Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Khi việc điều trị ung thư kết thúc, bạn bắt đầu bước sang một chương mới trong cuộc đời. Điều này có thể mang tới hy vọng và hạnh phúc, nhưng cũng có thể sẽ đi cùng cảm giác lo lắng và sợ hãi. Mỗi người có một cách riêng để đối mặt và học hỏi cách để kiểm soát những cảm xúc này. Việc này sẽ cần thời gian và trải nghiệm thực tế.
Có thể bạn sẽ lo lắng rằng bệnh ung thư sẽ tái phát và bạn thậm chí có thể sẽ đang nghĩ về cái chết và những ngày tháng cuối đời. Nỗi sợ hãi ung thư tái phát là rất phổ biến ở những người sống sót sau điều trị và đôi khi có thể trở nên khá trầm trọng ở một số người. Bạn có lẽ là người nhận thức rõ hơn ai hết về ảnh hưởng của ung thư với gia đình, bạn bè và sự nghiệp. Điều này có thể khiến bạn có cái nhìn mới về mối quan hệ của bạn với mọi người. Ngoài ra, những vấn đề không mong đợi khác cũng có thể khiến bạn lo ngại. Ví dụ, bạn có thể sẽ cảm thấy áp lực về tài chính do chi phí từ việc điều trị trước đó hoặc việc bạn ít gặp bác sỹ/nhân viên chăm sóc hơn so với khi điều trị khiến bạn có nhiều thời gian ở một mình hơn. Bất kỳ điều gì trong số đó đều có thể khiến bạn lo lắng.
Mặc dù một số người đã có sự chuẩn bị tốt cho cuộc sống của họ sau điều trị ung thư, nhưng việc được hỗ trợ từ những người khác bao giờ cũng có ích. Sự hỗ trợ có thể đến từ bạn bè, gia đình, cộng đồng tôn giáo, nhóm hỗ trợ, chuyên gia tư vấn v…v…
Quay trở lại cuộc sống “bình thường”
Bạn vừa trải qua một khoảng thời gian khó khăn, đã phải đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Cơ thể của bạn đã bị tổn hại do ung thư cũng như các phương pháp điều trị ung thư. Thế giới quan và lối sống của bạn đã thay đổi, ít nhất là trong một khoảng thời gian.
Thay vì mong đợi mọi thứ trở lại như cũ - như khi bạn chưa mắc bệnh, bạn nên dành thời gian cho bản thân, gia đình và những người xung quanh bởi điều này sẽ giúp vượt qua quãng thời gian này dễ dàng hơn. Giống như ban đầu, khi bạn cần thời gian để thích nghi với bệnh ung thư, bạn có thể thích nghi với cuộc sống sau ung thư.
Giữ thái độ tích cực
Việc nhìn mọi thứ theo hướng tích cực sẽ giúp bạn kiểm soát cuộc sống hiện tại cũng như tiền sử mắc ung thư của mình tốt hơn, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng khả thi. Rõ ràng bạn nên cố gắng để duy trì một thái độ sống tích cực bởi điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn về cuộc sống hiện tại. Nhưng bạn cũng cần nhớ rằng bạn không phải lúc nào cũng phải hành động “tích cực”, do vậy bạn không nên dằn vặt bản thân hoặc để người khác khiến bạn cảm thấy tội lỗi khi ở một thời điểm nào đó bạn không hành xử “tích cực” mà thay vào đó là cảm giác buồn bã, tức giận, lo lắng hoặc đau khổ.
Ung thư không phải do thái độ tiêu cực bạn gây ra và cũng không tiến triển nặng lên do suy nghĩ của bạn. Đừng để những lầm tưởng về việc luôn phải cố gắng duy trì thái độ tích cực ngăn cản bạn chia sẻ với những người thân yêu hoặc nhóm hỗ trợ về cảm giác của bạn.
Học cách sống chung với sự không chắc chắn
Bác sỹ nói rằng hiện tại bạn không có bất kỳ dấu hiệu gì của bệnh, nhưng bạn có chắc chắn về điều đó không? Bạn có thể tự hỏi….
· Liệu ung thư có tái phát không?
· Khả năng bệnh tái phát có cao không?
· Làm sao để nhận biết đưược khi bệnh tái phát?
· Tôi sẽ làm gì nếu bệnh tái phát?
· Khi nào thì bệnh tái phát?
Nỗi sợ hãi về bệnh tái phát bao trùm lấy bạn, khiến bạn khó ngủ, khó gần gũi bạn đời, và ngay cả những quyết định bình thường cũng trở nên khó khăn. Bạn không phải người duy nhất gặp phải những điều này.
Dưới đây là một số ý tưởng đã giúp những người từng trải qua trạng thái giống bạn bây giờ đối phó với sự không chắc chắn cũng như sợ hãi, và giúp họ cảm thấy hy vọng hơn:
• Bày tỏ cảm giác sợ hãi hoặc bất ổn của bạn với một người bạn đáng tin cậy hoặc chuyên gia tư vấn. Hầu hết mọi người đều thấy rằng khi họ bộc lộ những cảm xúc mạnh, chẳng hạn như sợ hãi, thì tốt hơn là cố gắng để những cảm xúc đó qua đi. Việc suy nghĩ và nói ra cảm xúc của bạn có thể sẽ khó khăn. Nhưng nếu bạn nhận thấy những suy nghĩ về ung thư đang ám ảnh và bao trùm cuộc sống của bạn, thì tìm cách bày tỏ cảm xúc của mình có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Tìm sự trợ giúp
Hỗ trợ về tinh thần có thể là một công cụ hữu hiệu cho cả những người bệnh sau thời gian điều trị ung thư và gia đình của họ. Trò chuyện với những người đang ở trong hoàn cảnh như bạn có thể giúp giảm bớt sự cô đơn. Ngoài ra việc tiếp nhận những ý tưởng hữu ích từ những người khác có thể sẽ giúp ích cho bạn.
Có nhiều loại chương trình hỗ trợ, bao gồm hoạt động tư vấn (cá nhân hoặc theo nhóm) và các nhóm hỗ trợ.
Hỗ trợ dưới những hình thức khác nhau cho phép bạn bày tỏ cảm xúc của mình và phát triển các kỹ năng ứng phó với bất ổn tâm lý. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tham gia vào các nhóm hỗ trợ có chất lượng cuộc sống được cải thiện tốt hơn, bao gồm cả việc có giấc ngủ ngon hơn và ăn ngon miệng hơn.
Các nhóm hỗ trợ
Có nhiều hình thức hoạt động các nhóm hỗ trợ khác nhau. Một số nhóm chính thức và tập trung vào việc tìm hiểu về bệnh ung thư hoặc ứng phó với bất ổn về cảm xúc. Những nhóm khác là không chính thức và nhóm giao tiếp xã hội. Một số nhóm chỉ gồm những người bị ung thư hoặc chỉ có người chăm sóc, trong khi một số nhóm lại bao gồm: vợ/chồng, thành viên gia đình hoặc bạn bè. Các nhóm khác lại tập trung vào một số loại ung thư cụ thể hoặc ung thư ở các giai đoạn bệnh khác nhau. Khoảng thời gian họp nhóm có thể dao động từ một số ngày trong tuần cho đến một chương trình diễn ra liên tục. Một số chương trình là nhóm kín (chỉ dành cho người đăng ký thành viên), những chương trình khác lại mở cho mọi người có thể tham gia.
Điều quan trọng là trước khi tham gia bạn cần nhận được đầy đủ thông tin về bất kỳ nhóm hỗ trợ nào mà bạn đang quan tâm. Hỏi trưởng nhóm hoặc điều hành viên về đối tượng bệnh nhân nào là thành viên của nhóm và có ai trong nhóm cũng đang có cuộc sống sau ung thư không.
Tham gia các nhóm hỗ trợ trực tuyến có thể là một lựa chọn khác. Có rất nhiều cộng đồng tốt trên Internet mà bạn cũng có thể tham gia, tuy vậy bạn cũng cần kiểm chứng trước khi quyết định tham gia một nhóm hỗ trợ trực tuyến.
Nhận tư vấn từ chuyên gia
Một số người cảm thấy tốt hơn khi có liên hệ trực tiếp với một chuyên gia tư vấn, người có thể dành cho bạn sự quan tâm và khích lệtrực tiếp. Bác sỹ điều trị hoặc điều dưỡng chăm sóc của bạn có thể giới thiệu một chuyên gia tư vấn chuyên về các vấn đề cuộc sống sau ung thư.
Tâm linh và tôn giáo
Tôn giáo có thể đem lại nguồn sức mạnh tuyệt vời cho một số người. Một số người tìm thấy đức tin mới kể từ khi mắc và điều trị ung thư. Những người khác nhận ra rằng việc mắc ung thư giúp củng cố đức tin vốn có với tôn giáo hoặc mang đến cho đức tin của họ một nguồn sức mạnh mới. Dẫu vậy vẫn còn những người khác sẽ tự hỏi bản thân về đức tin của họ.
Tâm linh quan trọng đối với nhiều người, ngay cả những người không theo một tôn giáo chính thức nào. Nhiều người cảm thấy được an ủi khi nhận ra rằng họ là một phần của điều gì đó vĩ đại hơn chính họ, điều này giúp họ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Thiền, thể hiện lòng biết ơn, giúp đỡ người khác và dành thời gian cho thiên nhiên chỉ là một vài trong số rất nhiều cách mà mọi người tìm đến để giải quyết nhu cầu tâm linh.
Điểm mấu chốt
Bạn hãy nhớ rằng bạn là một người đã sống sót sau khi mắc và điều trị ung thư, và bạn cũng nên nhớ một điều quan trọng: bạn là một trong số hàng triệu người người bệnh ung thư còn sống ở thời điểm hiện tại và thời gian sống thêm của ung thư không ngừng được cải thiện. Giống như hầu hết những người khác, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh và có một cuộc sống viên mãn theo cách riêng của mình sau điều trị ung thư với sự trợ giúp của bạn bè, người thân, gia đình và xã hội.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ
Biên dịch: ThS.BS. Lê Công Định – Khoa Nội tiêu hóa theo yêu cầu
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT & NCKH