Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
1. Chẩn đoán ung thư vú
1.1. Triệu chứng toàn thân và thực thể
a. Triệu chứng toàn thân
Giai đoạn sớm triệu chứng toàn thân cũng không rõ ràng, bệnh nhân có thể mệt mỏi, ăn kém, sút cân nhẹ. Khi bệnh lan tràn di căn xa các triệu chứng tăng lên rõ rệt như mệt mỏi nhiều, sút cân nhiều, một số bệnh nhân có thể sốt nhẹ.
b. Triệu chứng thực thể
Triệu chứng tại chỗ, tại vùng:
* Khối u vú: khoảng 90% triệu chứng đầu tiên của bệnh UTV là có khối u ở vú. Vị trí thường gặp là ở ¼ trên ngoài. Giai đoạn sớm khối u nhỏ, dễ bỏ sót khi thăm khám lâm sàng, đặc biệt ở những bệnh nhân có tuyến vú to. Khối u thường cứng, chắc, giai đoạn đầu có thể còn di động, giai đoạn sau khi u xâm lấn ra xung quanh khối u có thể di động hạn chế hoặc không di động.
* Thay đổi da trên vị trí khối u: Dính da là một triệu chứng lâm sàng quan trọng giúp chẩn đoán ung thư vú. Khi khối u xâm lấn rộng ra da có thể gây đỏ nóng da vùng u, có khi đỏ nóng toàn bộ vú như trong ung thư vú thể viêm hoặc sần da cam.
Hình 1: Những triệu chứng tại chỗ của ung thư vú
* Thay đổi hình dạng núm vú: khi khối u gần núm vú, có thể xâm lấn gây dính, co kéo, lệch núm vú. Một số trường hợp UTV (Paget núm vú) gây loét núm vú, lúc đầu thường chẩn đoán nhầm là chàm.
* Chảy dịch đầu vú: một số bệnh nhân có thể đến thăm khám vì chảy dịch núm vú, thường là dịch máu, nhưng cũng có thể là dịch không màu, dịch nhày. Xét nghiệm tế bào học dịch từ núm vú có thể tìm thấy tế bào ung thư.
* Hạch nách sưng, đau: đôi khi hạch nách sưng to là triệu chứng đầu tiên phát hiện ung thư vú. Với bệnh nhân giai đoạn sớm có thể khám thấy hạch nách nhỏ, còn di động, không đau. Bệnh nhân đến với giai đoạn muộn hơn có thể sờ thấy nhiều hạch nách lổn nhổn, ấn đau.
1.2. Triệu chứng cận lâm sàng
Chụp X-quang tuyến vú (mammography), Siêu âm tuyến vú: Giúp phát hiện các tổn thương vú
Hình 2: Chụp X-quang tuyến vú (mamography)
Chụp cộng hưởng từ tuyến vú (MRI): Đánh giá kích thước, mức độ xâm lấn u
Chọc hút tế bào các tổn thương của tuyến vú bằng kim nhỏ (Fine Needle Aspiration- FNA), sinh thiết kim (core biopsy), phẫu thuật sinh thiết
X quang phổi, siêu âm bụng, CT ngực, CT bụng: đánh giá di căn gan, phổi…
Xạ hình xương: đánh giá di căn xương
PET-CT: giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương di căn mà CT hay MRI chưa rõ ràng
Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, đông máu cơ bản, Chất chỉ điểm ung thư vú CA15-3: có giá trị theo dõi và tiên lượng
Tiêu chuẩn đoán xác định ung thư vú là giải phẫu bệnh học.
Trên lâm sàng có thể chẩn đoán ung thư vú dựa vào ba tiêu chuẩn:
· Khám lâm sàng
· Tế bào học
· Chụp X-quang tuyến vú
Nếu một trong ba yếu tố này có kết quả nghi ngờ thì BN sẽ được tiến hành làm sinh thiết.
3. Điều trị
3.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng trong ung thư vú, giúp loại bỏ khối u. Có các phương phẫu thuật như cắt tuyến vú vét hạch nách, cắt tuyến vú tiết kiệm da, cắt tuyến vú bảo tồn quầng núm, phẫu thuật bảo tồn kết hợp với các kỹ thuật tái tạo.
- Tạo hình và tái tạo tuyến vú cho bệnh nhân UTV: đây là nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người bệnh trong những năm gần đây. Có nhiều biện pháp tạo hình, tái tạo tuyến vú như sử dụng chất liệu độn (implant), sử dụng các vạt da cơ có cuống hay vạt da cơ tự do với kỹ thuật vi phẫu. Việc chỉ định loại phẫu thuật này cần được đưa ra bởi bác sỹ chuyên ngành ung bướu sau khi đã có đánh giá tổng thể toàn diện các vấn đề liên quan đến tiên lượng bệnh ung thư và chất lượng sống của người bệnh.
- Phẫu thuật sạch sẽ, phẫu thuật triệu chứng: đối với giai đoạn muộn.
3.2. Điều trị toàn thân
- Hóa trị: là phương pháp điều trị quan trọng trong ung thư vú giúp tiêu diệt cá tế bào di căn còn sót lại sau phẫu thuật, hóa trị trước mổ giúp BN từ không mổ được trở thành có thể mổ được, hóa trị sau mổ có vai trò bổ trợ phòng tái phát di căn, hay hóa trị trong trường hợp ung thư vú tái phát di căn giúp kéo dài sự sống, giảm các triệu chứng cho người bệnh..
- Điều trị nội tiết: được áp dụng cho các trường hợp UTV có thụ thể nội tiết dương tính, thời gian điều trị có thể kéo dài 5 năm hoặc 10 năm. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả và ít tác dụng phụ.
- Điều trị đích: là phương pháp điều trị tiên tiến, các thuốc điều trị nhắm vào đích là tế bào ung thư do vậy rất ít tác dụng phụ, tuy nhiên giá thành còn cao do vậy nhiều BN còn chưa tiếp cận được. Các thuốc phổ biến như: Các thuốc kháng thể đơn dòng: Các thuốc kháng Her2 nếu Bệnh nhân có Her2 dương tính: Trastuzumab, Pertuzumab (Perjeta), Ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla). Thuốc ức chế enzym Tyrosin kinase: Lapatinib, Neratinib, Tucatinib. Thuốc kháng CDK 4/6: Palbociclib (Ibrance), Ribociclib (Kisqali), Abemaciclib (Verzenio), bệnh nhân có đột biến PIK3CA: Alpelisib, bệnh nhân có đột biến BRCA1, BRCA2: Olaparib, Talazoparib.
- Điều trị miễn dịch: là phương pháp dùng các thuốc tác động vào hệ miễn dịch của cơ thể, giúp hệ miễn dịch nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư, đây cũng là phương pháp điều trị tiên tiến và giá thành cao, nhiều BN chưa tiếp cận được, các thuốc điều trị như: Pembrolizumab, Atezolizumab. Hiện tại cả hai thuốc trên đều đã được áp dụng điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
3.3. Xạ trị
Xạ trị đóng vai trò bổ trợ trong ung thư vú giúp phòng tái phát tại chỗ, tại vùng sau phẫu thuật triệt căn, và xạ trị giảm đau, giảm chèn ép trong trường hợp tái phát di căn. Các phương pháp xạ trị bao gồm:
- Xạ trị chiếu ngoài tại diện u và hạch vùng
- Xạ trị áp sát: Cấy hạt phóng xạ vào khối u hoặc diện u trong các trường hợp không phẫu thuật triệt căn được hoặc bệnh lý kèm theo không thể phẫu thuật hay bệnh nhân nhất định từ chối phẫu thuật.
- Xạ trị trong mổ (Intraoperative Radiation Therapy: IORT): IORT là một kỹ thuật đặc biệt có thể cung cấp một liều xạ trị duy nhất, tập trung cao liều bức xạ tại nền khối u sau phẫu thuật hoặc phần còn lại của khối u không thể phẫu thuật được, các khối u tái phát, di căn.
- Xạ trị giảm đau, chống chèn ép: với BN ung thư vú tái phát di căn
Biên soạn: ThS.BS. Nguyễn Duy Khoa - Khoa Nội Vú, Phụ khoa, Đầu cổ Theo yêu cầu
Kiểm duyệt: TS.BS. Lê Thu Hà - Trưởng khoa Nội I