Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Câu 1: Bệnh nhân mắc ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính thì tiên lượng bệnh có tốt không?
Trả lời:
Trước tiên chúng ta cần hiểu ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính là như thế nào. Bình thường trên bề mặt của các tế bào vú khỏe mạnh có các thụ thể nội tiết là estrogen receptor (viết tắt là ER) và progesterone receptor (viết tắt là PR). Các nội tiết tố nữ bao gồm estrogen và progesterone giúp các tế bào vú khỏe mạnh phát triển và thực hiện chức năng bằng cách gắn kết với các thụ thể nội tiết này.
Các tế bào ung thư vú có các thụ thể nội tiết ER, PR trên bề mặt đáp ứng với tín hiệu tăng trưởng của các thụ thể nội tiết khiến tế bào ung thư vú tăng sinh. Khoảng 70% các trường hợp ung thư vú có các thụ thể nội tiết trên bề mặt được gọi là nhóm có thụ thể nội tiết dương tính và đáp ứng với liệu pháp nội tiết.
Căn cứ vào dữ liệu nghiên cứu thì nhìn chung ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính có tiên lượng tốt hơn với ung thư vú thể khác nếu được điều trị bằng liệu pháp nội tiết. Những bệnh nhân ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính có thời gian sống dài hơn so với các thể khác.
Tuy nhiên ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính còn được chia làm 2 nhóm: nhóm có HER2 dương tính và nhóm có HER2 âm tính. HER2 (Human epidermal growth factor receptor 2) là thụ thể của yếu tố phát triển biểu bì, có mặt trên các tế bào biểu mô vú khỏe mạnh và các mô khác với một nồng độ thấp. Khi các tế bào ung thư vú có sự bộc lộ quá mức của HER2 được gọi là ung thư vú có HER2 dương tính. Sự bộc lộ quá mức của HER2 sẽ gây tăng sinh và phát triển tế bào ung thư. Vì vậy cùng là ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính nhưng nhóm có HER2 âm tính tiên lượng sẽ tốt hơn nhóm có HER2 dương tính. Ngày nay với sự phát triển của các thuốc nhắm trúng đích thì những bệnh nhân ung thư vú có HER2 dương tính cũng có tiên lượng tốt hơn nếu được điều trị bằng các thuốc kháng HER2.
Ngoài ra, tiên lượng của bệnh nhân ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: tuổi bệnh nhân, giai đoạn bệnh, mức độ bộc lộ thụ thể nội tiết ER, PR…. Những bệnh nhân có mức độ bộc lộ thụ thể nội tiết ER, PR càng cao thì càng đáp ứng tốt với liệu pháp nội tiết và có tiên lượng tốt hơn.
Câu 2: Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính và đang điều trị bổ trợ bằng thuốc nội tiết uống kết hợp tiêm thuốc ức chế chức năng buồng trứng. Sau khi hoàn thành 5 năm tiêm thuốc ức chế chức năng buồng trứng, bệnh nhân có cần phẫu thuật cắt buồng trứng nữa không?
Trả lời:
Trong điều trị nội tiết bổ trợ ở bệnh nhân ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính chưa mãn kinh, có 3 phương pháp ức chế chức năng buồng trứng (hay còn gọi là cắt buồng trứng) là cắt buồng trứng bằng phẫu thuật, bằng xạ trị và bằng thuốc. Theo dữ liệu nghiên cứu thì hiệu quả của 3 phương pháp này là tương đương nhau. Tuy nhiên mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng. Cắt buồng trứng bằng phẫu thuật hay xạ trị là phương pháp cắt buồng trứng vĩnh viễn, thời gian điều trị ngắn, chi phí đỡ tốn kém nhưng chức năng buồng trứng không hồi phục, bệnh nhân phải chịu các nguy cơ biến chứng của phẫu thuật, gây mê, hay các tác dụng phụ của xạ trị. Cắt buồng trứng bằng thuốc là phương pháp cắt buồng trứng tạm thời, chức năng buồng trứng có thể hồi phục sau kết thúc điều trị, tuy nhiên bệnh nhân phải tiêm thuốc trong thời gian dài, chi phí điều trị cao. Việc lựa chọn phương pháp cắt buồng trứng tùy thuộc vào sự ưa thích của từng bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân được điều trị nội tiết bổ trợ với phương pháp cắt buồng trứng bằng thuốc thì thời gian điều trị là 5 năm. Đây là thời gian đã được nghiên cứu và chứng minh mang lại lợi ích cho bệnh nhân. Sau khi ngừng tiêm thuốc chức năng buồng trứng có thể sẽ hồi phục, đời sống sinh lý của bệnh nhân sẽ được trở lại bình thường, giảm được tác dụng phụ của tình trạng mãn kinh như đau xương khớp, khô da, gãy rụng tóc, các cơn bốc hỏa, …; chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ tốt hơn. Đây cũng là ưu điểm của phương pháp cắt buồng trứng bằng thuốc so với cắt buồng trứng bằng phẫu thuật và xạ trị. Vì vậy sau khi hoàn thành 5 năm tiêm thuốc ức chế chức năng buồng trứng, bệnh nhân không cần phẫu thuật cắt buồng trứng nữa.
Câu 3: Bệnh nhân đang điều trị nội tiết bổ trợ và mong muốn có con. Bệnh nhân có nên tạm dừng điều trị nội tiết để có thai không và việc dừng điều trị nội tiết có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị không?
Trả lời:
Theo dữ liệu hiện có từ các nghiên cứu, việc mang thai sau kết thúc điều trị ung thư vú không làm tăng nguy cơ tái phát bệnh ung thư vú. Nếu bệnh nhân muốn có con, một số bác sĩ khuyên bệnh nhân nên đợi sau kết thúc điều trị ung thư vú ít nhất 2 năm trước khi mang thai. Thời điểm tốt nhất để bệnh nhân mang thai sau kết thúc điều trị không rõ ràng, nhưng 2 năm được cho là khoảng thời gian để phát hiện bất kỳ sự tái phát sớm của bệnh ung thư, điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định mang thai của bệnh nhân.
Đối với phụ nữ bị ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính, thời gian điều trị bổ trợ nội tiết thường được khuyến cáo là 5 đến 10 năm. Những phụ nữ muốn có con trong thời gian này thường được khuyên điều trị nội tiết bổ trợ ít nhất 2 năm trước khi ngừng và có ý định mang thai và sau đó bắt đầu lại sau khi sinh con.
Hãy nhớ rằng lời khuyên về việc chờ đợi 2 năm không dựa trên dữ liệu từ bất kỳ nghiên cứu nào. Một số bệnh nhân ung thư vú vẫn có thể tái phát sau mốc 2 năm, hơn nữa việc gián đoạn lịch trình điều trị sẽ không đảm bảo được hiệu quả điều trị tối ưu. Chính vì vậy, bệnh nhân nên cân nhắc giữa mong muốn sinh con và việc từ bỏ điều trị, cái nào là quan trọng hơn. Việc đưa ra lời khuyên có nên từ bỏ điều trị để sinh con hay không thật là khó. Điều này phải dựa trên mong muốn thực sự của bệnh nhân và tình trạng bệnh ung thư vú của bệnh nhân như bệnh ở giai đoạn nào, độ tuổi nào, nguy cơ tái phát, tình trạng sức khỏe hiện tại ra sao, … Bệnh nhân phải thực sự khỏe và có tiên lượng sống thêm lâu dài thì mới nên có con.
Nếu bệnh nhân lo sợ việc chờ đợi sau kết thúc điều trị lâu thì tuổi sẽ quá cao khó sinh nở, thì bệnh nhân có thể chủ động dự trữ trứng trước điều trị và cân nhắc áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp. Bênh nhân nên xin ý kiến của bác sỹ điều trị ung thư và bác sỹ sản phụ khoa để được tư vấn chi tiết hơn về vấn đề này.
Câu 4: Bệnh nhân ung thư vú điều trị nội tiết, nhưng hàng tháng được cấp loại thuốc khác nhau như vậy có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị không?
Trả lời:
Hiện nay trên thị trường thuốc thế giới có nhiều loại thuốc nội tiết khác nhau điều trị ung thư vú và giá tiền cũng khác nhau, nhưng đều có chung thành phần dược chất. Tên thuốc nội tiết khác nhau là do đơn vị sản xuất khác nhau. Tùy thuộc đơn vị sản xuất là đơn vị nghiên cứu chế thuốc hay đơn vị mua lại bản quyền để sản xuất thuốc mà giá thành thuốc sẽ khác nhau.
Ở Việt Nam hiện nay cũng đang sử dụng hơn chục loại thuốc nội tiết khác nhau để điều trị cho bệnh nhân ung thư vú. Tất cả các thuốc này đều đã được Bộ Y Tế phê duyệt cấp phép và hiệu quả điều trị là như nhau. Vì vậy bệnh nhân có thể yên tâm điều trị.
Câu 5: Bệnh nhân điều trị thuốc nội tiết và bị đau nhức xương khớp có thể uống thuốc giảm đau được không? Có cách nào làm giảm tác dụng phụ này không?
Trả lời:
Đau xương khớp hay đau cơ là tác dụng phụ hay gặp ở bệnh nhân ung thư vú điều trị nội tiết. Tình trạng này là do giảm nồng độ estrogen gây ra và cũng là biểu hiện của những phụ nữ đã mãn kinh. Triệu chứng đau thường chỉ ở mức độ nhẹ và tạm thời. Tuy nhiên một số bệnh nhân có thể đau nặng và kéo dài. Cần xác định những nguy cơ khác có thể gây đau như di căn xương để điều trị đặc hiệu.
Bệnh nhân cũng cần được kiểm tra nồng độ Canxi và Vitamin nhất là nhwungx bệnh nhân đã mãn kinh. Tăng cường thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá … hoặc có thể phải bổ xung vitamin D và Canxi theo chỉ dẫn của bác sỹ. Một trong những nguyên nhân đau mỏi xương khớp cũng có thể do bệnh loãng xương thiếu canxi gây ra.
Bệnh nhân đau nhức xương khớp thông thường có thể sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu, xoa bóp, massage, bấm huyệt, châm cứu để giảm các triệu chứng đau. Ngoài ra một số bài tập thể dục như đi bộ, khiêu vũ, yoga cũng có thể làm tăng sự dẻo dai của hệ cơ xương khớp.
Nếu như tất cả các biện pháp trên đã áp dụng mà triệu chứng đau vẫn không được cải thiện, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì mới cân nhắc đến việc sử dụng thuốc giảm đau. Một số thuốc giảm đau có thể được sử dụng như paracetamol hay thuốc giảm đau chống viêm không steroid như ibuprofen. Tuy nhiên trước khi sử dụng thuốc giảm đau, bệnh nhân nên xin ý kiến bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng và các tác dụng phụ của thuốc giảm đau.
Nếu triệu chứng đau vẫn không cải thiện thì hãy thông báo với bác sĩ điều trị. Bác sĩ có thể sẽ phải cân nhắc cho bệnh nhân chuyển sang một loại thuốc nội tiết khác.
Câu 6: Bệnh nhân ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính, có quan hệ tình dục thì có làm tăng nội tiết hay không?
Trả lời:
Quan hệ vợ chồng không ảnh hưởng đến yếu tố làm tăng nội tiết trong cơ thể và không ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư. Bệnh nhân sau điều trị ung thư vú cần phải duy trì tinh thần tốt cũng như lối sống lành mạnh. Tăng cường thể dục, thể thao, ăn uống khoa học hợp lý, việc sinh hoạt vợ chồng cũng nên duy trì miễn là cơ thể cho phép. Cân bằng tâm sinh lý, quan hệ tình dục an toàn là việc tốt cho cơ thể. Luôn chú ý việc dùng các biện pháp bảo vệ để tránh việc có thai ngoài ý muốn trong quá trình điều trị ung thư.
ThS.BS. Trương Thị Kiều Oanh - Đơn nguyên Nội theo yêu cầu III