1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

LO ÂU Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

Lo âu có thể được mô tả như cảm giác căng thẳng, bồn chồn hoặc lo sợ. Đó là một cảm xúc bình thường cảnh báo cho cơ thể để phản ứng lại với các mối đe doạ. Tuy nhiên lo âu với cường độ mạnh và kéo dài là một rối loạn có thể gây trở ngại cho các mối quan hệ và hoạt động hằng ngày của bạn.
 
     Lo âu cấp tính xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn và kết thúc nhanh chóng. Lo âu mạn tính thì tiếp diễn trong thời gian kéo dài.
     Các triệu chứng của lo âu có thể ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Một vài triệu chứng có thể tương tự như trầm cảm. Thông thường, điều này là do trầm cảm xảy ra song hành với lo âu.
a
1. Lo âu và ung thư
     Nhiều bệnh nhân ung thư trải qua các triệu chứng của lo âu. Một chẩn đoán ung thư có thể gây ra những cảm xúc như:
· Sợ hãi về điều trị hoặc tác dụng phụ của điều trị.
· Sợ hãi ung thư tái phát hoặc di căn sau khi điều trị.
· Lo lắng về sự bất định. Lo lắng về việc mất khả năng tự chủ.
· Lo lắng về sự thay đổi các mối quan hệ.
· Sợ hãi về cái chết.
     Sự lo âu có thể làm cho việc đối mặt với điều trị ung thư trở nên khó khăn hơn. Nó cũng có thể gây trở ngại cho việc ra quyết định liên quan tới chăm sóc và điều trị của bạn. Vì vậy, nhận biết và điều trị lo âu là một phần quan trọng trong điều trị ung thư.

2. Những triệu chứng của lo âu cấp tính
     Bạn có thể thường xuyên gặp những triệu chứng dưới đây trong thời gian ngắn. Một cơn hoảng loạn (panic attack) xảy ra khi một người bị tất cả các triệu chứng sau đây cùng một lúc:
· Cảm giác sợ hãi với cường độ mạnh hoặc khiếp sợ.
· Cảm giác thờ ơ với bản thân hoặc môi trường xung quanh.
· Hồi hộp hoặc nhịp tim nhanh.
· Tăng huyết áp.
· Đau ngực.
· Khó thở.
· Cảm giác ngạt thở.
· Vã mồ hôi.
· Ớn lạnh.
· Chóng mặt hoặc cảm giác lâng lâng.
· Run sợ.
· Buồn nôn, tiêu chảy, ợ nóng, hoặc chán ăn.
· Đau bụng.
3. Những triệu chứng của lo âu mạn tính
     Lo âu mạn tính có thể bao gồm các đợt lo âu cấp tính song hành cùng với một hoặc nhiều triệu chứng sau đây. Nó thường tồn tại trong thời gian dài:
· Lo nghĩ quá mức.
· Cảm giác bồn chồn.
· Căng cơ.
· Mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ hoặc tỉnh dậy giữa chừng.
· Dễ cáu gắt.
· Mệt mỏi.
· Khó tập trung.
· Do dự, gặp khó khăn khi đưa ra những quyết định.
     Hãy báo với bác sĩ hoặc nhân viên y tế khác nếu bạn có một trong những triệu chứng này. Tuy nhiên, chúng không nhất thiết là liên quan đến lo âu. Một vài triệu chứng có thể là do tác dụng phụ của ung thư hoặc điều trị ung thư. Ví dụ, mệt mỏi, mất ngủ, và khó tập trung là những tác dụng phụ phổ biến của ung thư và điều trị ung thư. Các bác sĩ sẽ cố gắng phân biệt và điều trị phù hợp.

4. Yếu tố nguy cơ của lo âu ở bệnh nhân ung thư
     Bệnh nhân ung thư có nhiều khả năng bị lo âu nếu có những yếu tố nguy cơ sau đây:
· Đã được chẩn đoán lo âu hoặc trầm cảm trước đây.
· Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm hay mắc bệnh lo âu.
· Thiếu sự hỗ trợ, quan tâm của bạn bè hoặc gia đình.
· Gánh nặng về tài chính.
 5. Tầm soát lo âu ở bệnh nhân ung thư
     Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) khuyến cáo nên tầm soát lo âu. Việc tầm soát nên được thực hiện khi mới chẩn đoán ung thư và lặp lại định kỳ trong suốt quá trình điều trị cũng như phục hồi.
     Các lời khuyên về điều trị sẽ tùy thuộc vào việc bạn có bao nhiêu triệu chứng lo âu, số lần xuất hiện và ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống của bạn.
     Mặc dù có thể là khó khăn để giải thích, hãy cố gắng truyền đạt những gì bạn đang cảm nhận cho nhân viên y tế. Điều này sẽ giúp họ chú ý đến sự lo lắng của bạn và lập ra kế hoạch điều trị. Hãy bảo đảm việc truyền đạt những việc sau đây:
· Cảm xúc của bạn.
· Nguyên nhân đặc biệt khiến bạn sợ hãi.
· Triệu chứng cơ thể (thực thể).
· Sự tác động của triệu chứng lên đời sống hằng ngày của bạn.
6. Những cách điều trị lo âu ở bệnh nhân ung thư
Có nhiều cách khác nhau để đối phó với lo âu. Nhiều phương pháp có thể được sử dụng cùng nhau. Trò chuyện với bác sĩ hoặc người tư vấn chuyên nghiệp để tìm ra lựa chọn tốt nhất.
a. Kỹ thuật thư giãn. Kỹ thuật thư giãn có thể được sử dụng đơn độc hoặc bổ sung vào các phương pháp điều trị khác. Một vài phương pháp sau đây có thể được thực hiện với hướng dẫn ngắn gọn. Những phương pháp khác có thể cần phải có sự giúp đỡ của người hướng dẫn.
· Hít thở sâu
· Giãn cơ. Đây là kỹ thuật bao gồm việc kéo căng và làm giãn cơ bắp. Bạn thường bắt đầu từ ngón chân hoặc đầu và tiếp đến là làm giãn cơ trên khắp cơ thể.
· Tưởng tượng theo hướng dẫn. Cách làm này sử dụng từ ngữ và âm thanh để giúp bạn hình dung ra những khung cảnh, những trải nghiệm và cảm xúc tích cực.
· Thiền định. Đây là cách luyện tập để tập trung sự chú ý vào một hướng nhằm đạt đến trạng thái tĩnh tại và giảm căng thẳng.
· Thôi miên.
· Phản hồi sinh học (Biofeedback). Cách này bao gồm chú ý và kiểm soát những tín hiệu từ cơ thể, chẳng hạn nhịp tim. Những tín hiệu từ cơ thể được đo đạc qua các cảm biến điện không đau gọi là những điện cực.
· Yoga. Cách làm này phối hợp hơi thở và những bài tập tư thế để thúc đẩy sự thư giãn.
 b. Điều trị tâm lý. Những chuyên gia sức khỏe tâm thần bao gồm nhà tư vấn, nhà tâm lý học, nhà tâm thần học. Họ cung cấp những công cụ để cải thiện kỹ năng, phát triển hệ thống hỗ trợ và uốn nắn những suy nghĩ tiêu cực. Những lựa chọn bao gồm điều trị cá thể, điều trị theo cặp hoặc theo gia đình, và điều trị theo nhóm. Ngoài ra, những nhà tâm thần học là những chuyên gia sức khỏe về tâm lý con người có thể kê đơn thuốc (xem bên dưới).
 c. Thuốc. Nếu bạn bị lo âu mức trung bình đến nặng, bác sĩ có thể dùng thuốc để điều trị. Nhiều loại thuốc khác nhau đang có bán trên thị trường. Bác sĩ sẽ chọn ra loại thuốc phù hợp nhất dựa trên những yếu tố sau:
– Nhu cầu của bạn
– Những tác dụng phụ tiềm ẩn
– Những thuốc khác đang dùng
– Bệnh sử
     Hãy nói cho bác sĩ về tất cả những thuốc liên quan đến ung thư và cả những thuốc bổ, thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng. Một vài thuốc có thể tương tác với những loại thuốc chống lo âu.
     Một số người cải thiện sau 2 tuần dùng thuốc. Tuy nhiên, thuốc thường cần từ 6-8 tuần mới có hiệu quả đầy đủ. Sử dụng thuốc có thể không đủ hiệu quả để trị lo âu, trừ khi phối hợp với điều trị tâm lý.
 d. Theo dõi
     Sau khi giới thiệu bạn với chuyên gia về tâm lý, bác sĩ ung thư sẽ có thể trao đổi với bạn về hiệu quả và tác dụng phụ của điều trị.
     Nếu những triệu chứng của lo âu không thuyên giảm sau 8 tuần điều trị:
· Xem xét lưa chọn cách điều trị khác, chẳng hạn như thử dùng thuốc hoặc đổi thuốc khác.
· Xem xét đưa thêm giờ tư vấn vào kế hoạch điều trị, nếu chưa làm.
     Bạn và bác sĩ có thể thảo luận về những phương án này sớm hơn nếu cần thiết.

Nguồn: Y học cộng đồng, cancer.net

 

 

 

 

Bài viết liên quan