiêng hay bất kỳ thứ gì khác.

Theo dõi sau điều trị
Bệnh nhân sẽ cần đến gặp các bác sĩ ung thư để được tiến hành khám định kỳ trong nhiều năm sau khi đã kết thúc điều trị. Khám định kỳ đầy đủ rất cần thiết để theo dõi các tác dụng phụ sau điều trị và kiểm tra xem ung thư có tái phát hay di căn không. Bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng và khám lâm sàng. Nếu có triệu chứng bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh hoặc nội soi. Trong thời gian đầu, bệnh nhân có thể cần khám định kỳ vài tháng một lần. Trong những năm tiếp theo, tần suất tái khám sẽ giảm dần. Bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ nếu có triệu chứng bất thường hoặc để biết các diễn biến sau điều trị.

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn:  https://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer/if-you-have-stomach-cancer.html

Biên dịch: ThS.BSNT. Nguyễn Quốc Hùng, Khoa Nội 2, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

Bài viết liên quan