Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng
22/06/2024 - 03:37
Nhận chẩn đoán ung thư, quá trình điều trị kéo dài cùng với những đau đớn về thể chất, sự xáo trộn trong sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội có thể gây tổn thương tinh thần cho người bệnh ung thư và người thân của họ ở nhiều mức độ khác nhau. Khi có những bất ổn tâm lý, người bệnh ung thư và người thân thường có xu hướng chịu đựng và tự xử lý mà ít khi tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, những bất ổn tâm lý này nếu không được xử lý đúng và phù hợp, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là những chia sẻ nhằm giúp bạn và người thân hiểu rõ hơn về bệnh ung thư, về những bất ổn tâm lý mà bạn đã, đang hoặc sẽ trải qua, những lời khuyên có thể sẽ giúp bạn tìm lại được chính mình và làm chủ cuộc sống.
Hiểu đúng về bệnh ung thư
Một số câu hỏi mà người bệnh thường đặt ra khi họ nhận được chẩn đoán ung thư như: “Liệu có thể có nhầm lẫn trong chẩn đoán không?”,“Bệnh của mình liệu có thể chữa khỏi?”, “Mình còn sống được bao lâu ?”, …vv. Trạng thái hoang mang, lo lắng cùng với những định kiến sai lầm về ung thư có thể khiến nhiều người bệnh và/hoặc người thân từ bỏ điều trị tại bệnh viện và tìm đến các phương pháp điều trị không chính thống. Điều này có thể dẫn đến người bệnh bị mất đi cơ hội tốt nhất để được điều trị đúng và kịp thời, rồi quay lại bệnh viện khi bệnh đã trở nên trầm trọng và/hoặc cơ thể đã suy yếu không còn khả năng điều trị đặc hiệu, “tiền mất, tật mang” một cách đáng tiếc. Điều tốt nhất bạn nên làm lúc này là đến cơ sở chuyên khoa điều trị ung thư, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia y tế để có thể nhận được những thông tin về bệnh của mình một cách đầy đủ và đáng tin cậy nhất. Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng mà bạn và người thân nên chuẩn bị khi trao đổi với bác sỹ:
Tôi có bị ung thư hay không?Tôi bị bệnh ung thư gì?
Bệnh của tôi ở giai đoạn nào?
Tiên lượng bệnh của tôi ra sao?
Bệnh của tôi có những phương pháp điều trị như thế nào?
Lợi ích và rủi ro của việc điều trị?
Chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt trong và sau điều trị ra sao?
Kinh phí điều trị như thế nào?
Tôi nên làm gì để cảm thấy tốt hơn?
Những thông tin bác sỹ đưa ra ban đầu đôi khi chỉ mang tính tương đối vì các vấn đề như: đáp ứng điều trị, tiên lượng bệnh, phản ứng không mong muốn, vv… phụ thuộc vào từng người bệnh cụ thể và có thể thay đổi trong quá trình điều trị. Ngoài việc trao đổi trực tiếp với bác sỹ, bạn có thể tìm hiểu thêm trên các website chính thống và đáng tin cậy như https://benhvienungbuouhanoi.vn/kien-thuc-ung-thu-1/, https://yhoccongdong.com/chude/ung-thu/, ...vv, và đừng ngần ngại khi trao đổi với bác sỹ những vấn đề liên quan đến bệnh của bạn, đến quá trình điều trị của bạn mà bạn chưa hiểu rõ. Quyết định điều trị cuối cùng hoàn toàn thuộc về bạn và người thân sau khi đã nhận được thông tin đầy đủ và chính xác từ bác sỹ. Có được kiến thức đúng là chìa khóa để mở ra những lựa chọn đúng.
Thấu hiểu bản thân
Việc mắc ung thư đồng nghĩa với việc sức khỏe về thể chất bị ảnh hưởng, sức khỏe tinh thần bị tổn thương và các mối quan quan hệ xã hội ít nhiều bị xáo trộn. Dù bạn là nam hay nữ, cao tuổi hay ít tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội của bạn là gì thì việc trở thành người bệnh ung thư thường sẽ là một cú sốc lớn với bạn và người thân, một bước ngoặt có thể khiến nhiều thứ trong cuộc đời bạn thay đổi. Với hầu hết người bệnh, sự thay đổi này thường mang tính chất tiêu cực và thường rất khó chấp nhận, nhất là trong thời gian đầu sau khi nhận chẩn đoán.
Có một sự thật mà đôi khi chúng ta bị lãng quên đó là sự lo lắng, thất vọng hay đau khổ là một trong những trạng thái tâm lý bình thường mà một người khi nhận chẩn đoán ung thư sẽ trải qua, và đó là những cảnh báo tâm lý quan trọng để bạn biết rằng tinh thần, thể chất của mình đang bị tổn thương và cần được chữa lành. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cần tôn trọng cách cơ thể xử lý tổn thương, việc cố gắng tự trấn an một cách gượng ép rằng “mình không sao đâu”, “chuyện này rồi sẽ qua nhanh thôi”…có thể khiến não bộ của chúng ta bỏ qua một giai đoạn trung gian quan trọng trong quá trình nhận biết và chữa lành thương tổn, khiến những rối loạn về tâm lý có thể trở nên trầm trọng theo thời gian. Trong tâm lý học, trạng thái “tích cực” này còn được gọi là “tích cực độc hại” (toxic positivity)- là tình trạng một người quá tập trung theo đuổi những suy nghĩ tích cực dẫn đến sự không chấp nhận, đánh giá thấp, xem thường những cảm xúc thật của con người.
Nếu bạn thấy mình đang trải qua những cảm xúc mà bạn cho rằng “không được tích cực” thì thay vì né tránh, bạn nên thấu hiểu và chấp nhận nó như một điều tự nhiên và không thể tránh khỏi. Chấp nhận không có nghĩa là bạn sẽ sống mãi với những cảm xúc tiêu cực ấy, mà thấu hiều và chấp nhận là bước đệm cho hành trình “lạc quan giữa bi kịch” (trajic optimism): sẵn sàng tìm kiếm ý nghĩa tích cực từ những điều tiêu cực.
Nhận sự trợ giúp của người thân
Mắc ung thư có thể khiến người bệnh mất tự tin (do ngoại hình không còn như xưa, cảm giác mình là gánh nặng cho gia đình, vv..), có xu hướng thu mình lại và chịu đựng trong im lặng. Điều này có thể dẫn đến những bất ổn tâm lý vốn có trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, thay vì sống trong thế giới mà chỉ có bạn và ung thư, bạn hãy chia sẻ cảm xúc với những người bạn thực sự tin tưởng. Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn hơn khi xung quanh bạn có những người thật sự yêu thương, quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Với người thân, việc động viên người khác đúng cách không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mặc dù đều xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng nhưng những lời động viên quá chung chung, thiếu tinh tế hoặc không phù hợp, có thể vô tình làm người bệnh cảm thấy bị “áp lực” và tổn thương nhiều hơn.
Thay vì nói:... |
Nên nói:... |
“Đừng nghĩ về nó nữa, hãy vui vẻ lên” |
“Hãy kể về tâm trạng lúc này của bạn đi, tôi đang lắng nghe đây” |
“ Cố gắng ăn nhiều vào mới mau khỏe được” |
“Tôi có thể làm gì để bạn thấy dễ chịu hơn?” |
“Có chị A bị ung thư nhưng mạnh mẽ và lạc quan lắm” ..... |
“Mỗi người có một thế giới nội tâm và hoàn cảnh sống khác nhau, và đó là điều rất bình thường”. .... |
Lên kế hoạch và ưu tiên vấn đề quan trọng
Liệt kê những việc quan trọng trong đời, những mục tiêu mà bạn muốn thực hiện trước khi bắt đầu điều trị. Bạn nên chia sẻ những mục tiêu này với bác sỹ điều trị- người mà hơn ai hết sẽ cho bạn biết kế hoạch điều trị, phác đồ điều trị cũng như tình trạng sức khỏe trong thời gian tới. Mục đích cuối cùng là nhằm đảm bảo việc điều trị ung thư được thực hiện một cách tối ưu nhất, đồng thời những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống của bạn không những không bị bỏ lỡ mà còn được thực hiện trong trạng thái sức khỏe tốt nhất có thể.
Lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày, dành thời gian cho việc ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, uống đủ nước, vận động thường xuyên và giải trí phù hợp tùy theo tình trạng sức khỏe. Việc lên kế hoạch chi tiết không những là cơ sở để có sức khỏe thể chất dẻo dai mà còn giúp những suy nghĩ tiêu cực “không có thời gian” làm phiền tới bạn. Bạn nên nhờ tư vấn của bác sỹ điều trị để có chế độ sinh hoạt phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bạn.
Tham gia các nhóm hỗ trợ
Tham gia một nhóm hỗ trợ người bệnh ung thư trong bệnh viện hoặc ngoài cộng đồng có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Việc giao lưu và đồng hành cùng với những người bệnh ung thư khác trong cộng đồng–những người đã và đang có trải nghiệm về ung thư giống như bạn có thể sẽ mang lại cho bạn những kinh nghiệm tích cực về cách điều chỉnh bản thân để ứng phó tốt hơn với bệnh tật, cách vượt khó khăn khi cần đưa ra quyết định điều trị, các vấn đề phát sinh khác về gia đình, công việc, …Bạn cũng cần tìm hiểu kỹ về các nhóm hỗ trợ trước khi quyết định tham gia để có lựa chọn phù hợp với bản thân và tránh tham gia vào những nhóm tuyên tuyền thông tin sai lệch hoặc lợi dụng để bán hàng chuộc lợi. Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, để có thông tin về các nhóm hỗ trợ bạn có thể trao với bác sỹ điều trị hoặc Phòng Quản lý chất lượng và công tác xã hội của bệnh viện (https://www.facebook.com/bvubhn ). Một số nhóm hỗ trợ người bệnh ung thư mà bạn có thể tham khảo như: Nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư của tổ chức Y học cộng đồng (https://www.facebook.com/hbuyhcd2017), Câu lạc bộ phụ nữ kiên cường dành riêng cho người bệnh ung thư vú (https://www.facebook.com/groups/1942654872508018), vv…
Viết nhật ký
Nếu trước đây bạn chưa có thói quen viết nhật ký thì đây là lúc bạn có thể thực hiện điều này. Viết nhật ký là khoảng thời tuyệt vời mà bạn được yên tĩnh để “trò chuyện” với chính mình mà không bị ai làm phiền. Việc ghi lại những cảm nhận của bản thân trong một ngày, một tuần và theo dõi xem số trang viết về cảm xúc tiêu cực và tích cực bạn thay đổi như thế nào theo thời gian có thể mang lại nhiều trải nghiệm thú vị khiến bạn ngạc nhiên trong hành trình điều trị của mình.
Tìm đến chuyên gia tâm lý
Những rối loạn về tâm lý sẵn có của một người thường có xu hướng trầm trọng hơn khi mắc ung thư. Khi bạn hoặc người thân gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe tâm thần như: rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện hoặc thậm chí là có ý định tự sát, …thì nên được điều trị bởi bác sỹ chuyên khoa tâm lý/tâm thần, những người có khả năng đánh giá và điều trị các bất ổn tâm lý từ vừa đến nặng bằng các liệu pháp tâm lý và thuốc phù hợp.
Biên soạn: ThS.BS. Lê Công Định - Khoa Nội Tiêu hóa Theo yêu cầu
Kiểm duyệt: ThS.BS. Nguyễn Thị Dùng - Khoa Nội Tiêu hóa Theo yêu cầu
Thiết kế: ThS. Nguyễn Hà My - Phòng QLCL-CTXH