Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Phổi là cơ quan nằm bên trong lồng ngực, giữ nhiệm vụ trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường bên ngoài. Phổi có tính chất đàn hồi, mềm và xốp giúp đưa khí oxy từ không khí vào tĩnh mạch phổi, đồng thời đưa khí cacbon dioxit từ động mạch phổi ra bên ngoài. Bên cạnh đó, phổi còn có một số chức năng thứ yếu như: giúp lọc bỏ độc tố trong máu, chuyển hóa các chất sinh hóa học. Phổi cũng là 1 cơ quan để lưu trữ máu của cơ thể.
Ung thư phổi hay ung thư phế quản phổi là bệnh lý ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang. Ung thư phổi là 1 trong những ung thư hay gặp ở cả nam và nữ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới, phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn.
Những người hút thuốc có nguy cơ cao bị ung thư phổi (80-85% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá). Bên cạnh đó, ung thư phổi cũng có thể xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo thời gian hút thuốc và số lượng điếu thuốc bạn đã hút. Nếu bạn bỏ thuốc lá, ngay cả sau khi hút thuốc trong nhiều năm, bạn có thể giảm đáng kể khả năng phát triển ung thư phổi.
Ung thư phổi được chia ra làm 2 loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 15% và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm khoảng 85%, tiên lượng và phương pháp điều trị 2 loại này hoàn toàn khác nhau.
Chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng lâm sàng (ho kéo dài, ho máu, đau ngực, khó thở, gầy sút cân không rõ nguyên nhân…), cận lâm sàng (X-quang phổi, CT lồng ngực, soi phế quản…) và kết quả giải phẫu bệnh sinh thiết phổi hoặc vị trí di căn ngoài phổi (hạch thượng đòn, gan, nách…)
Nguyên tắc điều trị ung thư phổi dựa vào thể trạng bệnh nhân, loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh, tình trạng đột biến gen, PDL1, PD1 và các bệnh lý mắc kèm. Điều trị ung thư phổi gồm phẫu thuật, xạ trị và điều trị nội khoa gồm: hóa chất, các thuốc kháng tăng sinh mạch, điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch và chăm sóc giảm nhẹ. Có thể điều trị đơn thuần một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau.
Trong điều trị nội khoa ung thư phổi, các thuốc hoá chất, thuốc đích hay miễn dịch đều có thể gây ra các tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị. Dưới đây là một số các tác dụng phụ có thể gặp.
1. Hóa trị:
Là phương pháp sử dụng các chất gây độc tế bào đưa vào cơ thể bằng đường tiêu hóa hoặc đường tĩnh mạch nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.
Các thuốc thường được sử dụng trong điều trị ung thư phổi là:
- Platium( Cisplatin, carboplatin)
- Taxan (docetaxel, paclitaxel)
- Etoposide
- Gemcitabin
- Pemetrexed
- Vinorelbine
Tác dụng phụ của hóa chất khác nhau tùy vào bệnh nhân, loại thuốc và liều dùng, cũng như tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Do hóa trị là sử dụng các chất gây độc hoặc gây chết tế bào để tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời cũng ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tế bào lành của cơ thể bao gồm: hệ tiêu hóa, hệ huyết học, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh dục… Cụ thể:
+ Các rối loạn về hệ tiêu hóa:
- Mệt mỏi, chán ăn: Là các triệu chứng thường gặp nhất, hầu hết các phác đồ điều trị hóa chất đều gây ra tình trạng mệt mỏi cho người bệnh. Bạn có thể cảm thấy người uể oải, lười vận động, chán ăn, ăn không ngon, nhanh đói hoặc nhanh no hơn bình thường. Nhưng các triệu chứng này sẽ tốt dần lên theo thời gian cho đến lần điều trị tiếp theo, việc của bạn là hãy vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, tạo cho mình những giấc ngủ ngắn, và có thể ngâm mình trong bồn tắm nước nóng mỗi ngày để thư giãn.
- Buồn nôn, và nôn: Do tác động của hóa chất lên niêm mạc đường tiêu hóa. Bạn có thể nôn nhiều đến 15 – 20 lần/ngày. Các thuốc hóa chất gây nôn nhiều (Cisplatin, vinorelbin..) Bác sĩ có thể sẽ kê cho bạn một số thuốc chống nôn như ondasetron, dexamethasone, primperan… Thay vì ăn 1 lượng lớn thức ăn trong 1 bữa, bạn có thể chia nhỏ các bữa ăn thành 5, 6 bữa trong ngày. Tránh các đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ có thể làm bạn khó chịu.
- Viêm loét miệng và thay đổi vị giác: Đây là một trong những tác dụng phụ hay gặp khi điều trị hóa chất do hóa chất có thể gây tổn thương tế bào bên trong miệng và họng dẫn đến tình trạng viêm niêm mạc miệng. Đây là nguyên nhân gây đau và hạn chế ăn uống cho người bệnh. Viêm khoang miệng thường xảy ra sau 5 tới 14 ngày sau hóa trị. Vết loét có thể bị nhiễm trùng. Hạn chế đồ ăn cứng, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh và vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý hoặc các sản phẩm hỗ trợ sẽ giúp giảm nguy cơ bị viêm loét miệng. Viêm loét miệng có thể khỏi hoàn toàn sau khi kết thúc điều trị.
- Tiêu chảy: Một số hóa trị có tác dụng phụ gây tiêu chảy hoặc đau bụng (biến chứng sau hạ bạch cầu). Sau truyền hóa chất 2-3 ngày, bạn có thể có cảm giác đầy bụng, đau quặn bụng từng cơn hoặc tiêu chảy sau cơn đau bụng. Thông báo với bác sĩ điều trị của bạn để có những biện pháp ngăn ngừa tiêu chảy hoặc điều trị sớm bằng các thuốc men tiêu hóa và bảo vệ niêm mạc sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng mất nước cũng như cũng giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe khác. Bệnh nhân nên tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, rau củ sống, thực phẩm dễ sinh hơi như các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm có quá nhiều gia vị, đồ uống có ga hoặc đồ uống quá nhiều đường.
- Táo bón: Hóa trị có thể gây ra triệu chứng táo bón cho bạn. Một chế độ ăn hợp lý, uống trên 2 lít nước mỗi ngày và vận động nhẹ nhàng có thể giúp bạn giảm nguy cơ táo bón khi điều trị.
- Tăng men gan: Các hóa chất có thể gây tăng GOT, GPT, GTT, Bilirubin, đặc biệt trên những bệnh nhân có bệnh lý gan kèm theo (xơ gan, viêm gan B, viêm gan C), hóa chất có thể làm nặng hơn những bệnh lý này.
+ Các rối loạn về máu: Giảm các dòng máu: bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu.
- Thiếu máu hay còn gọi là thiếu hồng cầu sẽ gây ra các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái.
- Thiếu bạch cầu: thường xảy ra vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 14 sau truyền hóa chất. Điều này rất nguy hiểm vì bạch cầu tham gia vào hàng rào bảo vệ cơ thể bạn khỏi các tác nhân từ bên ngoài (Vi khuẩn, virus, nấm). Giảm bạch cầu đồng nghĩa với việc cơ thể bạn suy giảm hệ miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt nguy hiểm nếu giảm bạch cầu kèm theo sốt. Bạn cần phải trao đổi với bác sĩ điều trị của mình để được xét nghiệm máu và điều trị càng sớm càng tốt.
- Thiếu tiểu cầu: Vì tiểu cầu tham gia hình thành cục máu đông nên khi tiểu cầu giảm, cơ thể bạn sẽ dễ bị bầm tím, xuất huyết như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nặng hơn là xuất huyết tiêu hóa (nôn máu và đại tiện phân đen hoặc lẫn máu) và xuất huyết não (nôn đột ngột khi thay đổi tư thế kèm theo đau đầu)
+ Tác dụng lên hệ thần kinh: Một số loại hóa chất (nhóm Taxans) sau khi sử dụng có thể gây đau, tê bì tay chân, run, hoặc mất thăng bằng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Các tác dụng này thường gặp sau 2-3 chu kỳ hóa chất.
+ Rụng tóc: Thông thường các loại hóa chất đều có thể gây rụng tóc. Rụng tóc thường bắt đầu sau vài tuần đầu tiên khi sử dụng hóa chất. Sau khi ngưng điều trị, tóc của bạn có thể mọc lại bình thường.
+ Hóa trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Đối với phụ nữ, đây là khả năng có thai và mang thai. Đối với nam giới, đây là khả năng thụ thai. Mệt mỏi do bị bệnh ung thư hoặc điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục. Các thuốc hóa chất cũng có thể gây hại cho thai nhi. Đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ, khi các cơ quan của em bé vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Bệnh nhân trong giai đoạn điều trị hóa trị nên tư vấn bác sĩ để lựa chọn biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả.
+ Một số loại hóa chất có thể ảnh hưởng đến tim mạch: một số hóa chất có thể gây tác động lên hệ tim mạch như làm rối loạn nhịp tim, suy tim. Bạn có thể gặp các triệu chứng đau tức ngực, khó thở, mệt do hóa chất gây ra. Điện tim và siêu âm tim nên được tiến hành trước khi điều trị hóa chất.
2. Điều trị nhắm trúng đích:
Đây là phương pháp sử dụng các thuốc tấn công và ngăn chặn các gen hay protein chuyên biệt – những phân tử đặc hiệu (hay còn gọi là các phân tử đích) được tìm thấy ở tế bào ung thư hoặc có liên quan đến sự phát triển của khối ung thư.
Các thuốc hay được sử dụng gồm:
+ Các thuốc kháng TKI – EGFR: Erlotinib, Gefitinib, Afatinib, Osimertinib
+ Các thuốc kháng TKI – ALK: Crizotinib, Ceritinib, Alectinib, Lorlatinib
+ Các thuốc kháng TKI – ROS1:Entrectinib, Crizotinib, Ceritinib…
Các tác dụng phụ khi sử dụng các thuốc đích hay gặp là:
- Phát ban:
Đây là triệu chứng thường gặp khi điều trị đích, đó là các nốt sần hoặc mụn mủ xuất hiện trên da hoặc niêm mạc kèm theo đau và ngứa. Vị trí thường gặp là đầu, mặt, ngực và lưng, đôi khi là nổi ban toàn thân. Đừng lo lắng nếu bạn gặp phải tác dụng phụ này, nếu bị nhẹ, bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn, sau đó sử dụng kem corticoid bôi tổn thương. Trong trường hợp nặng, xuất hiện mụn mủ, cần phải liên hệ với bác sĩ điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Viêm quanh móng :
Thường xảy ra muộn hơn so với nổi mẩn: từ 20 ngày đến 6 tháng sau khi được điều trị với EGFR TKIs. Bình thường, viêm quanh móng là tình trạng vô trùng nhưng rất dễ bị bội nhiễm. Khi bị viêm quanh móng, bạn cần tránh các sang chấn lên vùng bị tổn thương, ngâm tay, chân với các dung dịch sát khuẩn nhẹ: Nước muối sinh lý, DD Betadin pha loãng hoặc nước chè xanh để nguội. Nếu có tình trạng nhiễm trùng (chảy mủ) cần phải báo với bác sĩ điều trị để xứ lý kịp thời.
- Tiêu chảy: Là một tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng các thuốc kháng TKIs. Bạn có thể đại tiện phân nát hơn bình thường, số lần đại tiện từ 3-4 lần mỗi ngày thậm chí là đại tiện phân tóe nước. Khi gặp vấn đều này, bạn cần loại trừ các nguyên nhân gây tiêu chảy khác và sử dụng loperamid, orezole và các men tiêu hóa.
- Tăng men gan và tăng bilirubin máu: Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, ngứa và vàng da. Rất khó để bạn đánh giá xem mình có bị tăng men gan không ngoại trừ làm các xét nghiệm đánh giá. Một số thuốc hỗ trợ chức năng gan cũng được khuyến cáo sau điều trị các TKIs.
3. Điều trị miễn dịch:
Là sử dụng các thuốc kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.
Các thuốc miễn dịch hiện đang được sử dụng trong điều trị ung thư phổi là: Nivolumab, Pembrolizumab, Atezolimumab, Durvalumab.
Hầu hết các tác dụng không mong muốn của liệu pháp miễn dịch xảy ra trong 12 tuần sau khi sử dụng thuốc. Đa số các tác dụng phụ này có thể hồi phục sau khi ngừng thuốc, điều trị bằng corticoid và chăm sóc hỗ trợ.
Một số tác dụng phụ hay gặp là:
- Các tác dụng phụ trên da và niêm mạc: Đây là tác dụng phụ thường gặp trong điều trị miễn dịch, bao gồm: ngứa, nổi ban đỏ trên da và nổi mụn nước, mụn rộp trên da, viêm niêm mạc miệng, viêm kẽ móng tay, chân. Da của bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Hầu hết tác dụng phụ này có thể tự hồi phục khi ngừng sử dụng thuốc miễn dịch.
- Viêm phổi (viêm phổi kẽ): triệu chứng thường gặp là ho khan, đau tức ngực và khó thở. Rất khó để phân biệt viêm phổi thông thường hay viêm phổi do tác dụng phụ của các thuốc miễn dịch.
- Cường giáp, suy giáp và viêm giáp: Có thể xuất hiện sớm sau 1 hoặc 2 chu kỳ sau điều trị. Biểu hiện bằng tim đập loạn nhịp, giảm cân hoặc tăng cân bất thường, ra mồ hôi trộm, đói hoặc khát, rụng tóc, đau cơ, táo bón, chóng mặt hoặc ngất…
- Viêm ruột: Đau quặn bụng, tiêu chảy, hoặc đại tiện phân nhày máu. Hãy đảm bảo chế độ ăn hợp lý, giàu chất xơ, uống đủ nước mỗi ngày sau khi điều trị thuốc. Bạn có thể sử dụng một số thuốc là men tiêu hóa, men vi sinh và bảo vệ niêm mạc ruột.
- Viêm gan: Thường xuất hiện sau 2 chu kỳ điều trị miễn dịch. Triệu chứng thường gặp là: vàng da, chán ăn, mệt mỏi, ăn không tiêu, đau âm ỉ vùng mạn sườn phải. Cần làm xét nghiệm máu để xác định xem bạn có thực sự bị viêm gan hay không, và cần loại trừ các bệnh lý gan khác.
- Viêm tụy và tăng đường huyết. Có thể xuất hiện sau 2-3 chu kỳ điều trị, biểu hiện thường là chán ăn, gầy sút cân. Bạn cần được xét nghiệm đường huyết sau mỗi chu kỳ điều trị để được phát hiện và điều trị tăng đường huyết kịp thời.
- Viêm thận: Thay đổi số lượng và màu sắc nước tiểu (tiểu ít, nước tiểu vàng sậm hoặc có máu hoặc nước tiểu đục màu)
- Viêm tuyến yên: Có thể xuất hiện sau 4 tháng điều trị. Biểu hiện thường là cân nặng thay đổi bất thường, mệt mỏi, tiểu nhiều, táo bón, đau cơ, chóng mặt…
Các tác dụng không mong muốn của các thuốc điều trị miễn dịch gặp với tỷ lệ thấp và nhẹ, có thể tự hồi phục và dễ kiểm soát.
4. Các thuốc kháng tăng sinh mạch
Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các mạch máu mới. VEGF là một protein được sản sinh từ các tế bào ung thư, gắn với thụ thể trên tế bào lót thành mạch máu (tế bào nội mô) trong khối u, kích thích hình thành các mạch máu mới, đáp ứng cho nhu cầu phát triển và di căn của khối u ung thư.
Thuốc kháng VEGF là những thuốc ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới (nên còn được gọi là thuốc chống tăng sinh mạch máu) do ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), ngăn chặn sự phát triển của các khối u nên được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý ung thư.
Thuốc kháng tăng sinh mạch hay được dung trong ung thư phổi: Bevacizumab, thường được chỉ định điều trị kết hợp với hóa chất, đôi khi được chỉ định đơn trị liệu
Sự hình thành mạch máu rất quan trọng trong nhiều quá trình bình thường của cơ thể. Chính vì thế, những thuốc ức chế sự hình thành mạch máu có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như sau:
· Cao huyết áp
· Khô và ngứa da
· Triệu chứng chân-tay, làm da gan bàn chân và bàn tay trở nên dày và nhạy cảm.
· Tiêu chảy
· Mệt mỏi
· Giảm số lượng tế bào máu
· Khó lành vết thương
Một vài tác dụng phụ có thể phổ biến. Tuy nhiên, chúng không xảy ra với tất cả các loại thuốc hay với tất cả mọi bệnh nhân, hơn nữa đã có những thuốc hỗ trợ có thể làm giảm các tác dụng phụ này
Những tác dụng phụ rất hiếm gặp:
· Chảy máu nghiêm trọng
· Nhồi máu cơ tim
· Đột quỵ
· Rối loạn đông máu
· Gây thủng ruột
Tóm lại: Các biện pháp điều trị nội khoa Ung thư phổi (hóa chất, các thuốc kháng tăng sinh mạch, điều trị nhắm đích và điều trị miễn dịch) đều có thể gây ra các tác dụng không mong muốn trong quá trính điều trị. Các thông tin trong bài viết này nhằm mục đích giới thiệu cho bạn đọc biết thêm thông tin về các tác dụng không mong muốn trong điều trị ung thư phổi, nó không thể thay thế việc khám lâm sàng và kiểm tra của bác sĩ chuyên khoa. Lời khuyên trong trường hợp bạn gặp phải 1 trong các triệu chứng trên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị của bạn để được giúp đỡ.
Biên soạn: BS. Vũ Thị Minh Hương – Khoa Nội I
Kiểm duyệt: TS.BS. Lê Thu Hà – Trưởng khoa Nội I
Thiết kế: CNh. Vũ Thu Hương – Phòng QLCL-CTXH