Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất, đồng thời là loại ung thư gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo GLOBOCAN 2020, trên thế giới có khoảng 2,21 triệu ca mới mắc và 1,78 triệu ca tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, UTP cũng đứng hàng thứ 2 ở nam giới, đứng thứ 3 ở nữ giới với khoảng 26,262 ca mới mắc chiếm tỉ lệ 14,4% và 23,797 ca tử vong, chiếm tỉ lệ 19,4% trong tổng số ca tử vong do ung thư.
UTP được chia thành 2 nhóm chính, là ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm khoảng 80-85%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Điều trị UTP là điều trị đa mô thức, kết hợp giữa các phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh (phẫu thuật, xạ trị, hoá chất, nhắm trúng đích, miễn dịch).
Hiện nay nhờ các biện pháp truyền thông và sự phát triển của kỹ thuật y học, việc phát hiện và chẩn đoán ung thư sớm khiến tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn IV càng ngày càng giảm, bệnh nhân được phát hiện ra bệnh ở giai đoạn sớm hơn, giúp tăng tỉ lệ điều trị khỏi bệnh, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.
Tuy nhiên, khoảng 30% bệnh nhân khi được chẩn đoán UTP đã mắc ở giai đoạn III, trong khi ở giai đoạn III không mổ được thường tiên lượng kém hơn, bệnh nhân sẽ được điều trị triệt căn bằng phương pháp hoá xạ trị đồng thời. Hiệu quả của phương pháp này vẫn còn hạn chế, thời gian sống thêm bệnh không tiến triển (PFS) và tiên lượng sống thêm toàn bộ (OS) chưa được cải thiện.
Phương pháp điều trị trong hơn thập kỉ qua không có nhiều tiến bộ trong điều trị toàn thân cho đến khi nghiên cứu PACIFIC ra đời với điều trị củng cố miễn dịch sau hoá xạ đồng thời đã được báo cáo kết quả tại ESMO 2017 và được cập nhật tại ASCO 2021.
Phương pháp điều trị miễn dịch
Hệ miễn dịch của cơ thể có những cơ chế tự động chống lại sự phát triển và tăng sinh của tế bào ung thư. Trong đó có cơ chế miễn dịch thông qua tế bào bạch cầu lympho T. Tế bào bạch cầu T trong hệ miễn dịch có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên một số tế bào ung thư lại có khũ khí rất lợi hại là PD-L1 để thoát khỏi sự tiêu diệt của bạch cầu. PD-L1 là một protein trên màng tế bào ung thư, chất này có thể gắn kết lên PD-1 của tế bào bạch cầu T để làm bạch cầu T tê liệt, khiến không thể tiêu diệt tế bào ung thư.
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch durvalumab là một kháng thể đơn dòng immunoglobulin G1 kappa của người, thiết kế để ngăn cản gây độc tế bào qua trung gian tế bào phụ thuộc kháng thể, có khả năng bất hoạt tín hiệu ức chế qua PD-1, dẫn đến thúc đẩy sự hoạt hoá tế bào T từ đó tiêu diệt tế bào u.
Nghiên cứu PACIFIC
Thiết kế của nghiên cứu PACIFIC: lựa chọn các bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn III, không mổ được, chưa tiến triển sau phác đồ điều trị Hoá Xạ trị đồng thời có platinum.
Các bệnh nhân này (tổng số n=713) được lựa chọn ngẫu nhiên theo tỉ lệ 2:1 để phân chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 (n=476) được sử dụng durvalumab truyền tĩnh mạch liều 10mg/kg mỗi 2 tuần trong tối đa 12 tháng, nhóm 2 (n=237) được sử dụng giả dược 2 tuần/lần trong 12 tháng.
2 tiêu chí chính được quan tâm là thời gian sống thêm bệnh không tiến triển (PFS) và thời gian sống thêm toàn bộ (OS)
PFS
Kết quả PFS của nhóm BN được điều trị bằng durvalumab và nhóm sử dụng giả dược lần lượt là 17,2 tháng và 5,6 tháng. Tỷ lệ sống thêm không tiến triển trong 12 tháng là 55,7% so với 34,4%, tỷ lệ sống thêm không tiến triển trong 18 tháng là 49,5% so với 26,7%.
Kết quả báo cáo 2021 cho thấy tỷ lệ sống thêm bệnh không tiến triển trong 5 năm là 33,1% so với 19% giữa durvalumab và giả dược.
OS
Kết quả theo dõi 5 năm cho thấy thời gian sống thêm toàn bộ ở nhóm BN được điều trị durvalumab là 47,5 tháng so với nhóm giả dược là 29,1 tháng. Sau 5 năm, tỉ lệ còn sống giữa 2 nhóm lần lượt là 42,9% và 33,4% .
Phân tích lợi ích cả thiện PFS giữa các phân nhóm
Kết quả phân tích các phân nhóm cho thấy durvalumab có hiệu quả hơn ở tất cả các phân nhóm (tuổi, giới, tình trạng hút thuốc, giai đoạn bệnh, tình trạng đột biến gen, mức độ biểu hiện PD-L1).
Thời gian trung bình dẫn đến tử vong hoặc di căn xa là 23,2 tháng với durvalumab so với 14,6 tháng với giả dược.
Sự an toàn
Các biến cố ngoại ý do bất kỳ nguyên nhân và mức độ nào xảy ra ở 96,8% bệnh nhân dung durvalumab và 94,9% bệnh nhân dung giả dược. Các tác dụng phụ độ III, IV xảy ra lần lượt là 29,9% và 26,1%. Tác dụng ngoại ý cấp III, IV thường gặp nhất là viêm phổi (4,4% bệnh nhân ở nhóm durvalumab và 3,8% bệnh nhân ở nhóm giả dược). Biến cố viêm phổi đa phần gặp phải sau xạ trị hoặc do miễn dịch, phần lớn sẽ hồi phục và có thể tiếp tục điều trị. Ngừng điều trị do tác dụng ngoại ý xảy ra ở 15,4% bệnh nhân ở nhóm durvalumab và 9,8% bệnh nhân ở nhóm giả dược.
Kết luận
Durvalumab đã chứng minh được sự cải thiện có ý nghĩa thống kê và có ý nghĩa lâm sàng trong OS và PFS so với giả dược trong nghiên cứu PACIFIC.
OS sau 5 năm ở nhánh sử dụng durvalumab là 47,5 tháng và được 29,1 tháng ở nhóm sử dụng giả dược.
PFS trung vị là 17,2 tháng với durvalumab và 5,6 tháng với giả dược.
Sự cải thiện OS và PFS với durvalumab được chứng minh trên tất cả các nhóm bệnh nhân (bất kể PD-L1).
Duy trì durvalumab sau hoá xạ đồng thời có platinum là tiêu chuẩn trong điều trị UTPKTBN giai đoạn III, không thể phẫu thuật.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9015199/
2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu, Bộ Y Tế, Nhà xuất bản y học 2020.
3. NCCN guidelines (National comprehensive cancer network)
Biên soạn: BS. Mai Thị Hồng Quỳnh - Khoa Tổng hợp TYC - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Kiểm duyệt: TS.BS. Lê Thu Hà - Trưởng Khoa Nội I - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội