Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Tara Rajendran, MBBS, MFA, là bác sĩ, nhạc công và diễn giả TEDx. Cô có bằng cử nhân và bằng thạc sĩ về Saraswati veena, nhạc cụ quốc gia của Ấn Độ. Bác sĩ Rajendran hiện đang theo học tiến sĩ về âm nhạc cổ điển Ấn Độ tại Đại học Annamalai ở Ấn Độ. Cô là người sáng lập chương trình Oncology and Strings, một chương trình hòa nhạc nhằm thuyết trình vận động ủng hộ tầm quan trọng của việc kết hợp âm nhạc vào chăm sóc giảm nhẹ ung thư. Bạn có thể theo dõi bác sĩ Rajendran trên Twitter.
Ngày 5 tháng 10 năm 2021 · Tara Rajendran, MBBS, MFA
Một trong những ký ức đầu tiên của tôi là lúc tôi tròn mắt ngạc nhiên khi nghe thấy âm nhạc phát ra từ một chiếc radio lớn màu đỏ có thể làm giảm bớt nỗi đau, lo lắng và sự cô lập của bà tôi, người đang nằm liệt giường vì bệnh bạch cầu. Nhận thấy sự quan tâm của tôi đối với âm nhạc, chú tôi đã đăng ký cho tôi học âm nhạc cổ điển Ấn Độ, và trong 15 năm tiếp theo, tôi đã học được các nguyên tắc của giai điệu và nhịp điệu.
Nguồn ảnh: https://www.thinkkids.com/blog/music-therapy-and-autism
Ngày nay, âm nhạc là phương tiện sáng tạo mà tôi thường sử dụng để thể hiện bản thân trong lúc kiệt sức và lo âu. Tìm nơi trú ngụ trong nghệ thuật đã giúp tôi nuôi dưỡng khả năng phục hồi và kiên trì về mặt cảm xúc, những đặc điểm hữu ích cho công việc chăm sóc người bệnh ung thư của tôi.
Mối quan tâm của tôi đối với ung thư được khơi dậy trong năm thứ hai tại trường y và được củng cố trong năm cuối cùng với tư cách là thư ký cho những vị khách quốc tế thăm khám về huyết học/ung thư tại Trường Y Harvard, Trung tâm Ung thư Stanford và Bệnh viện New York-Presbyterian. Tôi đã gặp những người bệnh ung thư với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau về tình cảm, thể chất và xã hội.
Tim tôi thắt lại, hết lần này đến lần khác nhìn những người bệnh ung thư khóc bất lực trong phòng khám. Tôi thấy những thách thức mà người bệnh ung thư phải đối mặt có thể phức tạp và đa chiều như thế nào. Tại thời điểm này, người hướng dẫn của tôi đã gợi ý một cách sáng suốt rằng tôi nên khám phá sự giao thoa giữa âm nhạc và ung thư.
Trong quá trình này, tôi biết được rằng các biện pháp can thiệp tích hợp y học chuyên nghiệp và đáng tin cậy - bao gồm liệu pháp âm nhạc, mặc dù đơn giản, rẻ tiền, không xâm lấn, không độc hại và không cần dùng thuốc - nhưng lại không được áp dụng cho phần lớn người bệnh ung thư trên toàn thế giới. Điều này khiến tôi khởi động một loạt chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng y tế về nhu cầu triển khai các biện pháp can thiệp dựa trên âm nhạc trong việc chăm sóc người bệnh ung thư.
Là một phần trong nỗ lực vận động của tôi, đầu năm nay, tôi đã có một bài giảng trực tuyến và buổi hòa nhạc Saraswati veena cho một chương trình chăm sóc giảm nhẹ. Vào cuối buổi, một người bệnh ung thư đã đến gặp và nói chuyện cùng tôi với nụ cười rạng rỡ.
'Hãy để tôi nói cho bạn biết, Tara,' họ nói. 'Tôi đã lo lắng và lên cơn hoảng loạn vào sáng sớm hôm nay trong lần tái khám. Tôi từ phòng khám bác sĩ trở về nhà và sau đó đến tham dự sự kiện này. Tôi nghe nhạc của bạn, và nó làm tôi giảm đi 70% sự lo lắng. Thật nhẹ nhõm. Cảm ơn bạn!”
Tôi đã thực hiện chương trình vận động chính sách của mình trong 2 năm qua và những nhận xét từ người bệnh ung thư cũng như những người chăm sóc họ về việc âm nhạc của tôi đã tác động tích cực đến cuộc sống của họ như thế nào sẽ tiếp tục khiến hành trình của tôi trở nên có ý nghĩa. Những người bệnh ung thư thường có những nhu cầu về cảm xúc, tinh thần, thể chất và xã hội khác nhau trong suốt quá trình bệnh tật của họ. Nhưng tôi đã chứng kiến một giai điệu đơn giản có thể giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Ngày càng có nhiều bằng chứng về tác động của các can thiệp bằng âm nhạc trong việc giảm căng thẳng, cải thiện trí nhớ, tăng cường giao tiếp và thể hiện bản thân cũng như thúc đẩy phục hồi thể chất cho người bệnh ung thư. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2015 ở những phụ nữ trải qua phẫu thuật vú để chẩn đoán và điều trị ung thư cho thấy âm nhạc là một biện pháp can thiệp an toàn và hiệu quả có thể giúp kiểm soát sự lo lắng trước khi phẫu thuật.
Trong khi đó, đối với những người bệnh ung thư được cấy ghép tế bào gốc/tủy xương tự thân, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy liệu pháp âm nhạc có thể giúp họ kiểm soát cơn đau và một nghiên cứu năm 2003 cho thấy nó cũng có thể giúp cải thiện tâm trạng của họ.
Trong một nghiên cứu khác năm 2017, liệu pháp âm nhạc làm giảm đáng kể lo âu và rối loạn tâm lý ở những người bệnh ung thư trong quá trình làm xạ trị mô phỏng. Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy rằng can thiệp bằng âm nhạc có thể là một lựa chọn để giảm bớt tình trạng mệt mỏi kiệt sức liên quan đến ung thư ở những người đang điều trị hoặc đã hoàn tất điều trị.
Nguồn ảnh: The New York Times
Thêm vào đó, sự hiểu biết của chúng ta về tác động của âm nhạc lên cơ thể và tâm trí ngày càng mở rộng. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng âm nhạc giúp điều chỉnh nhịp tim, mạch và huyết áp của chúng ta. Theo nghiên cứu năm 2018, âm nhạc êm dịu cũng có thể làm giảm mức độ hormone căng thẳng cortisol .
Mặc dù các biện pháp can thiệp bằng âm nhạc không thể được sử dụng như một phương pháp điều trị độc lập cho người bệnh ung thư, nhưng với vai trò là một loại liệu pháp bổ sung, chúng có thể mang lại hiệu quả có lợi đối với các triệu chứng liên quan đến ung thư.
Nếu bạn quan tâm đến các dịch vụ trị liệu bằng âm nhạc chuyên nghiệp, hãy liên hệ với nhóm chăm sóc bệnh ung thư của bạn. Họ có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về các dịch vụ có sẵn cho bạn. Ngoài ra, trang web chính thức của Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Hoa Kỳ (AMTA) cung cấp danh mục trực tuyến về các nhà trị liệu âm nhạc được hội đồng chứng nhận, nơi bạn có thể tìm thấy các dịch vụ mà bạn đang tìm kiếm dựa trên sở thích, mục đích và nơi cư trú của bạn.
Cũng có nhiều cách để bạn có thể nhận được một số lợi ích của liệu pháp âm nhạc ngay tại nhà, đặc biệt nếu bạn sống ở một quốc gia hoặc cộng đồng nơi các dịch vụ trị liệu bằng âm nhạc chuyên nghiệp có thể không có sẵn. Để bắt đầu, tôi khuyên bạn nên tạo một danh sách phát gồm những bài hát mà bạn kết nối nhiều nhất và sử dụng danh sách đó để ôn lại những kỷ niệm vui vẻ.
Nghe danh sách các bài hát này một cách thụ động, chẳng hạn như phát làm nhạc nền trong ngày, hoặc chủ động, khi bạn dành thời gian cụ thể để tập trung vào âm nhạc và cảm xúc của mình. Bạn cũng có thể khám phá âm nhạc mới từ nền tảng kỹ thuật số và bổ sung nhiều bản nhạc hơn vào danh sách phát của mình theo thời gian.
Nếu bạn đã học cách chơi một nhạc cụ, tôi khuyên bạn nên chơi nó thường xuyên, miễn là bạn thấy quá trình này có tác dụng thanh lọc. Ngay cả những điều chỉnh nhỏ để tương tác nhiều hơn với âm nhạc cũng có thể mang lại lợi ích, chẳng hạn như hát to, ngân nga lời bài hát, vỗ tay, nhịp chân hoặc chuyển động nhảy múa đơn giản theo nhạc.
Bạn có thể bắt đầu từ từ; hãy thử chơi nhạc trong 15 đến 20 phút 3 lần một tuần. Hãy thoải mái điều chỉnh tần suất và thời lượng theo đuổi sự thể hiện sáng tạo của riêng bạn vì nó mang lại ý nghĩa và niềm vui hàng ngày cho bạn. Hãy nhớ rằng niềm hạnh phúc bạn tìm thấy trong quá trình này quan trọng hơn kết quả thể hiện nghệ thuật của bạn.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) www.cancer.net
Đường dẫn:
https://www.cancer.net/blog/2021-10/how-music-can-help-you-cope-during-cancer-expert-perspective
Biên dịch: ThS. Nguyễn Hà My, phòng QLCL-CTXH
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT&NCKH