1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

UNG THƯ ĐƯỜNG MẬT

22/06/2024 - 03:37

Ung thư đường mật là gì?

Ung thư đường mật hình thành khi các tế bào trong đường mật bắt đầu phát triển mất kiểm soát và lấn át các tế bào lành. Các tế bào ung thư có thể lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Các tế bào ác tính trong đường mật đôi khi di chuyển đến phổi và phát triển ở đó. Điều này được gọi là di căn. Đối với bác sĩ, các tế bào ung thư ở vị trí mới giống như các tế bào từ đường mật.


Người bệnh nên đề nghị bác sĩ chỉ vị trí ung thư đường mật của mình trên hình này. 
Đường mật là gì

Đường mật (Ống mật) là những ống mỏng nối gan và túi mật đến ruột non. Chúng vận chuyển một chất lỏng được gọi là dịch mật. Dịch mật được tạo ra ở trong gan và túi mật, có vai trò giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn.

Phân loại ung thư đường mật

  • Ung thư đường mật trong gan xuất phát từ các ống mật nhỏ nằm trong gan.
  • Ung thư đường mật vùng rốn gan xảy ra ở các ống mật rời khỏi gan.
  • Ung thư đường mật đoạn xa xảy ra ở gần nơi ống mật đổ vào ruột non.

Bác sĩ chẩn đoán ung thư đường mật như thế nào?

Rất khó để phát hiện ung thư đường mật giai đoạn sớm, khi u còn nhỏ và chưa lan tràn. Vì các ống mật nằm sâu bên trong cơ thể, bác sĩ không thể nhìn thấy hay sờ thấy khi khám lâm sàng. Trong phần lớn thời gian, những khối u này không được phát hiện cho đến khi chúng gây ra triệu chứng khiến bệnh nhân phải đi khám.

Bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi về tình trạng sức khỏe và tiến hành khám lâm sàng. Nếu có các dấu hiệu hướng đến ung thư đường mật, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm.

Các triệu chứng của ung thư đường mật (https://www.shutterstock.com/vi/image-vector/sign-cholangiocarcinoma-bile-duct-cancer-1572858118)
 

Các xét nghiệm

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được dùng để giúp phát hiện mức bilrubin trong máu. Bilirubin là chất hóa học làm cho dịch mật có màu vàng. Các vấn đề ở túi mật, đường mật hoặc gan đều có thể gây tăng nồng độ bilirubin. Các xét nghiệm máu khác có thể đánh giá được chức năng hiện tại của gan.

Siêu âm: Xét nghiệm này thường được sử dụng đầu tiên để kiểm tra gan và đường mật.

Siêu âm nội soi (viết tắt là EUS): Xét nghiệm này sử dụng sóng âm để ghi lại hình ảnh bên trong cơ thể. Để thực hiện xét nghiệm này, một máy dò nhỏ được gắn ở đầu một ống mỏng đưa qua vùng họng vào dạ dày và sau đó vào đoạn đầu của ruột non. Bác sĩ sẽ hướng máy dò vào quan sát đường mật. Bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra có phải ung thư hay không.

Chụp CT hoặc CAT: sử dụng tia X để ghi lại hình ảnh bên trong cơ thể. Điều này có thể hiển thị hình ảnh rõ ràng của đường mật và các vùng xung quanh để xem ung thư đã lan rộng hay chưa.

Chụp cộng hưởng từ: Bác sĩ sử dụng xét nghiệm này để đánh giá kích thước và sự lan tràn của khối u. Các loại chụp cộng hưởng từ đặc biệt có thể được dùng để quan sát các cơ quan và mạch máu quanh đường mật.

Chụp đường mật: Xét nghiệm này giúp quan sát đường mật nếu chúng bị tắc, hẹp hoặc giãn. Xét nghiệm cũng được sử dụng để hỗ trợ lập kế hoạch phẫu thuật. Có nhiều loại chụp đường mật, mỗi loại có ưu và nhược điểm khác nhau.

Nội soi ổ bụng: Với phẫu thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng và có nguồn sáng vào ổ bụng qua một đường rạch nhỏ trên da. Một camera nhỏ gắn ở đầu ống cho phép bác sĩ quan sát túi mật và các cơ quan lân cận. Điều này giúp bác sĩ lập kế hoạch phẫu thuật hoặc lựa chọn các phương pháp điều trị. Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết u qua ống nội soi.

Sinh thiết: Bác sĩ lấy ra một ít mô hoặc một lượng tế bào để kiểm tra ung thư. Sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn bạn có bị ung thư hay không. Sinh thiết có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Hãy hỏi bác sĩ để biết bạn có thể được sinh thiết bằng phương pháp nào, mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng.

Ung thư đường mật có nghiêm trọng không?

Nếu bạn mắc ung thư đường mật, bác sĩ sẽ cần tìm hiểu bệnh đã lan rộng đến đâu, điều này được gọi là chẩn đoán giai đoạn. Bác sĩ muốn biết giai đoạn ung thư của bạn để quyết định phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Ung thư của bạn có thể được chẩn đoán ở giai đoạn 1, 2, 3 hoặc 4. Con số càng nhỏ, ung thư càng ít lan rộng.

Tôi cần được điều trị bằng phương pháp nào?

Hầu hết người mắc ung thư đường mật đều phát hiện ở giai đoạn muộn và điều trị khó khăn. Điều trị trong nhiều trường hợp không thể chữa khỏi mà chỉ giúp cải thiện các triệu chứng và làm chậm quá trình phát triển bệnh. Phương pháp chính để điều trị ung thư đường mật bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Kế hoạch điều trị tốt nhất cho bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào:

  • Hiệu quả của mỗi phương pháp điều trị
  • Tuổi bệnh nhân
  • Các vấn đề sức khỏe khác của bệnh nhân
  • Khả năng dung nạp với điều trị và các tác dụng phụ khi điều trị của bệnh nhân

Phẫu thuật

Phẫu thuật được sử dụng nhằm cố gắng lấy được tất cả khối u. Nếu ung thư đã lan rộng, phẫu thuật có thể sẽ không được áp dụng. Có nhiều cách thức thực hiện phẫu thuật. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để biết về cách thức phẫu thuật, mục tiêu phẫu thuật và kết quả mong đợi sau phẫu thuật.


Phẫu thuật nội soi đánh giá gan và đường mật để xác định mức độ lan tràn của bệnh trước khi phẫu thuật mổ mở (
https://catalog.nucleusmedicalmedia.com/surgical-removal-of-gall-bladder-with-damage-to-the-common-bile-duct/view-item?ItemID=8480)

Biến chứng của phẫu thuật

Phẫu thuật ung thư đường mật thường là một phẫu thuật rất lớn và có thể có nhiều nguy cơ và biến chứng. Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ để biết những điều có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật. Bệnh nhân cần cho bác sỹ biết những bệnh lý kèm theo mà họ đã có từ trước. Ngay cả trong những trường hợp tốt nhất, bệnh nhân vẫn có thể gặp các biến chứng phẫu thuật, bao gồm:

  • Rò vào ổ bụng
  • Nhiễm trùng
  • Chảy máu
  • Ăn uống khó khăn (có thể cần thuốc hỗ trợ)
  • Sụt cân
  • Suy gan

Xạ trị

Xạ trị (phối hợp cùng hóa trị) có thể được sử dụng khi ung thư lan quá rộng không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để giảm kích thước khối u trước khi phẫu thuật để có thể lấy bỏ hoàn toàn.

Xạ trị cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt bất cứ tế bào ung thư nào sót lại sau phẫu thuật. Xạ trị thường được sử dụng để giúp cải thiện các triệu chứng, ví dụ như làm giảm đau hoặc chèn ép do các khối u lớn.

Những tác dụng không mong muốn của xạ trị thường gặp nhất là:

  • Các thay đổi trên da khi xạ trị
  • Rất mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Sụt cân

Phần lớn các tác dụng phụ sẽ giảm dần sau khi kết thúc điều trị. Một số tác dụng phụ có thể tồn tại lâu hơn. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ điều trị để biết những điều có thể xảy ra sau xạ trị.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng các thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa chất được truyền vào cơ thể bệnh nhân qua đường tĩnh mạch vào máu và đi khắp cơ thể. Hóa trị được điều trị theo chu kỳ, giữa các chu kỳ bệnh nhân sẽ có một khoảng nghỉ để cơ thể phục hồi khỏi các tác dụng phụ. Bác sĩ có thể lựa chọn một hoặc nhiều loại hóa chất khác nhau. Hóa trị có thể được điều trị trước hoặc sau phẫu thuật, cũng có thể được sử dụng để giảm kích thước khối u và giảm các triệu chứng do khối u gây ra.

Tác dụng không mong muốn của hóa trị

Các tác dụng không mong muốn thường gặp bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Rụng tóc
  • Viêm miệng
  • Giảm các tế bào máu

Có nhiều phương pháp để điều trị phần lớn các tác dụng phụ của hóa trị. Bệnh nhân hãy trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị về các tác dụng không mong muốn mà họ gặp phải, để được xử trí kịp thời.

Các thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng của một loại thuốc mới hoặc một phương pháp điều trị mới trên người bệnh. Các nhà nghiên cứu sẽ so sánh xem phương pháp điều trị mới có hiệu quả hơn so với điều trị tiêu chuẩn hay không. Trong trường hợp bệnh nhân muốn tìm hiểu thêm về các thử nghiệm lâm sàng phù hợp với mình, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ về các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành tại bệnh viện hay phòng khám.

Các phương pháp điều trị “không chính thống”

Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bệnh nhân có thể nghe nói tới những phương pháp không chính thống để điều trị bệnh cũng như giảm triệu chứng. Các phương pháp đó có thể là các phương pháp điều trị chuẩn theo y học, vitamin, thuốc thảo dược, chế độ ăn kiêng đặc biệt và nhiều phương pháp khác. Một số phương pháp có thể có tác dụng hỗ trợ, nhưng phần lớn chưa chứng minh được hiệu quả. Một số không đem lại lợi ích cho người bệnh, thậm chí gây hại cho người bệnh. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ điều trị về tất cả các phương pháp họ có ý định sử dụng, kể cả vitamin, ăn kiêng hay bất kỳ thứ gì khác.

Theo dõi sau điều trị

Đối với ung thư đường mật, các phương pháp điều trị thường không thể chữa khỏi bệnh. Bệnh nhân có thể cần được điều trị và chăm sóc liên tục.  Bác sĩ sẽ  theo dõi chặt chẽ người bệnh dù không có triệu chứng gì. Hãy đi tái khám định kỳ đầy đủ. Trong những buổi tái khám, bệnh nhân sẽ được hỏi các triệu chứng, khám lâm sàng, xét nghiệm máu và nhiều xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính.
 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn:  https://www.cancer.org/cancer/bile-duct-cancer/if-you-have-bile-duct-cancer.html

Biên dịch: ThS.BSNT. Nguyễn Quốc Hùng, Khoa Nội 2, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

 

 

Bài viết liên quan