1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ GAN

22/06/2024 - 03:37

Ung thư gan là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Đây là loại ung thư mà các tế bào ác tính phát sinh từ các mô trong gan. Trong cơ thể chúng ta, gan có chức năng rất quan trọng giúp lọc các độc tố có hại khỏi máu. Thêm vào đó gan còn chịu trách nhiệm bài tiết mật, chất cần thiết trong quá trình tiêu hóa. Khi bị ung thư gan, chức năng gan suy giảm, điều này có tác động xấu đến cơ thể người bệnh. Khi mắc phải căn bệnh này, rất nhiều người bệnh và gia đình mắc phải tâm lý khủng hoảng, suy sụp, và coi mọi thứ xung quanh đều trở nên nhạt nhòa, vô nghĩa. Tuy nhiên, một trong những cách tốt nhất để làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp bảo vệ gan trước những tổn thương của thuốc điều trị, giúp người bệnh cải thiện thể lực, nhanh chóng hồi phục là duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý. Một chế độ dinh dưỡng đúng sẽ giúp làm giảm gánh nặng cho gan. Thêm nữa, nó còn tạo điều kiện để tái tạo tổ chức gan và ngăn ngừa sự huỷ hoại thêm tế bào gan.

CÁC NGUYÊN TẮC DINH DƯỠNG CỦA BỆNH UNG THƯ GAN
1. Trước khi truyền hóa chất: Người bệnh nên ăn uống như sau:
- Ăn tăng dần năng lượng, đầy đủ vitamin, muối khoáng, chất xơ.
- Ăn nhạt tương đối: muối 4-5g/ngày.
- Lượng nước đủ: 40ml/ kg cân nặng/ ngày, giảm nếu có phù, cổ chướng.
- Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh đầy bụng, dễ dung nạp thức ăn.
      Một số thực phẩm khuyến khích nên dùng:
- Tăng cường các thực phẩm giàu acid amin để giảm gánh nặng cho gan: ngũ cốc, các loại đậu, hạt, tảo biển, sữa…
- Bổ sung protein từ động vật theo tỉ lệ 1-1,2g protein/kg cân nặng từ: thịt bò, thịt gà, thịt lợn, trứng, sữa, cá… và protein từ thực vật như: đậu cove, đậu tương, giá đỗ, sữa đậu nành…
- Các thực phẩm giàu glucid như: gạo, miến, bún, phở, bánh mỳ, khoai củ…
- Các loại thực phẩm giàu omega3 như: cá hồi, dầu oliu, hạt điều, óc chó…
- Sử dụng các loại vitamin A, C, E, selen có khả năng chống oxy hóa như: cà rốt, cà chua, rau ngót, và các loại rau củ, quả nhuận tràng như khoai lang, đu đủ…
- Chất béo nguồn gốc thực vật như: dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu vừng…
- Ăn thức ăn nhuận tràng tránh táo bón: sữa chua, rau khoai, đậu bắp, rau mùng tơi… và uống nước đầy đủ.
- Dùng các loại đồ uống lợi mật, mát gan như: nhân trần, rau má, atiso…
      Thực phẩm không nên dùng:
- Tránh ăn các loại gỏi sống và đồ ăn tái.
- Mỡ động vật, các món xào, rán, quay, thịt hun khói…
- Dầu mỡ tái sử dụng nhiều lần.
- Những thức ăn lạ, dễ gây dị ứng; hải sản, cua, ốc…
- Các loại thực phẩm gây táo bón, thực phẩm có vị chát như: sung, chuối xanh, ổi, rau già nhiều xơ…
- Các loại thức ăn bị nấm mốc do bảo quản không đúng cách hoặc hết hạn sử dụng.
- Tuyệt đối không sử dụng nhứng chất kích thích như: rượu, bia, đồ ngọt có gas, thuốc lá…
2. Dinh dưỡng trong thời gian truyền hóa chất:
- Duy trì khẩu phần ăn cân đối, hợp lý (như lời khuyên chế độ ăn trước khi truyền hóa chất).
- Chế biến thực phẩm dạng luộc, hấp, ít mùi vị, mềm lỏng, dễ tiêu hóa.
- Kết hợp nuôi dưỡng bổ sung đường tĩnh mạch trong thời gian truyền hóa chất nếu cần thiết, theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
 
3. Dinh dưỡng sau ngày truyền hóa chất:
- Lựa chọn các nhóm thực phẩm tương đồng với thời gian trước truyền hóa chất.
- Tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp theo chỉ định của bác sĩ và cán bộ dinh dưỡng nhằm phòng tránh các tác dụng phụ của hóa chất như nôn, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, uể oải, sốt cao, hạ bạch cầu…
- Một số vấn đề thường gặp và cách khắc phục:
· Nôn, buồn nôn: ngậm gừng trước khi ăn 30p, chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp. Ăn thêm bánh mì nướng, bánh quy vào các bữa phụ để giảm cảm giác buồn nôn. Có thể dùng kèm thuốc chống nôn để đạt hiệu quả cao hơn, tuy nhiên phải theo chỉ định của bác sĩ.
· Đầy bụng, chướng bụng, ăn không tiêu: Bổ sung các loại nước cháo gạo, nước gừng, bổ sung thêm sữa chua vào bữa phụ.
· Chán ăn: chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, chế biến hợp khẩu vị người bệnh, đa dạng món và trình bày món ăn bắt mắt. Nên bổ sung thêm các sản phẩm dinh dưỡng cao năng lượng trong thời kỳ này
· Sốt cao: uống nhiều nước, đặc biệt các loại nước bù điện giải; tăng cường các thức uống nhiều vitamin C như cam, bưởi ép, sữa chua. Ăn các loại thức ăn mềm, lỏng như soup, bún, phở, cháo.  Sử dụng các gia vị có tính kháng khuẩn như tỏi, hạt tiêu, gừng, tía tô, rau diếp cá…
· Hạ bạch cầu: Không có bất kỳ loại thực phẩm nào làm tăng bạch cầu, người bệnh nên ăn sạch, uống sạch vì giai đoạn này người bệnh rất dễ nhiễm khuẩn. Một số loại thực phẩm có tính kháng khuẩn như rau diếp cá, rau húng quế, gừng,mật ong, tỏi, sả, tía tô…có thể thêm vào trong quá trình chế biến món ăn.
 
Người viết: CN.  Bùi Thị Kim Huế - Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế
Người duyệt: ThS.BS. Trần Châu Quyên - Phụ trách khoa Dinh dưỡng - Tiết chế